ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 17:02:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tiếng xưa vương vấn

Báo Cà Mau (CMO) Ngoài tuổi tám mươi, NSƯT Kim Chi vẫn nhớ hoài vùng kỷ niệm thật đẹp khi còn là một diễn viên trứ danh của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau.

Những đồng đội thuộc thế hệ tiên phong ngày xưa như NSƯT Anh Đạo, NSƯT Huỳnh Hảnh, Nghệ nhân dân gian Mười Mây (Soạn giả Lâm Tường Vân), Nghệ sĩ Út Nghệ (Nguyễn Hải Tùng), Trọng Nguyễn, Út Tâm, Lệ Minh... theo quy luật mất còn của thời gian giờ đếm lại chỉ còn trên đầu ngón tay. Tấm ảnh của thuở đôi mươi được treo lặng lẽ một góc nhà cứ như âm thầm nhắc về một Kim Chi tài sắc mà theo đúng như hồi ức của NSƯT Huỳnh Hảnh: "Đó là một cô đào đẹp, có dáng người cân đối, mái tóc dài cùng gương mặt thanh tú toát vẻ đẹp mặn mà, đặc biệt là nụ cười cứ tươi rói dễ thương lắm...".

Hồi đó, NSƯT Kim Chi mới hơn 20 tuổi, tham gia hăng hái công tác thanh niên ở xã rồi được Nghệ sĩ Út Nghệ (nguyên Trưởng Đoàn Văn công Giải phóng) tìm đến và quyết định rút về đoàn, bởi hơn ai hết ông thừa biết khả năng nghệ thuật của bà khi còn là cô bé cứ mỗi tối theo tốp văn nghệ thiếu nhi địa phương học ca múa từ trước đình chiến. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Kim Chi sẵn sàng chấp hành và dấn thân vào con đường cách mạng mà không mảy may đắn đo hay lo nghĩ, mặc dù bà đã có gia đình và đứa con trai đầu lòng còn rất nhỏ phải để lại cho má mình nuôi dưỡng.

Giai đoạn đầu mới về đoàn, Kim Chi là người chị lớn tuổi nhất của dàn diễn viên. Do một phần năng khiếu cộng với niềm đam mê được nhen nhóm từ nhỏ nên bà dễ dàng tiếp thu kiến thức nghệ thuật ca diễn của những người anh trong đoàn như NSƯT Anh Đạo, NSƯT Huỳnh Hảnh, Nhạc sĩ Sáu Cấu (Trần Thanh Hoà)... rồi bước lên sân khấu biểu diễn một cách dạn dĩ. Vốn "rộng đường xài", bà có thể vừa ca, múa, thoại kịch, diễn cải lương nên nhanh chóng tạo được dấu ấn đối với đoàn nghệ thuật còn rất non trẻ.

NSƯT Kim Chi luôn nhớ về những kỷ niệm xưa.

Vai diễn đầu tiên của NSƯT Kim Chi là vai vợ Ba Gật trong chập cải lương "Anh Ba Gật" diễn với Nghệ sĩ Út Nghệ, mang đến thành công nhất định. Tiếp sau đó, chính vai Thắm trong vở "Ngọn lửa hờn" (tác giả Bảo Nam) được hợp diễn với NSƯT Huỳnh Hảnh (vai Vĩnh), đôi diễn viên trẻ hoá thân thành tình nhân trên sân khấu đã khiến khán giả vô cùng yêu mến, hễ diễn tới đâu là khán giả kéo đến coi đông nghẹt tới đó. Mặc dù sân khấu, cảnh trí rất đơn giản nhưng nét diễn cùng nhiều ánh mắt dõi theo cứ mãi đồng điệu một cách hồn nhiên. "Hồi đó còn trẻ nên máu nghề lắm, hễ khán giả thích và yêu cầu biểu diễn là không còn biết mệt mỏi gì nữa, cứ muốn dốc hết sức mình cho vai diễn thôi...", bà hào hứng nhớ lại.

