Diễn đàn Tổng biên tập 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” không chỉ gợi mở hướng đi đầy tiềm năng của báo chí - báo chí giải pháp, mà còn lan toả một thông điệp rộng hơn, đó là báo chí cần thiết và tất yếu phải “biết người, biết ta” trong bối cảnh mới.
“Biết mình, biết người”, tìm giải pháp, hướng đi cho báo chí là thông điệp lớn của Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với hơn 100 Tổng Biên tập cơ quan báo chí cả nước tham dự.
Phải thừa nhận một thực tế, đó là báo chí truyền thống đã và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của một dạng thức truyền thông mới - truyền thông mạng xã hội. Khi mỗi cá nhân đều có thể trở thành nguồn tin, kênh truyền tải tin tức, khả năng tương tác thông tin tức thì, vô tận trong môi trường số, thì báo chí truyền thống lập tức bộc lộ những vấn đề của mình.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định: “Ðời sống báo chí thời gian qua đã chỉ ra rằng, báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới”.
Với báo chí cách mạng Việt Nam, mọi nỗ lực đổi mới đều phải tập trung vào mục tiêu, giá trị cốt lõi và cũng là ưu thế không thể thay thế, là khẳng định được vai trò, vị trí dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự ổn định, phát triển của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra với báo chí không chỉ là để giữ chân độc giả, mà quan trọng nhất là củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.
Dẫn ra thực tế tại Báo Nhân Dân, Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết: “Ðổi mới đã tạo nên sinh khí mạnh mẽ, tích cực gắn với việc chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị không ngừng được nâng lên. Với hệ quy chiếu bất biến, là tôn chỉ, mục đích hoạt động, việc đổi mới cần toàn diện trong tư duy và hành động; từ con người đến phương tiện”. Báo Nhân Dân cũng là cơ quan báo chí tiên phong đầy ấn tượng để có “Ngày Ðổi mới sáng tạo Báo Nhân Dân” do Tổng Biên tập Lê Quốc Minh khởi xướng.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, với phần đề dẫn thảo luận tại Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024.
Báo Nhân Dân đặc biệt chú trọng đến chiến lược phát triển nội dung vượt trội, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ. Ðiển hình như chuyên mục Tri thức chuyên, đây là chuyên mục đầu tiên, khác biệt so với tất cả các chuyên mục khác trên các báo ở Việt Nam. Báo Nhân Dân chính là việc liên tục ra mắt các chuyên trang đặc biệt, kết hợp công nghệ với các ý tưởng sáng tạo để số hoá kho tư liệu quý, đem lại trải nghiệm đặc biệt cho độc giả.
Sự kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm tuyên truyền sinh động, hiệu quả về nhiều chủ đề, sự kiện đã giúp Báo Nhân Dân có được sự đón nhận, ủng hộ nhiệt thành của độc giả. Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết: “Mỗi chuyên trang được thể hiện bằng hình thức báo chí dữ liệu lớn mà độc giả có thể tiếp cận toàn diện, đầy đủ, hệ thống và sinh động các thông tin liên quan đến chủ đề chung. Như với chuyên trang về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi thông tin độc giả tìm kiếm, mong muốn đều được tích hợp”.
Ðổi mới với báo chí không hề dễ dàng, nhất là vấn đề nguồn lực, cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Dẫn ra bài toán kinh tế về đầu tư công nghệ tại Báo Nhân Dân, Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: “Có khi phải bỏ ra số tiền hàng trăm triệu để đầu tư cho một phần mềm mới. Nhưng đó chỉ là công việc ban đầu, vấn đề là cần khai thác, phát huy sự đầu tư này như thế nào”.
Ðể có nguồn lực đổi mới, báo chí cần có bệ đỡ từ cơ chế, chính sách, song cần nhất là dũng khí dám làm. Bởi, nếu không đầu tư, không mới mẻ, không đủ sức cạnh tranh thì cơ quan báo chí sẽ rất khó trụ vững chớ chưa nói đến việc phát triển. “Biết người, biết ta”, tận dụng tối đa ưu thế của báo chí truyền thống, tựa vào khoa học công nghệ, sáng tạo và bứt phá là đòi hỏi tất yếu của báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Rõ ràng, độc giả không nhất thiết phải tìm đến báo chí mới có được thông tin. Sự thay đổi đang diễn ra chóng mặt, trong đó chính các doanh nghiệp, độc giả có thể cũng không cần đến báo chí nữa.
Ðể tồn tại, phát triển, báo chí không chỉ trông chờ vào việc “cung cấp cái mình có”, mà phải hướng đến “cung cấp cái độc giả cần”. Ở đây không phải, không thể là cơ chế “ban - cho” của “kẻ cả, bề trên”, mà là sự đồng hành, phục vụ và cơ chế “cùng thắng”. Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: “Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác”. Ðó là đòi hỏi bức thiết với báo chí truyền thống, phải chiến thắng chính mình, gỡ bỏ được những vấn đề tạo nên sức ỳ, lực cản của bản thân trước khi bàn đến câu chuyện phát triển, đổi mới".
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: "Báo chí không thể đặt mình lên trên độc giả, xã hội".
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là khi công chúng bị choáng ngợp trước “bão thông tin” thì họ lại cần đến các cơ quan báo chí, nói như Nhà báo Lê Quốc Minh: “Ði xa rồi lại trở về. Người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, cơ quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống”.
Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc, chính thống, tích cực, nhân văn. Còn nếu tiếp tục chạy đua về tốc độ, về số lượng thì báo chí không thể tìm thấy cơ hội chiến thắng và cả hướng đi, giá trị cốt lõi của mình. Ðó là thông điệp mà cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo hiện nay cần hết sức lưu tâm.
Nhưng mọi sự đổi mới của báo chí đều phải có một mục tiêu tối thượng, Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: “Báo chí phải luôn khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, công bằng và cân bằng, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và Nhân dân”. Ðây là sự phản tỉnh cần thiết với các cơ quan báo chí, khi quá đặt nặng công việc đổi mới, chuyển đổi số mà đôi khi quên đi mục đích của đổi mới, chuyển đổi số để làm gì và phụng sự điều gì.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra một đánh giá sắc sảo: “Vẫn tồn tại vấn đề các cơ quan báo chí luôn đặt mình ở vị trí cao hơn độc giả, xã hội. Ðó là nhận thức hết sức nguy hiểm. Lấy ví dụ thôi, trong chuyện quảng cáo, quảng bá thương hiệu, thực tế là doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng thuê các Youtuber, các KOL cá nhân để thực hiện chớ không cần tới các cơ quan báo chí chính thống. Tất nhiên là còn nhiều vấn đề để bàn, nhưng đó là một câu chuyện mà báo chí cần phải tự đánh giá, nhìn nhận lại tâm thế, cách tiếp cận, cách làm trong bối cảnh hiện nay”.
Phạm Hải Nguyên