ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 16-3-25 04:47:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ý Cáo

Báo Cà Mau Cơn mưa già buổi, bong bóng nước nổi lừ đầu khu chợ. Đường vắng lặng, hai bên phố trắng nhờ nhờ. Ý Cáo trong mưa mang những bó củi đước nặng nề giao cho ghe, mồ hôi hai bên trán chảy nhiều hơn nước mưa xuống hai bên má.

Cơn mưa già buổi, bong bóng nước nổi lừ đầu khu chợ. Đường vắng lặng, hai bên phố trắng nhờ nhờ. Ý Cáo trong mưa mang những bó củi đước nặng nề giao cho ghe, mồ hôi hai bên trán chảy nhiều hơn nước mưa xuống hai bên má.

Giao xong củi, ý Cáo trở lại sạp rau, quần áo ướt sũng nước mưa và lấm lem bùn, mang gà-men cơm của con gái gửi ra từ tờ mờ hợp chợ và ngồi ăn ngon lành. Một cô bé cầm dù trong mưa đến chợ rau, cô bé lóng ngóng trước sạp rau của ý Cáo và nói: “Ý ơi! Bán cho con 500 đồng ớt!”. Ý Cáo lật đật bỏ gà-men cơm xuống, đi ra trước sạp rau, nhìn cô bé, cười, chậm rãi dỡ tấm bạt che rau nhẹ nhàng, bán cho cô bé 500 đồng ớt.

Ý Cáo bán rau nuôi 3 người con học đại học và thành tài.

Gà-men cơm chan nước mưa nhạt thếch, chẳng còn ngon miệng, ý Cáo vẫn ăn ngon lành. Có người trong chợ rau thấy vậy đến hỏi ý Cáo: “Đang ăn cơm ngon miệng vậy, bán vài trái ớt có lời lóm bao nhiêu mà phải cực thân như vậy? Ý có thể kêu con bé qua chỗ khác mua được mà?”. Ý Cáo cười: “Vấn đề không phải là lời ít hay lời nhiều, lời ít cũng là lời mà! Vấn đề là khách hàng, mua ít hay nhiều cũng là khách hàng vậy”.

Đức tính chịu khó rất đẹp trong mua bán đó của ý Cáo đã giúp bà vượt qua được những lần tưởng chừng như gục ngã. Nó giúp ý Cáo hoàn thành được tâm nguyện của mình đối với chồng và để lại niềm tự hào nho nhỏ cho khu chợ rau nghèo này.

Ý Cáo tên thật là Mã Ngọc Lan, sinh năm 1954, trong một gia đình người Hoa có đông anh chị em ở ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau. Tên Cáo trong người Hoa có nghĩa là người con thứ chín trong gia đình, bà con bán rau ở chợ Tắc Vân quen gọi thân mật là ý Cáo, có nghĩa là dì Chín.

Do nhà ý Cáo có đông anh chị em, gia đình không dư dả gì cho mấy, cha mẹ mất, tài sản để lại chỉ có căn nhà, anh chị em ý Cáo bán đi chia mỗi người một ít. Ý Cáo được chia một ít vốn theo chồng về bán rau ở chợ ấp 2, xã Tắc Vân.

Chồng của ý Cáo là ông Lê Minh Hải, người của ấp Cây Sộp, xã Định Hải, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ông Hải tham gia cách mạng năm 1974, công tác ở các đơn vị Đội Cảnh sát bảo vệ Công an huyện Giá Rai, Đội cảnh sát bảo vệ Công an huyện Châu Thành, Công an xã Tắc Vân, Chi cục Thuế TP Cà Mau. Hai vợ chồng ý Cáo sống trong căn nhà thiếc nhỏ bên bờ sông ở ấp 2, ông Hải đi làm ở xã, ý Cáo bán rau ở chợ, hai vợ chồng sống đạm bạc, hạnh phúc và có với nhau 3 người con.

Năm 1996, ông Hải bị bệnh và qua đời. Ông Hải mất, người con trai lớn của ý Cáo chỉ mới học lớp 3, cô con gái thứ hai học lớp 1, cô con gái út chưa đi học. Vậy là công việc bán rau ở chợ của ý Cáo nuôi 4 miệng ăn, hai người con đi học khá chật vật. Ý Cáo phải chịu khó trong mua bán rau ở chợ, chắt mót từng đồng.

