(CMO) Qua thời gian triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, thị trấn Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân) thực hiện đạt trên 99%. Ðây là một trong những kết quả đạt được trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác thuỷ sản trái phép theo quy định IUU trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC).
Ða phần ngư dân thị trấn Cái Ðôi Vàm hành nghề ghe cào nên việc vi phạm vùng biển nước ngoài là điều không thể. Nhưng vì chủ trương quy định nên nhiều phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát. |
Cái Ðôi Vàm là 1 trong 4 cửa biển lớn nhất của tỉnh, trên địa bàn có 272 phương tiện hành nghề khai thác thuỷ sản xa bờ. Trong đó, có 3 phương tiện trên 24 m, còn lại các phương tiện trên 15 m đủ điều kiện để lắp đặt thiết bị giám sát.
Anh Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, qua rà soát, địa phương còn 6 phương tiện chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân là do các phương tiện này đã bị sang bán, được mang đi nơi khác hoạt động. Vì họ giao dịch bằng giấy tay nên trên giấy tờ thì các phương tiện này vẫn còn thuộc thẩm quyền quản lý của thị trấn. Phía địa phương đã đề nghị với Phòng NN&PTNT xoá tên phương tiện khỏi danh sách quản lý”.
Như vậy, nếu xoá 6 phương tiện này ra khỏi danh sách, Cái Ðôi Vàm đã đạt 100% số lượng phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Nhà nước. Ðược biết, Cái Ðôi Vàm là đơn vị thứ 2 hoàn thành mục tiêu trong lộ trình triển khai cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Từ khi triển khai thực hiện cho đến nay, nhiều địa phương vẫn còn đau đầu về công tác vận động chủ phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, cũng có nhiều địa phương quyết liệt trong vận động cũng như đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm “phủ sóng” hết các phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó có thị trấn Cái Ðôi Vàm.
Tuy đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng một số hộ dân vẫn gặp trở ngại khi sử dụng. Chúng tôi theo chân anh Mai Trọng Nghĩa, công chức địa chính, xây dựng - phụ trách khai thác thuỷ sản của thị trấn, đi thực tế xuống các hộ dân. Anh Ðiêu Thanh Tùng, Khóm 4, bức xúc: “Chủ trương của Nhà nước thì tụi tôi chấp hành. Lắp đặt cũng tốn rất nhiều tiền mà thiết bị cứ trục trặc liên tục. Hết thời gian bảo hành là hư, vừa tốn tiền thay mới, vừa tốn chi phí ra vào trong thời gian đánh bắt”.
Hộ anh Tùng có 2 phương tiện đánh bắt chiều dài trên 15 m, chỉ đánh cá, mực quanh Hòn Khoai, Hòn Chuối; mỗi con nước ra khơi khai thác chỉ có 7 ngày là vào đất liền. Nhưng qua vận động của cán bộ địa phương, anh Tùng đã lắp thiết bị cho 2 phương tiện.
“Chi phí lắp đặt gần 50 triệu đồng chứ có ít đâu, rồi hàng tháng phải đóng phí mạng hơn 1 triệu nữa, tính ra mấy tháng dịch bệnh không làm được là lỗ tiền nhà luôn. Ðã vậy, cứ ra đánh bắt vài ngày là mất kết nối. Phía kiểm ngư không kiểm tra được lại gọi vào, vì cho rằng mình đi khai thác trái phép hoặc cố tình tháo thiết bị làm mất kết nối. Nếu phương tiện không vào bờ khắc phục thì bị phạt. Mà phạt thì đến mấy chục triệu đồng”, anh Tùng bày tỏ.
Vấn đề này không chỉ riêng anh Tùng bức xúc mà nhiều hộ dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá của công ty có tên Bình Anh đều bị lỗi giống nhau. Anh Lưu Tấn Ðạt, Khóm 3, cũng bất bình không kém: “Có khi đang trúng con nước, bên kiểm ngư bảo máy mất kết nối cũng phải quay đầu chạy vào cho kỹ thuật công ty kiểm tra; vừa tốn chi phí, vừa mất thu nhập. Nếu không vào thì bị phạt”.
Theo một số ngư dân, vấn đề này phía các chủ phương tiện đã báo với công ty, công ty cho người xuống kiểm tra hỗ trợ nhiệt tình và thay thế thiết bị mới. Nhưng cứ hết thời gian bảo hành là lại hư làm gián đoạn công việc đánh bắt của nhiều phương tiện. “Cứ 3 tháng là tốn 2 triệu đồng/thiết bị, hỏi thì kỹ thuật bảo hư cái này, lỗi cái kia mình cũng đâu có biết”, anh Ðạt trần tình.
Anh Mai Trọng Nghĩa cho biết: “Tôi cũng ghi nhận phản ánh của bà con và báo với UBND thị trấn để có đề xuất với UBND huyện hỗ trợ hoặc phản hồi cho bà con trong thời gian sớm nhất”./.
Kim Cương