Tôm khô Rạch Gốc nổi tiếng từ rất lâu. Từ khi sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2012 thì uy tín đối với người tiêu dùng càng được nâng lên. Hiện tại, huyện Ngọc Hiển có năm cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở cho ra thị trường từ 2-5 tấn tôm khô, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 130 lao động với mức thu nhập từ 2-6 triệu đồng/người/tháng.
Tôm khô Rạch Gốc nổi tiếng từ rất lâu. Từ khi sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2012 thì uy tín đối với người tiêu dùng càng được nâng lên. Hiện tại, huyện Ngọc Hiển có năm cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở cho ra thị trường từ 2-5 tấn tôm khô, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 130 lao động với mức thu nhập từ 2-6 triệu đồng/người/tháng.
Ban đầu, các cơ sở sản xuất tôm khô chủ yếu bằng thủ công nên sản lượng thấp, không có bao bì, nhãn mác nên thời gian bảo quản không được lâu, giá bán không cao. Trước thực tế trên, nhiều cơ sở sản xuất tôm khô tại Rạch Gốc đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào dây chuyền sản xuất và đăng ký nhãn hiệu để nâng cao giá trị tôm khô.
Sấy tôm là một trong những công đoạn quan trọng góp phần làm nên chất lượng tôm khô Rạch Gốc. |
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, Trưởng Ban Quản lý nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc, chia sẻ: “Đối với những cơ sở đăng ký nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc sẽ được hướng dẫn nâng cao chất lượng sản xuất, tìm đầu ra sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng thị trường. Riêng những cơ sở sản xuất chưa sử dụng nhãn hiệu thì còn khó khăn về quản lý chất lượng, khó khăn trong tìm kiếm thị trường vì sản phẩm làm ra không nhãn mác nên khách hàng thiếu niềm tin, vì vậy thị trường tiêu thụ của các cơ sở này bị hạn chế".
Doanh nghiệp tư nhân tôm khô Chí Tâm là một trong những cơ sở đi đầu trong việc tham gia vào nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc. Cơ sở đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá gần 1 tỷ đồng, từ các khâu rửa, luộc, sấy, bóc vỏ, đóng gói hút chân không. Cuối năm 2012, cơ sở cho ra sản phẩm mang thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, nhãn hiệu cơ sở Chí Tâm. Từ khi đầu tư với quy mô lớn, nhu cầu thị trường tăng cao, mỗi ngày cơ sở cho ra lò trên 20 tấn tôm khô, tăng hơn 10 tấn so với lúc chưa đầu tư.
Nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc được công nhận, giá tôm khô tăng lên từ 100-200 đồng/kg, được nhiều khách hàng ngoài tỉnh biết đến. Hiện tại, cơ sở Chí Tâm không chỉ sản xuất tôm khô từ nguyên liệu biển mà còn thu mua, chế biến tôm khô từ con tôm đất ở vuông để làm đa dạng thêm mặt hàng tôm khô trên thị trường.
Anh Hồng Chí Tâm, khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, chủ Doanh nghiệp tư nhân tôm khô Chí Tâm, chia sẻ: "Hiện nay, cơ sở chúng tôi ký hợp đồng dài hạn với nhiều điểm phân phối trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh. Khi có thương hiệu, cơ sở tôm khô chúng tôi an tâm sản xuất hơn vì sản phẩm khi ra thị trường không bị pha tạp, trà trộn với những mặt hàng tôm khô không có thương hiệu".
Năm 2013, cơ sở sản xuất tôm khô của anh Hồng Chí Tâm đoạt giải “Chất lượng vàng Việt Nam” do Viện Chất lượng Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đồng tổ chức. Đồng thời, sản phẩm của cơ sở này cũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014. Cơ sở tôm khô Kim Thảo đoạt giải Nhất sản phẩm công nghiệp tiêu biểu năm 2014, đoạt giải Ba khu vực ĐBSCL và được Bộ Công thương chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015”. Đây không chỉ là niềm vui cho các cơ sở mà còn là niềm tự hào của người dân Rạch Gốc./.
Bài và ảnh: Chí Hiểu