ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 6-1-25 14:16:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðại tá từ du kích

Báo Cà Mau Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình).

Ông sinh năm 1943 ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cha mẹ đặt tên là Trần Tấn Thanh, nhưng khi tham gia cách mạng, tổ chức lại “biến” cái tên nằm nôi ấy thành Trần Công Bình, sinh năm 1945.

Sau đồng khởi năm 1960, đang học đệ ngũ ở Trường Trung học An Xuyên, ông cùng một số học sinh rải truyền đơn chống chế độ độc tài phát xít Ngô Ðình Diệm, bị địch truy bắt, chạy về vùng giải phóng, được giao nhiệm vụ Ấp đội phó ấp Bào Bèo. Tháng 11/1962, ông học khoá công binh, đặc công 6 tháng, ra trường về địa phương quân Châu Thành đánh 5 trận, trong đó có trận tiêu diệt đồn Hàng Gòn, bắt tù binh, thu vũ khí.

Dường như ông không có duyên với đời lính tập trung, quy củ. Ông quay về xã nhà nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội Du kích 2. Từ đây, bắt đầu tự mình tính, tự mình đánh. Là du kích thì chỉ huy không ở phía sau, mà là người trực tiếp giật mìn, nổ súng lệnh mở màn trận đánh, dù là phục kích, tập kích hay công đồn...

Cũng nhờ "lận lưng" được một số vốn ở lớp công binh, đặc công của tỉnh nên cách đánh của ông linh hoạt, biết mình, biết sơ hở của địch. Là địa bàn tiếp giáp với nơi xuất phát hành quân của bọn tiểu khu, lại có trục lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) xuyên giữa. Mặc dù lộ ta đào phá nhưng có đoạn xe cơ giới địch còn hoạt động được, lại trong tầm các trận địa pháo 105, 155 ly của địch. Ðồn bót địch tô dày theo tuyến lộ từ Nàng Âm đến Cái Rắn. Các trận chống càn của du kích xã diễn ra liên miên, hiệu quả.

Những năm 1969-1970, tình hình cực kỳ khó khăn, trong xã có tới 9 đồn bót, căn cứ Nhà Phấn, Rạch Mũi không còn an toàn, nhưng với truyền thống của xã nơi diễn ra sự kiện lịch sử treo cờ Ðảng đầu tiên ở đình Tân Hưng năm 1931, Mặt trận Tân Hưng năm 1946, Ðảng bộ và Dân quân du kích được củng cố, quyết tâm bám chặt địa bàn, diệt từng tên địch. Không đầy 20 ngày của tháng 12/1969, du kích xã đã xoá phiên hiệu Ðại đội 397 của tên Hoàng Phương khét tiếng gian ác, thu 15 súng, trong đó có 1 đại liên. Quân số của Trung đội Du kích tăng lên 30 người.

Tính từ tháng 8/1971 đến tháng 1/1972, Dân quân du kích xã, ấp Thạnh Phú đã tiêu diệt được 13 xe quân sự, trong đó có 6 xe M113, bẻ gãy kế hoạch sửa lộ lần thứ hai của địch. Thành tích này buộc địch phải điều số xe M113 còn lại đi nơi khác, loại khỏi vùng đất Cà Mau một binh chủng lợi hại. Người dân tin tưởng, thân thương gọi là “Du kích Út Bình”.

Hưởng ứng Chiến dịch Xuân - Hè 1972, du kích xã đã tập kích tiêu diệt Ðồn Chẹt lần thứ hai, làm chủ trận địa, thu vũ khí. Thừa thắng xông lên bao vây đồn Nhà Phấn và Cái Nhum, chỉ trong 2 ngày đêm, chúng phải tháo chạy, ta truy kích đuổi theo diệt 5 tên, thu 3 súng, có 1 cối 60 mm. Ngày 27/1/1972, phục kích tiêu diệt 7 tên ở đồn Bào Bèo bung ra, trong đó có tên Phát đồn trưởng. Năm này, ông Út Bình là Thường vụ Xã uỷ, Xã đội trưởng, vẫn cầm quân đánh, trong đầu ông luôn thường trực là chỉ huy không chỉ bày cho cấp dưới đánh mà phải trực tiếp đánh. Sự có mặt của lãnh đạo càng củng cố niềm tin và sự phấn khích của chiến sĩ.

Sau Hiệp định Paris 1973, cuộc chiến đấu giữ đất giành dân càng trở nên sôi động, ác liệt. Ngày 15/3/1973, du kích xã đã phục kích diệt một đại đội của Tiểu đoàn 3, Sư 21 làm chết tại chỗ 36 tên, có tên Võ là đại đội trưởng, 15 tên bị thương, bắt sống 5 tên, thu 15 súng, có 1 col 45. Lần đầu tiên du kích Thạnh Phú tiêu diệt gọn một đại đội chủ lực nguỵ. Ðài Giải phóng và Hà Nội loan tin chiến thắng khắp nơi.

