Tại cuộc họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 25/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Các chủ thể cần phải nghiêm túc trong việc sản xuất sản phẩm để đảm bảo chất lượng. Hội đồng đánh giá sẽ chấm điểm một cách công bằng và nghiêm túc, với mục tiêu thúc đẩy các sản phẩm có tiềm năng phát triển từ lợi thế của địa phương”.
Cuộc họp do Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử và Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Quân đồng chủ trì.
Phó chủ tịch Lê Văn Sử yêu cầu các sản phẩm cần bổ sung hồ sơ trong vòng một tuần để Hội đồng xem xét và chấm điểm lại.
Đây là năm đầu tiên tỉnh tổ chức đánh giá và chấm điểm sản phẩm OCOP thông qua phần mềm đánh giá, điều này gây không ít khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện, dẫn đến việc đánh giá và phân hạng sản phẩm chưa đạt tiến độ như kế hoạch.
Mặc dù gặp phải một số vướng mắc, nhưng đến nay, 8/9 đơn vị cấp huyện và TP Cà Mau đã hoàn thành công nhận OCOP 3 sao cho 43 sản phẩm của 31 chủ thể. Cụ thể, các huyện Năm Căn, Cái Nước, Ngọc Hiển, Phú Tân, Thới Bình, Đầm Dơi, Trần Văn Thời và TP Cà Mau đã hoàn tất công nhận sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, 4 đơn vị gồm: huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển và TP Cà Mau đã trình hồ sơ lên Hội đồng tỉnh đánh giá 18 sản phẩm của 8 chủ thể. Trong đó, có 12 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 6 sản phẩm mới từ 2 chủ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tham quan sản phẩm OCOP được trưng bày tại cuộc họp.
Trước cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã gửi hồ sơ của các sản phẩm trên phần mềm đánh giá OCOP để các thành viên hội đồng nghiên cứu và tiến hành chấm điểm. Các sản phẩm đều đạt điểm bình quân khá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như việc xây dựng hợp đồng liên kết chưa đúng quy định, một số sản phẩm thiếu thông tin về truy xuất nguồn gốc, bao bì chưa đủ bền và chất lượng bảo quản chưa cao. Một số sản phẩm cũng chưa được cấp quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp, câu chuyện sản phẩm chưa đủ đặc sắc, thiếu sự độc đáo trong phần mô tả về tính năng, công dụng và thành phần.
Đại biểu dự cuộc họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý, từ năm 2025, tỉnh sẽ đưa ra kế hoạch phát triển sản phẩm mới và định hướng các lĩnh vực cần ưu tiên sản xuất, đồng thời khuyến khích các chủ thể sử dụng phần mềm chấm điểm để tối ưu hoá quá trình đánh giá.
Phó chủ tịch Lê Văn Sử yêu cầu các sản phẩm cần bổ sung hồ sơ trong vòng một tuần để Hội đồng xem xét và chấm điểm lại. Hai tuần tới, Hội đồng sẽ tổ chức cuộc họp công bố kết quả chấm điểm mới cho 18 sản phẩm./.
Hồng Phượng