(CMO) Tôi ra Hà Nội, vừa mới vào họp thì có điện thoại của anh Tư Dương - Thiếu tướng Trần Triều Dương, nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hồ Chí Minh: "Bác Ba gái, mẹ của Năm Vinh vừa mới mất, đang trên đường đưa về quê ở Tân Hoà, Ðầm Dơi, Cà Mau". Tư Dương và Năm Vinh vốn là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, sau này là Thông tấn xã Việt Nam. Họ từng gắn bó nhau đi khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Lần đi chiến trường trọng điểm Long Mỹ, Cần Thơ, Tư Dương sốt rét lên cơn giựt văng xuống sông, Năm Vinh vớt bạn lên lo thuốc thang, rau cháo. Vừa qua cơn sốt, họ lại theo chân bộ đội ra chiến trường. Giờ mẹ Vinh mất thì cũng như mẹ của Dương nên Dương phải về Tân Hoà ngay dự đám tang. Biết vậy, tôi nói anh chờ tôi với, họp xong tôi đổi vé bay đêm chuyến cuối về TP Hồ Chí Minh để sáng đi cùng anh Tư về dưới.
Ðầm Dơi, vùng đất nặng ân tình. Ảnh: NHÂN KIỆT |
Ngồi chờ chuyến bay trong nhà ga Nội Bài mà dạ tôi bồn chồn: Vậy là bác Ba gái của đám học trò nhóc Trường Trung học Lý Tự Trọng Khu Tây Nam Bộ đã đi rồi. Năm nay bác 93 tuổi. Lần lại thời gian 50 năm trước, lúc đó bác mới ngoài bốn mươi. Tôi ở nhà anh Hai Tài gần đập Bảy Căn, thỉnh thoảng gặp bác cùng người con thứ tám - Tám Nghiệp, chở đầy ghe toàn rau quả vườn nhà như dừa tươi, dừa khô, bông súng, kể cả trái bình bát, một loại trái cây mọc hoang mà ngọt lịm như mãng cầu... ra bán ngoài chợ Hộ Phòng, chắt chiu từng đồng nuôi cả gia đình và cán bộ cách mạng.
Hồi đó, học trò tụi tôi đều biết bác là người lam lũ, tính vui vẻ, thương con cháu rất mực. Thằng Ngọc Minh lớp tôi ở nhà bác khá lâu. Nó một tuổi với tôi mà sức vóc vượt trội, lao động nặng nhọc nó chấp đôi tụi tôi, giỏi giang lại được hai bác cưng. Khách đến nhà bác Ba tưởng nó con ruột của nhà. Ði phát cỏ làm ruộng tụi tôi ganh tị với thằng Minh: "Mầy đẻ bọc điều, được bác Ba gái cưng cho quần áo mới mặc hoài, toàn đồ kẻng”. Nói chơi mà thiệt vậy. Tụi tôi toàn những đứa không nhà, xa cha mẹ, có đứa không được hai bộ đồ lành lặn, toàn pom-pơ-lin nhèo tử giặt lâu khô. Thằng Minh được bác Ba cho mặc đồ ly-phăng màu rong, càng mặc trổ màu xanh càng đẹp. Nó còn có cái quần ni-lông dầu xuống hầm tránh bom lên bờ gió thổi một chút là khô rang. Tụi tôi mặc đồ vải, giặc ruồng bố mấy ngày ngâm nước đứa nào cũng bị ghẻ ngứa, hắc lào.
Nhà bác Ba hồi đó thuộc ấp Tân Hoà, xã Tân Tiến (bí danh Ba Viễn, huyện Ðầm Dơi, Cà Mau). Ðất đai xứ này trù phú, ruộng vườn nối nhau xanh ngắt tận chân rừng thông ra biển bởi cơ man sông rạch chằng chịt tạo thế phòng thủ liên hoàn. Trong kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, các cơ quan Xứ uỷ Nam Bộ, Khu 9 và tỉnh chọn vùng này làm căn cứ. Không chỉ có thế địa phòng thủ, căn cứ vững chãi vô biên là lòng dân trung thành với cách mạng. Ở đây hầu như nhà nào cũng nuôi giấu, chở che cán bộ. Căn nhà bà cụ thân sinh của bác Ba trai và khu vườn dừa liên hoàn này là nơi đặt bản doanh của các cơ quan đầu não Nam Bộ và Khu Tây Nam Bộ sau này.
