Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng được Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng, kiến tạo đất nước, cụ thể hoá thành những chương trình hành động cụ thể. Cùng với cả nước, tỉnh Cà Mau có những bước tiến quan trọng trong công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm. Từ đó, đúc rút nhiều bài học giá trị, ý nghĩa, nhân rộng nhiều mô hình, tấm gương sáng về giảm nghèo bền vững.
Bài 1: Ði lên từ nội lực
Trong cuộc sống có những hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gần như bế tắc trong định hướng tương lai. Song, có rất nhiều trường hợp không chấp nhận số phận; bằng chính nội lực của bản thân, là ý chí, sự quyết tâm và tinh thần cầu thị, họ đã thay đổi cuộc sống, ổn định và phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương.
Không đầu hàng trước hoàn cảnh, nhiều đoàn viên, thanh niên quyết tâm bám trụ quê hương, cùng với ý chí kiên định và nghị lực vươn lên làm giàu chính đáng.
Sức trẻ và nguồn lực tại chỗ
Không hiếm các lớp thanh niên trong tuổi Ðoàn chọn con đường xuất khẩu lao động sang nước ngoài, hay làm công nhân ở các khu công nghiệp... để cải thiện thu nhập. Bên cạnh đó, vẫn có không ít người quyết trụ lại quê nhà và vạch hẳn kế hoạch vươn lên nhờ vào sức lao động của bản thân và sự hỗ trợ của đoàn thể.
Anh Nguyễn Minh Thái, Phó bí thư Xã đoàn Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, là một ví dụ điển hình. Anh Thái thành lập Hợp tác xã (HTX) mắm cá mào gà Nguyễn Huân vào tháng 1/2021, với 7 thành viên. Nguồn vốn cá nhân và vốn góp của các thành viên là 300 triệu đồng (bao gồm cả nhà xưởng, máy đánh vảy cá).
Anh Nguyễn Minh Thái kiểm tra quá trình phơi cá mào gà để đảm bảo sản phẩm chất lượng khi cung cấp cho người dùng.
Anh Thái kể, thời gian đầu hoạt động Ðoàn, Hội, bản thân anh gặp nhiều khó khăn, đôi lần cũng muốn đi xa lập nghiệp nhưng nghĩ lại không đâu bằng quê nhà. Thế là anh bắt đầu tìm hiểu và biết được quê hương có món mắm mào gà, nhưng chỉ buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương, chưa mở rộng thị trường.
Anh Thái tâm sự: "Nguồn nguyên liệu ở địa phương quá nhiều. Tôi quyết định chọn sản phẩm này để khởi nghiệp. Trong quá trình sản xuất, cá mào gà ngoài làm mắm thì có thể làm được nhiều sản phẩm khác như khô, nước mắm... Tôi nghiên cứu thêm một số sản phẩm khác từ quê nhà để tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động lẫn đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Lao động thường xuyên của HTX từ 6-10 người, ngày cao điểm con nước sẽ thuê lao động nhiều hơn.
Công việc đang tiến triển thì anh Thái gặp phải sự cố nghiêm trọng. Ðầu năm 2022, HTX bị sạt lở 2 lần, không còn xưởng sản xuất nên phải vay mượn vốn để cất lại xưởng. "Khi khởi nghiệp sẽ luôn đối diện với nhiều khó khăn, nên mình phải chịu khó, bền chí. Ban đầu làm ra sản phẩm không biết bán cho ai nhưng tôi vẫn kiên trì làm và chịu khó học hỏi ngay trong quá trình khởi nghiệp", anh Thái chia sẻ.
Nhờ kiên định và biết tận dụng thế mạnh quê hương, nay anh Thái có được kinh tế ổn định lo cho gia đình và có điều kiện hoạt động Ðoàn, Hội tốt hơn. Bên cạnh đó, anh tạo công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên tại xã, giúp các bạn có niềm tin và trụ lại quê hương lâu dài.
