Ngọc Hiển là huyện duy nhất trong tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển gần 100 km. Đa phần người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Trước thực trạng của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bằng nhiều cách làm thiết thực, huyện Ngọc Hiển đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ngọc Hiển là huyện duy nhất trong tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển gần 100 km. Đa phần người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Trước thực trạng của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bằng nhiều cách làm thiết thực, huyện Ngọc Hiển đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Hằng năm, huyện Ngọc Hiển phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng mưa dông, lốc xoáy, triều cường dẫn đến nhiều vụ ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng. Theo thống kê, bình quân mỗi năm huyện Ngọc Hiển chịu ảnh hưởng từ 7-10 vụ sạt lở đất làm sụp nhà dân theo các tuyến ven sông, rạch và cửa biển. Triều cường dâng cao cũng đã gây tràn ngập nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái và đất nuôi thuỷ sản.
Nỗi lo từ thiên tai
Nguy cơ nhất là tình trạng sạt lở đất theo tuyến bờ biển chạy dài từ Ðông sang Tây (từ cửa Bồ Ðề, xã Tam Giang Tây về Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi). Tình trạng này gây thu hẹp dần diện tích rừng phòng hộ ven biển cũng như đất liền ven bờ, đe doạ và tác động mạnh mẽ đến nguồn tài nguyên, ảnh hưởng môi trường, hệ sinh thái động, thực vật ven biển.
Tuy chưa có số liệu chính xác, nhưng ước tính, hằng năm, nước biển lấn sâu vào đất liền khá lớn. Riêng tại khu vực cửa Bồ Ðề và Vàm Xoáy sạt lở sâu vào đất liền lên đến vài chục mét.
Sạt lở đất ở khóm 4, thị trấn Rạch Gốc. Ảnh: ĐỨC TRỌNG |
Hiện huyện Ngọc Hiển có hàng ngàn hộ dân sinh sống theo tuyến sông, rạch và ven các cửa biển. Trong đó có 719 hộ, với khoảng 2.000 khẩu, sống theo các tuyến ven biển khu vực rừng phòng hộ xung yếu, chịu ảnh hưởng nặng nề khi có thiên tai xảy ra. Tại khu vực Vàm Xoáy, chỉ trong vòng 10 năm (từ 2004-2014) đã có hàng chục căn nhà của người dân bị sóng biển đánh hư hỏng, hàng chục căn còn lại do chưa có chỗ định cư ổn định nên đành phải chấp nhận sống chung với sạt lở và chịu sự đe doạ của sóng biển.
Các vụ sạt lở thường diễn ra vào ban đêm nên người dân không trở tay kịp, tài sản mất trắng chỉ trong khoảnh khắc. Năm 2014, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển xảy ra 10 trận sạt lở đất và lốc xoáy, làm sập và hư hỏng 32 căn nhà. Trong đó, ảnh hưởng do lốc xoáy là 16 căn nhà, sạt lở đất 16 căn. Ngoài ra, hơn 200 căn nhà khác bị nước tràn ngập. Nước dâng còn ảnh hưởng và thiệt hại trên 3.230 ha nuôi thuỷ sản và đất trồng màu, ước thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng.
Ông Lê Chí Hẳng, người dân ấp Kinh Ba, thị trấn Rạch Gốc, đã có 3 lần bị sạt lở nhà chỉ trong vài năm, tâm sự: “Ban đêm ngủ cứ phập phồng lo sợ. Phải đi ra đi vào, ngủ không yên”.
Vào giữa tháng 11/2014, tại khu ngăn mặn giữ ngọt trồng màu, nuôi cá nước ngọt của hàng chục hộ dân ấp Ô Rô, xã Tân Ân bị nước biển phá đê làm ngập hàng chục héc-ta rau màu và thuỷ sản, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Út, người dân ấp Ô Rô, kể lại trong sự tiếc nuối: “Nếu hôm rồi thuỷ triều đừng dâng lên thì tôi thu hoạch từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu con đê này chính quyền các cấp không sửa chữa lại được thì tôi và bà con ở đây cũng không yên tâm trồng trọt, chăn nuôi gì”.
