Đó là chủ đề chính được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo tham vấn về giải pháp nuôi tôm hiệu quả, vừa được Cục Thuỷ sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức sáng 31/10.
Đại biểu dự hội thảo.
Hội thảo dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng và ông Ngô Tiến Chương, Tổ chức họp tác quốc tế Đức (GIZ). Đặc biệt, hội thảo thu hút trên 150 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi tôm và đại diện lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang tham dự.
Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất và lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng chia sẻ: “Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280 ngàn ha, với nhiều loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp với tôm - lúa, tôm - rừng, sản lượng thu hoạch bình quân hằng năm trên 280 ngàn tấn, riêng kế hoạch năm 2024 là 243 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận cho doanh nghiệp và người nuôi tôm rất thấp, đây là những thách thức lớn cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau”.
Toàn Tỉnh Cà Mau có trên 280 ngàn ha nuôi tôm với các loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quản canh cải tiến và quảng canh kết hợp tôm lúa, tôm rừng.
Theo ông Bằng, trong 10 tháng năm nay, sản lượng tôm nuôi trên 200 ngàn tấn, đạt 82,30% so kế hoạch, tăng 2,02% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 968 triệu USD, bằng 87% so kế hoạch, tăng trên 12% so cùng kỳ. Dự báo 3 tháng cuối năm nay, điều kiện thời tiết, môi trường không thuận lợi, dịch bệnh trên tôm nuôi có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tuân thủ đúng quy trình nuôi từ khâu chuẩn bị ao nuôi đúng kỹ thuật, chọn con tôm giống có chất lượng tốt, thay thế hoá chất, thuốc kháng sinh bằng các sản phẩm sinh học, chọn thời điểm, kích cỡ phù hợp để thu hoạch tôm nuôi đảm bảo được lợi nhuận cao nhất. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, chú trọng đầu tư thay thế máy móc, thiết bị động cơ sang các thiết bị sử dụng điện, sử dụng điện năng lượng mặt trời, để hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Giải pháp áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị nuôi tôm hiện đại đang được người nuôi tôm quan tâm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân nhận định: “Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp”. Theo ông Luân, lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Gà, heo thì có thể có một chuồng, còn tôm nuôi thì rất nhiều ao nuôi với diện tích lớn, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cấp, nên công tác quản lý dịch bệnh luôn gặp nhiều khó khăn.
Tại hội thảo, các đại biểu còn quan tâm đến vấn đề kiểm dịch chất lượng con giống, mùa vụ, mật độ nuôi, quản lý dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất và dự báo tình hình tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu, để nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu con tôm và thu nhập cho người nuôi tôm.
Trung Đỉnh