Cũng là một đoàn viên bám lại địa phương và xây dựng kinh tế thoát nghèo thành công, anh Phạm Ga Băng, nguyên Phó bí thư Xã đoàn Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời, khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi từ năm 2020. Ban đầu anh chỉ nuôi 20 con, với tổng số vốn khoảng 15 triệu đồng. Hiện tại lên đến 80 con, cho lợi nhuận bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Anh Băng cho biết, nguồn thức ăn được tận dụng từ việc trồng tre, khoai mì, mía, chỉ mua thêm bắp cho dúi.
Anh Băng tâm sự: “Dúi cũng có bệnh, như tiêu chảy, viêm phổi, sốt rét... mình phải làm chỗ nuôi thoáng mát, 2 ngày cho ăn một lần, 10 ngày hay nửa tháng phải vệ sinh một lần... Ðầu tiên có mình tôi nuôi, hiện tại có nhiều thanh niên trẻ đến học kinh nghiệm để nuôi dúi”.
Anh Băng khẳng định, chọn mô hình làm kinh tế lạ nhưng vẫn phải bám vào nguồn lực của quê hương để tính toán chi phí cân đối, đây là điều vô cùng quan trọng. Nhiều thanh niên lập nghiệp chưa thấy được thực tế, điều kiện phát triển ở địa phương, tuy có sáng tạo nhưng xa rời thực tiễn khiến bản thân loay hoay trong chuyện thoát nghèo.
Anh Ga Băng chọn mô hình lạ nhưng vẫn bám vào nguồn lực địa phương để giảm chi phí.
Truyền nội lực giảm nghèo thiết thực
Việc phát triển kinh tế của cán bộ, đoàn viên, thanh viên hiện nay được Tỉnh đoàn Cà Mau đánh giá là rất tích cực. Nhờ sự hỗ trợ của Ðoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế, như vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... Ngày càng nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công trên quê hương bằng ý tưởng khởi sự kinh doanh của mình.
Ðã qua, Tỉnh đoàn Cà Mau triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế cho cán bộ Ðoàn và đoàn viên, thanh niên. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên trong cuộc sống, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp trong thanh niên nhằm tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng, đặc biệt là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số. Thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu giữa thanh niên với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp tiêu biểu để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên.
Trang trại nuôi dúi của anh Phạm Ga Băng, nguyên Phó bí thư xã đoàn Phong Điền, Trần Văn Thời.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế của cán bộ Ðoàn và đoàn viên, thanh viên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ðiều kiện kinh tế - xã hội của một số địa phương còn khó khăn, thiếu thốn, hạn chế nguồn lực hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Một số đoàn viên, thanh niên còn thiếu ý chí, nghị lực vươn lên, chưa dám nghĩ, dám làm. Một số mô hình kinh tế của Ðoàn chưa hiệu quả, chưa mang lại thu nhập ổn định cho đoàn viên, thanh niên.
Anh Nguyễn Ngọc Thuận, Phó bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau, cho rằng: “Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tuổi trẻ Cà Mau luôn đồng hành, chung tay trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Có nhiều dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên đã được chứng minh là hiệu quả và nhân rộng. Ðây là cơ sở để các bạn trẻ tự tin khởi nghiệp, phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình. Ðặc biệt, khi có công ăn việc làm ổn định, đoàn viên, thanh niên sẽ có cơ hội cống hiến cho quê hương, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Ðoàn ngày càng vững mạnh".
Năm 2023, Tỉnh đoàn Cà Mau phối hợp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 32.660 thanh thiếu niên; giới thiệu việc làm cho hơn 8.900 thanh niên, trong đó tạo việc làm cho hơn 1.920 lao động. Dư nợ đến năm 2023 do Tỉnh đoàn nhận uỷ thác hơn 695 tỷ đồng, với hơn 24.100 hộ thụ hưởng.
Kim Cương - Lam Khánh - Văn Ðum
Bài 2: Những quyết sách nhân văn