ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 02:15:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi niềm thợ sửa tàu

Báo Cà Mau (CMO) Anh Phúc rút cây bút chì vắt trên vành tai xuống điểm chỉ vào khúc gỗ lớn. Những đường đứt khúc hiện lên hình cong quánh. Anh khề khà rồi vắt bút chì lại vành tai, chồm dậy lấy máy cưa điện, ấn nút khởi động. Từng đường cắt khéo léo, chỉ trong nháy mắt khúc gỗ hoá thành những dây cong ghe.

2 người thợ phụ bước đến khiêng đoạn cong anh Phúc vừa cắt áp vào thân chiếc ghe biển đã thành hình. Đặt đúng vào vị trí đã kẻ mực, người thợ phụ khác cầm máy khoan, ấn nút xuyên thấu những đoạn cong. Chúng được cố định với nhau bằng những thanh cùi song sắt vững chắc.

Hôm nay, anh Phúc và nhóm thợ đang thi công thay mới toàn bộ dây cong và một phần ván be của chiếc tàu câu mực của ngư dân ở cửa biển Khánh Hội. Chiếc tàu được chủ phát hiện bục nước, gãy cong trong chuyến biển đầu năm. Nếu có đủ gỗ để thay thế, con tàu sẽ được “chữa lành” sau khoảng 4 tuần.

Là người thợ đóng tàu chuyên nghiệp hơn 20 năm qua, anh Phúc cho biết: Vì chỗ thâm tình nên anh khăn gói qua Khánh Hội (anh nhận lời mời của anh Minh, chủ cơ sở sửa chữa tàu biển ở kênh Xáng Mới, Khánh Hội), chứ nghề này của anh ở xứ Hà Tiên cũng không có ngày ngơi nghỉ. Ở Hà Tiên hay Rạch Giá, trại đóng tàu, ụ tàu biển rất nhiều và toàn đóng tàu cỡ lớn, sử dụng gỗ tốt.

Dưới cái nắng ngả chiều bên bờ Biện Nhị, người thợ chính (anh Phúc) cứ hết buông tay thước lại bắt tay cưa cho kịp tốp thợ 3 người tuổi trung niên đang phụ giúp các khâu khoan, nẹp, bắt chốt. Mồ hôi nhễ nhại, anh Phúc vẫn vui cười: "Thợ đóng tàu như tui cực không thua kém thợ hồ xây nhà".

Nhưng nghề này buộc người thợ phải tỉ mỉ và trách nhiệm đến từng mi-li-mét. Làm nghề này phải bền bỉ, suốt ngày phơi nắng, nhất là công đoạn tháo và đóng chốt tốn hao sức lực. Muốn làm vỏ tàu bền, đẹp thì chắc chắn những người thợ phải giỏi nghề mộc và có sức khoẻ. Cực khổ nhưng thu nhập ổn định, anh em thợ phụ kiếm khoảng 200-300 ngàn đồng/ngày; Thợ chính thì giá khác (tuỳ theo hợp đồng). Mỗi tháng tính ra cũng kiếm gần chục triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Bên kia bờ kênh Xáng Mới là ụ sửa chữa tàu biển Hoàng Trung của anh Lê Minh Khánh. Ụ của anh Khánh vừa tiếp nhận một chiếc tàu tải bị sóng đánh sạt be, bục nước và chìm ở biển Khánh Hội mấy ngày trước. Anh Khánh cho hay, ụ tàu của anh vừa sửa chữa xong và hạ thuỷ một chiếc tàu câu mực của ngư dân Khánh Hội và đang tiếp nhận sửa chữa tàu tải hiện hữu. Anh Khánh vừa nói vừa chỉ tay về phía con tàu vừa được kéo lên khỏi mặt nước. Đã hơn 20 năm hành nghề sửa chữa tàu biển ở cửa biển Khánh Hội, nhưng theo anh Khánh, chưa năm nào “hoàn cảnh” như năm nay. Bởi, liên tục những chuyến đi biển của bà con ngư dân Khánh Hội thất bát.

Nhóm thợ đang ráp cong chiếc tàu câu mực.

