ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 9-5-25 13:39:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ở biền Sông Ðốc

Báo Cà Mau (CMO) Cứ vài ba tháng, bộ phận Căn cứ do chú Khổng Minh Thanh (Hai Hiền) phụ trách lại chuyển Văn phòng Tỉnh uỷ đến nơi ở khác. Lần này là sau vườn nhà chị Năm Nghĩa sát biền sông Ông Ðốc, thuộc ấp Công Ðiền, xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời), chỉ cách chợ Rạch Bần chừng 1 km. Ðêm đến, những ngọn đèn măng sông từ các tiệm tạp hoá hắt ra, sáng rực, có cảm giác như chiến tranh còn ở đâu xa lắm.

Trời bắt đầu mưa. Nước dùng để nấu ăn, uống thì có hai cái lu hứng nước trời mượn của chị Năm Nghĩa. Có điều, do mái lá còn mới nên chỉ một, hai ngày nắng là nước đổi màu đỏ quạch.

Những đêm trời quang, trăng lên, ánh sáng vàng óng chui thẳng vào cửa, hai ngọn đèn dầu ghen tỵ, hắt hiu. Bóng những chiếc tàu dừa rải xuống mặt liếp, lay động như chiếc lược làm duyên trên tóc con gái.

Gọi là biền, vì nó chỉ là một vạt rừng sát ven sông, chỗ rộng nhất chỉ khoảng 500 m. Cây cối chỉ là dây cóc kèn, chùm gọng; cao hơn có những cụm chà là trải dài cho tới vàm kênh xáng Thị Kẹo. Căn nhà hai gian của bộ phận Văn thư nằm trên liếp dừa, sát biền rừng, dành cho ba anh em sinh hoạt, gồm anh Tô Hiền Long (Sáu Ðồng), Nguyễn Khắc Chuẩn (Sáu Nhỏ) và tôi. Mấy tấm vạt ngủ được lót sát đất, các thùng sắt đựng tài liệu còn dùng để kê máy đánh chữ, góc còn lại là dụng cụ bếp núc. Ðơn sơ, nhưng chúng tôi cũng biết chăm chút, nào là đốn sậy bện đăng làm giàn úp chén, treo mấy cây móc trên giăng vách để máng xoong, chảo; củi khô trong vườn, bìa rừng được xếp vào góc vách gọn gàng.

Công việc văn thư thời này lúc nào cũng tất bật, nhất là những lần phục vụ cho hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng, không có dụng cụ in ấn, số lượng tài liệu nhiều phải đánh đi đánh lại đến ba, bốn lượt. Công văn, thư từ thường kèm theo hai từ “hoả tốc”. Ðiểm nhấn có lẽ là lúc Phạm Thạnh Trị (Bảy Trị) và Tô Minh Thứa (Ba Ðức) từ Trường Ninh Bình về. Có được hai sinh lực mới, căn chòi thêm đông vui, bỗng dưng tôi được tôn lên thành "người lớn".

Ðoàn cán bộ chờ chuyến sang sông chiến lược - Sông Ðốc. Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH

Tội cho Trị và Ðức, vì không có máy đánh chữ để tập, nên mỗi lần tôi và anh Sáu Nhỏ bỏ máy ra là nhào vô tập lấy tập để. Ðức tập trên máy Rơ-ming-ton to đùng của anh Sáu Nhỏ, Trị tập ở máy Tippa của tôi. Chiếc máy nhỏ, gọn, nặng chừng hơn 3 kg, là chiến lợi phẩm trong một cuộc ta đột nhập cơ quan Hội đồng xã trên tuyến Hưng Mỹ - Cái Nước. Ðã 60 năm, máy vẫn còn lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh.

