ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 17:09:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Son sắt nghĩa quê hương

Báo Cà Mau (CMO) Trên mảnh đất Tạ An Khương anh hùng, đi đâu cũng bắt gặp những con người, những tấm gương đã hy sinh một phần cuộc đời, có người là một phần thân thể, có người mãi mãi ra đi ở lứa tuổi đôi mươi vì sự nghiệp cách mạng.

Rồi chúng tôi được giới thiệu ghé thăm nhà ông Tám Tống (Nguyễn Viết Tống, thương binh hạng 2/4, ấp Mương Điều A), một trong những nhân chứng lịch sử của vùng đất này với những "ghi chú" kèm theo của Bí thư Đảng uỷ xã Tạ An Khương Phạm Thanh Liêm: “Chú Tám từng là Chủ tịch UBND xã Thành Điền, nay là Tạ An Khương, cố gắng khai thác nhé”.

Ông Tám Tống đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho công việc chung. Kề cận bên ông là người vợ hiền đã tảo tần nuôi 7 người con khôn lớn, vun vén cho kinh tế gia đình ổn định.         
Ở tuổi xế chiều, ông vẫn tâm niệm cái gì còn giúp được cho bà con thì cố gắng làm.    

Xe chạy dọc con lộ nông thôn mới khang trang, rẽ vào địa danh kênh Bồn Bồn làm chính những người con trở lại quê hương thổn thức. Trời đất ơi, cái kênh này cách nhà đâu có bao xa, mà hồi đó giờ mình chưa đi tới. Nghe đâu địa danh kênh Bồn Bồn có từ thời xưa, lúc nơi đây là minh thiên đồng năn, ráng sậy và phủ kín những con kênh nhỏ rặt cây bồn bồn.

Chủ tịch Hội CCB xã Tạ An Khương Tiêu Trường Hận giới thiệu tôi với ông Tám: “Dạ, đây là nhà báo, cũng là con em quê hương”. Ông Tám ngẩng lên hỏi: “Mấy đứa con cháu của ai?”. Khi tôi trả lời, ông à một tiếng: “Tưởng ai chớ chú biết hết tía má và bên nội của bây”. Ờ, cũng dễ hiểu, từ nhà nội ở sông Mương Điều vô đây chỉ vài cây số. Vả lại, nhà ông bà nội tôi hồi trước cũng là nơi nuôi chứa cán bộ, là cơ sở của cách mạng.

Lần nhớ lại những ký ức, ông Tám nói: “Tạ An Khương mình hồi trước nghèo lắm, chiến tranh liên miên, với lại bà con theo cách mạng, hy sinh mất mát nhiều sao kể xiết”. Bản thân ông, cuộc chiến đã cướp đi hơn 70% sức khoẻ, trước đó là người cha ruột và 2 người anh.

16 tuổi (năm 1964), thanh niên Nguyễn Viết Tống thoát ly gia đình theo cách mạng. Ở nhà là người mẹ, là 3 đứa em nhỏ dại. Những lời từ biệt, ông nói với mẹ: “Con đi để trả thù cho ba, cho anh, cho bà con mình”. Mẹ ông lặng lẽ tiễn ông, nước mắt chảy ngược vào trong. Hồi nhớ lại, ông kể: “Mới đi thì mình chỉ mong sớm được cầm súng đánh giặc, ai dè tổ chức đưa vô học y tế, cứu thương của huyện Tư Kháng. Học miết trong cứ, vì mấy chú, mấy anh nói mình còn nhỏ quá”. Những ngày đầu bỡ ngỡ, ông thường kể cho bạn bè, cho các chú, các anh chuyện đau thương của quê hương, gia đình mình với lòng căm thù sôi sục. Ý chí phấn đấu và sự can trường của thanh niên Nguyễn Viết Tống ngày ấy khiến ai cũng cảm phục.

Đến năm 1967, cuối cùng ông Tám cũng được cầm súng, sát cánh với anh em du kích xã Trần Phán bám đuổi giặc thù. Thành tích của du kích Trần Phán là một trong những nét son vàng của lịch sử huyện Đầm Dơi. Bám đồn, tiêu diệt sinh lực địch, chống nống càn, du kích xã Trần Phán phối thuộc với các đơn vị du kích xã bạn đã làm nản lòng hệ thống đồn giặc ken dày đặc với những tên ác ôn khét tiếng. Tết Mậu Thân 1968, du kích xã Trần Phán hồi hộp bước vào trận đánh lớn, nghe nhiều người nói “phong thanh” là giải phóng luôn miền Nam. Ông Tám nhớ lại: “Mình chỉ biết là đánh lớn, nhưng lớn cỡ nào thì sao mà biết được. Nhiệm vụ của du kích xã là nằm chiến hào, áp đồn, tiêu diệt sinh lực địch, tạo thế gọng kìm cho bộ đội chủ lực đánh trực diện. Một nhiệm vụ khác là đánh chặn chi viện địch, không cho chúng liên lạc với nhau”.

