U Minh là huyện có bờ biển dài hơn 37 km, dân cư tự do tập trung đông, tàu thuyền khai thác thuỷ sản hơn 700 chiếc. Những năm qua, huyện gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai mùa mưa bão. Để khắc phục tình trạng này, huyện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là nâng cao ý thức của người dân.
U Minh là huyện có bờ biển dài hơn 37 km, dân cư tự do tập trung đông, tàu thuyền khai thác thuỷ sản hơn 700 chiếc. Những năm qua, huyện gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai mùa mưa bão. Để khắc phục tình trạng này, huyện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là nâng cao ý thức của người dân.
Dù đã được ở trong ngôi nhà khang trang do huyện và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ sau cơn lốc xoáy, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp 3, xã Khánh Tiến vẫn chưa cảm thấy an tâm. Bởi ngôi nhà trước đây của ông cũng là ngôi nhà thuộc Chương trình 167 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ xây dựng kiên cố nhưng không chịu nổi cơn lốc hôm 24/4, nhà hư hỏng toàn bộ phần mái.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp 3, xã Khánh Tiến dựng lại nhà sau khi bị thiên tai tàn phá. |
Ông Hoàng nhớ lại: “Lúc đó tôi với vợ đang vá lưới, định đi đuổi cá về làm cơm chiều thì nghe phía sau nhà có cơn gió mạnh. Chưa kịp chuẩn bị gì hết thì những tấm tol trên nóc nhà bị cuốn đi hàng chục mét, hư hỏng hoàn toàn. Lúc đó vợ tôi và 3 đứa cháu nhỏ chỉ còn biết chui xuống gầm giường. Ðến nay sự việc đã qua hơn 3 tháng nhưng vợ chồng tôi và mấy đứa cháu vẫn còn ám ảnh. Có kinh nghiệm hơn, khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng lại nhà, tôi đã dùng dây chì chằng néo. Thời tiết bây giờ thật khó lường”.
Nặng hơn, gia đình bà Nguyễn Thị Hận, hộ cận nghèo ở ấp 6, xã Khánh Hoà, cơn lốc hôm 23/4 đã cuốn đi gần như toàn bộ căn nhà, làm cho 4 thành viên trong gia đình một phen khiếp vía.
Bà Hận kể: “Hôm ấy gia đình tôi đang chuẩn bị ăn cơm chiều thì bỗng nghe có gió mạnh. Thấy căn nhà xiêu vẹo, vợ chồng tôi dắt 2 đứa con chạy sang nhà cha ruột tôi, chưa kịp ra khỏi cửa thì cơn lốc ập tới. Ðược Nhà nước hỗ trợ sửa chữa, vợ chồng tôi đã mua dây chì về ràng lại cho chắc, rồi gắng làm kiếm tiền xây dựng lại cho kiên cố, nhà như vầy vợ chồng tôi cũng chưa an tâm lắm. Giờ có mưa lớn là tôi và các con sang nhà cha mẹ ruột ở chứ không dám ở nhà”.
Qua thống kê, đợt lốc xoáy diễn ra vào chiều 23 và sáng 24/4, trên toàn địa bàn huyện U Minh có 29 căn nhà bị sập hoàn toàn và 38 căn bị tốc mái, ước thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng. Thời điểm xảy ra lốc xoáy là vào mùa khô nên chính quyền địa phương và người dân cho đây là một hiện tượng bất thường. Các cơ quan dự báo thời tiết nhận định, năm 2015 là một trong những năm thời tiết diễn biến phức tạp, những cơn mưa xuất hiện thường không lớn nhưng kèm theo dông, lốc dữ dội, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân.
Chính vì thế, huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Không chỉ hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa mà còn tập trung chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền cho ngư dân nâng cao ý thức, đảm bảo khai thác an toàn trong mùa mưa bão. Thực tế những năm qua, ngoài việc dông, lốc làm tốc mái, sập nhà dân thì ngư dân khai thác, đánh bắt trên biển bị tai nạn do thiên tai cũng là một trong những vấn đề nóng. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện U Minh có hơn 700 phương tiện khai thác thuỷ sản, trong đó có hơn 200 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên, còn lại có công suất từ 20-40 CV. Do công suất tàu nhỏ nên việc khai thác thuỷ sản của dân lúc nào cũng đặt trong tình trạng nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão.
Ông Châu Văn Ðảm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Những năm gần đây, mặc dù trên địa bàn xã vẫn còn xảy ra một vài vụ tai nạn trên biển, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, do người dân không tuân thủ đúng những quy định hiện hành khi tham gia khai thác biển. Còn lại phần lớn người dân khi tham gia khai thác biển đều tuân thủ nghiêm ngặt những quy định hiện hành.
Ðể công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn đạt kết quả hơn trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng, chống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão. Ðồng thời, phối hợp với đồn biên phòng tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt tàu thuyền ra vào khai thác trên địa bàn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân trong mùa mưa bão năm nay”.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với các xã kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, đồng thời lên phương án cụ thể cho công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2015 để kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Với sự vào cuộc quyết liệt của huyện, chính quyền địa phương, cộng với ý thức của người dân đã được nâng lên, tin rằng công tác phòng, chống lụt bão của huyện U Minh năm 2015 sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.
Bài và ảnh: Lâm Chiêu