Hình thành và phát triển từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, bằng sức mạnh đoàn kết và tinh thần quả cảm, bắt tay vào kiến thiết quê hương, Ðảng bộ, quân và dân huyện Thới Bình từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,86% năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng.
Hình thành và phát triển từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, bằng sức mạnh đoàn kết và tinh thần quả cảm, bắt tay vào kiến thiết quê hương, Ðảng bộ, quân và dân huyện Thới Bình từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,86% năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng.
Ðến nay, huyện Thới Bình đã cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, giúp việc đi lại, giao thương của Nhân dân trong huyện thuận tiện, rút ngắn khoảng cách giữa vùng nông thôn và đô thị.
Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, ông Hồ Xuân Việt, Uỷ viên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Cà Mau, Bí thư huyện uỷ Thới Bình, nhận xét:
Trước hết, có thể khẳng định thành tựu có được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Thới Bình hôm nay được giữ gìn và phát triển trên nền tảng truyền thống cách mạng.
Lịch sử đã chứng minh, dù kẻ thù xâm lược có dùng vũ khí hiện đại hòng triệt phá lực lượng cách mạng và ý chí cách mạng của quân và dân Thới Bình, thì những lúc ấy, khối đại đoàn kết dân tộc càng gắn bó mật thiết, vô hiệu hoá chúng. Ðó còn là biểu tượng và niềm tự hào của Ðảng bộ, quân và dân huyện Thới Bình khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng.
Sau độc lập, điều kiện phát triển hết sức khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh. Ðiện sử dụng hầu như bằng không; đường đi chỉ là những tuyến lộ đất đen, đất đỏ; toàn huyện chỉ có 25 trường học cây lá tạm bợ; đất canh tác toàn huyện chưa tròn 18.000 ha nhưng bị nhiễm phèn, mặn, năng suất thấp...
Trước những khó khăn đó, Ðảng bộ đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, quy hoạch sản xuất, hoàn thiện thuỷ lợi, tháo úng, xổ phèn... Từ những cánh đồng hoang hoá, năng suất thấp, đến nay đã có trên 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Từ năng suất 2 tấn/ha nay đã làm lúa 2 vụ, năng suất 5 tấn/ha.
Hệ thống trường học ổn định 60 trường kiên cố và có 21 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 12/12 đơn vị xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ðến nay, qua rà soát toàn huyện còn khoảng 7% hộ nghèo; huyện có 2 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới.
- Những giải pháp để tiếp tục phát triển kinh tế, đời sống Nhân dân, đưa huyện Thới Bình thành huyện nông thôn mới vào năm 2020?
Ông Hồ Xuân Việt: Ở mỗi giai đoạn, mỗi mục đích hướng đến đều còn đó những khó khăn. Mặc dù, qua 60 năm huyện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng với mục tiêu xây dựng huyện văn hoá nông thôn mới thì tiếp tục đặt ra nhiều thách thức.
Bí thư Huyện uỷ Thới Bình Hồ Xuân Việt. Ảnh: P.PHÚ |
Ðể thời gian tới huyện phát triển ổn định theo mục tiêu và giải pháp đề ra, trước hết cần kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước Nhân dân. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng vị trí và tinh thần phục vụ Nhân dân.
Tiếp đến, xác định được nhiệm vụ và khắc phục khó khăn, trong thời gian tới huyện sẽ tranh thủ các nguồn lực, phát triển tiềm năng sẵn có; ứng dụng khoa học công nghệ. Về sản xuất phải quy hoạch khoa học và quản lý thực hiện đồng bộ các vùng, tiểu vùng, phát triển đa cây, đa con tăng thu nhập.
Phát huy lợi thế tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến đường nay đi qua địa bàn huyện hơn 40 km. Theo nghị quyết Huyện uỷ, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở Thới Bình đạt 49 triệu đồng, đến năm 2019 huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua các cuộc tiếp xúc Nhân dân, Nhân dân đồng tình cao về các tiêu chí này.
Ðể đạt được mục tiêu lớn này, Huyện uỷ đã đặt ra chỉ tiêu phát huy tinh thần siêng năng, cần cù, sáng tạo vượt khó trong Nhân dân. Hình thành và phát triển các tổ hợp tác sản xuất thuỷ sản, chăn nuôi và trồng trọt... để tạo thành chuỗi giá trị sản xuất và sản xuất hàng hoá chất lượng cao, giá thành hợp lý, tăng thu nhập, lợi nhuận trong Nhân dân.
Ðồng thời, xã hội hoá nhiều công trình trọng điểm: nâng cấp đường nội ô thị trấn Thới Bình, xây dựng nhà lồng chợ Thới Bình, trung tâm thương mại huyện... Phát triển các dịch vụ sản xuất, du lịch dọc tuyến đường hành lang ven biển...
Ði đôi với quy hoạch phát triển là kiện toàn hệ thống chính trị. Trong đó, việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện triển khai các đề án, thực hiện các nội dung sinh hoạt chính trị phải được giám sát, thường xuyên rút kinh nghiệm trong thực tiễn. Phấn đấu từng chi bộ, đảng bộ không còn hộ nghèo, hộ tái nghèo và nâng cao mức sống gia đình người có công với cách mạng trong toàn huyện. Song song với việc thực hiện Nghị quyết Ðảng bộ huyện, các nhóm chỉ tiêu Ðại hội XV Ðảng bộ tỉnh đề ra, huyện sẽ đẩy nhanh công tác triển khai, thực hiện đồng bộ.
- Cảm ơn ông!./.
Phong Phú thực hiện