ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 22-5-25 11:41:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vỏ trấu - vấn vương ký ức

Báo Cà Mau (CMO) Lúc còn nhỏ tôi đã dám một mình ngồi trên chiếc tàu tốc hành vượt hàng trăm cây số về quê thăm ngoại.

Nhà ngoại quay mặt ra con sông Hiệp Hoà nhỏ nhắn thông ra Rạch Lùm, Kinh Hãng, Trùm Thuật… và hoà vào dòng sông Ông Đốc rộng mênh mông. Nhà tôi bên bờ kênh Cựa Gà, xã Khánh Tiến (U Minh) cách nhà ngoại (xã Khánh Hưng, Trần Văn Thời) chỉ vài chục cây số, bây giờ nếu đi xe gắn máy cũng chỉ khoảng 1 giờ là tới nơi. Hồi trước thì khác, chưa có lộ giao thông, đi tàu tốc hành vừa chậm, vừa vòng vo nên quãng đường thêm xa hơn. Từ ngã tư Rạch Vinh, tôi ngồi tàu tốc hành xuôi dòng kênh Lòng Ống ra con sông Cái Tàu rộng lớn đi qua các xã Nguyễn Phích, Khánh An, Hồ Thị Kỷ… để tới Bến tàu A, từ đây tôi tiếp tục đón đò đi Hiệp Hoà, nghĩa là phải mất 2 chuyến tàu mới về tới nhà ngoại. Vì vậy, cuộc hành trình về thăm ngoại của một thằng nhóc như tôi mất cả ngày trời.

Nhà ngoại có cây rơm cao ngất bên hiên, có đống trấu to đùng phía sau nhà bếp. Những lúc về thăm ngoại thường vào dịp nghỉ hè, nghỉ Tết nên trùng thời điểm thu hoạch lúa, không khí thật vui tươi, rộn ràng. Đám con nít hồn nhiên chẳng bận suy tư ngồi nhìn chiếc máy tuốt lúa ì ạch nhả khói, phun rơm. Lớn lên, nhìn đôi bàn tay chai sạm của ông bà, cha mẹ mới biết quý chén cơm đang cầm trên tay. Ở vùng ngọt hoá này, cây lúa có giá trị đúng nghĩa với người nông dân từ hạt gạo, hạt cám, cọng rơm… đến cả vỏ trấu.

Lần nào cũng vậy, hễ đến ngày đi chà gạo là ngoại đòi theo, đám con cháu khuyên ngăn: “Thôi, ngoại già rồi, sức yếu, để tụi con đi cho!”. Ngoại gõ lên đầu từng đứa: “Tụi bây được cái nhanh lẹ nhưng không chu đáo, ngoại có đi mới yên tâm!”. Vậy là ngoại đội nón lá ngồi phía trước mũi chiếc xuồng be mười kèm; tôi thì ngồi trên những bao lúa căng đầy; anh Tư (con của cậu) điều khiển chiếc máy Cô-le Tư, ổng còn thủ sẵn cặp chèo phòng khi cái máy Cô-le giở chứng. Tới nơi, ngoại cẩn thận dặn dò ông thợ nhà máy xay xát theo dõi cho thật kỹ để thóc không lẫn gạo, cám phải thật mịn… Rồi ngoại chu đáo hứng từng bao gạo, xoè bàn tay kiểm tra từng vốc gạo trắng ngần. Ngoại đưa cho tôi mớ bao và biểu ra phía hông nhà máy hứng vỏ trấu. Nghe lời ngoại, tôi đưa miệng bao vào ống xả trấu của nhà máy, chẳng mấy chốc cả chục bao trấu no tròn, tôi cẩn thận buộc chặt bằng mấy cọng dây lạc dừa. Vác bao trấu nhẹ hều trên vai xuống xuồng, tôi thích thú khi được ngoại khen: “Cái thằng nhỏ xíu vậy mà mạnh dữ”.

Có một thời, ngoại nuôi vịt bằng chuối cây, vỏ trấu.

