Trải qua 60 năm thành lập (20/6/1956-20/6/2016), đời sống của người dân trên mảnh đất Thới Bình anh hùng không ngừng được nâng lên, diện mạo quê hương Thới Bình ngày càng khởi sắc.
Trải qua 60 năm thành lập (20/6/1956-20/6/2016), đời sống của người dân trên mảnh đất Thới Bình anh hùng không ngừng được nâng lên, diện mạo quê hương Thới Bình ngày càng khởi sắc.
Ông Lê Văn Kịch, cán bộ hưu trí ở Khóm 1, thị trấn Thới Bình, phấn khởi chia sẻ: “Thới Bình vùng đất anh hùng ngày nào, giờ đây thực sự khởi sắc. Ðời sống Nhân dân không ngừng phát triển, bà con đã biết áp dụng mô hình đa cây, đa con để tăng thu nhập. Lộ nông thôn trải dài nối liền đến các xóm, ấp. Số hộ dân được sử dụng điện, nước sạch, có phương tiện nghe nhìn đạt gần 100%”.
Hạ tầng nông thôn huyện Thới Bình được đầu tư khang trang. |
Là huyện thuần nông nên trong năm qua, Huyện uỷ, HÐND, UBND huyện Thới Bình rất quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản từ việc quy hoạch tiểu vùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Sản lượng thuỷ sản tăng đều qua các năm, bình quân mỗi năm đạt trên 35.000 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt trên 15.000 tấn. Nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa được bà con nông dân Thới Bình xem là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao trong mùa nước lợ.
Ông Lê Thế Yên, Ấp 7, xã Trí Lực, cho biết: “Tôm càng xanh rất dễ nuôi, mình tận dụng các bờ vuông trồng khoai lang, khoai mì, bắt cá phi, ốc bươu vàng cho ăn dặm thì hiệu quả rất cao; từ mô hình này, mỗi năm tôi thu hoạch hơn 200 triệu đồng/ha”.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Kinh tế thì không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư cơ bản, đến nay đã có 11/11 xã đã có đường ô-tô về trung tâm; lộ giao thông nông thôn được đấu nối tạo điều kiện thuận lợi cho bà con và các em học sinh đến trường và giao lưu mua bán”.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng được quan tâm đúng mức; đáng chú ý là công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện khá tốt. Công tác giảm nghèo được đẩy mạnh, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thới Bình giảm chỉ còn 1,82%, cận nghèo 1,73%; các hộ nghèo đã có ý thức làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Ðặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay huyện đạt được 158/204 tiêu chí, bình quân 14,45 tiêu chí/xã. Trong đó, Trí Lực và Trí Phải đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 9/2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 26 triệu đồng/năm. Ðể có được kết quả này, huyện huy động các nguồn lực để đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp khoảng 780 tỷ đồng.
Ông Lê Bình Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Thới Bình, cho biết định hướng tới: “Phát huy truyền thống huyện anh hùng, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh. Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngư - nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới"./.
Bài và ảnh: Minh Phong