ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 17-6-25 01:30:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lãng phí đầu tư cống thuỷ lợi: Bài 1: Cống thuỷ lợi... bất lợi

Báo Cà Mau Từ năm 2000 đến nay tại Cà Mau, chỉ tính riêng đầu tư cho thuỷ lợi phục vụ sản xuất đã lên đến 4.770 tỷ đồng. Mặc dù đã được đầu tư quy hoạch nhưng hệ thống thuỷ lợi ở Cà Mau còn rất nhiều yếu kém, không theo kịp so với nhu cầu sản xuất. Do thiếu vốn nên nhiều tiểu vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến tình trạng “cống xây xong đã lâu nhưng chưa một lần được đóng”.

LTS: Từ năm 2000 đến nay tại Cà Mau, chỉ tính riêng đầu tư cho thuỷ lợi phục vụ sản xuất đã lên đến 4.770 tỷ đồng. Mặc dù đã được đầu tư quy hoạch nhưng hệ thống thuỷ lợi ở Cà Mau còn rất nhiều yếu kém, không theo kịp so với nhu cầu sản xuất. Do thiếu vốn nên nhiều tiểu vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến tình trạng “cống xây xong đã lâu nhưng chưa một lần được đóng”. Thực trạng này đã gây nên sự bức xúc trong dân và sự lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.

Từ nhiều năm nay, người dân Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, rất bức xúc, phản đối về việc “được” đầu tư hệ thống cống thuỷ lợi khép kín phục vụ sản xuất lúa - tôm trong ấp. Lý do đơn giản là các cống này chẳng giúp ích gì mà còn gây cản trở sản xuất, lưu thông hàng hoá. Vì hệ thống cống này mà các kinh, rạch trong ấp bị bồi lắng trong nhiều năm không được nạo vét, ruộng lúa, vuông tôm không thể đưa cơ giới vào để cải tạo.

Ðây là nghịch lý không chỉ xảy ra ở Ấp 9, xã Nguyễn Phích, mà thực tế có không ít ô thuỷ lợi đầu tư tiền tỷ trở thành gánh nặng cho người dân.

Dân không đồng thuận

Tại Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, hiện có 4 cống thuộc dự án "Đầu tư xây dựng ô thuỷ lợi khép vùng phục vụ sản xuất tôm - lúa xã Nguyễn Phích”. Thế nhưng, từ khi xây dựng đến nay những cống này trở thành nỗi bức xúc của người dân.

Nhiều năm qua, cứ mỗi lần họp tiếp xúc cử tri của các đoàn huyện rồi đến tỉnh, hầu như lần nào vấn đề này cũng được bà con cử tri đặt ra. Các đoàn cũng đã ghi nhận, nhiều lần xuống khảo sát, đánh giá tác dụng của công trình, nhưng đoàn này đi, đoàn kia lại đến, những “cục nợ” này vẫn còn nguyên tại chỗ!

Cống Cây Nhơn, Ấp 9, xã Nguyễn Phích - một công trình “ngăn sông, cấm chợ” gây lãng phí trong đầu tư.           Ảnh: ÐẶNG DUẨN

Dẫn chúng tôi đến cống Cây Nhơn, Trưởng Ấp 9 Nguyễn Văn Tự nói: “Nhà báo thấy đó, cống thì chỉ có đặt xuống mà chưa lần nào đóng, mở gì cả. Không chỉ không có tác dụng mà cống này trở thành chướng ngại vật gây cản trở lưu thông, không xuồng, ghe, phương tiện nào ra vào được do cống nhỏ, độ thông thuyền không phù hợp. Người dân ở đây muốn xây cất nhà cửa gì thì cũng chỉ có cách ra tận ngoài cống vận chuyển vật liệu vào, phát sinh thêm chi phí. Máy suốt, xáng cuốc không vào được bên trong nên việc thu hoạch lúa, cải tạo ao đầm gặp rất nhiều khó khăn. Dân ở ấp phản ảnh rất nhiều, ai cũng muốn ngành chức năng di dời những cống này đi, nhưng nhiều năm nay chưa thấy xử lý”.

Dự án Đầu tư xây dựng ô thuỷ lợi khép vùng phục vụ sản xuất tôm - lúa xã Nguyễn Phích, huyện U Minh được UBND tỉnh Cà Mau cho chủ trương đầu tư năm 2009 (Quyết định số 1244/QÐ-UBND, ngày 17/7/2009 về việc cho chủ trương đầu tư và điều chỉnh phân khai kế hoạch vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư chương trình nuôi trồng thuỷ sản, hạ tầng giống thuỷ sản và cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp). Tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ 218 triệu đồng, bao gồm 2 hạng mục: đầu tư hệ thống đê bao với tổng chiều dài 12.441 m và xây dựng 5 cống thời vụ. Mục tiêu của dự án là nâng cấp xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất lúa - tôm, kết hợp xây dựng giao thông nông thôn.

