Ðến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của huyện Thới Bình đạt 59,27 triệu đồng/người/năm, bằng 103,75% so với năm 2022. Trong phát triển kinh tế, huyện đặc biệt quan tâm nhóm đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, nhằm rút ngắn khoảng cách về chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
- Năm 2023, toàn tỉnh giảm 2.507 hộ nghèo
- Hiệu quả bước đầu của chương trình mục tiêu giảm nghèo
- Giảm nghèo “sâu địa bàn, sát đối tượng”
- Chuyển đổi nghề để giảm nghèo bền vững
Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: "Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được địa phương quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động thiết thực, thu hút sự hưởng ứng, đồng tình của Nhân dân. Qua đó, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế; nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững được triển khai rộng rãi đến người dân. Phong trào vận động quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, huy động quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ các trường hợp nhà bị sập, cháy hoàn toàn... đã trở thành nhiệm vụ hằng năm của Ðảng bộ và quân, dân huyện".
Trong năm 2023 có 12/12 xã, thị trấn đăng ký mô hình “Ấp, khóm xoá trắng hộ nghèo, cận nghèo”, với 47 hộ nghèo, 62 hộ cận nghèo. Ngay sau khi đăng ký, Mặt trận các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các tổ chức thành viên cùng cấp tuyên truyền, vận động các hộ nâng cao nhận thức, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Ðồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, cây giống, con giống, hướng dẫn phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, giới thiệu việc làm... nhằm giúp đỡ những hộ nói trên thoát nghèo bền vững.
Sản xuất lúa - tôm là mô hình kinh tế mũi nhọn ở địa phương.
Trong năm, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện và các xã xuất quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ vốn cho 204 hộ nghèo, với hơn 200 triệu đồng. Kết quả, có 7/12 ấp, khóm xoá trắng hộ nghèo, cận nghèo.
Huyện hiện còn 679 hộ nghèo, chiếm 1,90%; 762 hộ cận nghèo, chiếm 2,14%; không có hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách người có công.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục gắn phát triển kinh tế với giảm nghèo bền vững. Mục tiêu năm 2024, tập trung huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các ấp đặc biệt khó khăn, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng đầy đủ chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan.
Nghề đan đát góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn xã Tân Bằng.
Ông Tân Thanh Mộng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: "Ðể đạt được những mục tiêu đặt ra, địa phương sẽ thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo như: tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; trợ giúp pháp lý cho người nghèo...".
Ðịa phương sẽ xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn ấp đặc biệt khó khăn...
Văn Ðum