Giai thoại Triệu Vĩ - Mỹ Lan trong tiểu thuyết "Bên dòng sông Trẹm" của tác giả Dương Hà; những câu chuyện lịch sử gắn liền với kinh xáng Chắc Băng hay chuyện má Sảnh gởi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam... đã trải dài khắp chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thới Bình.
Giai thoại Triệu Vĩ - Mỹ Lan trong tiểu thuyết "Bên dòng sông Trẹm" của tác giả Dương Hà; những câu chuyện lịch sử gắn liền với kinh xáng Chắc Băng hay chuyện má Sảnh gởi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam... đã trải dài khắp chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thới Bình.
Vẻ vang trong kháng chiến
Trong kháng chiến, huyện Thới Bình được mang mật danh huyện Mười Cư. Sau nhiều lần chia tách và sáp nhập một số xã của huyện với các địa bàn lân cận, đến nay Thới Bình có 11 xã và thị trấn Thới Bình.
Phó Bí thư Huyện uỷ Thới Bình Lê Bình Nguyên cho biết, ngay từ rất sớm, ý thức vươn lên của Nhân dân trong huyện đã được thể hiện rõ rệt. Từ đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, rồi trải qua thời gian dài chống áp bức, bóc lột của địa chủ, cường hào thời phong kiến, Pháp thuộc. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Ðảng bộ và Nhân dân Thới Bình lại bắt tay, góp sức nuôi quân để hình thành nhiều vùng căn cứ là cái nôi của phong trào cách mạng của tỉnh Cà Mau và khu vực Nam Bộ: nhiều cơ quan quan trọng của Tỉnh uỷ, Khu uỷ, Trung ương Cục miền Nam... và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt từng trực tiếp chiến đấu và chỉ đạo chiến đấu trên những vùng căn cứ này.
Ðường về quê hương anh hùng xã Hồ Thị Kỷ. |
Chính từ những cái nôi cách mạng này, Thới Bình là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Chúng đã sử dụng nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại để càn quét, vây ráp hòng đe doạ và triệt tiêu ý chí, phong trào cách mạng. Nhưng chúng càng mạnh tay, ta càng quyết tâm chống chọi. Ðể rồi sau ngày giải phóng đất nước, tổng kết lịch sử 30 năm chiến tranh (1945-1975), lịch sử Ðảng bộ tỉnh Cà Mau đã ghi nhận thành quả cách mạng của quân và dân Thới Bình với hơn 6.000 trận đánh lớn, nhỏ, tổ chức hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị; đưa hơn 5.000 chiến sĩ cách mạng bổ sung cho lực lượng vũ trang tuyến trên...
Ðài vinh quang Tổ quốc ghi công của huyện ghi nhận công trạng của hơn 3.000 liệt sĩ. Bằng những chiến công hiển hách, huyện Thới Bình vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1995. Nhiều xã của huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý này như: xã Biển Bạch (bao gồm Biển Bạch, Biển Bạch Ðông, Tân Bằng) năm 1994; Tân Lộc (bao gồm Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Ðông) năm 1995; Hồ Thị Kỷ năm 1996; Trí Phải (bao gồm Trí Phải và Trí Lực) năm 1998.
Vững vàng trong phát triển
12 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Thới Bình thì đã có 9 đơn vị anh hùng. Ðây không chỉ là niềm vinh dự lớn mà còn là động lực của truyền thống cách mạng hào hùng trong xây dựng và kiến thiết quê hương. Ông Lê Bình Nguyên phấn khởi: "Những vùng quê từng là căn cứ địa cách mạng hào hùng, nay lại tiếp tục tiên phong trong các phong trào phát triển. Trong đó, đã có 2 địa phương: Trí Phải và Trí Lực đạt chuẩn nông thôn mới; còn lại các xã: Tân Lộc, Biển Bạch Ðông và Tân Lộc Bắc đang vươn lên hoàn thành một số chỉ tiêu để đạt được kết quả cao nhất. Trong nhiệm kỳ này, huyện ra sức phấn đấu về đích huyện nông thôn mới".