Các trận phục kích ngày 7/6 ở Cả Giữa, ngày 10/8 ở Hoà Trung, ngày 21/12 ở Cả Giữa (lần 2), uy hiếp và đánh địch tháo chạy ở Nhà Phấn giành thắng lợi giòn giã, địch ở đồn Nhà Phấn, Cái Nhum và Cả Giữa phải tháo chạy, ta thu nhiều vũ khí.

Năm 1974, thời cơ giải phóng xã đã đến, hiện xã còn 4 đồn (1 đồn bảo an và 3 đồn dân vệ). Ngày 20/3/1974, du kích xã, ấp mở đợt bao vây, uy hiếp đồn Nàng Âm, dùng đầu đạn 105 và M79 bắn thẳng vào đồn, phục kích đánh bọn can viện, 10 giờ đêm ngày 26/10/1973 bọn đồn Nàng Âm tháo chạy bị ta chặn đánh, thu 1 đại liên 60 và 13 súng các loại, 3 máy PRC25, đồn Nàng Âm được giải phóng lần 2.

Ngày 6/11/1974, đồn Bào Bèo tháo chạy, ta sang bằng lần 2. Ðêm 15/11/1974, tấn công vào đồn Kinh Giữa, tên đồn trưởng Thiểu chết tại chỗ, cả bọn tháo chạy. Lúc này toàn xã chỉ còn đồn Hoà Trung, với những cách đánh lợi hại dùng bệ phóng đầu đạn 105, 3 khẩu M79 làm chết và bị thương nhiều tên, bọn chúng tháo chạy, ta tràn vào chiếm đồn, huy động dân công san bằng.

Tính từ năm 1960 đến ngày 25/11/1974, du kích ấp, xã Thạnh Phú đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vùng chiến đấu hàng ngàn tên địch bằng vũ khí tự tạo và súng thu được của địch, bứt rút và tiêu diệt 39 lượt đồn bót, phá huỷ 19 xe quân sự, trong đó 6 xe M113, bắn rơi 1 máy bay, thu 415 súng các loại, đánh sập 11 lượt cầu, cống. Như vậy, cho đến ngày 28/11/1974, quân và dân xã Thạnh Phú đã nhổ xong các đồn bót trong xã, là xã được giải phóng đầu tiên trong huyện. Có thành tích này là nhờ sự lãnh đạo của xã uỷ, công trường xã do anh Hai Minh chỉ huy đã sản xuất, cải tiến từ vũ khí địch để đánh địch; sự phục vụ của trạm y tế xã, cứ mỗi trận đánh có chuẩn bị trước đều có cán bộ y tế đi theo để sơ cứu thương binh; là công sức của Dân quân du kích các ấp; là sự đùm bọc nuôi chứa của Nhân dân; là máu xương của 62 anh em trong đội Du kích. Thông qua cuộc chiến đấu, trưởng thành từ du kích, đã có 3 cán bộ được phong hàm đại tá: Trần Công Bình (Út Bình), Nguyễn Thành Tiết (Hai Tiết), Ngô Kim Nghĩa, 1 thượng tá Nguyễn Hồng Nỉ (Út Nỉ) và Lê Minh Thiển, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu.

*****

Bên tách trà nóng, câu chuyện giữa ông Út Bình và tôi chậm rãi như rút ra từng mớ ký ức mấy mươi năm về trước. Chuyện lấy vợ cũng đậm màu chiến đấu. Ông kể, ngày đó giữa ta và địch đang cắm cờ giữ đất, giành dân, thì anh Năm Tùng, Thường vụ Xã uỷ mời ông về tổ chức lễ thành hôn cùng người con gái tên Lê Thị Kim Anh, con của ông bà Lê Thiện Mít và Bùi Thị Tám, ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Hưng. Ðúng ngày 26 tháng Chạp năm 1973, lễ tuyên bố vừa xong, ông xin phép trở lại kiểm tra trận địa đang bố trí, 18 ngày sau mới quay về. Ông già vợ lắc đầu nói: “Tôi thương thằng Bình đánh giặc giỏi, nhưng lo cho con gái tôi, nếu nó có bề gì thì con tôi sẽ khổ...”. May mà Út Bình không chết, chỉ 4 lần bị thương. Tháng 2/1975, chị Kim Anh sinh con trai, đặt tên là Trần Tấn Yên.

Ngày 14/3/1969, ông được về nhà tát đìa kiếm cá làm giỗ cho cha thì bị bọn đồn Hoà Thành bắt, như một giai thoại, 2 lần chúng đưa họng súng carbine vào đầu nhưng không nổ, 4 tên lính đè ông định mổ bụng thì thằng Tổng, xã trưởng Hoà Thành kịp ngăn, rồi đưa về đồn đốt cháy đầu, 7 ngày bị giam cầm đánh đập nhừ tử, rồi ông được thả. Té ra nhờ ông Ba Ðước, bạn bè của xã Tổng lo lót, gia đình chạy vạy được 40 ngàn đồng, chúng bảo không đủ chia, phải chạy 1 ngàn đồng nữa. Vỡ ra, chúng tha cho một du kích nòi cũng vì tiền.