“Tôi ngoài sửa chữa còn có 2 chiếc ghe câu mực. Nhưng mỗi chuyến biển từ đầu năm đến nay chỉ phá huề. Cứ như thời điểm này mọi năm thì ụ tàu của tôi cũng có vài ba tàu biển liên hệ sửa chữa và có vài đơn đặt hàng đóng mới”, anh Khánh nói như để phân trần cho sự vắng vẻ tại cơ sở của mình.

Kể về vật liệu để làm nghề, anh Khánh cho biết: "Hổm rày tự tôi qua bên rừng (Khánh Lâm, Khánh Thuận) tìm mua cây gỗ địa phương chuẩn bị sửa tàu. Bây giờ tìm mua cây rất khó, không khéo thì vớ phải cây non, kém chất lượng". Anh còn lý giải thêm bằng kinh nghiệm: "Ở đây, ngư dân thường sửa chữa nhưng chỉ lựa chọn cây gỗ địa phương để tiết kiệm chi phí. Chứ dùng loại gỗ quý ở miền Đông thì giá rất đắt".

Việc anh Khánh đi tìm cây sửa tàu khó khăn chẳng khác chúng tôi đi tìm những người thợ đóng tàu biển ở nhiều cửa biển nhỏ thời gian qua. 2 tuần trước, trời cũng nắng chang chang, chúng tôi vượt qua con đường 50 cây số gồ ghề qua xứ Cơi Năm rồi thẳng ra Đá Bạc. Nhưng nghề sửa chữa tàu biển xứ này khó tìm, dù lượng ngư dân hành nghề biển cũng nhiều. Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Nguyễn Quốc Đoàn cho hay: Cơ sở sửa chữa tàu biển ở Đá Bạc không có, chủ yếu là ngư dân sửa chữa nhỏ, có thể tự làm hoặc thuê thợ mộc về sửa.

Trong bữa cơm trưa thết khách, anh Thanh, một chủ tàu câu mực ở Đá Bạc hướng lối cho chúng tôi về Hương Mai, Tiểu Dừa. “Nghe đâu bên đó có thợ đóng tàu cỡ lớn”, anh Thanh tâm sự.

Trên con đường đê biển Tây, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Hương Mai Huỳnh Thái đưa chúng tôi đến nhà ông Năm Cảnh (Phan Văn Cảnh). Ông Cảnh được biết đến là một ngư dân kỳ cựu ở vùng Hương Mai, vừa có kinh nghiệm biển, vừa ăn nên làm ra. Nghe hỏi về chuyện sửa tàu, ông Năm Cảnh cho hay, thợ sửa chữa tàu biển ở Hương Mai, Tiểu Dừa theo quy mô lớn thì không có, nhưng gần đây nếu có nhu cầu thì bà con liên hệ với thợ. Họ đến tận nhà để sửa. Thợ ở Hương Mai cũng có nhưng không khéo tay và đủ đồ nghề bằng thợ ở xứ Rạch Giá, Hà Tiên.

Anh Phúc, thợ sửa tàu, cắt và đục những dây cong tàu, công đoạn cần sự khéo tay và tỉ mỉ, chính xác đến từng mi-li-mét.

Ông Năm Cảnh khề khà nói: "Mấy đứa cứ nghĩ đóng một chiếc tàu biển như mình xây một căn nhà vậy đó. Phải chuẩn bị tiền thợ, tiền vật tư và cả đất nữa. Tàu đẹp hay xấu, chất lượng hay không đều thuộc vào bàn tay thợ và vật liệu dùng. Rồi có nhiều công đoạn trang trí… Những người đóng tàu ở xứ mình không có đất để lên chẹt thì được bà con cho mượn mặt bằng một vài tháng, khi tàu hạ thuỷ sẽ trả lại mặt bằng".