Ngày 28/11/1939, Chi bộ Ðảng đầu tiên ở Thới Bình được thành lập, gồm 6 đảng viên. Từ đây, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Ðến ngày 25/8/1945, các xã thuộc vùng Thới Bình đứng dậy phá tan bộ máy hội tề, thành lập chính quyền Nhân dân. Ngày 20/6/1956, huyện Thới Bình được thành lập với tên gọi Mười Cư. Ðến nay, Ðảng bộ huyện có 31 tổ chức cơ sở Ðảng trực thuộc với hơn 4.000 đảng viên, chiếm 3,01% dân số huyện. |
Sức vươn của vùng đất anh hùng Thới Bình, nay nhìn lại không ai không khỏi tự hào. Mỗi nhiệm kỳ 5 năm phát triển lại đạt được nhiều chỉ tiêu cao gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Chỉ tính riêng công tác xây dựng lộ giao thông nông thôn, sau những năm 2000 đến nay toàn huyện đã được phủ khắp. Ðáng phấn khởi nhất là mức thu nhập bình quân đầu người. Nghị quyết Ðảng bộ huyện lần thứ XII đề ra đến năm 2020 thu nhập bình quân của người dân Thới Bình sẽ đạt 50 triệu đồng/năm.
Nền tảng phát triển đó đang được phát huy từ những vùng quy hoạch sản xuất, chăn nuôi phù hợp. Trong đó, canh tác nông nghiệp, thuỷ sản của huyện đang chuyển dịch mạnh mẽ, dần hình thành các vùng, tiểu vùng sản xuất hiệu quả. “Huyện đang đề xuất chuyển dịch nhiều vùng chăn nuôi, canh tác nông nghiệp - thuỷ sản phù hợp với xu thế”, ông Nguyên cho hay.
Những vùng quê nghèo ngày nào mang tên Cánh đồng chó ngáp, Bang Cang - Láng Cháy (xã Tân Lộc Ðông) hay Cánh đồng len trâu (xã Tân Phú) và một số vùng đồng bào dân tộc (xã Hồ Thị Kỷ) nay đã hoàn toàn đổi khác. Các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả của huyện chủ yếu phát triển và nhân rộng từ những khu vực này.
Bí thư Ðảng uỷ, Chủ tịch HÐND xã Tân Lộc Lê Thành Tây chia sẻ: "Nhân dân trong xã đã và đang phát huy thế mạnh bằng các mô hình chăn nuôi hiệu quả: ba ba, cá sấu và các loại cá đồng. Ðảm bảo thu nhập ổn định hằng năm từ 60 triệu đồng trở lên".
Từ huyện thuần nông nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo khoảng 20% vào năm 2000, thì nay, sau 15 năm, Thới Bình còn 2% hộ nghèo. Kết quả rà soát, theo chuẩn nghèo đa chiều, năm 2016 huyện còn 10% hộ nghèo.
“Ðó là những kết quả khả quan nhất của Thới Bình. Từ những nền tảng chủ đạo này, Ðảng bộ và Nhân dân Thới Bình đang quyết tâm gặt hái thành công công cuộc xây dựng huyện nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ 2020”, ông Lê Bình Nguyên khẳng định./.
Sau 41 năm sau giải phóng, 30 năm đổi mới, đời sống Nhân dân và hạ tầng nông thôn tỉnh Cà Mau không ngừng phát triển. Trong các chỉ tiêu, nghị quyết quan trọng, tỉnh luôn nhấn mạnh phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ÐBSCL. Năm 2011, bắt tay vào xây dựng NTM trước nhiều khó khăn, song bằng sức mạnh nội lực và truyền thống vượt khó vươn lên, đến đầu năm 2016, tỉnh đã công nhận 17 xã đạt chuẩn NTM. Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, Cà Mau sẽ có 50 xã nông thôn mới. Ngày 15/4, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 667/QÐ-UBND về việc chọn huyện Thới Bình là huyện điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện Thới Bình phải có 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 558/QÐ-TTg ngày 5/4 của Thủ tướng Chính phủ. |
Bài và ảnh: Phong Phú