Năm 1972, Bí thư Khu uỷ Tây Nam Bộ, sau này là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã ở đây. Lệnh huy động tổng lực, chớp thời cơ vàng vùng lên tiêu diệt đồn bót, không ngừng mở rộng vùng giải phóng tạo hành lang chiến lược đánh vào chi khu, thị xã, tiến lên giải phóng miền Nam. Ngồi trên chiếc võng mắc qua căn hầm tránh pháo nhà má Sáu, ông Tám Thuận (bí danh đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó) giọng sang sảng, hùng hồn: "Ta đang giáng những đòn chí mạng vào đầu kẻ thù ở chiến trường Trị Thiên và miền Ðông Nam Bộ, kéo các sư đoàn chủ lực của chúng về bên sông Thạch Hãn và đường 13. Lúc này du kích xã kết hợp với lực lượng bảo vệ các cơ quan cũng có thể lấy được đồn giặc hoặc đuổi chúng chạy. Nói dí dỏm lúc này đuổi giặc như đuổi gà. Ngủ một đêm tới sáng nghe quê mình được giải phóng rồi. Băng, cờ, khẩu hiệu, cổng chào "Không có gì quý hơn độc lập tự do" sừng sững đầu làng và những ngã ba sông”.
Từ sau Hiệp định Paris, chủ lực miền Tây kiên cường dưới sự chỉ huy của Bí thư Khu uỷ Võ Văn Kiệt và Tư lệnh miền Tây Lê Ðức Anh, trên chiến trường trọng điểm Cần Thơ ta đánh tan rã, đánh lui lần lượt 75 tiểu đoàn nguỵ quân. Ðó là đòn đánh chí mạng làm tan rã âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của nguỵ quân, nguỵ quyền. Ðồng thời, đó còn là điểm sáng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tân Hoà là chiếc nôi của cách mạng, là địa chỉ đỏ của tất cả các thời kỳ kháng chiến, từ gieo những hạt giống đầu tiên đến cuộc chiến đấu một mất một còn với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Người dân Tân Hoà một lòng trung kiên với sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Vậy mà, tôi chưa nghe ai kể lể hay đòi hỏi ở cách mạng điều gì. Bác Ba trai nhân từ ít nói, chỉ có một lần bên ngọn đèn dầu con cóc, hỏi tôi: "Mầy làm báo mà có biết ông Lưu Quý Kỳ, người Quảng Nam? Hồi kháng chiến chống Pháp ổng với Ðài Tiếng nói Nam Bộ ở đây. Ổng có dẫn theo đứa con trai tên thằng Triều còn đi lẫm chẫm. Hồi đó muỗi như vãi trấu, chạng vạng ổng cho thằng Triều vô mùng sớm. Còn ổng một mình đọc hết đoạn này qua đoạn kia cho hai người đánh máy một lượt...". Tôi trả lời bác Ba: “Dạ con có biết nhà báo Lưu Quý Kỳ một lần hồi chú vô nói chuyện với lớp báo chí B6, Trường Tuyên huấn Trung ương 3 năm 1979 ở Thủ Ðức. Chú Kỳ nói chuyện hay đến đỗi tụi con há hốc miệng ngồi nghe như nuốt từng chữ, quên cả ghi chép mà nhớ từng lời như thuộc lòng". Còn công cán nuôi giấu cán bộ, bộ đội ăn gạo hết lúa bồ này sang bồ khác, ăn cá hết mùa này qua mùa khác thì bác không hé một lời.
