ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 24-5-25 08:44:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ký ức Dớn Hàng Gòn

Báo Cà Mau 56 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về trận B52 Mỹ rải thảm huỷ diệt gần 2 cây số kinh Dớn Hàng Gòn ngày 11/9/1969 (âm lịch) gây biết bao đau thương, tang tóc vẫn còn được người dân nơi đây lưu giữ để nhắc nhớ về giá trị của hoà bình, thống nhất cho thế hệ sau. Chúng tôi tìm gặp những nhân chứng để kể lại chuyện xưa, không phải để khơi lại nỗi đau, mà phác hoạ cho đầy đủ thêm diện mạo của đất và người Khánh Lâm anh hùng.

Bia căm thù Dớn Hàng Gòn.

Bia căm thù Dớn Hàng Gòn.

Ðám giỗ chung của 65 người

Ông Huỳnh Văn Chiến, hiện là dân Ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, nay đã 83 tuổi, nhân chứng của sự kiện máy bay B52 đánh bom tại Dớn Hàng Gòn, thuật lại: “Tầm hơn 4 giờ sáng 11/9/1969 tính theo lịch âm, 3 đợt B52 liên tục lao tới trút bom, không một ai trở tay kịp. Bom trúng tuyến dân cư hai bên bờ kinh Dớn Hàng Gòn, thuộc địa bàn Ấp 3 bây giờ, khiến 65 người chết, hàng trăm người bị thương. Có mấy gia đình không một ai sống sót, đau đớn hơn, nhiều người không tìm lại được thi thể để chôn cất”.

Chưa dừng lại ở đó, sáng sớm, giặc dùng B57 tiếp tục trút bom cày xới khu vực này. Tiếp đó là trận đổ quân càn quét, ruồng bố với quy mô lớn của kẻ thù. Theo lời ông Chiến, sau trận bom B52, mọi thứ đều tan nát hết, tiếng oán khóc ngút trời. “Người chết chủ yếu là già cả, phụ nữ, trẻ em. Thi thể nhiều người không còn lành lặn vì trúng bom, ai chứng kiến cảnh đó cũng không thể cầm được nước mắt. Tội ác của giặc kinh hoàng quá”, giọng ông Chiến như nấc nghẹn.

Hằng năm, vào ngày 11/9, dân Khánh Lâm tề tựu về Bia căm thù tại Dớn Hàng Gòn để làm đám giỗ chung cho 65 người đã chết trong trận bom năm ấy. Sau đó, hầu như cả đoạn kinh, hai bên bờ dài 2 cây số, nhà nào cũng tổ chức đám giỗ riêng để tưởng nhớ người thân. Ông Lưu Khắc Huy, dân Ấp 3, chia sẻ: “Mỗi dịp giỗ tại Dớn Hàng Gòn, những câu chuyện về chiến tranh lại được nhắc nhớ để thế hệ sau biết được những đau thương, mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước và tội ác của giặc gây ra ở xứ sở này; để những người hôm nay hiểu hết giá trị của cuộc sống hoà bình, ấm êm, hạnh phúc và sống xứng đáng với ông cha”.

Biến đau thương thành sức mạnh, đất và người Khánh Lâm lại cùng nhau kề vai sát cánh đánh đuổi giặc thù. Ông Chiến kể: “Có nhiều người Dớn Hàng Gòn mất đi người thân, cắt máu ăn thề, đội khăn tang để tham gia kháng chiến, quyết đền thù nhà, nợ nước. Xung quanh Khánh Lâm dày đặc đồn bót, giặc biết đây là căn cứ địa cách mạng nên dùng đủ mọi thủ đoạn, âm mưu ác độc nhất, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất hòng triệt tiêu, nhưng đâu có được. Chúng muốn “Nhổ cỏ U Minh”, nhưng chính tại nơi đây, đất và người U Minh đã cho chúng biết thế nào là thất bại ê chề, nhục nhã. Ngày toàn thắng, quê hương hoà bình, đất nước thống nhất, bà con lại tề tựu về Dớn Hàng Gòn để làm một lễ giỗ chung cho những người đã khuất, báo tin chiến thắng, nỗi hờn căm đã dịu bớt phần nào”.

Ông Huỳnh Văn Chiến, 83 tuổi, nhân chứng sự kiện giặc Mỹ dùng B52 thảm sát người dân vô tội, kể lại ký ức bi hùng của quê hương.

Ông Huỳnh Văn Chiến, 83 tuổi, nhân chứng sự kiện giặc Mỹ dùng B52 thảm sát người dân vô tội, kể lại ký ức bi hùng của quê hương.

