ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:56:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lính vùng biên

Báo Cà Mau (CMO) Chiều nay bác Bảy đạp chiếc xe mi ni Nhật đã gỉ sơn cũ kỹ, trước giỏ xe là một mớ lòng heo còn nóng hổi được bọc trong lá chuối xanh, khuôn mặt bác tươi vui, rạng rỡ. Phanh gấp chiếc xe trước cổng nhà, bác gọi với vào trong:

- Thức ơi, còn ở nhà không?

Mẹ tôi đang bắc nồi cơm, vội vã từ trong nhà chạy ra:

- Anh Bảy qua chơi, mời anh vào nhà uống nước. Thằng Thức nó đang sửa lại cái chuồng gà sau nhà. Đêm qua gió quật nên bị tốc mái anh ạ.

- Chị bảo với nó, xong việc chạy liền qua nhà nhé. Chào chị tôi về.

Chạng vạng tối, tôi mới qua tới nhà bác. Bác ngồi trên chiếc chõng tre được kê giữa khoảng sân lát sạch, mùi hoa sữa thơm ngào ngạt. Thoáng nhìn đã thấy bác bày sẵn mâm nhậu trên chiếc chiếu. Ngoài mồi mọng và chai rượu, bác còn đặt trên đấy một cuốn album ảnh đã cũ kỹ nhưng vẫn còn sạch sẽ.

- Hôm nay có chuyện gì vui mà bác lại bày vẽ mâm nhậu hoành tráng thế? - Tôi cười hỏi bác.

- Thế chú không biết hôm nay ngày gì thật sao? - Bác Bảy làm bộ dạng nghiêm nghị đúng chuẩn của một người chỉ huy khiến tôi ái ngại.

- Dạ... 

- Hôm nay là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cán bộ trẻ mà chưa nắm được thì phải nghiêm túc kiểm điểm lại nhé...

Ra là vậy, tưởng bác nói chuyện gì, chứ ngày kỷ niệm của lực lượng thì chúng tôi đều biết. Đơn vị còn phát động nhiều phong trào này nọ để chào mừng. 

Nguyên là đồn trưởng, trước khi về hưu bác Bảy đã có tới mấy chục năm phục vụ trong lực lượng bộ đội biên phòng. Bác gắn bó với lực lượng từ những năm biên giới Tây Nam xảy ra biến động. Ngần ấy năm, bác đã cống hiến và dành nhiều tâm huyết cho núi rừng biên giới, từng cột mốc, đường biên. Vậy nên, dù đã về hưu, sớm chiều quanh quẩn bên vườn rau, ao cá, bác vẫn thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của lực lượng. 

Minh hoạ:M.Tấn

Nhấp xong chén rượu nếp đầu mùa thơm nồng, bác Bảy lại kể tôi nghe những câu chuyện xoay quanh cuộc đời binh nghiệp của bác. 

Làm lính có cái vui mà cũng đầy cái khổ. Thời đó làm gì có đường sá đẹp đẽ, xe bốn bánh chạy vào tới tận đơn vị như bây giờ! Trèo đèo, lội suối, vắt căng bụng máu nằm vắt vẻo trên bắp chân. Cán bộ trẻ nào mới ra trường thì sợ hãi nhưng lội ba bốn lần là quen, nhiều khi cứ để nó bám vậy, cắn no tự khắc nó rớt xuống. Đường trời nắng ráo thì không sao, trời mưa thì như ai đổ mỡ, dép quân nhân dính đầy bùn đất. Vực thẳm chênh vênh khuất ẩn sau những hàng lau, sơ sảy là đi toi cả lũ. Đi hai ngày mới vào đến bản, một trăng mới về đến cổng đồn biên phòng. Cái hạnh phúc nhất lúc đó, có lẽ chỉ đơn giản là được tắm một gàu nước suối mát lạnh, rồi ngả lưng làm một giấc thật say sưa...

Những năm 1990, điện chưa kéo về đến bản, cả đồn trang bị có 3 cái đèn dầu thắp sáng, mùa đông thì không sao, chứ mùa hè xứ miền Trung nóng như thiêu như đốt, đêm không tài nào ngủ được. Tội nghiệp mấy cu cậu chiến sĩ đang tuổi ăn tuổi ngủ, cả đêm cứ dong dỏng chiếc quạt được làm bằng giấy xi-măng, thi thoảng lại vỗ vai đen đét vì mấy con muỗi biên giới đang no say bụng máu...

