(CMO) Sự kết hợp hài hoà của biển, rừng; sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, tạo cho vùng đất cà mau đa dạng, phong phú sản vật. từ nguồn nguyên liệu dồi dào, người cà mau đã kỳ công, sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo, dần phát triển thành những làng nghề. qua bao thăng trầm, biến đổi, không ít làng nghề ở vùng đất cực nam vẫn giữ được nét tinh hoa, khẳng định sức sống trong thời đại mới.
Kết tinh của văn hoá, tài hoa
Cà Mau hiện có 37 làng nghề nông thôn, được truyền trao hơn trăm năm qua như: đan đát, dệt chiếu, vót đũa, gác kèo ong, ép chuối khô; chế biến các loại cá khô, tôm khô, mắm, ba khía… Nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn lưu giữ những dấu ấn, bản sắc văn hoá của từng địa phương, thế nên luôn có sức sống bền bỉ với thời gian.
Đến với những người dân là thế hệ thứ ba giữ nghề dệt chiếu ở xã Tân Thành, TP Cà Mau, chúng tôi hiểu thêm về văn hoá làng nghề và nghiêng mình trước tài hoa của người thợ dệt. Bên hiên nhà, bà Cao Hồng Lệ đang tỉ mỉ mắc từng sợi trân, rồi ngồi vào vị trí dệt chiếu. Đôi tay bà Lệ thoăn thoắt, nhịp nhàng như người nghệ sĩ điêu luyện trên những phím đàn. Những sợi lác nhiều màu sắc được vợ chồng bà Lệ biến hoá thành chiếc chiếu có hoa văn tinh xảo, đẹp mắt…
Sự tài hoa, sáng tạo của người thợ cho ra đời những sản phẩm bền, đẹp, giúp nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt chiếu Tân Thành có sức sống bền bỉ với thời gian. |
Vuốt ve đôi chiếu hoa chuẩn bị giao khách, bà Lệ nhớ lại, hồi đó cả xóm này hầu như nhà nào cũng dệt chiếu, con nít 9, 10 tuổi đã biết phụ làm các công đoạn, dệt chiếu khéo cũng là tiêu chí để các bà, các mẹ chọn con dâu… Mỗi dịp cận Tết, cả xóm tất bật phơi lác, nhuộm màu, rộn rã âm thanh nói cười bên những khung dệt đơn sơ. Nghề này đã mang đến cuộc sống ấm no cho bao gia đình, và nay cũng thế. Bà Lệ cho biết, giờ dệt bao nhiêu chiếu cũng có người đến mua hết. Gần Tết, chị em bà phải thức sáng đêm mới kịp giao hàng cho khách. Bà Lệ cười hạnh phúc: “Năm nay nhà tôi có thêm thợ dệt chiếu, là đứa cháu ngoại của tôi, nó đang học lớp 11, mỗi ngày học trực tuyến xong là nó theo tôi học nghề, bây giờ đã biết dệt, lúc nào tôi đau mỏi là nó vào phụ”.
Nếu như nghề dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa của phụ nữ thì nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ cần sự gan dạ, tinh thông của “phái mạnh”. Để có những giọt mật hoa tràm dâng cuộc sống là cả quá trình kỳ công, điệu nghệ của những người thợ rừng. Ở xứ U Minh Hạ hiện có khoảng 150 người theo nghề gác kèo ong, nhiều gia đình có 2, 3 thế hệ theo nghề này. Ngoài nguồn sinh kế, nghề gác kèo ong trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ du khách trải nghiệm công đoạn làm kèo, ăn ong, thưởng thức các sản phẩm từ ong…
Gắn bó gần 45 năm với nghề gác kèo ong, ông Trần Văn Nhì ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, bộc bạch: “Khi còn nhỏ tôi đã theo cha vào rừng lấy mật, nay nghề này được con trai tôi tiếp nối. Một người bình thường không thể tự học giỏi nghề “ăn ong” mà phải có bí quyết gia truyền. Hồi đó tôi học nghề cả 10 năm mới thành công. Khi gác kèo phải tìm nơi có cây sậy sống. Làm sao phải đảm bảo nắng buổi sáng rọi vô được và nắng chiều cũng rọi vô tới kèo thì ong mới đến làm tổ”.