Về việc ông được kết nạp Ðảng hụt cũng có tình tiết đáng nhớ. Ðêm 31/3/1965, đơn vị tấn công đồn Cái Keo, chỉ còn một lô cốt chống trả, ta bị thương vong nhiều. Chỉ huy ra lời kêu gọi, ai đánh chiếm lô cốt địch sẽ được kết nạp Ðảng tại mặt trận. Ông không biết tác dụng của lời kêu gọi hay là có sự toan tính trước trong đầu, đã cùng tổ xung kích vòng ra phía sau dùng bộc phá diệt lô cốt địch, kết thúc trận đánh, lúc này ông đã 22 tuổi. Những tưởng như vậy đã là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, không ngờ trở lại đơn vị, rồi về du kích xã, lãnh đạo không hề nhắc tới việc này. Té ra, vì ông nội trước năm 1945 có làm biện, là thành phần “ăn trên ngồi trước”. Cho đến ngày 31/3/1969, Xã uỷ mời ông về và tuyên bố ông được kết nạp Ðảng, lấy ngày 31/3/1969 làm ngày chính thức.

Giải phóng xong xã, Trung đội Du kích xã Thạnh Phú được điều về Tiểu đoàn U Minh 2, ông được bổ nhiệm làm Chính trị viên Ðại đội 1, có nhiệm vụ bao vây chi khu Ðầm Dơi, đánh bộ phận của Sư 9 giải vây chi khu Ðầm Dơi, thu 17 súng, chuẩn bị giải phóng tỉnh, ông và toàn đội du kích rút về thành lập Tiểu đoàn X09, ông giữ chức Chính trị viên Ðại đội 4.

4 giờ ngày 30/4/1975 đơn vị khống chế buộc bọn căn cứ hải quân đầu hàng. Sáng ngày 1/5/1975, toàn tiểu đoàn lên tàu Thanh Hồng và vòng theo hàng chục xuồng hành quân tiếp quản Biệt khu Hải Yến (Bình Hưng).

Giặc trong nước đã dẹp xong, ông được cử đi học nghiệp vụ công tác xây dựng Ðảng giúp bạn Campuchia và học tiếng Khmer 2 năm. Ra trường, ông lên máy bay ở Trà Nóc sang làm chuyên gia Tỉnh đội Kô Kông. Tám năm phục vụ ở nước bạn, từng giữ chức Ðoàn trưởng Ðoàn 9907, kiêm Sư đoàn phó Sư đoàn 4. Chuyện làm chính trị viên tiểu đoàn hành quân ra Bắc, đánh bọn xâm lược dù chỉ một tháng trong năm 1979, quay về cũng là một kỷ niệm. Nhìn vào mấy chục tấm huân, huy chương, không chỉ có từ thâm niên mà phần nhiều từ trận mạc, từ tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

7 năm là du kích xã, 4 lần bị thương, 8 năm ở chiến trường Campuchia, 12 năm làm Huyện đội trưởng huyện Thới Bình... Ðời người, đời lính biết bao buồn vui, hạnh phúc đang dâng trào đó, bỗng chốc thành nỗi đau sau tiếng nổ. Cái miếu thờ sát doi rạch cạnh nhà ông có ghi tên 82 liệt sĩ, hằng ngày ông tới lui chăm sóc, ông coi như ân nhân./.

 

Nguyễn Thái Thuận

 

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.

Các anh về với đất mẹ xứ Đầm

Anh Sáu Phước (Lê Hoàng Phước), nguyên Giám đốc VNPT Cà Mau, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, gọi điện cho tôi, giọng xúc động: “Tổ chức “Trái tim người lính” phục dựng và trao tặng lại di ảnh của 2 liệt sĩ Lê Tấn Tài và Lê Tấn Lộc, 2 người anh ruột của anh Sáu Phước, tại gia đình. Em liên hệ đoàn theo chuyến này để cùng mọi người đón các anh về với gia đình, với quê hương Đầm Dơi sau mấy chục năm trời”.

Mạch nguồn giáo dục kháng chiến

Nhìn vào lịch sử cách mạng của vùng đất Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy những điều rất đặc biệt về giáo dục trong kháng chiến. Sự nghiệp giáo dục những thế hệ “hạt giống đỏ” cách mạng kế cận luôn là công việc hệ trọng mà Bác Hồ và Ðảng ta luôn đặc biệt quan tâm gắn liền với mục tiêu thiêng liêng của sự nghiệp cách mạng là chiến thắng giặc thù, giành lại hoà bình, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước. Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Cà Mau trở thành chiếc nôi giáo dục kháng chiến Nam Bộ và đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh được giao phó.