Từ năm 2011, Ấp 9 được triển khai xây dựng 4 cống, gồm: cống Hai Quến, cống rạch Cái Bông Lớn, cống rạch Cái Bông Nhỏ và cống Cây Nhơn. Nhưng từ khi xây dựng đến nay, những cống này không đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân do khẩu độ cống hẹp (1,8-2,0 m) và độ tĩnh không thấp (0,8-1,2 m) dẫn đến cản trở lưu thông và phương tiện vận chuyển thường xuyên ra vào các tuyến kinh này trước nay bỗng dưng chịu cảnh “ngăn sông cấm chợ”. Ðây là vấn đề bức xúc của chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Võ Văn Liêu cho biết: “Từ khi triển khai xây dựng đến nay, những cống này không phát huy được hiệu quả, không sử dụng cho việc tháo úng, điều tiết nước phục vụ sản xuất, mặt khác còn gây cản trở việc giao thương, đi lại của người dân. Theo quan điểm của chúng tôi, không cần thiết phải đầu tư những cống này bởi trước nay người dân ở đây vẫn làm 1 vụ lúa - 1 vụ tôm hiệu quả khi không có cống”.

Ông Hồ Văn Tấn, Ấp 9, bức xúc: “Gia đình tôi có 1,3 ha đất sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trước giờ vẫn hiệu quả. Từ khi có cống này, bà con không thể vận chuyển vật tư xây cất gì được, máy suốt không vào được để suốt lúa cho bà con, xáng cuốc cũng không thể vào được nên khó cải tạo đất. Thương lái ép giá sản phẩm nông dân do họ không thể vào trong... Nói chung, vì các cống xây ở đây mà nông dân chúng tôi gặp khó đủ đường”.

Bài học từ sự ddầu tư lãng phí

Thời gian qua, UBND huyện U Minh chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với UBND xã Nguyễn Phích tiến hành họp dân trên toàn khu vực thực hiện dự án để lấy ý kiến về việc thực hiện dự án đầu tư ô thuỷ lợi khép vùng phục vụ sản xuất tôm - lúa xã Nguyễn Phích. Qua các cuộc họp dân, tất cả các hộ dân trong khu vực yêu cầu không tiếp tục triển khai thực hiện dự án và đề nghị xem xét di dời hoặc phá dỡ các cống thời vụ để thuận tiện cho việc sản xuất và đi lại; đồng thời yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục xem xét đầu tư nạo vét một số tuyến kinh trong khu vực bởi vì những công trình này mà nhiều năm nay các kinh rạch trong khu vực không được nạo vét, gây khó khăn trong sản xuất của bà con.

Ông Phạm Văn Út, Ấp 9, nói rằng: “Nếu không tháo dỡ thì ngành chức năng cũng phải nâng cấp mở rộng các cống trên, đồng thời làm đường dẫn để bà con có thể đi lại bằng đường bộ”.

Ông Võ Văn Liêu cho hay: “Tôi nghĩ không cần thiết phải đầu tư những cống này ở đây mà nên có giải pháp di dời đến nơi khác hiệu quả hơn để tránh lãng phí tiền của Nhà nước. Hiện trên địa bàn ấp cần xây dựng cầu phục vụ cho việc đi lại của Nhân dân, nhưng lại xây dựng 4 cống này không hoàn thiện, đường dẫn không có, người dân đi qua lại không được. Chúng tôi có nhu cầu xây cầu để bà con đi lại do đây là một trong những tuyến giao thông chính (nằm phía Tây sông Cái Tàu). Trước đây cũng có nhiều tổ chức muốn đầu tư cầu cho xã nhưng khi họ xuống khảo sát thì họ không muốn đầu tư nữa do sợ ảnh hưởng đến các cống là công trình của Nhà nước!”.

Từ sự không hiệu quả, gây cản trở trong sản xuất của người dân, qua điều tra, khảo sát, Phòng NN&PTNT huyện U Minh đã đánh giá hệ thống cống này không còn phù hợp để lắp đặt ở các vị trí kinh rạch hiện nay. Mặt khác, tại một số vị trí có thể di dời và lắp đặt các cống này hiện nay (Kinh 1, Kinh Ba Rưỡi, Kinh 5, Kinh 6 bờ bao Ba Quý, thuộc xã Nguyễn Phích) thì không thể di chuyển cống đến do hệ thống cầu bê-tông khá thấp, muốn di chuyển cống qua vị trí các cầu thì phải phá dỡ cầu nên chi phí di dời và lắp đặt sẽ tăng cao. Do đó, giải pháp phù hợp nhất hiện nay là phá dỡ các cống này.

Ngày 22/12/2015, UBND huyện U Minh có Báo cáo số 357 /BC-UBND về tình hình thực hiện ô thuỷ lợi khép vùng phục vụ sản xuất lúa - tôm xã Nguyễn Phích, huyện U Minh về Sở NN&PTNT tỉnh. Theo đó, báo cáo trên cũng ghi nhận kết quả lấy ý kiến người dân trong khu vực dự án cũng như qua quá trình khảo sát thực tế cho thấy không thể tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án do gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: người dân trong khu vực dự án không đồng thuận; các cống thời vụ xây dựng nhằm khép vùng phục vụ sản xuất tôm - lúa xã Nguyễn Phích không còn phù hợp nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân; các phương tiện lưu thông không thuận tiện, đặc biệt là việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cũng như việc nạo vét kinh, sên vét ruộng nuôi của người dân bằng cơ giới khó khăn.

