Nhận thấy nghệ xà cừ (hay còn gọi là nghệ đỏ xà cừ) có tính dược liệu cao, nhiều công dụng hữu ích cho sức khoẻ, đồng thời nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, chị Lâm Hằng Ni, ngụ ấp Ông Bích, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, đã mày mò thực hiện mô hình làm tinh bột nghệ xà cừ. Sản phẩm này đã được chứng nhận OCOP 3 sao vào ngày 8/10 vừa qua.
- Khai mạc Sự kiện và Diễn đàn khởi nghiệp năm 2024
- Dự án “Mudbot - Clean - Giải pháp xanh cho dòng sông sạch” đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp 2024
- Khởi nghiệp tại quê nhà
Do gia đình ít đất sản xuất nên vợ chồng chị Ni luôn chăm chỉ lao động để vươn lên trong cuộc sống. Chị thu mua củ nghệ tươi ở địa phương, làm sạch rồi bán cho các chợ đầu mối. Tuy nhiên, quá trình thu hoạch, vận chuyển, nhiều củ nghệ bị gãy, làm giảm giá trị, ảnh hưởng đến thu nhập. Từ thực tế này, cùng với việc tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết được công dụng của tinh bột nghệ, ở địa phương chưa ai làm, thế là vợ chồng chị Ni tìm hiểu cách làm bột nghệ và áp dụng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cải tiến phương thức sao cho tối ưu nhất.
Hơn 8 năm sản xuất tinh bột nghệ, vào năm 2022, chị Ni mở rộng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nhật Huy. HTX có 8 thành viên, do chị Ni làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX.
HTX Nhật Huy cung cấp giống và đồng hành cùng nông dân từ chăm sóc đến thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Khánh Bình là vùng đất ngọt hoá với thổ nhưỡng phì nhiêu, cây trái xanh tốt quanh năm, thuận lợi cho phát triển vùng trồng nghệ xà cừ. Giống nghệ này sinh trưởng tốt, nhưng đầu ra chưa nhiều, nên từ khi có HTX Nhật Huy sản xuất bột nghệ và các sản phẩm từ nghệ đã thu hút nhiều hộ gia đình tham gia trồng nghệ. Ðến nay, HTX đã liên kết với 8 hộ dân trồng nghệ, diện tích 2 ha và giá bao tiêu đầu ra 6 ngàn đồng/kg.
Ông Lê Hoài Phil, ấp Ông Bích, chia sẻ: “Thấy đất trống của gia đình còn nhiều, cỏ dại mọc um tùm nên tôi tham gia HTX, tiến hành trồng nghệ xà cừ, vừa đỡ tốn công làm cỏ, vừa mang lại kinh tế cho gia đình. Hiện tại tôi trồng khoảng 0,1 ha, thời gian tới sẽ mở rộng diện tích trồng để thu lợi nhuận nhiều hơn”.
Chị Ni cho biết: “Tinh bột nghệ là sản phẩm tốt cho sức khoẻ, được thị trường ưa chuộng. Nhận thấy đất ở địa phương còn hoang hoá khá nhiều, trong khi lao động nhàn rỗi còn đông, từ đó, tôi quyết định sản xuất tinh bột nghệ, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời giúp chị em phụ nữ có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập”.
Nghệ xà cừ có nhiều tác dụng hữu ích cho sức khoẻ.
Tinh bột nghệ được làm từ củ nghệ tươi, sau khi sơ chế đem nghiền nát, loại bỏ bã và tách lấy tinh bột. Quá trình này giúp loại bỏ các tạp chất và tạo ra sản phẩm sạch hơn, giữ được dược tính nhiều hơn. Bên cạnh đó, tinh bột nghệ còn được sử dụng trong các phương thức làm đẹp. Xác định kinh doanh sản phẩm vì sức khoẻ nên từ khi trồng đến thu hoạch, chế biến đều được chị Ni đảm bảo thuần tự nhiên, an toàn, lành tính.
