ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 11-5-25 10:43:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bên bờ Ðầm Thị Tường

Báo Cà Mau (CMO) Bỏ lỡ mấy chuyến về thăm Căn cứ Tỉnh uỷ ở Xẻo Ðước, lòng dạ không khỏi bồn chồn, hối tiếc. Bởi nhắc tới địa chỉ đỏ Xẻo Ðước, cũng là nhắc nhớ bóng dáng của người lính cận vệ Văn phòng Tỉnh uỷ một thời tận tuỵ và kiên trung. Tuổi tác, bệnh tật chất chồng, biết đâu không còn cơ hội...

Đầm Thị Tường có chiều dài hơn 10 km, rộng khoảng 700 ha mặt nước, người xứ đầm Thị Tường chia nó làm ba: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Phía bờ Nam từ thượng lưu xuống là Mỹ Thành, Bến Bọng và Xẻo Ðước; phía bờ Bắc là Vịnh Dừa và Ðất Cháy. Rạch Giáp Nước và Thị Tường được ví như hai cái vòi, còn sông Mỹ Bình là cái đuôi của con rồng. Ðầm Thị Tường thuộc hệ thống thuỷ triều biển Tây, nối ra biển bằng sông Mỹ Bình, có dòng chảy nhẹ, ít phù sa, từ bao đời vẫn không lở, không bồi; có người gọi là biển cạn, bởi chênh lệch giữa nước lớn và nước ròng khoảng 30 cm. Khi nước ròng, xuồng be tám một người đi, đáy xuồng đã cọ sát đất. Từ đầm dưới xuống hạ lưu có lòng lạch sâu, nước ngọt từ các kênh rạch đổ ra, bông súng, bồn bồn mọc xanh um và lấn ra rất xa. Ðầm Thị Tường là vựa cá tôm nuôi sống Nhân dân hai bên bờ và cán bộ, bộ đội ta đóng quân ở đây trong những năm đánh giặc.

 Một góc đầm Thị Tường . Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

Căn cứ Xẻo Ðước nằm ở đầu doi của đầm giữa về phía hạ lưu thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân. Phía bờ Bắc có ba xã tiếp giáp như Hưng Mỹ (Cái Nước), Phong Lạc, Phong Ðiền (Trần Văn Thời). Ðịa danh Xẻo Ðước có người còn gọi là xóm Huế, bởi từ đầu đến cuối xóm khoảng 700 m toàn những hộ từ Quảng Ngãi vào lập nghiệp trước năm 1940. Người miền Tây, hễ ai nói giọng hơi lạ đều quy là Huế hết.

Cũng cần nói thêm, trước khi Tỉnh uỷ chốt đại bản doanh tại Xẻo Ðước, cụ thể là khu vườn dừa của chú Bảy An (nơi hiện nay là khu di tích), cơ quan Tỉnh uỷ lúc thì ở Mỹ Thành gần vàm Giáp Nước; lúc ở Ðất Cháy trong nhà chú Bảy Ðăng gần Kinh Tư; lúc nhà má Năm gần kênh Chống Mỹ. Hai lần ở Rẫy Mới, cặp rừng Mỹ Bình. Cũng có lúc ở Ðiền Trường sát Sông Ðốc. Lúc quay lại Mà Ca, Cây Me, Cái Chim… Chủ yếu là ở trong dân, được Nhân dân chở che, nuôi dưỡng. Cũng nơi này, từ cuối năm 1960 đến cuối năm 1973, Cà Mau đã cung cấp 4 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ về khu Tây Nam Bộ, đó là anh Vũ Ðình Liệu (Tư Bình), Phan Ngọc Sến (Mười Kỷ), Nguyễn Ngọc Sanh (Mười Thiện) và Nguyễn Văn Ðáng (Tư Hườn).

Lần này, là lính văn phòng gặp mặt, vui Tết với hàng trăm gia đình có công nuôi chứa, che chở cơ quan Tỉnh uỷ. Thật ra phần lớn chỉ là đại diện, bởi các chú, các cô hồi đó không mấy ai còn sống; có người đã ngã xuống khi cuộc chiến tranh chưa kết thúc, như anh Tám Háp, chú Bảy Thiệt ở Ðất Cháy, chị Sáu Xuyến nhà sát khu di tích.