Ông Hải mất 1 năm, cuộc sống của 4 má con ý Cáo vẫn chưa ổn định. Cơn bão số 5 năm 1997 kéo đến làm sập nhà, 4 má con ý Cáo mướn nhà trọ ở, khó khăn thêm khó khăn. Dù vậy, ý Cáo không chùn bước, cô tự nhủ lòng thực hiện bằng được tâm nguyện của chồng khi còn sống là 3 người con được học hành tới nơi tới chốn, nên người, giúp ích cho xã hội.

Sau bão, bà dựng lại được nhà tạm bên bờ sông, vách nhờ vào hai bên vách hàng xóm. Ý Cáo trở lại chợ rau và không bán rau bình thường như trước mà bán thêm nhiều thứ theo thời vụ để lo 4 miệng ăn. Tới mùa củi thì mua củi về vựa bán cho các ghe hàng bông trên sông, tới mùa Vu Lan thì nhận làm bánh gia công cho chùa, tới mùa Trung thu thì bán thêm bánh Trung thu và lồng đèn, tới mùa Tết thì bán thêm mắm tôm, dưa kiệu, dưa hấu, hoa cho chợ Tết ở xã.

Một mình bán sạp rau ở chợ đã được coi là “đuối”, nhưng ý Cáo còn vác củi xuống ghe, làm bánh cho chùa và bán thêm nhiều thứ như vậy, bà như con thoi ở chợ. Đầu tắt mặt tối suốt ngày, dân chợ rau nhìn bà chỉ còn biết lắc đầu chào thua. Từ chịu khó và cần kiệm, 3 người con đến trường, người con trai lớn học cấp III, cô con gái thứ hai học cấp II, cô con gái út học cấp I.

Nhưng thử thách chưa dừng lại, năm 2005, người con trai lớn của ý Cáo học năm cuối cấp III, chợ Tắc Vân cháy, 24 căn nhà bên bờ sông, trong đó có nhà của ý Cáo chỉ còn là đống tro tàn. Mọi thứ trở lại vạch xuất phát như lúc nhà sập, ý Cáo chỉ còn như cái xác không hồn.

Sau khi chợ Tắc Vân cháy, thành phố cấp phép cho dãy nhà tạm mé sông được xây dựng cơ bản. Dãy nhà ọp ẹp mé sông mau chóng thay đổi, trở nên phố chợ nhộn nhịp, sót lại duy nhất nhà của ý Cáo dựng tạm bợ, vách nhờ vào hai bên vách hàng xóm như lúc chưa cháy nhà.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tắc Vân Nguyễn Văn Thanh nhận xét: “Trong những năm qua, phong trào khuyến học - khuyến tài ở xã Tắc Vân xuất hiện rất nhiều gia đình tiêu biểu, số lượng con em ở xã học đại học và tốt nghiệp đại học tăng, trình độ dân trí nâng lên rõ nét. Trường hợp của gia đình ý Cáo là khá đặc biệt và có duy nhất ở xã. Chồng của ý Cáo là cán bộ, ý Cáo có thể được giúp đỡ nhiều, nhưng với đức tính tự trọng, ý Cáo có nhiều khó khăn không nói ai, tự xoay xở lấy. Và chúng tôi thật bất ngờ, ý Cáo bán rau, trải qua nhiều khó khăn nhà sập, nhà cháy vậy mà nuôi được 3 người con học đại học và thành tài. Tấm lòng và ý chí của người mẹ thật phi thường. Gia đình của ý Cáo đã đóng góp không nhỏ vào phong trào khuyến học - khuyến tài của xã và thành phố.