Còn một chuyện hệ trọng nữa về gia đình bác Ba và nhiều họ tộc ở xứ Ðầm Dơi mà sau này lớp thế hệ chúng tôi mới biết. Bác Ba trai chính là cháu ruột cụ bà em ruột thứ chín của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Sau "Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa" rồi đến "Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần", thực dân Pháp bị nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh những đòn hiểm yếu tơi tả nên càng lồng lộn, điên cuồng khủng bố khắp nơi hòng tiêu diệt nghĩa quân, nhất là đối với dòng họ Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Sợ liên luỵ và vướng bận việc quốc gia đại cuộc nên cụ Trực bí mật đưa gia đình mình và gia đình một số hữu tả tướng quân lánh nạn thật xa nơi rừng thiêng hoang dã vùng Mũi Cà Mau. Từ Bình An, Hà Tiên, đoàn người gồm 7 ghe 6 gánh theo đường biển vào cửa Bồ Ðề, rồi len lỏi vào tận xứ này dựng làng lập ấp, khai hoang mở đất.
Hồi đó, xứ này "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua", bốn bề nước mặn, muỗi rừng kêu như sáo thổi..., vậy mà họ tồn tại kiên cường, làm cho ruộng đất phì nhiêu, lúa đầy bồ, cá đầy ao. Lớp lớp con cháu ra đời bám đất giữ làng, theo cách mạng đến cùng cho tới ngày toàn thắng. Biết bao người ngã xuống cho độc lập, tự do. Nhiều con cháu của đoàn người 7 ghe 6 gánh trở thành cán bô cách mạng kiên trung như nữ anh hùng Tô Thị Tẻ... Việc khai khẩn đất hoang rừng rậm, giữ nước trời làm ngọt để có ruộng lúa cùng với con cá tạo ra nguồn cá đồng nhiều vô kể là kỳ tích phi thường.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần nào nói về nông dân Cà Mau và ý chí tự lực tự cường chinh phục thiên nhiên của họ đều hết lời tâm đắc: "Nông dân Cà Mau thật phi thường. Ở sát bờ biển mặn mà họ đã bao đê giữ ngọt để trồng lúa, nuôi cá, làm đất đai trù phú, đủ sức đánh giặc tới cùng". Xứ này nhiều gia đình có đông nhân công khai hoang hàng trăm mẫu đất, đến canh tác không xuể phải mướn người. Càng làm càng tích luỹ càng giàu, riết rồi người đời kêu là địa chủ. Có địa chủ sở hữu cả ngàn mẫu đất. Sau cách mạng tháng Tám họ khai minh, chia đất cho người nghèo theo chủ trương người cày có ruộng của Chính phủ, rồi họ cho con em theo cách mạng.
Tôi thấy đất ruộng bác Ba cũng rộng lắm, chắc hàng chục mẫu. Hồi chiến tranh, mấy anh con bác hễ lớn một chút là theo cách mạng thoát ly, số nhỏ thì đi học trường xã, trường huyện xa nhà. Nhà thiếu nhân công đâu cấy hết đất ruộng. Ðất bỏ hoang lâu ngày bồn bồn, một loài cây thuỷ sinh có thể chế biến thành nhiều món ngon đặc sản, mọc tràn lan, um tùm, là nơi trú ngụ của cơ man chim cò... Nhớ hồi năm 1972, lớp tôi mượn đất bác Ba phác bồn bồn cấy lúa. Mạ cấy xuống xanh um nở bụi như chưn nôm. Mấy thầy trò tôi mừng rơn trong bụng. Nào ngờ tới chừng lúa làm đòng, trổ bông, ngậm sữa, lũ trích cồ phá banh chành. Lớp cử một lần ba đứa lên che chòi dưới tàn gừa xoè mát trên bờ ranh đất bác Ba canh chừng đuổi trích. Cứ năm, mười phút ra ruộng lúa đập thùng thiếc, lấy dầm sào đập xuống nước xua đuổi bọn trích cồ. Lúc đó nó bay lủi vô đám bồn bồn. Nhưng tụi tôi về chưa tới chòi thì hàng trăm con đã ra ruộng la ó ỏm tỏi, cái đuôi ngoắt ngoắt, lấy cái mỏ đỏ như lửa bén ngót xé lúa mà ăn. Phải chi ăn không còn đỡ, đằng này nó ngoai dập mấy bụi lúa rồi đứng lên đó nhún nhẩy như múa vũ làm lúa chết sạch.