Ðể mau thành thục, Trị và Ðức có sáng kiến vẽ bàn phím vào bìa cứng, chia vị trí cho từng ngón tay, cứ gõ vào đó theo lời một bài hát hoặc bài thơ được nhẩm trong đầu. Không lâu, hai chàng trai trẻ đã thành thạo, ngồi sắp bằng trước máy, sản phẩm đầu tiên là những thư từ, công văn ngắn. Về sau, Trị là một tay đánh máy giỏi, không cần nhìn vào bàn phím, mắt dán vào trang tài liệu hoặc bản thảo, khi hết dòng chuông báo, đưa tay gạt càng, cứ vậy mà gõ tới, có lúc còn hát vu vơ.

Các sản vật không thể so sánh với rừng sâu như Cái Nháp, Xẻo Cùi nhưng biền sông này dường như thích hợp với chồn cáo cộc và kỳ đà. Tới mùa động đực, bầy chồn cáo cộc gầm rú suốt đêm, ngay sát cửa chòi; sáng ra, lần theo đường đi của chúng đã thấy nhẫm dấu.

Có lần gài bẫy bắt được con chồn cáo cộc to tướng, phân công Phạm Thạnh Trị và Tô Minh Ðức đem ra chợ Rạch Bần bán, nhưng ở cái chợ nhỏ đó không ai buồn hỏi mua. Trước đó, chúng tôi cũng vây bắt được con kỳ đà từ đâu chạy xuống ao cạn sát vách. Vậy là, chuyện bắt được con kỳ đà vừa mới dứt đến chuyện chồn cáo cộc đã trở thành một mạch chuyện vui, nhớ hoài.

Góp mặt ở Văn phòng Tỉnh uỷ từ cuối năm 1960 đến cuối năm 1967, tôi không nhớ mình đã chuyển đến bao nhiêu địa điểm, nào là Mỹ Thành, Mà Ca, Cây Me, Xẻo Ðước (Phú Mỹ); sau vườn nhà anh Tám Háp, Ba Hối, Tư Khương, Hai Thi và Hai Hạng ở Rẫy Mới bên bờ Bắc đầm Thị Tường; Công Ðiền, Chà Là bên bờ Nam sông Ông Ðốc (Phong Lạc); cũng có lần ở Chủ Mía (Khánh Hưng).

Ðầu tháng 3/1962, có cuộc hành quân ngót trăm cây số bằng đôi chân, điểm xuất phát là Khâu Bè (Phú Thuận - Cái Nước), điểm đến là Tân Bình (Tân Ðức - Ðầm Dơi). Người chỉ huy trong cuộc hành quân này là bác Tám Sấn, Thường vụ Tỉnh uỷ; kế đó là anh Nghê Trường Sinh (Hai Sinh), Chánh Văn phòng, cùng cuốc bộ với đám lính trẻ. Dụng cụ văn phòng như máy đánh chữ, giấy pơ-luy, giấy than; bộ phận hiệu thính có máy vô tuyến điện đều nằm gọn trong bồng bột, lúc cõng trên lưng, lúc nằm trên vai. Ngày ém quân, đêm đi, qua 3 đêm cũng tới đích. Sau thời gian dài quanh quẩn trong căn chòi rộng chừng 20 mét vuông, đủ cho mấy anh em ăn, ngủ, làm việc dưới tán dừa, giờ được dã ngoại, mang vác, cuốc bộ thấm đẫm sương đêm và mồ hôi. Ðôi dép có lúc là trợ thủ cho bàn chân, cũng có lúc “lên ngôi” treo lủng lẳng trên bồng bột.

Vùng đất hoang hoá ở Dọc Kỳ Ðà, cặp lộ xe Rau Dừa - Cái Nước, chỉ có từng chùm ráng và cỏ lông tượng, váng một lớp bùn mỏng. Từng đàn cá phi chạy ngời ngời, hốt hoảng cắm đầu xuống ổ gà, cái đuôi còn lú lên mặt nước ngoáy lia lịa. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi bẻ cọng ráng, lựa cá lớn xỏ được mấy xâu. Ðến nơi ém quân, các thím, các chị trong nhà giúp chúng tôi có nồi canh chua và chảo cá kho sả ớt thơm lừng.