Sau cháy nhà và dựng lại nhà, ý Cáo bị thiệt hại nặng nề hơn so với lúc nhà sập, tài sản gần như không còn gì, vốn liếng còn duy nhất là sạp rau ở chợ. Đúng lúc này, người con trai lớn của ý Cáo tốt nghiệp cấp III loại giỏi. Ý Cáo không đầu hàng số phận, bà hỏi tiền trả góp ở chợ cho người con trai lớn đi thi đại học. Sau đó, dân chợ rau thấy ý Cáo gần như bán lưng cho trời, bán mặt cho chợ rau trả nợ cho người con trai lớn đi thi đại học và nuôi 2 cô con gái học trung học.

Và đúng “sau cơn mưa trời sáng”, người con trai lớn gửi giấy báo về thi đậu vào Đại học Ngân hàng. Hôm đó, dân chợ rau thấy ý Cáo cầm giấy báo đỗ đại học của con mà vui như người mất hồn, ngồi đứng không yên, cứ đi lòng vòng trong chợ rau và cười như bà khùng, dân chợ rau phát vui lây. Rồi cứ vậy, ý Cáo lần lượt nuôi cô con gái thứ hai và cô con gái út thi đậu vào Đại học Ngân hàng. Dân chợ rau nói vui với nhau, nhà của ý Cáo trở thành ngân hàng được rồi, ý Cáo cười, nước mắt hạnh phúc dâng đầy hai mắt.

Hơn 20 năm bán rau, 1 lần nhà sập, 1 lần nhà cháy, ý Cáo đã vượt qua và nuôi được 3 người con thành tài. Người con trai lớn là Lê Minh Đẹp, tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, công tác ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Người con gái thứ hai là Lê Thị Thanh Nhàn, tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, công tác ở Cà Mau. Cô con gái Út là Lê Thị Kiều Linh, tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, công tác ở Sacombank tại TP Hồ Chí Minh. Ý Cáo làm cho chợ rau nghèo ấp 2, xã Tắc Vân tự hào, dân phố nhà giàu ở Tắc Vân thay đổi cách nhìn rất nhiều về dân chợ rau, chợ cá...

Bút ký của Ái Như

Chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển - Gỡ khó hiện tại, khơi mở tương lai - Bài cuối: Không thể chậm trễ hơn

Gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh Cà Mau đã cụ thể hoá các định hướng, chỉ đạo của Trung ương và địa phương với những giải pháp toàn diện, đồng bộ, hướng đến mục tiêu từng bước giảm dần cường lực khai thác, hạn chế các nghề ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn lợi, hệ sinh thái biển; hướng đến phục hồi và cân bằng nguồn lợi thuỷ sản trong tự nhiên; góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và phát triển sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển - Gỡ khó hiện tại, khơi mở tương lai - Bài 2: Gian nan tìm sinh kế mới

Ðể giải quyết căn cơ, bền vững sinh kế cho hàng chục ngàn lao động không phải là vấn đề dễ dàng của bất kỳ địa phương nào. Bức tranh tổng thể đời sống cư dân ven biển ở địa phương cho thấy, vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho người dân là yêu cầu cấp bách và cần được đánh giá thấu đáo, toàn diện, đặc biệt là nhìn thẳng vào những kết quả và cả những hạn chế trong thực tiễn triển khai thực hiện.

Cái Tàu - Ngọn nguồn thương nhớ!

Ðịa danh Cái Tàu ở U Minh Hạ gợi biết bao nỗi nhớ niềm thương với những ai gắn bó và cả sự háo hức tò mò với những người chưa đến. Cũng như nhiều địa danh lâu đời khác ở Cà Mau, Cái Tàu không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa trong lòng biết bao vỉa tầng trầm tích văn hoá, lịch sử gắn với biết bao thế hệ con người đã làm nên hồn cốt, bản sắc độc đáo của một vùng đất địa linh, nhân kiệt với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển - Gỡ khó hiện tại, khơi mở tương lai

Là địa phương duy nhất ở Việt Nam có 3 mặt giáp biển, ngư trường rộng lớn, sản lượng khai thác luôn ở mức trên 200 ngàn tấn/năm, Cà Mau xác định kinh tế biển là một trong những trụ cột nền tảng và mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 40 ngàn lao động gắn với nghề biển, tuy nhiên, đời sống của cư dân ven biển gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững, dễ tổn thương khi đối diện với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu, nguồn lợi thuỷ hải sản cạn kiệt, yêu cầu tái cấu trúc nghề biển trong bối cảnh mới... Dù đã nhận diện rõ vấn đề cấp bách của địa phương là chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tạo sinh kế và hướng phát triển bền vững cho cư dân ven biển, thế nhưng hơn chục năm qua, công việc cấp bách này vẫn loay hoay ở mức... thí điểm.