“Ban đầu từ ý tưởng của bản thân, sau đó chủ yếu học hỏi cách làm trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh tinh bột nghệ, HTX còn có sản phẩm bột nghệ làm gia vị, mứt nghệ mật ong. Ðể đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu và chất lượng sản phẩm, HTX tiến hành cung cấp giống cho bà con, đồng thời theo sát bà con trong quá trình chăm sóc đến thu hoạch”, chị Ni chia sẻ.
Ban đầu, việc sản xuất tinh bột nghệ của chị Ni cũng nhiều khó khăn vì làm hoàn toàn thủ công, đầu ra không nhiều. Ðược Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Khánh Bình hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chị Ni đã đầu tư mua máy xay, máy sấy và tiến hành sản xuất với quy mô lớn hơn, dần hoàn thiện mẫu mã, các giấy tờ hợp quy và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Quy trình tạo ra tinh bột nghệ rất kỳ công, tỉ mỉ, trung bình khoảng 40 kg nghệ tươi mới cho ra được 1 kg tinh bột nghệ thành phẩm. Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất của chị Ni cung cấp cho thị trường khoảng 50 kg tinh bột nghệ, giá 1 triệu đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, bao gồm cả thuê nhân công, HTX có thể thu được khoảng 35% lợi nhuận. HTX của chị Ni còn cung cấp cho các chợ đầu mối khoảng 1,5 tấn nghệ tươi/năm. Nhờ đó, HTX Nhật Huy tạo được việc làm thường xuyên cho lao động nông nhàn ở địa phương.
HTX Nhật Huy tạo việc làm thường xuyên cho lao động ở địa phương.
Chị Hồng Thị Như Ý, ấp Rạch Bào, xã Khánh Bình, chia sẻ: “HTX đã tạo việc làm ổn định cho chị em phụ nữ chúng tôi khi nhàn rỗi, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Hằng ngày, tôi dành vài giờ để đến HTX làm công đoạn sơ chế nghệ, công việc nhẹ nhàng, cho thu nhập ổn định. HTX gần nhà nên làm việc cũng thuận tiện, đỡ phải đi làm xa, có điều kiện chăm sóc gia đình. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiến hành đầu tư trồng nghệ, cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX, từ đó tăng thu nhập cho gia đình”.
Chị Lê Ngọc Tú, ấp Ông Bích, xã Khánh Bình, cho biết: “Các sản phẩm từ nghệ của HTX Nhật Huy sử dụng rất tốt, hợp vệ sinh, mẫu mã đẹp. Trước giờ tôi đều sử dụng sản phẩm của HTX, vừa dùng chế biến thức ăn, vừa sử dụng để bảo vệ, tăng cường sức khoẻ. Ðặc biệt đây là sản phẩm của địa phương và được chứng nhận đạt OCOP nên bản thân tôi rất tin tưởng, an tâm về chất lượng”.
Các sản phẩm từ nghệ xà cừ của HTX Nhật Huy đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi.
Các sản phẩm từ nghệ của HTX Nhật Huy không chỉ thuần tự nhiên từ khâu trồng trọt đến chế biến thành phẩm, mà còn hướng đến tái tạo xanh. Bởi trong quá trình sản xuất có thể tận dụng thân cây nghệ, bã nghệ sau khi ép lấy nước ủ thành phân bón hữu cơ, chăm lại cho đất, vun gốc cho cây nghệ non. Các sản phẩm này của HTX Nhật Huy đã đoạt giải Ba khu vực miền Nam, giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
“Hướng tới, nếu được hỗ trợ thêm về vốn, máy móc kỹ thuật, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất và ngày càng hoàn thiện chất lượng, mẫu mã để sản phẩm có thể vươn xa hơn nữa”, chị Ni tâm đắc./.
Quách Nguyên - Gia Minh