Lúc còn nhỏ không để ý, cứ ngỡ vỏ trấu chẳng có giá trị, nhưng tôi đã lầm, vỏ trấu đã đồng hành và mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân từ thuở mở đất đến tận bây giờ. Trên giàn bếp nhà ngoại có tới 5 cái lò, trong đó 3 lò củi và 2 lò trấu. Ngoại nói, lò trấu cháy thật đầm, lửa bền hơn lò củi, ít khói nên soong, nồi, chảo… đỡ dính lọ nghẹ. Mà nếu có dính lọ nghẹ vào soong, nồi… thì mấy dì, mấy chế cũng dùng chính vỏ trấu để chùi, rửa. Bên sàn lãn, trên mặt sông dập dìu vỏ trấu dính đầy lọ nghẹ, đổi lại là những cái nồi, cái chảo sáng bóng, sạch trơn. Theo kinh nghiệm của nhiều người, lò trấu nấu cơm ngon không thua lò than đước bên Ngọc Hiển, nhưng đòi hỏi người nấu phải thạo canh lò, ban than trấu cho đều sau khi chắt nước cơm xong.

Vỏ trấu và tro trấu dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, rau màu thì tốt tuyệt vời. Ngày xưa, những liếp rau diếp cá, húng lủi, bẹ xanh, dưa leo… ngoại trồng chỉ duy nhất dùng phân rơm và vỏ trấu. Vậy mà rau xanh từng luống, trái trĩu từng giàn, vị ngọt tự nhiên. Tôi nhớ có lần cha nói, dùng tro trấu mà bón cho cây ớt hiểm thì trái sẽ cay hơn. Nghĩ cũng lạ: “Ớt nào mà ớt chẳng cay?”. Song, không tự dưng mà cha tôi nói vậy, có lẽ kinh nghiệm của một người từng trồng ớt, ăn ớt đã cho cha đúc kết như vậy!

Nhà ngoại lúc nào cũng nuôi hàng trăm con vịt, con gà để vừa tạo nguồn thu nhập, vừa làm tiệc cúng giỗ ông bà, hay ăn Tết. Vậy là, ngoại xắt chuối cây, trộn cám, lúa lép cùng vỏ trấu làm thức ăn chăn nuôi. Những con vịt xiêm nặng vài ký lô, mập tròn được xuất bầy mang về mớ tiền được ngoại xếp kỹ trong bọc ni-lông, kẹp lại bằng cái kim tây nhỏ xíu… cũng nhờ đống vỏ trấu ấy.

Vỏ trấu còn ôm chầm, bao bọc trứng vịt, trứng gà hàng tháng trời ủ trong đất, trong bồ lúa… để cho ra món trứng muối ngon tuyệt ăn với cháo trắng, hoặc làm nhân cho nhiều loại bánh. Và còn nhiều, rất nhiều hữu ích mang lại từ những chiếc vỏ trấu mỏng tanh. Song, một kỷ niệm tôi không thể nào quên, đó là lúc ngoại từ giã cõi đời để đi gặp ông ngoại vào tháng Bảy mưa dầm. Trên sân đất rộng, sình đặc quánh, không kê được bàn ghế, anh em chúng tôi chạy ra phía sau nhà bếp bưng từng thúng, từng thúng trấu rải đầy lên mặt sân, vậy là sình khô lại…

Bây giờ, mỗi lần về quê giỗ ngoại trong lòng miên man nhiều nỗi nhớ. Cũng căn nhà năm xưa nhưng bên hiên không còn cây rơm cao vút, phía sau nhà bếp không còn đống trấu to đùng. Những luống rau vẫn xanh tươi nhưng không phải bón bằng phân rơm, phân trấu. Trên gian bếp còn sót lại 1 cái lò trấu nguội lạnh do nhiều năm không sử dụng, mấy cái lò củi được thay bằng bếp gas đời mới. Con sông Hiệp Hoà, những chiếc phà chở máy xay xát lúa di động cập vào mé bờ ì ạch nhả khói, phun trấu trắng cả khúc sông. Tôi nhớ hình ảnh ngoại cặm cụi bón từng vốc trấu vào luống rau màu, ngồi xắt chuối cây trộn trấu cho bầy vịt đang đói, hay ngồi canh nồi thịt heo kho tàu bên cái lò trấu… Có lẽ thời gian đã làm nét sinh hoạt ở vùng quê này nhiều đổi thay. Song, trên tất cả cây lúa, hạt gạo, cọng rơm, vỏ trấu vẫn vậy, luôn thuỷ chung và mang trong mình những giá trị vốn có./.