Cháy - hệ luỵ khôn lường - Bài cuối: Ngăn chặn từ gốc

Những vụ hoả hoạn liên tiếp đã thiêu rụi tài sản, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế cho nhiều gia đình. Nguy cơ cháy nổ vẫn rình rập, từ khu dân cư, trường học, bệnh viện đến các khu chợ sầm uất, nếu công tác phòng ngừa không được siết chặt ngay từ gốc. Thực tế cho thấy, các mô hình phòng cháy chữa cháy (PCCC) cộng đồng đang phát huy hiệu quả, nhưng để tạo ra sự thay đổi bền vững, những giải pháp này cần được nhân rộng, đi đôi với chế tài thực thi nghiêm túc. Chỉ khi mỗi người xem PCCC là trách nhiệm của chính mình, thì nguy cơ và những thảm kịch do cháy gây ra mới thực sự được đẩy lùi.

Cháy - hệ luỵ khôn lường

Lửa vừa là nguồn năng lượng cần thiết trong đời sống, vừa là “kẻ huỷ diệt” thầm lặng. Chỉ một tia lửa nhỏ, do một khoảnh khắc bất cẩn, cũng có thể thiêu rụi mọi thứ, biến tài sản, kể cả tính mạng thành tro bụi. Những vụ cháy không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn cướp đi những điều vô giá, một mái ấm bình yên, những ước mơ chưa kịp thực hiện; cùng nỗi ám ảnh tinh thần nặng nề cho người trong cuộc...

Bài học cuộc sống từ hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng… ” của Xuân Phượng

Hồi đầu tháng 1/2025, quyển hồi ký “Khắc đi… Khắc đến” của nữ đạo diễn 96 tuổi Nguyễn Thị Xuân Phượng được trao giải Mai Vàng ở hạng mục tác phẩm văn học. Ra mắt tháng 9/2024, chỉ sau 2 tháng phát hành, sách đã tái bản lần thứ 3 với tổng lượng in 4 ngàn bản.

Vẫn âm ỉ hòn than U Minh

Cuối năm 2024, tôi có một chuyến về nguồn nhiều mong mỏi. Cái nơi đến chứa chan, ấp ủ nhiều kỷ niệm, lẫn những ray rứt khôn nguôi. Ðội hình gồm có Nguyễn Bé, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ðỗ Kiến Quốc, nguyên Giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau; Nhà văn Phan Trung Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Phải kể thêm rằng hôm đó còn có cô Hồng Vân, Báo Cà Mau tháp tùng. Trừ Hồng Vân ra, cả ba đứa giờ đã về hưu, bọn tôi hui hút có nhau từ thời làm Báo Minh Hải. Giờ ba thằng rủ nhau về xã Khánh Bình Ðông, Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây là xứ sở của nhà trào phúng dân gian Ba Phi và là địa phận của rừng U Minh xưa.

Tết Ất Tỵ năm ấy

Ðêm cuối năm, ngồi nhà cũng biết các nước Ðông Nam Á họ đón Tết ra sao, cũng được xem bắn pháo hoa, được tận mắt nhìn Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Thời 4.0 là thế. Lại nhớ, lại thương ông bà, cha mẹ, thương những bậc tiền nhân ngày ấy, cả xóm tôi chỉ có một cái radio, mà phải canh lính, lén bắt để được nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết.

Làm khách ở quê mình

Xa nhà cũng là một thử thách. Cuộc sống xa nhà dạy ta nhiều thứ. Tôi từng nhiều bận rời xa, nhưng đó chỉ là khoảng thời gian ngắn rời đi học tập, xong lại quay về để lớn, để trưởng thành. Lần này thật sự là chuyến rời quê để xây dựng tổ ấm, sự nghiệp cho riêng mình.