Thường thì tàu biển ở các cửa biển Hương Mai, Tiểu Dừa, Khánh Hội được hạ thuỷ mỗi chiếc cũng tầm từ 200 triệu đồng, đó là chưa kể tiền công, tiền trang bị máy cho tàu. Anh Khánh cho biết thêm: Để đóng mới một tàu biển loại dài 19 m cần cả chục khối gỗ. Nếu chủ tàu kha khá thì sử dụng gỗ tốt như sến, dên dên. Nguồn tiền eo hẹp tí thì chèn thêm cong bằng thân bạch đàn, tràm. Tuy nhiên, những loại cây gỗ địa phương ở Cà Mau đem đóng tàu biển thì tuổi thọ không cao, thường hay bị bung be, phá nước, gãy cong. Những khi ấy rất nguy hiểm khi tàu đang vận hành ngoài biển.

Nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ chứ không làm thủ công hoàn toàn như trước. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của những con tàu ra biển, người thợ vẫn phải nắm được những kỹ thuật truyền thống. Riêng khâu lào, trét chống nước bây giờ toàn ứng dụng công nghệ lắp composite. Mỗi con tàu sau khi đóng hoàn thành chi phí cho phần composite cũng không dưới 100 triệu đồng.

Nghĩ về chuyện mở rộng quy mô của cơ sở sửa chữa, anh Khánh nói như than: "Theo nghề hơn 20 năm, cũng từng ước mơ được cơ sở đủ lớn để vừa ăn nên làm ra, vừa giúp ngư dân. Nhưng khổ nỗi chi phí rất lớn". Bởi, thực tế thời gian qua, nhiều ngư dân sau khi sửa xong tàu nhưng không đủ tiền hoàn trả. Lúc này, chủ cơ sở phải chấp nhận cho nợ. Họ sẽ hoàn trả lại sau những chuyến biển, nhưng làm chủ như tôi còn phải đảm bảo chi trả công thợ, nhân công… và chuẩn bị vật tư để sửa những con tàu khác. Cứ thế, hơn 20 năm qua ước mơ của anh vẫn chưa thực hiện được.

Anh Khánh xót xa: "Nhìn thấy nhiều chủ tàu muốn đóng tàu lớn phải cất công tìm đến Rạch Giá, qua Hà Tiên hay ngược lên Ninh Thuận, Bình Thuận để ký hợp đồng đóng mới những chiếc tàu biển trị giá bạc tỷ mà ứa nước mắt".

Ai cũng biết nghề biển phát triển kéo theo hàng loạt các dịch vụ hậu cần cùng phát triển. Ví như ngày trước, mỗi chuyến biển kéo dài cả nửa tháng, khi đó mực, cá bắt được phải ủ đông trong boong tàu, hết chuyến biển mới tính chuyện vào bờ mua bán. Nay đã khác, ngày nào cũng có tàu tải ra vào cửa biển, mang về hàng trăm tấn hải sản tươi sống.

Hậu cần nghề biển đâu chỉ có mua và bán. Mà cốt lõi của nghề biển là ngư dân phải sở hữu trong tay là tàu biển. Và để mỗi chuyến biển an toàn thì những thân tàu, vật dụng tàu phải cần những người thợ hành nghề như anh Phúc, anh Khánh bảo trì, bảo dưỡng.

Theo thông tin từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Cà Mau, nghề sửa chữa, đóng mới tàu ở Cà Mau chỉ phát triển mạnh nhất ở cửa biển Sông Đốc, nhưng cũng chỉ có 3 cơ sở đủ các điều kiện kỹ thuật đóng tàu công suất lớn. Còn việc sửa chữa thì ngư dân phải tự tìm đến những người thợ quen biết. Con số này phát triển tỷ lệ nghịch với quy mô nghề khai thác của vùng biển có ngư trường trên 80 ngàn ki-lô-mét vuông.

Rời Khánh Hội nhưng câu chuyện về ước mơ ấp ủ hơn 20 năm của anh Khánh vẫn cứ lảng vảng và nghe như có vị mằn mặn ở đầu môi. Trời sụp nắng, anh Phúc và nhóm thợ vẫn khom lưng hoàn thành từng công đoạn. 3 tuần nữa chiếc tàu này sẽ lại hạ thuỷ ra khơi. Người thợ sửa tàu là vậy, họ chỉ ở trong bờ nhưng mỗi khi thấy những chiếc tàu được tận tay họ “chữa lành” ra khơi lòng ngập tràn niềm vui./.

Phong Phú

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.