Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Trần Văn Thời vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Phương kế giảm nghèo bền vững
- Khả quan công cuộc giảm nghèo của xứ rừng
- Bố trí nguồn lực hợp lý để giảm nghèo bền vững
Những ngày giáp Tết, đến thăm gia đình anh Lý Văn Em, hộ đồng bào dân tộc Khmer ấp Phạm Kiệt, xã Khánh Bình, cuộc sống gia đình anh đã đổi thay, tươm tất. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo của xã, công việc chủ yếu là đi cắt cây mướn. Khi được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH, anh vay 40 triệu đồng mua con giống chăn nuôi gà, vịt, cá.
Sau thời gian cố gắng, tích cóp, anh đã xin thoát cận nghèo trong năm 2024. Dù vợ mất, phải nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học và mẹ già, nhiều chi phí sinh hoạt, nhưng anh vẫn nỗ lực, không trông chờ, ỷ lại.
Anh Lý Văn Em nuôi thêm vịt để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Lý Văn Em chia sẻ: “Không đất sản xuất, tôi đi cắt cây mướn cũng bấp bênh, nhờ có tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở ấp hướng dẫn tôi vay vốn Ngân hàng CSXH, tôi mua con giống để nuôi xoay vòng, trung bình mỗi tháng thu nhập cũng được 3-4 triệu đồng. Ðến nay, cuộc sống gia đình đã đủ đầy, yên tâm nuôi 2 con ăn học và tiếp tục lao động để có vốn mua đất mở rộng trồng trọt, chăn nuôi”.
Anh Sơn Hoàng Anh, là hộ dân tộc Khmer, ở Khóm 4, thị trấn Trần Văn Thời. Nhiều năm trước, anh được cho vay hỗ trợ nhà ở và hộ nghèo. Trên diện tích 5 công đất ruộng, 3 năm nay, anh đầu tư cải tạo lên liếp trồng xen canh bầu, dưa leo, khổ qua, bí đao, nuôi cá lóc... trừ chi phí, lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh đóng lãi, gởi tiết kiệm hằng tháng đúng quy định của ngân hàng, trả xong cả gốc lẫn lãi, anh cũng xin thoát nghèo.
Năm 2024, anh Hoàng Anh vay thêm 80 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH huyện để tiếp tục mở rộng sản xuất. Anh Hoàng Anh phấn khởi: “Trồng màu ngắn ngày mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa, có thu nhập đều đặn mỗi ngày từ 300-500 ngàn đồng, nên gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhờ vốn vay lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, tạo điều kiện trả nợ, trả lãi, có tiền tích góp, ổn định cuộc sống gia đình”.
Anh Hoàng Anh thoát nghèo từ mô hình trồng màu, nuôi cá, đem lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm.
Ðến năm 2024, huyện Trần Văn Thời có 31 ấp, khóm vùng đồng bào DTTS, trong đó, có 12 ấp, khóm đặc biệt khó khăn; có 12 dân tộc sinh sống. Huyện có dân số chung là 47.292 hộ, với 196.442 khẩu, trong đó đồng bào DTTS có 2.340 hộ với 9.916 khẩu.
Ông Lê Trọng Thiệu, Phó giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trong năm 2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai cho vay tổng số 17 chương trình đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định của Chính phủ, giải ngân cho 3.821 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay trên 135 tỷ đồng. Trong đó, có 81 lượt hộ nghèo, 42 lượt hộ cận nghèo, 390 lượt hộ mới thoát nghèo, 2.154 lượt hộ vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường, 597 lượt vay vốn giải quyết việc làm... đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, giúp cải thiện thu nhập, giảm nghèo và nâng cao cuộc sống. Trong đó, nhiều hộ là đồng bào DTTS còn khó khăn đã được tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Ða số bà con vay vốn sử dụng đúng mục đích, sử dụng vốn hiệu quả vào chăn nuôi và trồng trọt, tạo việc làm phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống, quyết tâm thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách xã hội, ý thức vay vốn trả nợ của bà con rất tốt. Số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Với nhiều hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đồng bào DTTS, nguồn vốn tín dụng chính sách là điểm tựa vững chắc, động lực quan trọng và mang lại lợi ích thiết thực, không những tạo điều kiện đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mà còn góp phần thay đổi căn bản nhận thức, để bản thân mạnh dạn tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no./.
Thảo Mơ