Được xem là người nuôi tôm công nghiệp khá thành công tại vùng đất mới thuộc ấp 11, xã Thới Bình, 2 vụ tôm nuôi vừa qua ông Lê Minh Ðức thu hoạch được gần 20 tấn tôm thẻ chân trắng, với tổng số tiền lãi lên đến hơn 1 tỷ đồng. Ông cho biết, do đây là vùng đất mới nên nuôi tỷ lệ thành công khá cao, ông thường xuyên đến tận huyện Ðầm Dơi và Cái Nước, Phú Tân để học hỏi kinh nghiệm.
Được xem là người nuôi tôm công nghiệp khá thành công tại vùng đất mới thuộc ấp 11, xã Thới Bình, 2 vụ tôm nuôi vừa qua ông Lê Minh Ðức thu hoạch được gần 20 tấn tôm thẻ chân trắng, với tổng số tiền lãi lên đến hơn 1 tỷ đồng. Ông cho biết, do đây là vùng đất mới nên nuôi tỷ lệ thành công khá cao, ông thường xuyên đến tận huyện Ðầm Dơi và Cái Nước, Phú Tân để học hỏi kinh nghiệm.
Cũng là người nuôi tôm công nghiệp hơn 1 năm nay với diện tích gần hơn 5.000 m2 tại ấp 11, xã Thới Bình, ông Nguyễn Chí Nguyện cho biết, do chưa được quy hoạch nên người nuôi tôm phải chịu giá điện cao như việc sử dụng điện sinh hoạt, mỗi vụ nuôi phải tốn đến hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, việc nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi nông dân phải có số vốn khá lớn nên rất mong Nhà nước sớm có chủ trương quy hoạch để người nuôi tôm được hưởng lợi từ nguồn vốn vay và hỗ trợ khoa học - kỹ thuật.
Đầm tôm của nông dân xã Thới Bình vừa thu hoạch cho năng suất khá cao. |
Qua thống kê, chỉ riêng trong năm 2014, toàn huyện Thới Bình đã có hơn 50 ha ao nuôi tôm công nghiệp được người dân đào mới, tập trung nhiều ở các xã: Thới Bình, Tân Lộc Ðông, Tân Lộc và Hồ Thị Kỷ; nâng tổng số hiện nay toàn huyện có hơn 200 ha nuôi tôm công nghiệp. Ðối tượng thả nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, trong đó xã Thới Bình có diện tích khá lớn, với hơn 20 ha.
Theo nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp, do Thới Bình là vùng đất mới, chưa xảy ra dịch bệnh nên thời gian qua, việc nuôi tôm công nghiệp cũng khá thuận lợi, với năng suất bình quân đạt gần 6 tấn/ha, sau mỗi vụ nuôi bà con thu lãi vài trăm triệu đồng.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, huyện đã đề xuất với tỉnh cho phép huyện quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp khoảng 1.000 ha ở một số vùng trũng không thể trồng lúa trên đất nuôi tôm được, tỉnh cơ bản đã thống nhất.
Theo cơ cấu sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Do đó, việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Ðiều đó thể hiện sự chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức sản xuất của người dân.
Ông Trần Văn Dũng cũng cho biết, sau khi quy hoạch được phê duyệt, huyện sẽ tiến hành công bố công khai cho dân biết để thực hiện và kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch của người dân. Ðồng thời, rà soát lại hạ tầng về thuỷ lợi, điện để có kế hoạch điều chỉnh đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, bảo đảm cho người nông dân nắm được các kiến thức cơ bản về nuôi tôm công nghiệp./.
Bài và ảnh: Liêu Hỏn