Sáng 8/3/1962, vừa đặt chân đến Cây Gừa (Tân Tiến) thì địch cho 40 trực thăng, chủ yếu là “sâu rọm”, có máy bay ném bom yểm trợ, đổ quân xuống một số điểm ở Thanh Tùng, mở màn cho chiến dịch “Bình Tây”, nơi mà lúc nửa đêm chúng tôi vừa đi ngang qua đó. Do sát vòng quần đảo của các loại máy bay, nên bác Tám Sấn ra lệnh: “Ðồ đạc, tài liệu văn phòng chôn cất kỹ lưỡng, các tổ bám công sự sẵn sàng chiến đấu”. Thật là may, nếu như ngày này chúng tôi còn ém quân ở Thanh Tùng thì điều gì sẽ xảy ra?

Chúng tôi ở trong căn nhà ấm áp của Bác Ngọ, cựu binh Nam tiến năm 1946 ở Tân Bình. Ông có nếp uống rượu trong bữa ăn, mỗi lần chỉ hơn nửa ly bầu; rượu nếp, bọt đóng vành, gia đình tự nấu. Khi vui miệng, ông ngân nga 4 câu thơ không biết xuất xứ từ đâu như để biện minh cho sự uống rượu của mình:

"Vua Ngô năm, bảy tà vàng

Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì

Chúa trộm uống rượu tỳ tỳ

Thác xuống âm phủ chẳng khác gì vua Ngô".

Còn nhớ, trước chuyến đi này, tháng 5/1961, Văn phòng Tỉnh uỷ đã vượt qua sông Ông Ðốc đến kênh Ba Tên, giáp Chín Bộ (Khánh Bình Tây cũ). Sau đó, đầu tháng 12/1962, lại xuống rạch Cây Thơ (Năm Căn), thì ngày 8/12/1962, bên kia sông Bảy Háp địch dùng chiến thuật “Phượng hoàng bay” cho 50 trực thăng CH47 đổ quân xuống Mang Rổ (Tân Hưng Tây). Nguyễn Việt Khái đã bắn 8 phát carbin hạ 4 trực thăng, diệt 60 tên địch và trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Tháng 11/1967, một bộ phận của Văn phòng đi phục vụ Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng ở rạch Bù Mắt, Ðoàn Nghĩa Hiệp (Năm Nhựt) đã dính bom, hy sinh.

Khi ở Mà Ca (Phú Mỹ) sau nhà cô Chín Dơn, biết đêm 9/9/1963, cùng lúc ta tiến công 2 chi khu Cái Nước và Ðầm Dơi, cánh Văn phòng mua mấy chai la ve hiệu trái khóm và hộp sữa bò để cùng thức ăn mừng chiến thắng. Cũng tại đây, trong trận ta tập kích cứ điểm Giá Ngựa - Chà Là, lần đầu tiên biết thế nào là lính nhảy dù, thế nào là những chiếc dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc, rộng bằng hai căn nhà, được xẻ ra làm chăn đắp và dây giăng võng.

Lúc đang ở sau vườn của chú Ba Hối, gần đầu Kinh Ba (Ðất Cháy - Phong Lạc), nửa đêm, bộ phận mã thám phát hiện địch đổ quân, cơ quan phải nhanh chóng dời đi. Thu dọn đồ đạc, xoá dấu vết, xuống vừa đến nơi ở mới thì trời rạng sáng.