Khu rẫy Trương Phi thuộc ấp Rạch Thọ, xã Ðất Mũi, hàng chục năm qua người dân sinh sống bằng nghề trồng rau màu, cây ăn trái, nhưng 3 năm trở lại đây, do nước biển dâng tràn ngập qua bờ đê, làm đất bị nhiễm mặn nặng, khiến cho việc canh tác trên vùng đất này không còn hiệu quả, người dân đành chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng màu sang nuôi thuỷ sản. Ông Ðinh Văn Hiện, ấp Rạch Thọ, cho biết: “Do diện tích đất nhỏ, nuôi tôm không hiệu quả nên tôi chỉ sản xuất cầm chừng, ngoài ra làm thêm các công việc khác để đảm bảo cuộc sống”.
Nỗ lực khắc phục thiên tai
Ðể giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra, huyện Ngọc Hiển đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tập trung quy hoạch các tuyến dân cư ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ðầu tư phát triển hạ tầng, nhất là tôn tạo, kiên cố đê ngăn triều cường gắn với việc phát triển giao thông nông thôn. Ngoài ra, huyện còn đầu tư nâng cấp và kiên cố các tuyến đê ven biển với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Vận động Nhân dân nâng cao ý thức, phòng chống thiên tai, đồng thời trồng cây xanh bảo vệ môi trường sống và gìn giữ tốt tài nguyên, khoáng sản, không khai thác bừa bãi, không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Ông Ngô Minh Toại, Bí thư Ðảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, cho biết: “Xã tranh thủ với các cấp, các ngành có liên quan xây dựng phương án tổ chức di dời các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng cao, sắp xếp, bố trí lại nhằm đảm bảo điều kiện trong sinh hoạt và cuộc sống của bà con nơi đây. Ðồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho bà con nắm rõ tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống, qua đó bà con nâng cao ý thức và thích nghi với biến đổi khí hậu”.
Từ việc nâng cao ý thức nên đến nay, nhiều hộ dân sống những nơi nguy cơ sạt lở cao về định cư vào khu dân cư tập trung của xã được sắp xếp tại ấp Kinh Ðào Ðông và Kinh Ðào Tây, xã Ðất Mũi. Ông Nguyễn Quốc Hải, người dân ấp Kinh Ðào Ðông, thông tin: “Bước đầu về định cư nơi đây, mặc dù còn thiếu thốn nhiều bề, nhưng việc ra biển đánh bắt vẫn không trở ngại”.
Tuy nhiên, do còn khó khăn về nguồn vốn, cũng như hạ tầng chưa đảm bảo nên một số hộ sống vùng có nguy cơ sạt lở cao còn do dự, chưa tập trung vào định cư ở khu vực này.
Ðể giảm thiểu thiệt hại bởi thiên tai, một số hộ dân trên địa bàn thực hiện việc trồng cây mắm chống sạt lở và cất nhà sàn cao ráo đảm bảo phát triển lâu dài, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Gia đình ông Hà Văn Lợi, ấp Vịnh Nước Sôi, xã Ðất Mũi, nhiều năm qua giữ được đất mặt tiền không bị sạt lở nhờ trồng mắm. Ông Hà Văn Lợi cho biết: “Trồng cây mắm vừa chống được sạt lở, ngoài ra còn làm cây kiểng tạo cảnh quan, cải thiện tốt môi trường, đồng thời hạn chế kinh phí để làm bờ kè”.
Ông Lê Văn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Hiện nay, ngoài viêc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống thiên tai, huyện Ngọc Hiển còn tập trung rà soát quy hoạch dân cư, di dời những hộ có nguy cơ sạt lở cao, giúp người dân có nơi ở an toàn. Ðồng thời, tranh thủ các dự án phòng, chống biến đổi khí hậu và đẩy mạnh xã hội hoá công tác phòng, chống thiên tai của các tổ chức phi Chính phủ và vốn Trung ương để làm bờ kè chống sạt lở”. Ðã qua, huyện Ngọc Hiển cũng xây dựng được một phần bờ kè kiên cố chống sạt lở tại khu vực ấp Mũi, xã Ðất Mũi với chiều dài trên 1.000 m, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên phần nào giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, về lâu dài, huyện cần được sự quan tâm đầu tư nguồn ngân sách cấp trên. Nhất là kiên cố các tuyến đê ven biển, nhằm hạn chế thiệt hại và bảo vệ tốt phần đất liền, không để sóng biển xâm hại, giúp ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Hùng Tấn