Không thể canh xuể nên cuối mùa hai chục công lúa thu được có mười mấy giạ, cỡ bằng một công của người ta. Vậy mà không biết sao mười năm sau tụi tôi lại về cấy lúa lần nữa trên chính mảnh đất này. Ðó là năm 1982. Lần này là do anh Tấn Sỹ, con trai thứ tư của bác Ba, cũng gốc phóng viên thông tấn xã chuyển về báo Minh Hải làm chánh văn phòng dẫn về cấy lúa để có gạo, bớt phải ăn bo bo. Nhớ càng thương bác Ba gái. Tụi tôi đi làm đồng chạng vạng mới vô tới nhà thì thấy cơm nước có sẵn lại do bác Ba nấu. Cá rô đồng kho thơm phức. Tụi tôi lấy rau hái từ ngoài ruộng về chấm nước cá kho ăn phình bụng rồi chui vô mùng ngủ thẳng cẳng. Thấy tụi tôi lấy can đựng nước mưa theo ra ruộng, bác Ba nói: "Sao mấy đứa không bẻ dừa uống mà đem nước cho mất công?". Vậy đó, bác Ba cả đời lam lũ, chắt chiu từng cọng lúa ngọn rau, không dám tiêu dùng món gì quý giá cho riêng mình, mà đối với con cháu ngọt lịm tình thương.
Bữa đám tang, tôi với anh Tư Dương, anh Ba Phủ (Trần Minh Phủ, nguyên Giám đốc Bưu điện Cà Mau) về đến nhà bác Ba lúc xế chiều. Mới thấy tôi, Bảy Sự, con bác Ba, nói liền: "Trời, anh Hai Tài sáng giờ ở đây nhắc mầy quá. Ổng mới về chút xíu. Nghe vậy tôi liền bấm máy gọi anh Hai Tài, người chủ nhà nuôi tôi với anh Quốc Chiến khá lâu khi tụi tôi học Trường Lý Tự Trọng. Nghe tôi xưng tên, anh Hai mừng reo lên trong máy: “Trời, mầy đó hả em? Anh Hai ở trỏng hồi sáng giờ, mới về chưa tới nhà nè. Thôi để anh quày lại liền”.
Chừng hai mươi phút sau, từ xa tôi đã nhận ra anh. 50 năm tròn mà anh không lạ mấy, chỉ có già đi thôi. Anh lách lẹ qua mấy bàn người chật ních dáo dác tìm tôi. Tôi lao tới ôm chầm lấy anh. Tôi biết cả hai anh em ngoài thì mừng rơn nhưng trong lòng đã rưng rưng. Anh Hai luôn miệng: "Mầy thiệt đó hả Bé? Rồi thằng Chiến đâu? Nhà cửa, vợ con tụi bây sao rồi? Con Nương, thằng Lực hai đứa bây thay phiên cõng lên chòi hầm tránh bom pháo giờ có cháu nội, cháu ngoại hết rồi... Trời, Bé ơi. Năm mươi năm rồi em ơi... Ðúng là 50 năm tròn”.
Hồi đó cũng dạo mấy ngày sau Tết như vầy, cô giáo Hai Thanh đưa tôi và anh Quốc Chiến quê Vũng Liêm, Vĩnh Long đến gởi nhà anh chị Hai. Gia đình anh Chiến có bốn người hy sinh: mẹ, chị và hai người anh. Ba anh nghe đâu công tác xa lắm, trên "R". Tôi cũng nghèo nhưng trước đó sống với mẹ ở quân trang bộ đội nên áo quần lành lặn, còn anh Chiến hai bộ đồ vá víu rồi. Anh chị Hai có hai đứa con là con Nương, thằng Lực, đứa lên ba, đứa lên bốn. Nhà anh chị nghèo, nền đất lợp lá dừa nước cất trùm lên đường làng, khách đi đường phải đi qua nhà anh. Hồi đó bom pháo Mỹ ngày một gia tăng ác liệt. Thương anh chị lam lũ mà nhà cứ thiếu trước hụt sau, hai đứa tôi không quản nặng nhọc, gió mưa mong đỡ đần tiếp anh chị. Học về bỏ tập vở xuống là lao ra đồng, bữa thì nhổ mạ cấy lúa, bữa cắm câu giăng lưới, có bữa đỏ đèn mấy anh em mới vô tới nhà. Bữa nào cũng vậy, bốn giờ sáng hai đứa đã thức, đứa thăm câu, mần cá, đứa nấu cơm. Xong xuôi dỡ cơm ra nồi, ấn vào đó chén cá kho. Rồi anh Chiến cõng con Nương, tôi cõng thằng Lực xắn quần quá gối lội trong bùn sình nhão nhoẹt đi chừng 700 m đưa hai đứa nhỏ ra chòi hầm tránh bom cùng bà nội anh Hai suốt ngày ở đó. Sau này anh Chiến ra trường, đi công tác, công việc đó mình tôi lo nên mỗi buổi sáng phải đi hai bận. Hồi đó nhà trường cấp cho học sinh tụi tôi một đứa mỗi tháng 10 kg gạo và một xị dầu lửa. Dầu thì nhín nhút được do dùng cái đèn làm từ bình mực pi-lốt, tim đèn làm bằng ruột viết Bic nên ít hao. Còn gạo thì thiếu nhiều. Sức ăn mỗi đứa phải hơn lon gạo, mà 10 kg chỉ có 40 lon cho 60 bữa ăn, như vậy mỗi bữa ăn không tới một lon. Biết vậy nên hai đứa tôi giữ ý, bữa nào thấy cơm hơi ít là buông đũa ra ngoài sớm, sợ ăn nhiều hai đứa nhỏ thiếu cơm. Hai đứa ăn không no tối vô mùng học bài bụng sôi ồn ột. Chị Hai tinh ý lắm. Ðang lúc đói nghe chị Hai kêu: "Có chuối luộc trong bếp đó hai đứa ơi". Nghe mừng mà rưng nước mắt. Thì ra biết tụi tôi nhường cơm, chị Hai lặng lẽ ra bờ ao đốn chuối về luộc sẵn cho tụi tôi ăn sau lúc học bài. Giờ về đây chị Hai mất rồi. Cho tới bây giờ tôi vẫn không sao quên được lúc thiếu gạo, tiếng lon sữa bò chị Hai sột soạt dưới đáy khạp mà hai đứa nhói cả tim gan.
Còn một chuyện khó quên nữa. Không biết sao hồi đó khá đông học sinh trai tụi tôi ghiền thuốc lá. Hút lén như trốn lính, sợ nhứt mấy chị cờ đỏ, mấy chỉ mà gặp đứa nào hút thuốc thì coi như hạnh kiểm tháng đó tiêu tùng. Ở nhà anh Hai, tụi tôi giấu bọc thuốc rê trong bụi tre gai ngoài bờ mương. Ngặt nỗi không có cái hộp quẹt. Sau bữa ăn là lúc thèm thuốc nhứt. Hai đứa ngó trước ngó sau, len lén vô bếp rút cây củi cháy dở đi riết ra lùm cây đốt thuốc hút lấy hút để.