Cũng từ đây, sân khấu cuốn người nghệ sĩ mải miết theo các chuyến biểu diễn phục vụ thường xuyên của đoàn văn công. Những lần về thăm nhà cứ thế ngày thưa dần rồi bặt hẳn một thời gian, đến nỗi gia đình thường xuyên nhận được tin đồn rằng Kim Chi đã hy sinh làm má bà phải 3 lần nén nỗi đau lập bàn thờ vọng rồi tháo xuống sau đó. Đứa con cũng lớn dần trong vòng tay của ngoại, đồng thời nhạt luôn với tình cảm của mẹ mình. Nhớ về ngày đó với sự nghẹn ngào, bà kể, khi con học Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, có lần tranh thủ tạt qua thăm vội vã trên đường đi biểu diễn, mặc cho các bạn cùng lớp mừng rỡ, đứa nhỏ cứ bẽn lẽn nép sau cánh cửa như muốn quên cả mẹ và chỉ chào gọn lỏn: "Mẹ mới lên!". Trái tim người mẹ như xiết lại nhưng biết sao được khi trót mang nhiệm vụ và đồng bào đang chờ đợi những nét diễn, tiếng ca của mình ngoài kia. Sau này những lần gặp nhau phút chốc như thế thỉnh thoảng vẫn được lặp lại trong nhiều lưu luyến và mẹ con chỉ thật sự gần nhau khi con trai bà tròn 12 tuổi. Càng thương con sớm chịu nhiều thiệt thòi, bà lại càng nuốt nước mắt quyết tâm trau chuốt cho nghề nhiều hơn để đi đến đâu cái tên Kim Chi cũng được yêu mến nồng nhiệt.

Không chỉ giữ vai trò diễn viên trên sân khấu, Kim Chi còn nữ nghệ sĩ duy nhất của Đoàn Văn công Giải phóng được giao nhiệm vụ đi tuyên truyền binh vận đồn bót. Cùng với các đồng đội dùng tiếng ca ngọt ngào thể hiện những bài tân nhạc, cổ nhạc mang nội dung cảm hoá kêu gọi sự thức tỉnh của người lính bên kia chiến tuyến. Lạ một điều là hầu như bài hát nào khi NSƯT Kim Chi cất lên đều chạm được trái tim và tác động không ít đến tinh thần của họ. Thời đó, phương tiện hạn chế, sợi dây để nối chiếc loa khá ngắn, làm cho khoảng cách giữa hai bên nhiều lúc rất gần. Một bên tiếng súng rền vang, một bên tiếng ca cùng những lời tuyên truyền đáp lại thỉnh thoảng xen trong đó là những tiếng gọi với từ bên kia: "Ca nữa đi, ca nữa đi em ơi..." làm cho bao nỗi sợ hãi tan biến và giọng ca cứ như được tiếp thêm lửa nên càng hùng hồn hơn.

Có lần đoàn tuyên truyền ở vùng Đất Mũi, NSƯT Kim Chi ca bài "Gửi anh lính bờ Nam" của Nhạc sĩ Vĩnh An, sáng ra mấy anh lính cứ tìm đến rồi ngỏ ý: "Cho chúng tôi gặp cô nghệ sĩ đã ca bài kêu gọi hôm qua, cô ấy ca hay quá". Cũng chính bài hát này đã làm nên "thương hiệu" của bà, mặc dù là bài ca tuyên truyền nhưng đi đến đâu khán giả cũng yêu cầu được thưởng thức lại và hễ nhắc đến tên người nghệ sĩ này thì sẽ thiếu sót nếu không kể đến bài ruột "Gửi anh lính bờ Nam".

"Chèo thuyền bờ Bắc đêm là thanh/Vầng trăng kia tình mà ai nỡ để đành đành làm đôi/Hỏi trăng trăng chẳng đáp lời/Hỏi sông ơi tình mà sông cứ lặng lờ lờ mà trôi...

