ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-12-24 13:16:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quyết tâm xoá tàu “3 không”

Báo Cà Mau Mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng tình hình các tàu cá “3 không” lén lút thực hiện hoạt động khai thác trên biển vẫn còn diễn ra. Để góp phần gỡ thẻ vàng, tạo kết quả tích cực trước chuyến thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam lần thứ 5 dự kiến trong tháng 10 này, nhiều địa phương trong tỉnh quyết tâm xoá các phương tiện này trên vùng biển quản lý.

Loại hình khai thác thuỷ hải sản ven bờ khá phổ biến trên vùng biển Cà Mau, các phương tiện cỡ nhỏ, thường chỉ có 1 hoặc 2 người tham gia đánh bắt. Các phương tiện này được người dân địa phương gọi là những tàu cá “3 không” vì không có đăng ký, không đăng kiểm, không được cấp phép hoạt động. Đa phần các phương tiện được cải hoán từ vỏ composite (thuỷ nội địa), theo các cửa sông thông ra biển để khai thác trái phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ban đầu nghề này được xem là nghề “tay trái”, vì sau khi xong vụ lúa, vụ tôm thì một số người dân xuống các phương tiện như vỏ composite, ra các cửa biển khai thác gần bờ để kiếm thêm thu nhập. Lâu dần hình thành thói quen và nhân rộng cho nhiều hộ dân lân cận.

Một phương tiện được cải hoán từ vỏ composite để vươn khơi khai thác, tại địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh. (ảnh chụp ngày 27/9/2024)

Ghi nhận trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh, hiện có gần 300 phương tiện được cho là phương tiện “3 không” do người dân tự phát.

Ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, chia sẻ: “Những phương tiện này, chủ yếu nam giới đi làm, thường ra biển tầm 17h hôm nay và vào bờ tầm 6h sáng hôm sau. Sau một đêm đánh bắt trên biển thì những ngư dân này ngủ lấy sức để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Mỗi phương tiện có thu nhập từ 500 ngàn đồng đến hàng triệu đồng mỗi đêm, từ đó cải thiện được cuộc sống rất nhiều”.

Tuy nhiên, vấn đề này về lâu về dài vô tình đã tạo thành thói quen cho người dân tại các cửa biển. Ban đầu chỉ là nghề “tay trái” nhưng lâu dần nhiều hộ xem đây là nghề “hái ra tiền” và dựa vào khai thác ven bờ để kiếm sống. Và theo đó, câu chuyện chuyển đổi nghề được đặt ra hằng chục năm nay nhưng người dân thì chưa mấy mặn mà. 

Qua trao đổi, nhiều lãnh đạo ở các địa phương có góc nhìn rằng đây là nghề “cha truyền con nối”, bao đời dựa vào nghề khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, thực tế có những hộ rất có điều kiện sống tốt trong đất liền như có vuông nuôi tôm, đất làm ruộng, có nghề để làm… nhưng vẫn sắm thêm phương tiện ra biển khai thác vì nghĩ người khác làm được thì mình cũng làm được; có những hộ không ngại cải hoán, đầu tư phương tiện lớn hơn, công suất lớn hơn và trụ lại nhiều ngày hơn để khai thác. Như thế thì đâu phải là hộ khó khăn, không thể chuyển đổi nghề được!

Song, vẫn có những hộ thực tế đời sống rất khó khăn, thu nhập duy nhất chỉ dựa vào chiếc vỏ máy, mà phương tiện đó chỉ khai thác được ở vùng thuỷ nội địa.

Ông Đảm bộc bạch: “Những hộ mà phương tiện nhỏ quá, đi khai thác có đêm lỗ luôn tiền xăng thì tiền đâu cải hoán, nâng cấp phương tiện đánh bắt xa bờ. Cấm không cho ra khơi khai thác thì tội cho bà con, nhưng cho ra thì không chỉ vi phạm mà còn ảnh hưởng đến tính mạng bà con khi thời tiết mưa bão thất thường như thế này”.

Đây là các phương tiện đã được nâng cấp lên lớn hơn, đúng theo quy định, được ra khơi đánh bắt. (ảnh chụp tại cửa biển Khánh Hội, ngày 27/9/2024) 

Nhìn từ thực tế, lâu nay nhiều địa phương vì thấy đời sống của bà con làm nghề còn khó khăn mà chưa mạnh tay xử lý đối với loại hình khai thác này, với suy nghĩ là tạo điều kiện cho bà con có thu nhập. Nhưng điều này về lâu, về dài vô tình đã tạo thành thói quen xấu cho họ trông chờ và ỷ lại. Đời sống khá lên đâu chưa thấy, nhưng trước mắt, với hình thức khai thác thuỷ sản mang tính chất tận diệt của bộ phận không nhỏ người dân đã làm cạn kiện nguồn lợi thuỷ sản, gây thiệt hại vô cùng lớn.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo, địa phương đang phối hợp với đơn vị Đồn Biên phòng, tuyệt đối không cho các phương tiện này ra cửa biển để khai thác. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên vùng biển quản lý, không cho các phương tiện này hoạt động. Ban đầu chủ các phương tiện này phản ứng kịch liệt lắm, nhưng đã có quy định của luật rồi thì phải thực hiện. Hiện xã đang triển khai họp dân, rà soát lấy ý kiến để có hướng hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới”, ông Đảm chia sẻ.

Ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát, không cho ra khơi khai thác thì chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề cốt lõi hiện nay là tìm ra những giải pháp căn cơ để những hộ dân này có việc làm, thu nhập ổn định. Có như thế thì tình trạng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp mới không tái diễn. Điều này không chỉ tạo được hình ảnh đẹp với Đoàn thanh tra của EC khi đến Việt Nam, mà còn tạo được thói quen cho người dân là vừa khai thác vừa bảo tồn nguồn lợi và hệ sinh thái biển./.

 

Kim Cương

 

Giảm sức người, tăng hiệu quả

Những năm qua, các công ty, xí nghiệp và nông dân trong tỉnh quan tâm thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất ở nhiều lĩnh vực, nhằm giải phóng sức lao động ở công việc nặng nhọc, ảnh hưởng sức khoẻ. Ðây cũng là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Tâm huyết với nghề làm bánh phồng

Có hơn 20 năm gắn bó với công việc chế biến và kinh doanh bánh phồng tôm, hộ bà Dương Thị Quyết (Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quá trình chế biến, để đưa nhiều sản phẩm chất lượng đến với khách hàng.

Giải pháp tài chính hay “bẫy nợ” tiềm ẩn?

Thẻ tín dụng hiện nay trở thành công cụ tài chính phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự gia tăng sử dụng thẻ tín dụng cũng kéo theo những mối nguy không thể xem nhẹ.

Mùa gặt thuê trên đất lúa – tôm

Thời điểm này, các cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, đang vào mùa chín rộ, người dân tranh thủ thuê nhân công gặt lúa. Ðây là dịp để những người gặt lúa thuê bắt đầu công việc mưu sinh theo thời vụ, có thêm thu nhập.

Khô cá bổi vào vụ Tết

Thời điểm này, tại làng nghề làm khô cá bổi ở ấp Ðá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời nhộn nhịp không khí sản xuất phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Vốn tín dụng chính sách cho vùng dân tộc thiểu số

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã và đang chung tay thực hiện hiệu quả Nghị định số 28/2022/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) (Chương trình). Về vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có trao đổi cụ thể cùng ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh.

Thay đổi tư duy sản xuất

Huyện Năm Căn có thế mạnh nuôi thuỷ sản, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân trên địa bàn nuôi tôm quảng canh truyền thống, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; cùng với đó, loại hình nuôi này đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nên năng suất không cao. Nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất cho người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, UBND xã Ðất Mới tổ chức lớp học hiện trường ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú quảng cảnh cải tiến (QCCT).

Hiệu quả từ gỡ khó cho đối tượng nộp thuế

Năm 2024, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tỉnh giao cho TP Cà Mau là 530 tỷ đồng. Tính đến ngày 8/12, tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố được 518,018 tỷ đồng, đạt 97,74% dự toán tỉnh giao; có 3/7 nguồn thu và 13/16 đơn vị xã, phường đạt dự toán pháp lệnh năm 2024.

Tiềm năng phát triển bất động sản vùng ven

Trong vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản (BÐS) tại các khu vực ngoại thành đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư và người dân. Từ những khu vực từng được xem là ít giá trị, nay vùng ven đô dần nổi lên như một “vùng đất hứa” nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, các dự án quy hoạch đô thị và sự dịch chuyển dân cư. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là không ít thách thức cần giải quyết để biến tiềm năng thành hiện thực.

Cách nào giữ được cây tràm?

Mỗi khi có chuyến về huyện U Minh công tác, lòng tôi chợt bồi hồi mỗi khi xe lăn bánh trên những cung đường quen thuộc, bởi không còn cảm nhận được mùi hương quen thuộc của bông tràm - giống cây đặc trưng của vùng đất U Minh. Giờ đây, chiếm ưu thế ở xứ này là cây keo lai, bởi cho giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường. Diện tích trồng tràm vì thế dần bị thu hẹp, cây tràm sẽ về đâu đang là nỗi băn khoăn của nhiều người.