Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.
Ðau đáu với những mảnh đời bất hạnh
Theo dõi trang Facebook chủ tài khoản Jenny Pham của cô Ngọc Thảo đã lâu, tôi cứ thắc mắc tại sao người này cứ mãi đi “xin”. Sau này mới biết, thông qua mạng xã hội, cô Thảo kêu gọi những tấm lòng hảo tâm quyên góp cùng mình để có kinh phí cho “Tủ bánh mì yêu thương” đều đặn hoạt động vào mỗi sáng thứ Tư hằng tuần.
Thương những học trò đến trường với cái bụng đói, những cụ ông, cụ bà đi bán vé số từ sáng sớm đến trưa mà không có gì lót dạ, nên từ năm 2018 cô Thảo mở tủ bánh mì 0 đồng. Ngoài ra, cô còn mang vào bệnh viện cho trẻ em nghèo, bệnh nhân khó khăn đang chạy thận. Suốt thời gian dịch Covid-19, những ổ bánh mì chả lụa thơm ngon được trao tay những cảnh đời khó khăn đã phần nào giúp họ vơi bớt nhọc nhằn. Thời gian gần đây, công việc ở trường ngày càng nhiều, cô Thảo đành tạm gác lại "Tủ bánh mì yêu thương" sau 3 năm thầm lặng sẻ chia.
Cô Thảo nặng lòng với những trẻ em nghèo. (Trong ảnh: Lớp học tình thương của cô Phan Thị Phiến, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân).
Gặp cô Thảo sau giờ tan trường, vẫn nụ cười thân thiện ấy, cô kể về cái duyên đến với công tác thiện nguyện của mình. Hồi nhỏ, biết ai đi tặng quà ở đâu là cô thường xin theo. Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn cô lại đau đáu trong lòng, vì tuổi nhỏ chưa biết làm gì giúp họ. Sau này, một lần đến Niệm Phật đường Hưng Phước (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) để thăm các em nhỏ, chứng kiến những đôi mắt ngây thơ thiếu thốn tình cảm người thân, gia đình, cô không nỡ làm ngơ. Thế là cô kết nối bạn bè thành lập Nhóm thiện nguyện Hưng Phước. Mỗi thành viên dựa vào mối quan hệ của mình đứng ra “xin” sự yêu thương để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Còn cô Thảo dành những đồng lương ít ỏi khi mới đi làm, để động viên, sẻ chia với những mầm non đáng thương.
Khi chương trình Khát vọng sống được Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau thực hiện, cô Thảo tích cực tham gia và kết nối với nhiều mạnh thường quân. Từ đó, vòng tay yêu thương của cô được mở rộng đến mọi miền đất nước. Nơi nào có trẻ em kém may mắn cô cố gắng kết nối giúp đỡ, có khi đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Cô Thảo bộc bạch: “Việc thiện nguyện đâu phải là phong trào, làm để được tung hô, để nổi tiếng. Người làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm và nghĩa tình đối với nỗi đau, nỗi khổ của đồng loại mà hành động, không nhằm được tri ân hay đạt được bất kỳ lợi ích nào”.
Nơi nào có hoàn cảnh cần giúp đỡ, cô giáo Phạm Thị Ngọc Thảo sẽ đến ngay, tận tâm hỗ trợ.
Nặng tình với “xóm chạy thận”
Lúc mới bắt đầu “xin”, cô Thảo rất ngại, nhưng khi nghĩ đến những nụ cười, những người khó khăn được giúp đỡ, cô lại có động lực cố gắng nhiều hơn. Cô Thảo nhớ lại: “Có lần tôi vận động được 3,5 triệu đồng, chưa biết giúp đỡ ai thì gặp chú trưởng khóm cho hay trong Xóm chạy thận có một hoàn cảnh thương tâm cần sự giúp đỡ. Ðến nơi, tôi gặp em Châu Trọng Huynh, bệnh tình đang trở nặng, cần tiền để điều trị và số tiền ấy đến với em kịp lúc”.