Cà Mau hiện có 2 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia (nghề gác kèo ong U Minh Hạ và nghề muối ba khía Rạch Gốc), 40 di sản phi vật thể cấp tỉnh. Tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tập trung khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn lưu giữ những dấu ấn, bản sắc văn hoá của từng địa phương. |
Công nghệ vực dậy làng nghề
Vai trò của các làng nghề truyền thống được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của kinh tế, văn hoá, xã hội với những giá trị to lớn, độc đáo. Việc chuyển giao khoa học công nghệ vào các làng nghề đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Đi ra từ các làng nghề, nhiều sản phẩm đặc sản, đặc thù của Cà Mau đã nổi tiếng, có thương hiệu, góp mặt trong các siêu thị, lên sàn giao dịch thương mại điện tử, phân phối thị trường cả nước và hướng đến xuất khẩu.
Chủ trương khôi phục, phát triển các làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã khoác áo mới cho các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm làng nghề được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Hàng năm, tỉnh đều xây dựng phương án hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại, như công nghệ sấy năng lượng mặt trời, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mẫu mã, nhãn hàng hoá chuyên nghiệp, đúng quy định; sản phẩm được phân tích, kiểm nghiệm và công bố chất lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với nguyên liệu chính từ con tôm, bánh phồng tôm của làng nghề truyền thống ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn luôn có đầu ra ổn định, không chỉ tiêu thụ trong nước, nhiều cơ sở còn cung ứng ra thị trường nước ngoài. Sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty TNHH Vĩnh Hoà Phát là sản phẩm OCOP của xã Hàng Vịnh được công nhận đạt 3 sao.
Bánh phồng tôm xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn luôn có đầu ra ổn định, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn cung ứng ra thị trường nước ngoài. |
Ông Mai Sáu, Giám đốc công ty, cho biết: “Tỉnh đã hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng để công ty mua máy điện áp và kho đông lạnh sản phẩm. Chúng tôi đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc hiện đại khác, đảm bảo hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP), duy trì làm ăn với các đối tác ở Đài Loan, Hàn Quốc...”.
Thích nghi với xu thế phát triển mới, nhiều làng nghề đã áp dụng mô hình kinh tế tập thể, liên kết, liên doanh, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, giúp việc tiêu thụ đạt hiệu quả cao hơn, giá bán ổn định hơn. Như HTX Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển), đã khẳng định uy tín, chất lượng qua 15 sản phẩm từ con tôm. Nhờ ứng dụng công nghệ, liên kết phát triển, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng 300 kg tôm khô thành phẩm, dịp Tết tăng gần gấp đôi, kinh tế các thành viên trở nên khấm khá. Hay HTX khô cá bổi Tư Hùng (huyện Trần Văn Thời), tuy mới thành lập nhưng đã giúp hơn 30 hộ dân nuôi cá bổi trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và các huyện lân cận có được đầu ra ổn định, không còn cảnh bị thương lái ép giá. Sản phẩm khô cá bổi của HTX Tư Hùng đảm bảo số lượng, chất lượng, cung ứng hàng trăm tấn khô ra thị trường mỗi năm.
Con người thế hệ mới thông thạo công nghệ mới làm nghề truyền thống từ giá trị cũ đang là công thức thành công của rất nhiều làng nghề, trong đó có tỉnh Cà Mau. Tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những mục tiêu quan trọng. Rồi đây những làng nghề, làng nghề truyền thống sẽ khẳng định sức sống cùng xu hướng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế./.
Mộng Thường