Trận đánh lớn này, giặc tổn hại lớn, tinh thần hoang mang cực độ nhưng vẫn đủ sức củng cố lực lượng và phản công. Mùng 8 Tết, du kích Nguyễn Viết Tống dính miểng đạn cối, đứt 9 khúc ruột, gần như hư một bên mắt. Được đồng đội khiêng về tuyến sau, ông Tám khóc: “Kiểu này sao đánh giặc tiếp được nữa”. Trong 2 tháng nằm điều trị vết thương, cô y tá Tiêu Thị Thuận, là đồng đội ở đơn vị quân y lúc trước đã ngày đêm kề cận, điều trị cho ông. Và rồi mối tình từ những ngày chiến tranh ác liệt khi ấy cho tới giờ vẫn còn nồng đượm. Có với nhau 7 mặt con, bà Tám nói: “Thấy ổng bị thương nhiều, mình đau giùm, còn ổng tỉnh bơ. Ổng chỉ có một khao khát là điều trị mau lành để tiếp tục đi đánh giặc”. Nhìn người vợ thuỷ chung, ông Tám cười: “Hồi đó bả gặp chú là mê muốn chết”…

Lành vết thương, ông Tám tiếp tục về hoạt động tại xã Trần Phán, phụ trách Chi đoàn ấp Thành Vọng. Năm 1970, ông tiếp tục tham gia du kích xã, lúc này địch đang ra sức thực hiện chính sách bình định, đồn bót thêm dày đặc. Dọc tuyến sông Mương Điều giặc cho lập các khu ấp chiến lược, dồn dân để cô lập “cá với nước”. Tổ chức bàn cho ông vào các khu ấp chiến lược, đứng chân ở vùng “da beo” để gầy dựng cơ sở. Ông Tám là một trong những người chứng kiến hết chính sách thâm độc của kẻ thù, sự kiên trung của người dân Đầm Dơi và cả những mất mát không thể nào kể hết. Ba đứa em nhỏ của ông cũng lần lượt theo cách mạng, mẹ ông cũng sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ nếu cách mạng cần.

Mừng là ngày tiếp thu, gia đình ông không gánh thêm mất mát nào. Thương binh Nguyễn Viết Tống về công tác dân chánh tại ấp Thành Vọng. Đến năm 1979, do yêu cầu cán bộ của tổ chức, ông về xã Thành Điền phụ trách công tác Phó Ban Tuyên giáo. Cũng từ đó, miếng đất ở kênh Bồn Bồn trở thành người bạn cố tri cố thổ của gia đình.

Năm 1990, ông Tám giữ chức Chủ tịch UBND xã. Lúc này Tạ An Khương đang trong cơn quặn mình từ vùng trồng lúa kém năng suất sang nuôi tôm. Mấy năm liền lúa không trồng, tôm chưa nuôi, người dân ngấp nghé cảnh đói. Ông Tám nhiều đêm trăn trở, bạc cả mái tóc vì chuyện sinh kế của bà con. Đập ngăn mặn thì phá rồi, nhưng nuôi tôm thì làm sao, phải bắt đầu từ đâu, liệu có khá hơn không…, hàng ngàn câu hỏi khiến ông rối như tơ vò. Vậy rồi ông cùng cán bộ xã, cùng bà con trước tiên khơi thông kênh rạch, chỉ cách tạo khuôn viên nuôi tôm cho từng hộ. Những năm ấy, chỉ có con tôm thiên nhiên, nhưng người dân Thành Điền phấn khởi lắm. Những mùa tôm thiên nhiên trúng “bể lú, bể cống” đã làm cho xóm làng phấn chấn hơn hẳn. Rồi tới con tôm sú, mỗi con tôm giống giá tới 200 đồng, thời đó mỗi lần người ta thả chỉ có vài ngàn con. Tôm sú mau lớn, những con tôm đỏ rực, khoẻ khoắn khiến người dân nức lòng, nức dạ.

Nói về những ngày ấy, bà Tám thủng thẳng: “Ổng mê công việc đi miết, bỏ tôi với 7 đứa con nheo nhóc. Ổng lo cho công việc tới quên ăn, quên ngủ”. Còn ông Tám thì bộc bạch rằng: “Hồi đó nếu con tôm hổng đặng, mình có lỗi lớn với bà con. Tạ An Khương mình nhờ con tôm mà hôm nay đã thành xã nông thôn mới. Cái gì khởi đầu cũng khó phải không mấy đứa”…

Trong câu chuyện rôm rả, ông còn đề cập đến chuyện nhà máy xử lý rác, về cái khu công nghiệp xả nước thải làm ảnh hưởng đến mấy xã của huyện Đầm Dơi, Cái Nước hơn chục năm mà vẫn tồn tại, về lề lối làm việc của cán bộ bây giờ…

Mắt mờ, mỗi lần trái gió trở trời, vết thương cũ đau nhức, vậy mà ông vẫn hăng hái với việc đời và đầy trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân. Ông nói: “40 năm tuổi Đảng, cả đời theo cách mạng, mình học được nhiều thứ, tâm đắc nhất là cách sống, là đạo đức của người cách mạng. Phải vì cái chung, vì nghĩa lớn”.

Chúng tôi từ giã ra về, ông Tám níu lại hỏi: “Mai có về dự cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh tổ chức tại xã không? Hổm rày chú đợi quá trời!”. Anh Tiêu Trường Hận nói nhỏ: “Chú Tám hồi đó giờ là vậy, dám ăn, dám nói, nhưng nói đúng nơi, đúng chỗ và quan trọng là lúc nào cũng vì công việc chung, lợi ích chung”. Ngó ra phía con kênh Bồn Bồn đang vào mùa triều cường, ông Tám thủ thỉ như nói với chính mình: “Cái gì mình còn giúp được cho bà con thì phải cố gắng làm, phải không mấy đứa?”./.

Phạm Quốc Rin

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.