Quê anh Châu Trọng Huynh ở huyện Ngọc Hiển, năm nay anh 34 tuổi nhưng đã có gần 15 năm phải chạy thận ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh đều đặn 3 lần/tuần. Cha ở quê làm vuông, anh cùng mẹ thuê phòng trọ gần bệnh viện để tiện điều trị. Qua cơn đau đớn, Huynh lại cầm trên tay cọc vé số dầy cộm đi quanh các hàng quán của thành phố để mong có tiền cho đợt chạy thận lần sau.
Cô Thảo bộc bạch: “Giờ sức khoẻ của Huynh yếu nhiều, tiền hỗ trợ cũng lần lượt ra đi theo mỗi lần chạy thận. Ðể kéo dài sự sống, bản thân em ấy phải tự lực kiếm tiền. Có những hôm mệt quá đi bán không nổi, vé số còn nhiều, tôi đăng lên mạng kêu gọi cộng đồng hỗ trợ mua giúp”.
Cô Thảo (bìa trái) vận động các nhà hảo tâm, tặng quà các hộ gia đình có người thân chạy thận trong Xóm chạy thận.
Ðó cũng là lần đầu cô Thảo biết về Xóm chạy thận. Xóm chạy thận nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo thuộc Khóm 6, Phường 6, TP Cà Mau. Nơi đây có hàng chục hộ cùng cảnh ngộ phải chạy thận thường xuyên, nên thuê nhà trọ ở để tiện cho việc điều trị. Ước mơ được hồi phục sức khoẻ của bệnh nhân nơi đây thôi thúc người giáo viên này tiếp tục hành trình sẻ chia. Từ việc vận động, quyên góp của cô Thảo mà ngày càng nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến Xóm chạy thận, sẵn sàng giúp đỡ họ bằng nhiều hình thức...
Trên trang cá nhân, cô Thảo thường đăng những dòng tâm trạng buồn, kèm theo hình ảnh của người bệnh. Cô xúc động: “Thương lắm, có những hoàn cảnh gia đình vì không nỡ để con mình ra đi nên cố gắng còn nước còn tát, đến nỗi không còn tiền trả thuê trọ. Hay có trường hợp bệnh nhân mất rồi mà người nhà không có tiền đưa về quê, khi về quê lại không có tiền mua áo quan an táng... Tuỳ từng hoàn cảnh, cô Thảo vận động kinh phí giúp họ trả tiền trọ, xin gạo hỗ trợ cuộc sống, giúp họ kéo dài thời gian điều trị, xin áo quan giúp những mảnh đời bất hạnh ấm áp ở giây phút cuối đời.
Việc tử tế luôn có sức lan toả mạnh mẽ. Ðiều cô Thảo hạnh phúc nhất trong hành trình thiện nguyện là thấy mình không hề lẻ loi, đã có biết bao tấm lòng dù cuộc sống khá giả hay trung bình vẫn sẵn sàng kề vai cùng cô thầm lặng sẻ chia. Cô tin rằng xã hội càng nhiều người tử tế thì càng văn minh, lành mạnh và đầy ắp tình người.
Chương trình Góp nhặt yêu thương của cô giáo Phạm Thị Ngọc Thảo là một trong những mô hình đầu tiên của tỉnh Cà Mau với tinh thần "Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy".
Những người tử tế ấy, người hiến đất xây trường học, người góp kinh phí xây cầu đường, người tạo việc làm cho những hoàn cảnh kém may mắn, hay kêu gọi sẻ chia từ cộng đồng... tất cả đều xuất phát từ cái tâm yêu thương và tấm lòng nhân ái. Mỗi người, mỗi việc làm tốt đẹp đã góp phần làm cho vườn hoa tử tế trên vùng đất cực Nam Tổ quốc thêm ngát hương, bay xa./.
Mộng Thường - Kim Cương