ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 16:09:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Báo Cà Mau Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

Nỗ lực tự thân

Trong số hơn 2.290 mô hình được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng và nhân rộng suốt 5 năm trở lại đây, có đến 120 mô hình về phát triển kinh tế, 58 mô hình về giảm nghèo, 10 mô hình về xây dựng tổ hợp tác mang tính khả thi cao. Bên cạnh dựa vào sự hỗ trợ từ Nhà nước và các ban, ngành, đoàn thể, nhiều hộ dân tự mày mò, sáng tạo để có những cách làm kinh tế linh hoạt, hợp thời, vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thổ nhưỡng và đã thành công.

Ðiển hình như mô hình trồng bắp, dưa hấu, trồng chuối trái mùa tại huyện Ðầm Dơi. Chị Lê Thị Cẩm, ấp Thuận Lợi, xã Tân Ðức tận dụng bờ vuông để trồng bắp suốt 3 năm qua. Mỗi năm, chị Cẩm thu hoạch 4 đợt, bán được khoảng 40 triệu đồng, trừ hết chi phí chị lời 30 triệu đồng. Số tiền này đủ để chị trang trải sinh hoạt trong gia đình mà không cần tìm việc nơi xa.

Nhiều phụ nữ ở xã Khánh Lâm (huyện U Minh) học nghề đan len, làm giỏ... và tự tìm đầu ra cho sản phẩm để thoát nghèo.

Chăm chỉ học và ứng dụng kỹ thuật trồng trọt để tạo kinh tế riêng, chị Trương Nhã Linh, ấp Tân An, xã Tân Ðức đã thử nghiệm trồng dưa hấu trái vụ. Ban đầu chị chỉ trồng thử để dùng trong gia đình. Thấy trái sai, to và ruột đỏ, chị Linh nhân rộng và thử nghiệm với nhiều giống dưa hơn. Kết quả thu hoạch được 750 kg/3 đợt trồng dưa trong một năm. Trừ hết chi phí, chị Linh lời được 7 triệu đồng/lần thu hoạch.

Chị Trương Nhã Linh chia sẻ: “Tôi có ao nên trữ nước nhiều, mỗi lần tưới là bơm nước lên. Những đợt nắng lớn, tôi phải tưới 3-4 lần/ngày. Chị em ở đây trồng dưa mang lại thu nhập ổn định. Ấp Tân An có 4 hộ trồng dưa, chúng tôi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Tôi bán tại chỗ chứ không bán cho lái buôn vì đầu ra ở địa phương rất ổn. Ngoài ra, tôi tận dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để quảng bá sản phẩm và thêm kênh bán hàng. Mọi người đặt nhiều nên tôi bán rất nhanh”.

Song song với các mô hình sản xuất trái mùa, một số chị em tự tạo cơ sở may gia công tại địa phương. Các cơ sở này không chỉ đào tạo nghề cho phụ nữ nhàn rỗi mà còn bao luôn đầu ra cho chị em, giảm gánh nặng thất nghiệp tại địa phương.

Chị Võ Tố Quyên, ấp Tân Hiệp Lợi B, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, tự đi học nghề ở TP Hồ Chí Minh, tìm hiểu đầu ra cho sản phẩm và quay về quê nhà mở cơ sở may gia công khoảng 4 năm nay. Cơ sở của chị Quyên chủ yếu may đầm theo đơn đặt hàng, chị em nào liên hệ học nghề tại cơ sở đều được chị hỗ trợ. Trong thời gian đào tạo vẫn có lương (trả theo sản phẩm) và được bao ăn uống tại chỗ.

Chị Võ Tố Quyên cho biết: “Thợ làm việc tại đây hơn chục người, trả lương hằng tháng, trung bình 3-5 triệu đồng/người. Nhiều người may giỏi lương khoảng 6-7 triệu đồng. Cơ sở tôi thường xuyên tuyển thợ may vì có nguồn hàng nhiều. Chị em ai có nhu cầu thì tôi hỗ trợ hết lòng”.

Ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kết hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau mở lớp đan len thủ công cho các chị thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Chị Trần Thu Hiền, Ấp 3, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Sản phẩm làm ra có giá trị nhưng ban đầu không có đầu mối thu mua. Chị em chúng tôi đã nghĩ ra cách đăng trên mạng xã hội với hình ảnh sinh động, quay clip thật rõ nét với những thành phẩm đẹp nhất, bắt mắt nhất... Dần dần khách hàng tự tìm đến mình, đặt hàng mình làm. Có những công ty nhỏ chuyên xuất khẩu mặt hàng túi, hoa... đan len cũng mua với số lượng lớn để xuất đi nước ngoài. Mỗi ngày chị em còn bán lẻ được khoảng 20 sản phẩm, trung bình mỗi sản phẩm có giá từ 150-300 ngàn đồng. Nhiều chị có nguồn khách hàng lớn, cần thêm người có tay nghề phụ việc đã chia sẻ kinh nghiệm đan len cho chị em khác cùng làm để có thêm thu nhập”.