Trăng hỡi là trăng sông ơi hỡi là sông/Hỏi thăm anh lính bên cầu/Bờ Nam ơi tình mà anh đứng dãi dầu dầu vì ai?/Con chim sớm mai rủ lên non tìm bạn/Cách bảy nhịp cầu sao đành đoạn xa nhau/ Cách bảy nhịp cầu sau đành đoạn xa nhau...". Trong thoáng chốc, dường như hoài niệm ùa về, giọng ca tình tự lại cất lên, thanh âm sau bao năm có thể đã đổi thay nhiều, duy chỉ có sự hừng hực tinh thần trong đôi mắt kia là vẫn mãi vẹn nguyên như thế. "Hồi đó, mỗi chuyến đi tuyên truyền là chết sống trong gang tấc chứ không phải chuyện đơn giản. Nhưng làm như ý thức được nhiệm vụ của người lính tuyên truyền vũ trang nên mọi thử thách đều vượt qua. Cùng với tiếng đờn của Nghệ sĩ Út Tâm, cách nói chuyện lưu loát và đầy thuyết phục của các anh Tư Mái, Hai Phối thì Năm (cách xưng hô thân mật - PV) chỉ biết ca hết sức để tròn nhiệm vụ của mình", bà tâm tình.

Cái tình của bà đối với nghề, với cách mạng là vậy. Thanh xuân của NSƯT Kim Chi trải dài theo những thăng trầm của Đoàn Văn công Giải phóng, để rồi ghi đậm tên tuổi của bà với nhiều vai diễn ấn tượng như: Thắm (Ngọn lửa hờn), Vợ bác Tám Luông (Máu thắm đồng Nọc Nạng), Võ Thị Sáu (Người con gái Đất Đỏ)... cùng các bài ca mang đậm chất hùng hồn: "Gửi anh lính bờ Nam", "Cô gái vót chông", "Xuân chiến khu", "Câu hò bên bờ Hiền Lương"... Tất cả giờ đã trở thành miền nhớ mà thỉnh thoảng trong giấc mơ bà vẫn thấy lại mình đang say sưa theo nét diễn câu ca ấy. Thoắt cái mấy mươi năm, mái tóc xanh đã bạc màu theo năm tháng, người con trai duy nhất nguyên là chánh văn phòng một toà soạn báo địa phương nay đã về hưu, ngày ngày hết lòng hiếu thảo bên mẹ. Trong ánh mắt người nghệ sĩ lão thành thấp thoáng vẻ tự hào.

Từng mảng ký ức cứ lần lượt được chắp vá lại, như sực nhớ điều gì, bà nói với giọng phấn khởi: "Mới vừa rồi có 4 người phụ nữ lớn tuổi không biết bằng cách nào tìm đến nhà và xin được gặp mặt Nghệ sĩ Kim Chi. Hỏi ra mới biết họ là khán giả ngày ấy, từng xem và nghe Năm ca diễn rồi ái mộ đến bây giờ...". Niềm vui của người nghệ sĩ chợt hiện trên nụ cười mãn nguyện. Hình ảnh sân khấu được đóng bằng ván ngựa đơn sơ đã làm nên sự thăng hoa nghệ thuật của nhiều "chiến sĩ văn công"; những đêm các má, các chị làm gà nấu cháo thết đãi nghệ sĩ sau đêm diễn; cái tình đơn sơ mà sâu đậm của chiến sĩ bộ đội hay đồng bào dành cho văn công dù ở bất kỳ nơi đâu... y hệt một thước phim quay chậm tái hiện rõ mồn một như chỉ mới hôm nào./.

NSƯT Kim Chi tên thật là Nguyễn Kim Hương, sinh năm 1936, tại ấp Tân Lợi, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi. Bà tham gia Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau từ năm 1960 với nhiều lĩnh vực: ca nhạc, kịch nói, cải lương.
Sau 1975 bà giữ vai trò Phó trưởng Đoàn ca múa Tam Giang và tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Năm 1985 bà được chuyển công tác về phòng văn hoá văn nghệ, sau đó phụ trách công đoàn của Sở Văn hoá thông tin, đến năm 1992 được hưởng chính sách hưu trí.
Với nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật, năm 2016 bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Về Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau cùng lúc với NSƯT Năm Chi, Nghệ sĩ Lệ Minh, nguyên Phó trưởng Đoàn kịch nói Minh Hải, cho biết: "Tôi và hầu hết các nghệ sĩ đi sau đều luôn coi chị Năm Chi như người chị, người mẹ lớn với nhiều bài học về nghệ thuật cũng như cuộc sống. Một nữ nghệ sĩ tài năng trên nhiều lĩnh vực đã đóng góp lớn cho sân khấu tỉnh nhà".

 Trần Phúc

 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.