Nhập cuộc, hàn huyên, tôi nhớ đến những địa chỉ mà mình đã bao năm khắc khoải như người có lỗi. Ðó là gia đình má Chín Ðầm, có một con là liệt sĩ. Ðó là Phạm Quang Long, cán bộ mã thám của Văn phòng Tỉnh uỷ, hy sinh chiều 25/8/1961 tại Rẫy Mới, Mỹ Bình cách cầu kênh xáng Thọ Mai chừng hơn 1 cây số trong chiến dịch với cái cớ tìm diệt lực lượng giáo phái Bình Xuyên, nhưng thực chất là đánh vào vùng căn cứ của ta. Nhiệm vụ của tôi lúc ấy là quay lại Xẻo Ðước để rước chị Huỳnh Thị Mười (Tư Ðào), vợ anh Long. Hai chị em nhờ dân đưa qua đầm rồi đi bộ xuống vàm xáng Thị Kẹo, lại nhờ dân đưa qua kênh xáng để đến Rẫy Mới, nơi đặt thi thể anh Long trong một nhà dân.

Ðoạn đường dài khoảng 4 cây số mà phải mất hơn hai tiếng đồng hồ. Trận càn chưa kết thúc, đêm đen bao trùm, vài căn nhà còn chong đèn leo lét, những tiếng chó tru nghe rất thảm, vắng lặng rợn người. Lần mò trong đêm, nhiều khi chị quỵ xuống, phần vì quá xúc động, phần vì lúc chiều có trận mưa rào nên đường rất trơn trượt. Tôi phải đỡ chị dậy đi tiếp. Chị vừa lần bước vừa nức nở. Vợ chồng ăn ở với nhau hơn hai năm nhưng chưa có mụn con. Những năm đầu cuộc chiến tranh, đồng bào, chiến sĩ ta hy sinh rất ít, nên mỗi cái chết là đau đớn của cả cộng đồng. Tôi không có lời nào an ủi chị, chỉ cố dìu chị qua mỗi bước đi, mỗi lần chị đổ quỵ.

Sau cái chết của anh Long, bộ phận mã thám Văn phòng Tỉnh uỷ chịu thêm hai tổn thất nữa, đó là Ðoàn Nghĩa Hiệp (Năm Nhựt), Phạm Văn Bảo (Ba Bảo), rồi đến anh Huỳnh Văn Nhụ (Tư Vững), Chánh văn phòng Tỉnh uỷ, tử thương trong một lần qua Sông Ðốc. Chiến tranh kết thúc, Văn phòng Tỉnh uỷ có bốn đồng chí hy sinh.

Tôi nhớ căn nhà của thím Bảy Lào ở bên bờ Bắc, nơi tôi và chị Hai Phương (người cán bộ cơ yếu duy nhất của Văn phòng Tỉnh uỷ lúc bấy giờ) bên ngọn đèn dầu để mã hoá các bức điện của Tỉnh uỷ về Khu, và dịch các bức điện của Khu gửi Tỉnh uỷ. Chị đọc, tôi ghi...

Chị Hai Phương có chồng tập kết, để lại đứa con gái tên Ngọc Minh chừng 5-6 tuổi, được gửi lúc thì bên ngoại ở Cần Thơ, lúc bên nội ở Rau Dừa (Hưng Mỹ). Cũng có lần, chị nhờ người rước Ngọc Minh đến chơi, gặp lúc hành quân, Ngọc Minh chạy lúp xúp, có khi chúng tôi phải bế, cõng cháu đi theo. Không lâu, chị Hai Phương được điều về Bộ Chỉ huy Quân sự R, rồi sau đó được biệt phái làm Thị đội phó Thị đội Lộc Ninh. Năm 12 tuổi, Ngọc Minh được gửi vào Trường Lý Tự Trọng. Năm 1973, Ngọc Minh được gửi ra Bắc học tập. Trên đường ra Bắc, Ngọc Minh có ghé Lộc Ninh tìm mẹ, chờ đợi cuộc sum họp sau 6 năm xa cách. Nhưng, chữ nếu trong chiến tranh có khi thành may mắn, cũng có khi là nỗi đau đến tột cùng. Chị Hai Phương đã hy sinh trước đó 15 ngày. Sáu năm trước, Ngọc Minh nhớ mẹ qua hình dáng và thương yêu, lần này lại mang theo cả hình ảnh nấm mồ chưa xanh cỏ.

