Con ba khía rừng ngập mặn Cà Mau tập trung nhiều ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi, với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Năm 2019, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm ba khía muối Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, từ đó được cả nước chú ý và lượng tiêu thụ cũng ngày càng tăng lên.
- Công bố Di sản cấp Quốc gia nghề “Muối ba khía”
- Ba khía trộn đặc sản Cà Mau
- Ba khía Bà Na Food vào OCOP
- Ba khía xuất ngoại
Con ba khía Cà Mau được đánh bắt và chế biến quanh năm, nhưng khoảng thời gian từ 15/8 đến 15/10 (âm lịch) là bước vào mùa vụ chính, được xem là ngon nhất vì chắc thịt và nhiều gạch son, ăn vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo, vừa bùi.
Khoảng thời gian này ngày xưa được xem là mùa ba khía hội, ngày nay không còn nữa nhưng sản lượng vẫn nhiều hơn các mùa khác trong năm. Người đánh bắt thì vui mừng vì được tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo; các vựa thu mua thì làm việc hết công suất, thu gom đầy ắp kho ba khía nguyên liệu để chế biến món đặc sản ba khía muối khoái khẩu, cung cấp cho thị trường cả nước.
Vào những ngày đầu tháng 9 (âm lịch) là bắt đầu mùa vụ chính của con ba khía Cà Mau, xin mời bạn đọc tham quan cơ sở chế biến ba khía muối Ðầm Dơi, nơi có sản phẩm vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Sản phẩm OCOP tiêu biểu khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2024”.
Dây chuyền rửa ba khía nguyên liệu đầu tiên của Cà Mau, với công suất 2 tấn/giờ, nhanh gấp 5 lần làm thủ công.
Hệ thống rửa làm sạch bằng hàng chục vòi phun, ba khía sạch đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm, sơ chế, làm sạch sau khi muối và đóng gói bao bì sản phẩm.
Ðóng gói bao bì sản phẩm với nhiều trọng lượng khác nhau, từ 0,5 kg, 1 kg đến 2 kg, đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng.
Ba khía tách mai, trộn sẵn, phục vụ đối tượng khách hàng thích nhanh, gọn, ngại chế biến.
Nguyễn Thanh Dũng thực hiện