(CMO) Với diện tích hơn 280.000 ha, trong tổng số khoảng 300.000 ha nuôi thuỷ sản của Cà Mau, hiện nay con tôm được định hướng phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia. Ðây sẽ là ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan, hiện nay người nuôi tôm và cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều gặp khó.
Bài 1: Khó khăn bủa vây
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, năng suất và hiệu quả nuôi tôm đều không tăng so với những năm trước. Ðây là một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ngành kinh tế mũi nhọn này đang bước vào giai đoạn khó khăn.
Xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ những năm 1994 tại một số vùng Nam Cà Mau với loại hình nuôi sơ khai là quảng canh. Với hiệu quả cao, vào khoảng năm 2000, một số vùng còn lại cũng được chuyển đổi sản xuất nuôi tôm. Sau một thời gian hình thành, từ loại hình nuôi quảng canh đơn thuần, con tôm dần dần được người dân nuôi với rất nhiều hình thức: quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, thâm canh và đỉnh cao như hiện nay là siêu thâm canh.
Khó từ đầu vào…
Kể từ khi xuất hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, với tỷ lệ thành công đạt trên 85% đã mang lại lợi nhuận rất cao. Trên 10 năm theo con tôm thâm canh, nay là siêu thâm canh, ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (HTX Tân Hưng) nhớ lại: "Vào năm 2013 làm kiểu gì cũng trúng, miễn có thả giống là có tôm. Mà khi đó giá tôm loại 200 con/kg đã có giá bằng loại 70 con/kg như hiện nay, trong khi giá thức ăn chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg. Lúc đó ai nuôi tôm cũng sướng, nhưng chỉ được... vài năm".
Với “tiếng lành” đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phát triển mạnh vào những năm sau này. Ai cũng muốn đào ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, mặc cho khuyến cáo và quy định về điều kiện nuôi của tỉnh.
Cụ thể, nếu như năm 2019, diện tích nuôi theo hình thức siêu thâm canh là 2.500 ha thì bước sang năm 2020 đã tăng lên 2.800 ha, đến năm 2021 tiếp tục tăng và đạt 3.606 ha, đến nay có 4.740 hộ nuôi với diện tích trên 4.600 ha. Ðiều hiển nhiên, sự tự phát này đã kéo theo hàng loạt các hệ luỵ mà một trong những hệ luỵ dễ nhận thấy nhất là tỷ lệ thành công giảm đi đáng kể. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ thành công trong nghề nuôi tôm siêu thâm canh chỉ còn từ 60-70% so với 85% trước đó, lợi nhuận kinh tế cũng giảm rõ rệt.
Sự sụt giảm này được xác định bởi rất nhiều nguyên nhân, từ thời tiết diễn biến bất lợi, môi trường nước trên sông chưa đảm bảo chất lượng, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, trong đó có một số bệnh hiện nay chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả… Ðặc biệt, trong số các nguyên nhân khiến hiệu quả nghề nuôi thấp chính là giá các loại vật tư đầu vào đều tăng, trong khi đó có những thời điểm giá tôm giảm sâu, người nuôi không có lãi.
Thức ăn là loại vật tư đầu vào ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi và đây cũng là mặt hàng tăng giá nhiều nhất trong những năm gần đây. Ông Huỳnh Xuân Diện thống kê: "Chỉ riêng năm 2022 đã có đến 4 lần tăng giá và đầu năm 2023 này lại tiếp tục tăng. Một công ty lên giá thì tất cả đều lên theo với lý do nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài về, giá thành cao nên giá thức ăn buộc cũng phải tăng theo. Không chỉ vậy, giá thức ăn tăng còn kéo theo giá của hoá chất và tất cả các loại khác đều tăng, trong khi chỉ có tôm là giảm giá, không ổn định".
Chỉ riêng trong năm 2022, thức ăn cho tôm đã 4 lần tăng giá và đầu năm 2023 này lại tiếp tục tăng lần nữa, làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. |
Cũng theo ông Diện, hiện nay nếu cho tôm ăn bằng tay thì hệ số thức ăn là khoảng 1.1-1.2, còn nếu cho ăn máy thì khoảng 1.3-1.4, tức để có một ký tôm phải tốn 1.3-1.4 kg thức ăn.
Một thực tế là hiện nay, nếu người nuôi tôm mua thức ăn bằng tiền mặt thì có giá khoảng 30-31 ngàn đồng/kg; còn nếu mua trả chậm, sau 1 tuần đến 2 tháng mới thanh toán, thì giá trên 40 ngàn đồng/kg thức ăn tôm. Ðiều này cho thấy, nếu bán với giá từ 30-31 ngàn đồng/kg thì các công ty đã có lãi. Con số chênh lệch gần 30% giữa hai hình thức thanh toán cho thấy một điều rằng, giá thành thức ăn không phải bị ảnh hưởng quá lớn bởi nguyên liệu nhập khẩu, mà cái chính là từ mức độ rủi ro của nghề nuôi.
… Cho đến đầu ra
Ngành kinh tế mũi nhọn ngày một khó không chỉ bởi giá vật tư đầu vào tăng cao, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp… mà ngay cả khi thành công thì đầu ra cũng không dễ dàng. Ông Diện nhận định, với giá vật tư đầu vào hiện nay thì nghề nuôi tôm của tỉnh không thể cạnh tranh được so với các nước trong khu vực. Nếu giá vật tư đầu vào như hiện nay và giá sản phẩm đầu ra giảm như đã qua tiếp tục kéo dài, thì người nuôi chắc chắn thua lỗ.
Với giá thức ăn tăng cao, dao động khoảng 40.000 đồng/kg, người nuôi tôm khó có lãi.
Không chỉ giá tôm nguyên liệu giảm, có thời điểm (nhất là vào thời gian lễ, Tết...) tôm còn không bán được. Trong dịp lễ 30/4 vừa qua là một thí vụ. Ông Diện cho biết, thời gian này nhiều đầm tôm nuôi bị sự cố phải bán với giá giảm rất sâu, thậm chí không bán được.
Trong khi người dân cho rằng với giá tôm hiện nay người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ, thì doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu nhận định, giá tôm của tỉnh đã quá cao so với các nước trong khu vực, nhất là Ấn Ðộ và Ecuador.
Việc tổ chức thu mua nguyên liệu trong dân hiện nay của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản cũng chưa thật sự phù hợp. Một thực tế cần nhìn nhận là, hiện nay chưa có bao nhiêu doanh nghiệp trực tiếp mua sản phẩm của người dân, đa phần thông qua đại lý, thương lái. Và thực tế này kéo theo băn khoăn, liệu có hay không câu chuyện các đại lý, thương lái lợi dụng những ngày lễ, tình hình lạm phát, xung đột một số nước trên thế giới… và cả việc lợi dụng doanh nghiệp để tự giảm giá?
Trung Ðỉnh - Nguyễn Phú
Bài 2: CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU GIẢM