Ngọc Minh học giỏi, biết tu dưỡng lại khá xinh. Ðể nhớ mẹ, Ngọc Minh đổi chữ lót “Ngọc” thành chữ “Phương” - Mạc Phương Minh. Khi về hưu, Minh mang quân hàm Ðại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bên bờ Bắc của đầm còn có chiến thắng Ðất Cháy, ngày 23/4/1971, của Ðại đội 18, Ðại đội 21 Trinh sát, Ðại đội 17 cối 82 ly, Trung đội vệ binh của ba cơ quan Chính trị, Tham mưu, Hậu cần Trung đoàn 10 và Ðoàn Văn công tỉnh Cà Mau. Các đơn vị đã diệt gọn Ðại đội thám báo 967 khét tiếng gian ác ở đồng đất sau nhà anh Nguyễn Văn Thi, anh Ba Bình, anh Tư Hưng… với 67 tên chết, 23 tên bị bắt sống (trong đó có 6 giặc lái trực thăng); bắn rơi 7 máy bay trực thăng, có 2 trực thăng vũ trang. Ðây là trận đánh đổ bộ đường không đạt hiệu suất chiến đấu cao, bắn rơi nhiều máy bay nhất trong một trận đánh ở Nam Cà Mau. Trận đánh mà Ðinh Hoàng Chiến, Nguyễn Hoàng An (diễn viên), Út Huệ (thợ máy), Ðoàn Văn công Cà Mau cùng tham gia, dùng loa phóng thanh áp đảo kêu gọi địch đầu hàng. Tan trận, nhìn chiếc trực thăng cắm đầu xuống đầm dưới mà lòng hả hê.

Hơn 10 năm gắn bó với đầm Thị Tường, giờ đây đất và người vẫn thân quen. Những hố bom mở toang mặt đất, khoét sâu trong nước sau vườn nhà anh Hai Thi, chú Ba Hưng ở Ðất Cháy; sau nhà anh Nguyễn Văn Rơi ở gần kênh Bà Ký và nhiều gia đình khác như có sự nhắc nhở, ràng buộc giữa người đi và người ở lại. Kể ra, kẻ thù cũng tinh mắt, trong vườn anh Tư Roi và anh Hai Thi, Văn phòng Tỉnh uỷ cũng có lúc đóng quân ở đó.

Sau này, khi anh Tư Rơi ốm nặng, các con anh đã kè đất lấp hơn phân nửa hố bom để làm phần mộ. Một khoảng trống lấp loáng nước còn lại được giữ nguyên để làm nhân chứng một thời khói lửa. Sau vườn anh Hai Thi, cậu con trai út đã cho máy cuốc đào nới rộng ra, biến hố bom thành ao nuôi tôm công nghiệp.

Có biết bao kỷ niệm dọc hai bên bờ đầm Thị Tường làm sao kể hết. Biết bao tấm lòng cao đẹp làm sao trả được ơn. Chị Hai Mãi ơi, cặp vịt chị cho làm bữa cơm trong ngày thành hôn, sau đó đùm bọc, hoạn dưỡng vợ con tôi suốt mấy năm trời, còn có cái tình nào cao hơn. Chị Năm Hợi ơi, mấy lít nước cơm rượu chị dành cho tôi trong những ngày bị sốt rét hành hạ, 60 năm rồi, tôi luôn nhớ. Anh chị Tư Rơi ơi, vườn dừa của anh chị chúng tôi ăn gần hết mà sao gia chủ vẫn cười. Chú Sáu Tụi ơi, ngón đờn kìm chú dạy chúng tôi học ca vọng cổ, có cùng chú về với đất.

Ðầm Thị Tường - Xẻo Ðước, nói sao cho hết những ngày gian lao mà sâu nghĩa, nặng tình./.

 

Nguyễn Thái Thuận

 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.