Nhờ kiên trì, nỗ lực ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi và tự thân vận động tìm đầu ra cho sản phẩm, đời sống các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng nông thôn trong tỉnh cải thiện rõ rệt.

Đưa chủ trương vào đời sống, sản xuất

Thực hiện chủ trương giảm nghèo của tỉnh như: khuyến khích dân vùng mặn trồng rau màu, đẩy mạnh nuôi cá nước ngọt, khuyến khích chuyển đổi nghề... 10 năm nay, người dân canh tác trên đất ngập mặn đều đạt kết quả khả thi.

Ông Bùi Hùng Cường, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Ðầm Dơi, cho biết, gia đình ông có 19.000 m2 đất sản xuất tại Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi. Trong số đó, phần đất được lập vườn hệ ngọt rộng 3.000 m2, số còn lại được ông Cường dành nuôi tôm và thuỷ sản nước mặn.

Ông Cường chia sẻ kinh nghiệm: "Ở vùng toàn nước mặn như Ðầm Dơi, cái khó nhất trong giữ ngọt là khâu thiết kế ban đầu, ngăn sao cho mặn không xâm nhập vào vùng muốn giữ ngọt để trồng rau, nuôi cá. Khi giữ ngọt thành công, trồng loại cây gì cũng tốt, giúp chủ hộ có nông sản bán quanh năm. Như khu vườn nhà tôi, nguồn thu hiện gấp gần 2 lần so với vuông tôm dù diện tích chỉ chiếm khoảng 1/5 so với vuông tôm".

Nhờ thực hiện tốt khuyến nghị tăng gia sản xuất, qua phong trào tận dụng đất trống để trồng rau, nuôi cá nước ngọt, mà thu nhập của người dân Ðầm Dơi được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Theo đánh giá của ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi: “So với thời điểm năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 của huyện tăng từ 29 triệu đồng lên 58 triệu đồng; hộ nghèo từ hơn 3.300 hộ, giảm còn 961 hộ (2,2%), cận nghèo từ hơn 1.800 hộ, giảm còn 812 hộ (1,86%) theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025”.

Nếu ở vùng đất ngập mặn, người dân hăng hái sản xuất bằng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi thuỷ hải sản hiệu quả, thì với những địa phương ven biển, người dân cũng bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi chuyển đổi sang nhiều nghề khác nhau, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thoát nghèo, có thể chung tay ngăn chặn khai thác huỷ diệt nguồn lợi từ biển.

Anh Nguyễn Văn Quýt, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, đã dần từ giã nghề đánh bắt cá chuyển sang nuôi cá vồ, cá lóc và trồng cây ăn trái.

Anh Nguyễn Văn Quýt, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chuyển đổi nghề từ đánh cá sang trồng cây ăn trái và dần ổn định cuộc sống.

Anh Quýt cho biết, nghề biển giờ khó sống vì thời tiết khắc nghiệt, biển động thường xuyên nên anh và gia đình quyết tìm nghề mới để ổn định cuộc sống. Sẵn phần đất của gia đình, anh cải tạo lập vườn và tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá để có đồng ra đồng vô. Thông thường, sau 6 tháng nuôi, anh Quýt sẽ gọi mối lái đến mua. Trừ mọi chi phí, gia đình anh thu được khoảng 10 triệu đồng. Riêng vườn cây ăn trái, anh trồng ổi, cam, quýt... Cứ cách 3 tháng, anh thu hoạch được tầm 3-5 triệu đồng. Từ đó, gia đình anh Quýt đỡ áp lực kinh tế.

Anh Quýt chia sẻ: “Chính quyền địa phương cho tôi tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Mấy năm nay, nuôi cá và trồng cây ăn trái thu nhập ổn định hơn nghề đi biển. Trước đi biển là chính, giờ đi biển chỉ là phụ”.

Xã Khánh Bình Tây hiện đẩy mạnh nhiều mô hình chuyển đổi nghề tạo dựng kinh tế cho người dân như: nhân rộng mô hình nuôi cá đồng 2 giai đoạn kết hợp trồng lúa; mô hình nuôi cá, nuôi vọp kết hợp trồng cây ăn trái...

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, cho biết: “Những ngư dân hiện nay tại xã Khánh Bình Tây được sự hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề đều ăn nên làm ra và tạo dựng cuộc sống ổn định. Xã cũng có một số mô hình chuyển đổi ngành nghề như nuôi thuỷ sản xung quanh hòn Ðá Bạc. Nếu các mô hình này hiệu quả sẽ nhân rộng”.

Từ những mô hình thiết thực như trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi thuỷ sản, chăn nuôi... cùng với triển khai hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế lồng ghép với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh..., đã góp phần vào thành quả giảm nghèo chung của tỉnh./.

 

Lam Khánh

Bài cuối: Nhìn từ thực tế

 

Thị trấn mang tên một dòng sông

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, Sông Hương. Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo - Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước; theo đó, tỉnh chỉ đạo kỳ quyết nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể

OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP và khởi nghiệp.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.