Có một chi tiết thú vị, nếu như ở Rẫy Mới sát rừng Mỹ Bình (Phong Lạc cũ), năm 1959, anh Nguyễn Phong Triều (Út Triều), nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, dự thảo lời hiệu triệu kêu gọi Nhân dân vùng lên thực hiện đồng khởi năm 1960(*) thì 16 năm sau ở Xẻo Ðước, chỉ cách Rẫy Mới không đầy 10 km, cùng chung ngọn nguồn của đầm Thị Tường, anh Hoàng Minh Nhất (Ba Ngởi), nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, cùng tập thể Văn phòng Tỉnh uỷ thần tốc xốc tới, hoàn thành sứ mệnh tham mưu, giúp việc cho Tỉnh uỷ cùng quân và dân giải phóng tỉnh nhà vào 7 giờ ngày 1/5/1975, kết thúc cuộc trường chinh 30 năm đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Cứ gọi số tròn là 60 năm, 4 người hy sinh của Văn phòng đã được Tổ quốc ghi công, những người chết vì già yếu, bệnh tật đã mồ yên mả đẹp. Năm ba anh em còn sống đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, mặc dù địa vị chính trị, xã hội có khác nhau nhưng vẫn không thôi nhớ về những năm tháng ấy.

Sáu mươi năm biết bao biến đổi. Ðất và người những nơi ấy không ngừng khoác lên mình chiếc áo mới, ụ châu mai còn sót lại sau chiến tranh ở sát cổng vào Tỉnh uỷ bao lần thay lớp rêu phong. Chuyện kể đôi lúc phải dừng bút để mà thương nhớ, ngậm ngùiu

(*) Lời hiệu triệu: “… Hỡi đồng bào và chiến sĩ. Tất cả hãy đứng lên, sắm sửa vũ khí, lấy súng địch mà đánh địch. Hãy trừ khử bọn ác ôn, đuổi giặc, giành lại xóm làng…”. Nguồn từ “30 năm kháng chiến của quân và dân Cà Mau 1945-1975", Nguyễn Văn Ðẩu, nguyên Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Minh Hải.

 

Nguyễn Thái Thuận

 

70 năm hành trình giữ biển

70 năm trước, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay.

Anh hùng của những anh hùng

Gọi Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang, Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), huyền thoại của tình báo Việt Nam, là "anh hùng của những anh hùng" cũng rất đúng và không hề tô hồng, ngợi ca. Bản thân ông Tư Cang cũng căn dặn chúng tôi rằng: “Hãy nói, hãy viết bằng sự thật lịch sử. Bởi chỉ cần nói thật, nói đúng về lịch sử của dân tộc ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thôi, thì đó đã là một câu chuyện phi thường”.

50 năm - Nhớ giờ phút này!

Thời điểm chuẩn bị giải phóng miền Nam, theo tinh thần nghị quyết của Quân khu 9 và Tỉnh uỷ Cà Mau: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, đến nửa tháng 4/1975, toàn bộ cứ điểm, đồn bót của địch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã bị tiêu diệt hoặc rút chạy, chi khu Rạch Ráng trơ trọi như một ốc đảo, sự chi viện từ tiểu khu An Xuyên bằng đường sông đã bị khống chế, đường bộ không có, duy nhất chỉ có trực thăng tiếp tế nhỏ giọt từ thức ăn đến nước uống. Hơn 400 tề nguỵ ở chi khu Rạch Ráng đang khốn đốn, hoang mang tột độ.

Tròn 50 năm tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng Cà Mau

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên đầu tháng 3/1975. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 theo tinh thần “Tấn công thần tốc như Nguyễn Huệ” mà đồng chí Lê Duẩn nói trong Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Ðảng.

50 năm nhớ ngày lịch sử vẻ vang

50 năm tôi được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no như ngày hôm nay.

Kỷ niệm về anh

Sau ngày đất nước toàn thắng và thống nhất, tôi từ miền Trung được chuyển về quê công tác. Mấy ngày ngồi trên xe đò từ Cố đô Huế trở về, trong đầu tôi hình dung biết bao hình ảnh về sự đổi thay của thị xã Cà Mau mà ngày tôi ra đi hơn 20 năm trước còn là một thị trấn khiêm tốn nằm ở tận cùng phương Nam Tổ quốc.

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...

Nhớ ngày tiếp quản Cà Mau

Ngày 30/4, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày mà triệu triệu người Việt Nam vỡ oà hạnh phúc.

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Học sinh miền Nam đặc biệt

Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.