Đỗ Chí Công

Phượng đỏ trong miền ký ức

Tháng 5, trời bắt đầu khoác sắc áo của mùa hè. Nắng vàng đổ lửa, rọi qua từng con phố, từng mái hiên, từng vạt đồng mênh mang gió thổi. Ấy là lúc những chùm hoa phượng bắt đầu rực đỏ, reo vui trong tiếng ve râm ran trên từng cành lá. Hoa phượng - loài hoa học trò, loài hoa đánh thức bao miền ký ức, đã về như lời hẹn cũ của thời gian, gợi mở bao điều thân thương trong lòng người.

Ðồng hành cùng sự phát triển quê hương

Tại tỉnh Cà Mau, Phật giáo hiện là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất, với 5 hệ phái chính: Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Hoa tông, Khất sĩ và Thiền phái Trúc lâm. Toàn tỉnh hiện có 53 cơ sở tự viện, 259 tăng ni và trên 300 ngàn tín đồ. Với phương châm: “Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội, góp phần cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Nhân Ðại lễ Phật đản (Ðại lễ Vesak) năm 2025 - sự kiện trọng đại của GHPGVN, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 4 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội và hoạt động Phật sự.

Phật giáo Cà Mau hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp

Bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động theo quy định của Nhà nước, pháp luật, theo sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), trong những năm qua, GHPGVN tỉnh Cà Mau đã cùng Nhân dân trong toàn tỉnh giữ vững và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động, đóng góp trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới quê hương.

Bí ẩn rắn hổ mây khổng lồ

Nhắc đến rừng tràm U Minh Hạ, gợi nhớ trong suy nghĩ của mọi người về vùng đất kỳ bí “rừng thiêng nước độc” với bao câu chuyện kể có sức hút lạ kỳ về thảm động, thực vật độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây. Ðặc biệt, chuyện về loài rắn hổ mây khổng lồ sinh sống tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Yêu xứ mù sương

Tác giả Nguyễn Văn Sự sinh năm 1970, sống tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hiện anh sinh hoạt tại Chi hội Nhiếp ảnh Lào Cai. Ngoài công việc chính là kinh doanh thương mại và du lịch, những lúc rảnh rỗi, anh lại tranh thủ đi sáng tác.

Truyền tình yêu lịch sử cho tuổi trẻ

"Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là bộ phim của Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Không phải làm phim tài liệu tái hiện giai đoạn lịch sử chỉ dành cho thế hệ trước, mà bộ phim được công chiếu tại tất cả hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc như cách quảng bá, tuyên truyền và giáo dục giới trẻ về lịch sử.

Fan hâm mộ Cà Mau gặp gỡ diễn viên Lý Hải cùng ê kíp làm phim Lật Mặt 8 

Chiều nay (8/5), ê kíp đoàn phim Lật mặt 8 "Vòng tay nắng" có mặt tại Cà Mau để giao lưu cùng khán giả.

Ấn tượng không gian trưng bày sách, ảnh tư liệu chào mừng 50 năm ngày thống nhất

Diễn ra từ ngày 26/4-4/5, tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, không gian trưng bày giới thiệu sách, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ; Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử; hành trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ... thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan.

Một lần gặp Bác Ba Phi

Đã hơn 6 thập kỷ trôi qua kể từ ngày ông Trịnh Thành Thân đóng quân ở vùng Lung Tràm, được gặp bác Ba Phi. Thế nhưng, khi nhắc lại kỷ niệm này, trong ánh mắt và giọng nói của người cựu chiến binh tuổi ngấp nghé 80 này vẫn bộc lộ niềm vui xen lẫn tự hào. Có lẽ, bởi những câu chuyện “nói dóc tỉnh bơ” của bác Ba Phi không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn là ký ức đẹp về vùng đất Cà Mau một thời trù phú...

Dấu ấn Việt Nam tại triển lãm “Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á 2025”

Cuộc triển lãm “Asian Art Century - Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” lần thứ I năm 2025, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, là một sân chơi nghệ thuật tầm cỡ, nơi hội tụ những sáng tạo đương đại đặc sắc của các hoạ sĩ đến từ khắp nơi trong khu vực. Với tinh thần giao lưu, hội nhập, các hoạ sĩ Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ mỹ thuật quốc tế.