Tự hào quê hương Khánh Lâm

Ôn lại chuyện xưa, những bậc cao niên còn kể cho khách nghe nhiều điều lý thú về vùng đất Khánh Lâm. Ông Chiến tiết lộ, địa danh kinh Sáu Tiến là đặt theo danh xưng của thân phụ ông. Còn địa danh Dớn Hàng Gòn, là do hồi thời trước, một vị cố cựu về đây trồng 9 cây gòn rất lớn, vị này được bà con trong vùng gọi là ông Chín Cây Gòn. Ông Phạm Hồng Bé, dân Ấp 2, xã Khánh Lâm, tiết lộ thêm: “Kinh Dớn Hàng Gòn được đào bằng tay vào thời Pháp, sau đó, vì là vùng đất dớn phèn, lại có sẵn 9 cây gòn lão, gọi riết thì thành danh Dớn Hàng Gòn”.

Theo sử liệu, vào khoảng năm 1932, tên gọi Khánh Lâm chính thức định danh với tư cách một đơn vị hành chính cấp xã (Khánh An tách làm 3 xã: Khánh Lâm, Khánh An và Khánh Bình). Nhiều lần chia tách về địa giới hành chính, nhưng Khánh Lâm là cái tên được gìn giữ xuyên suốt. Ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cho biết: “Thời kháng Pháp, có câu “nhất Thới, tam Khánh” là nói về Thới Bình và Khánh An, Khánh Bình, Khánh Lâm. Ở đây không chỉ nói về địa danh, mà là truyền thống cách mạng anh dũng tuyệt vời, tiêu biểu của những vùng đất này trong kháng chiến ở Cà Mau”.

Từ năm 1972-1974, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy là Bí thư Khu uỷ đã lựa chọn Khánh Lâm là căn cứ của Khu uỷ và nơi đứng chân hoạt động khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Ông Lê Thanh Mãi, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Truyền thống cách mạng hào hùng, lịch sử vẻ vang của Khánh Lâm mãi mãi là niềm tự hào lớn lao của những thế hệ con người trên quê hương này. Khánh Lâm hôm nay đang trên đà đổi mới, phát triển mạnh mẽ, đời sống Nhân dân ngày càng sung túc, hạnh phúc, đó là cách để thế hệ hôm nay tiếp nối, tri ân với công lao, gởi gắm của tiền nhân”.

Theo dòng thời sự, thông tin Khánh Lâm vẫn giữ được “tên tuổi” và trở thành “xã lớn” sau khi sáp nhập, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo dự kiến đã được công bố làm sôi nổi, hào hứng thêm câu chuyện. Ông Mãi tâm tình: “Bà con nghe có xã Khánh Lâm thì ủng hộ, mừng vui lắm. Bởi cái tên Khánh Lâm là hồn cốt, máu thịt đã thấm sâu vào huyết quản của mỗi con người nơi đây rồi”.

Mươi năm trước, khi về Khánh Lâm, chúng tôi nhớ hoài câu nói gan ruột của một vị lãnh đạo xã: “Xã anh hùng mà nghèo quá, người ta cười, mình mắc cỡ”. Quả tình khi ấy, ai cũng phải chạnh lòng khi nhìn vào một vùng đất bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, khởi đầu với muôn vàn khó khăn, rơi vào cảnh nghèo “nhất nhì” ở U Minh. Vậy mà hôm nay, sau 50 năm đất nước hoà bình, thống nhất, Khánh Lâm đang trỗi mình mạnh mẽ để viết nên biết bao điều tươi đẹp, hy vọng với một diện mạo nông thôn trù phú, sung túc, văn minh. Dòng kinh Dớn Hàng Gòn yên bình màu nước đỏ U Minh, nếp sống người dân quê hai bên bờ thơ thới, yên vui.

Chúng tôi định từ giã rồi, nhưng những bậc cao niên nơi đây còn kêu nán lại đôi chút để nhắn mấy lời tâm sự: “Bia căm thù Dớn Hàng Gòn bây giờ xuống cấp quá, đường đi vô cũng khó khăn, cây cầu giao thông nông thôn bên kia bờ nối qua bia cũng đã hư hỏng. Bà con nơi đây mong các cấp, các ngành quan tâm để trùng tu, tôn tạo, tạo điều kiện để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, để những người hôm nay không quên về ký ức bi hùng của quê hương này”.


Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh, địa điểm giặc rải bom thảm sát người dân ở Dớn Hàng Gòn đã được liệt kê, đưa vào danh mục cấp tỉnh đủ điều kiện để lập hồ sơ và công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Theo quy định hiện hành, cấp chính quyền địa phương là nơi trực tiếp đề xuất và phối hợp với đơn vị chuyên môn là Bảo tàng tỉnh để tiến hành các bước và hoàn thiện thủ tục để công nhận di tích. Đến thời điểm hiện tại, Bia căm thù Dớn Hàng Gòn vẫn chưa được xếp vào hệ thống các di tích đã được công nhận của tỉnh Cà Mau, đó là điều mà những người dân Dớn Hàng Gòn hết sức trăn trở, mong mỏi.


Phạm Hải Nguyên

 

Nhà báo - Anh hùng Trần Ngọc Hy khí tiết lưu danh

Hiếm có mảnh đất nào lại có truyền thống báo chí cách mạng đầy tự hào như ở Cà Mau khi có đến 3 nhà báo là liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND): Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy và Nguyễn Mai. Đó là những đại diện ưu tú nhất, thể hiện đầy đủ khí phách, tài hoa, tấm lòng tận hiến của những người làm báo Cà Mau với sự nghiệp cách mạng. Trong đó, Nhà báo - Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy đã để lại những dấu ấn sâu đậm, niềm tự hào lớn lao và cảm hứng dào dạt để những thế hệ người làm báo tiếp nối ở Cà Mau nghiêng mình ngưỡng vọng, tri ân và kế tục.

Tri ân một thế hệ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc

Cụm từ “Cán bộ đi B” được dùng để chỉ những cán bộ 2 miền Nam - Bắc với tinh thần tự nguyện đã vượt Trường Sơn tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1965-1975. Nửa thế kỷ trôi qua từ sau ngày giải phóng, những bộ hồ sơ, kỷ vật trước lúc lên đường của họ được thế hệ sau tìm kiếm, trao trả lại. Ðó là cả một sự nỗ lực và làm việc cao độ của đội ngũ những người làm công tác bảo quản, lưu trữ hồ sơ.

Tự hào xã anh hùng

Những ngày tháng Tư lịch sử, có dịp trở lại Hàm Rồng sẽ cảm nhận rõ sự đổi thay trên quê hương giàu truyền thống cách mạng này, nơi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

70 năm hành trình giữ biển

70 năm trước, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay.

Anh hùng của những anh hùng

Gọi Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang, Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), huyền thoại của tình báo Việt Nam, là "anh hùng của những anh hùng" cũng rất đúng và không hề tô hồng, ngợi ca. Bản thân ông Tư Cang cũng căn dặn chúng tôi rằng: “Hãy nói, hãy viết bằng sự thật lịch sử. Bởi chỉ cần nói thật, nói đúng về lịch sử của dân tộc ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thôi, thì đó đã là một câu chuyện phi thường”.

50 năm - Nhớ giờ phút này!

Thời điểm chuẩn bị giải phóng miền Nam, theo tinh thần nghị quyết của Quân khu 9 và Tỉnh uỷ Cà Mau: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, đến nửa tháng 4/1975, toàn bộ cứ điểm, đồn bót của địch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã bị tiêu diệt hoặc rút chạy, chi khu Rạch Ráng trơ trọi như một ốc đảo, sự chi viện từ tiểu khu An Xuyên bằng đường sông đã bị khống chế, đường bộ không có, duy nhất chỉ có trực thăng tiếp tế nhỏ giọt từ thức ăn đến nước uống. Hơn 400 tề nguỵ ở chi khu Rạch Ráng đang khốn đốn, hoang mang tột độ.

Tròn 50 năm tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng Cà Mau

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên đầu tháng 3/1975. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 theo tinh thần “Tấn công thần tốc như Nguyễn Huệ” mà đồng chí Lê Duẩn nói trong Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Ðảng.

50 năm nhớ ngày lịch sử vẻ vang

50 năm tôi được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no như ngày hôm nay.

Kỷ niệm về anh

Sau ngày đất nước toàn thắng và thống nhất, tôi từ miền Trung được chuyển về quê công tác. Mấy ngày ngồi trên xe đò từ Cố đô Huế trở về, trong đầu tôi hình dung biết bao hình ảnh về sự đổi thay của thị xã Cà Mau mà ngày tôi ra đi hơn 20 năm trước còn là một thị trấn khiêm tốn nằm ở tận cùng phương Nam Tổ quốc.

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...