Chuyện cho là kín của hai đứa không qua mắt được anh Hai. Hôm ba anh em ra đồng cào cỏ bờ dòng một mạch, anh Hai vô ngồi trước dưới bóng râm, ngoắt hai đứa tôi biểu ngồi xuống, rồi thò tay vô túi áo móc ra gói thuốc rê: "Vấn đi. Tao cũng ghiền hồi cỡ tụi bây...”. Chị Hai biết chuyện, nói anh Hai bày đầu con nít. Anh Hai chống chế: "Ra đồng làm gặp mưa dầm lạnh run như thằng lằn cụt đuôi, không hút sao chịu nổi”. Chị Hai đưa mắt lườm anh Hai bén ngót.
Anh Hai bàn chân bị mìn ríp Mỹ làm cụt một nửa hồi đi bao vây Chi khu Ðầm Dơi. Nhờ bàn chân này mà tôi thoát lạc rừng hồi cùng anh xuống miệt Ðầm Chim lấy củi khô. Dân miệt đồng xuống đốn củi gặp đước khô mê lắm. Tôi mải miết chặt cây, hồi ngoái lại thấy mất tiêu anh Hai. Hoảng hồn tôi sợ lạc rừng nhưng đi một hồi thấy dấu chân tròn anh Hai để lại trên bùn non, tôi tìm được nơi đậu xuồng. Mừng quýnh.
Nói như cô bác xóm này, anh Hai có một bàn chân rưỡi mà mần gì cũng giỏi. Như chú Út Sến, em bác Ba cũng đi bao đồn bị mìn ríp lấy nửa bàn như anh Hai, còn một chân rưỡi mà ra đồng phát cỏ làm ruộng đố thanh niên lành lặn nào sánh bằng. Chú Út làm được nhiều ruộng nên khá giả chỉ từ một bàn chân rưỡi đó. Ngồi uống rượu với hai ông thương binh cụt hai bàn chân giống nhau, tụi tôi chọc vui: "Hồi đó du kích ấp như mấy ông đi bao đồn cho đông để hù tụi nó chớ bắn chát, ai cho vào sát đồn, vậy mà cũng lén thọt chân vô trong hàng rào cho mìn nổ lấy oai”. Hai ông lườm tụi tôi nửa mắt rồi hớp cái cạn khô ly rượu, cười xoà.
Trong đám tang bác Ba gái, anh Khải Phong, Hai Thắng, cả hai đều nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Bưu điện Trần Minh Phủ và tôi, cùng nhiều cán bộ có mặt nữa, họ đều là cán bộ đã từng sống, học tập, chiến đấu trên chính mảnh đất này từ hơn 50 năm trước. Giờ về đây, gặp lại biết bao cô bác một thời đã cưu mang, nhường cơm sẻ áo, chở che bom đạn cho mình nên ai cũng mừng mừng tủi tủi, nhớ nhung bao nhiêu kỷ niệm. Tôi với anh Hai Tài ngồi nhắc chuyện riêng của mình. Bàn cạnh bên, mấy anh kia cũng ôn lại kỷ niệm với người thân quen một thời...
Dòng sông Tân Hoà từ hồi nuôi thuỷ sản đến giờ khác xưa nhiều lắm, đôi bờ không còn những hàng dừa sum suê, hiếm thấy bóng ai chèo những chiếc xuồng ba lá ngược xuôi; đêm nằm không còn nghe tiếng cá quẫy trong đìa, tiếng dừa khô rụng xuống ao bèo, nghe tiếng gió xào xạc qua mái lá hiên nhà thoảng thơm hương lúa mới… Ðêm bây giờ điện lưới sáng choang, xe hai bánh, bốn bánh về tận ngõ. Tôi căng mắt nhìn, cố tìm mảnh đất có mái trường xưa mà không sao gặp được. Không tìm thấy cả bến sông xưa nơi có nhịp cầu lắt lẻo... nhưng kỳ diệu thay, vẫn còn đó những BẾN LÒNG và BẾN ÐỢI - BẾN CƯU MANG./.
Tân Hoà, Cà Mau -
Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
Tháng Giêng, Tân Sửu 2021
Bút ký của Nguyễn Bé - Ngân Phương