(CMO) Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Cà Mau đã công nhận 77 sản phẩm của 44 chủ thể, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 74 sản phẩm đạt 3 sao. “Ðây là kết quả sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể - chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng và tham gia tích cực của Nhân dân”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhấn mạnh.
Tuy nhiên, song song với những thành công ấy, đã và đang xuất hiện những mối lo về chỉ tiêu, chất lượng cũng như đầu ra và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.
Ông Hồ Quốc Văn, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình, trăn trở: “OCOP rất được người dân huyện quan tâm và tham gia. Song, để bền vững và lâu dài, rất cần có chiến lược phù hợp, kể cả về nguồn nguyên liệu và đầu ra của thị trường. Bởi, với sự phát triển này, mỗi xã trong tỉnh sẽ có 1 sản phẩm OCOP có thể mang tính cạnh tranh”.
Ðồng quan điểm và mối lo như ông Văn, chị Trần Diễm My, đại diện thương hiệu sản phẩm rượu trái giác và mật ong U Minh Năm Quốc, chia sẻ: “Tuy 2 sản phẩm đặc trưng của gia đình tôi được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng về tính bền vững của nó. Bởi thương hiệu của gia đình tôi luôn hướng đến phương châm: uy tín và chất lượng. Trong khi thị trường cũng có sản phẩm tương tự và mang tính cạnh tranh. Mặt khác, nếu là sản phẩm đặc trưng, thì cần có những “câu chuyện” đằng sau sản phẩm ấy. Bởi, không đơn thuần người nông dân, địa phương lại có một món đặc trưng mà không gắn với một hoàn cảnh nhất định”.
Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm mật ong mang thương hiệu U Minh nhưng khó tìm được thương hiệu uy tín, chất lượng như mật ong Năm Quốc của Khu Du lịch sinh thái Năm Quốc ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. |
Vấn đề trăn trở này được ông Phan Hoàng Vũ thông tin thêm: “Qua 3 năm triển khai OCOP, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thiếu bền vững, chạy theo phong trào. Tức là địa phương này có sản phẩm đặc trưng thì địa phương khác cũng phải có một sản phẩm. Chính vì thế, một số địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP một cách gượng ép mà không tính đến khả năng, nguồn lực của chủ thể, tính cạnh tranh, thị trường đầu ra của sản phẩm”.
“Vấn đề này cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới”, ông Vũ khẳng định và cho biết tỉnh cũng hướng đến nhiều giải pháp mang tính bền vững cho các sản phẩm OCOP, trong đó nghiên cứu để mỗi sản phẩm OCOP mang đặc trưng giá trị vùng, miền.
“Cần có câu chuyện đặc sắc gắn với sản phẩm để dẫn dắt, giới thiệu, mới có thể tìm được chỗ đứng vững trên thị trường”, ông Vũ chia sẻ.
Ðể kịp thời khắc phục tình trạng thiếu bền vững, chạy theo phong trào trong xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để định hướng chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với bảo tồn văn hoá địa phương, sản phẩm sử dụng phụ phẩm nguyên liệu để gia tăng giá trị. Song song đó, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm đã chứng nhận; phát triển sản phẩm gắn với liên kết theo chuỗi giá trị gắn với dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; cải thiện quy trình và công nghệ chế biến, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu; nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm thông qua cải thiện bao bì, nhãn mác; thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm gắn với công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Lúa sạch, gạo hữu cơ là một trong những sản phẩm đặc trưng ở đồng lúa - tôm huyện Thới Bình, dự báo sẽ có tính cạnh tranh cao, thế nên cần có chiến lược phát triển phù hợp. |
Một mắt xích quan trọng khác được tỉnh chú trọng là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm OCOP. Từng bước ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, trên các sàn thương mại điện tử; tổ chức kết nối thị trường trong và ngoài nước; phát triển mạng lưới các trung tâm và điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương.
Rồi đây, mỗi sản phẩm OCOP trong tiến trình phát triển sẽ gắn với một câu chuyện. Từ đó, chẳng những phát huy giá trị thương hiệu mà còn ẩn chứa chiều sâu giá trị văn hoá mang đậm bản sắc vùng, miền, địa phương. Bằng những nỗ lực và thực tiễn hiện hữu, đây sẽ là một trong những “cú hích” để đưa sản phẩm đặc trưng địa phương ở Cà Mau phát huy ở tầm cao mới trên thương trường OCOP./.
Phong Phú