Do thân cống được xây trên bờ, sau khi hoàn thiện mới đưa vào vị trí lắp đặt nên không thể thực hiện được việc nâng cấp hoặc mở rộng khẩu độ cống. Chính vì vậy, UBND huyện U Minh kiến nghị đến Sở NN&PTNT xem xét, đề xuất chủ trương cho huyện tiến hành phá dỡ hoặc di dời, đồng thời xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư nạo vét một số tuyến kinh trong khu vực dự án vì đã qua 5 năm sử dụng, hiện nay hệ thống kinh này đã bị bồi lắng.

5 năm đầu tư cho phát triển sản xuất với hàng tỷ đồng bỏ ra nhưng giờ đây giải pháp duy nhất có thể là phải... phá bỏ. Công trình thì có thể phá, nhưng tiền đầu tư thì không thể lấy lại được. Ðây là bài học đắt giá cho những dự án mà người lập chỉ ngồi trên bàn giấy, không xuống tận nơi để nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến người dân./.

Bài 2: Dân khổ vì cống

Phóng sự của Ðặng Duẩn

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài 2: Những nhà báo trung dũng

Báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu ghi nhận sự dũng cảm, mưu trí, kiên gan, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bao thế hệ nhà báo trong mưa bom bão đạn để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của “người lính đi đầu” trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, cả trong thời chiến và thời bình. Nhiều người trong số họ đã anh dũng ngã xuống, hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo chí Cách mạng Cà Mau và Bạc Liêu không thể tách rời với lịch sử Ðảng bộ tỉnh của 2 địa phương - đó là khẳng định của Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Nhìn về quá khứ, “cây đại thụ” của làng báo Cà Mau - Bạc Liêu, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng, trên vùng đất ở thời kỳ làng nước còn hoang sơ, con người thưa thớt, song công việc làm báo nơi địa đầu phương Nam cũng đã được nhen nhóm, từng bước hình thành hoạt động báo chí chống kẻ thù cướp nước và bán nước.“Từ buổi bình minh cách mạng và trải qua các chặng đường đấu tranh, Báo chí Cách mạng Cà Mau - Bạc Liêu luôn hiện diện, sát cánh cùng Ðảng bộ và Nhân dân, trở thành lực lượng xung kích chiến đấu quên mình, vì mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, của cách mạng”, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri khẳng định.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài cuối: Nhìn về tương lai đầy triển vọng

Những giải pháp và phương hướng từ ngành nông nghiệp liên tục được đề xuất, triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài 2: Bài toán cân não

Câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp Cà Mau không chỉ là hành trình số hoá những ao tôm, thửa ruộng, mà là quá trình “số hoá tư duy”, điều này không dễ dàng, khi thói quen canh tác thủ công, truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của người nông dân bao đời.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững

Theo “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tích cực phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế trong số hoá nông nghiệp và môi trường. Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.

"Chiếc nôi chung" thương nhớ, tự hào - Bài cuối: “Quê chúng ta Cà Mau”

Những ngày này, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu đang tập trung khẩn trương cho công tác chuẩn bị hợp nhất thành tỉnh Cà Mau mới - một phiên bản được nâng cấp toàn diện, đầy kỳ vọng của Minh Hải xưa. Cà Mau - Bạc Liêu lại chung một mái nhà, một chiếc nôi với trọn vẹn những nghĩa tình, những khát vọng phát triển lớn lao, với sức vóc mạnh mẽ, thế và lực vững vàng ở địa đầu cực Nam Tổ quốc.

"Chiếc nôi chung" thương nhớ, tự hào

Khi chủ trương hợp nhất tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu thành tỉnh Cà Mau được công bố và thông tin rộng rãi, có một điều kỳ lạ đã diễn ra. Không có sự nuối tiếc, không hề âu lo, mà trái lại, đó là sự hào hứng, phấn chấn và đồng thuận cao độ của Nhân dân 2 tỉnh. Vậy là Cà Mau - Bạc Liêu lại về chung một mái nhà, chung một khát vọng, cộng hưởng và nhân lên sức mạnh, niềm tin để cùng nhau xây dựng vùng đất phía địa đầu cực Nam Tổ quốc bừng sáng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

"Chiếc nôi chung" thương nhớ, tự hào - Bài 2: Chặng đường 20 năm lịch sử

Tỉnh Minh Hải tồn tại trong 20 năm, từ 1976 đến hết năm 1996, vượt qua nhiều thách thức, trở ngại, kể cả những thời khắc hết sức gian khó để hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử với những thành tựu hết sức to lớn, đặt nền tảng vững chắc cho đà ổn định, phát triển của 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, về sau này.

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.