- Mới đó mà nhanh. Hôm qua bác gặp thằng Nhân, ngày xưa chiến sĩ công vụ, giờ nó thành cán bộ tỉnh rồi, ăn mặc bảnh bao, đi xe hơi, tóc tai chải chuốt. Mình già rồi, lẩm cẩm không nhận ra, mà thấy bác nó đã gọi to: “Thủ trưởng, thủ trưởng”. Đời người chỉ huy, còn gì vui hơn khi về với vườn rau, ao cá rồi còn được cấp dưới yêu mến nhớ đến gọi bằng thủ trưởng, đúng không cháu?

Cẩn thận lật giở từng trang ảnh trong cuốn album cũ kỹ, bác chỉ cho tôi xem từng cột mốc, từng con đường, từng chuyến công tác. Những cảnh vật nơi núi rừng biên giới hoang sơ, yên bình thoáng hiện ra trong mắt tôi. Nhìn những tấm ảnh, chợt tôi chạnh lòng thương cho những người lính biên phòng của thế hệ bác Bảy và càng có thêm động lực để phấn đấu công tác, càng xác định rõ trách nhiệm của chính bản thân mình.

Dừng lại bên tấm ảnh một người con gái chụp chung cùng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, một phần góc ảnh đã bị ố màu theo thời gian, mắt bác Bảy rưng rưng. Bác bảo:

- Đây là cô Thuý, giáo viên của bản Mường, đồng thời là một cán bộ Đoàn đầy nhiệt huyết, cả đơn vị ai cũng yêu mến cô. Là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, Thuý không chọn về thành phố hay huyện gần nhà để dạy mà quyết định mang con chữ đến cho trẻ con vùng biên giới đầy khó khăn thiếu thốn này. Thuý nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đầy tâm huyết với nghề, lại rất thương các chú bộ đội. Những buổi trống tiết, Thuý thường lên đồn phụ giúp anh em trồng rau, phát cỏ. Thuý khéo tay, hay lam hay làm, lại hát hay, cả đơn vị ai cũng yêu quý, xem như em gái. Vậy mà...

Kể tới đây mắt bác Bảy rưng rưng, giọng bùi ngùi:

- Hôm đó, cũng như mọi chiều, tan tiết dạy, Thuý lại đơn vị chơi, trong tay xách theo chiếc giỏ làm bằng nứa còn đựng mấy củ khoai và một mớ rau rừng. Thuý định lên tạm biệt anh em để về thăm nhà, trời cũng đã xế chiều, bác có khuyên Thuý nghỉ lại rồi mai hẵng về nhưng Thuý không chịu, phần vì mẹ bệnh, phần vì ngại mình phụ nữ. Không cản được, bác đành tiễn Thuý tới cổng đồn. Không may mắn, chiều hôm đó mưa dông nổi lên, nước trên nguồn ào ạt đổ về con thác nhỏ Thuý vẫn thường trêu đùa, bắt cá cùng anh em. Thuý bị nước cuốn trôi...  

Ngừng một lúc, nghẹn ngào, bác Bảy tiếp:

- Cho đến bây giờ, mỗi lần nghĩ đến, bác thấy thương cho Thuý quá. Kiếp người thật mong manh.

Tôi lắng đọng trong từng câu, từng lời bác kể. Thế mới hiểu núi rừng biên giới ngoài vẻ hoang sơ, yên bình còn chứa đựng vô vàn khó khăn, nguy hiểm, sơ sẩy là có thể đánh đổi cả tính mạng. Vậy mà những người lính biên phòng vẫn ngày đêm đối mặt. 

Không biết từ lúc nào một chú bướm đêm đã đậu trên vai bác, phe phẩy đôi cánh như đang lắng nghe những lời bác kể. Hương hoa sữa vẫn thoảng đưa, đêm bình yên đến lạ.

Trăng đã lên cao quá đỉnh đầu, nghĩ chuyện ngày mai còn phải lên đơn vị sớm, dù còn muốn ngồi với bác kể chuyện lâu hơn, nhưng tôi đành xin phép từ giã về nghỉ ngơi. Trước khi tôi về, bác ckhông quên căn dặn:

- Lính thời nào cũng thế cháu ạ, cũng đầy rẫy khó khăn, vất vả nhưng quan trọng mình phải biết cách vượt qua. Các cháu thời bình may mắn hơn nhưng trách nhiệm cũng không kém nặng nề. Do đó, ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ thì phải dành nhiều thời gian nghiên cứu lý luận, nắm chắc thực tế, làm lính không bao giờ được nản chí. Lính Cụ Hồ phải rèn luyện "tinh thần thép", nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, nhé cháu. 

Chia tay bác Bảy, trên đường về nhà tôi vẫn suy nghĩ nhiều những lời dạy của bác. Càng thấy nể phục bác và thế hệ của bác nhiều hơn, những người lính dù đã lui về với cuộc sống thường nhật nhưng phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", ngọn lửa yêu nước thì vẫn luôn cháy mãi./.

Truyện ngắn của Lương Bình

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương