ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 1-11-24 06:27:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) - Những điều ít biết - Bài cuối: Gia đình ở đâu, nơi đó là quê hương

Báo Cà Mau Nguyễn Văn Bảy (B) nhiều lần tâm sự với người bạn tên Ðỗ Khắc Hùng (cùng tập kết ra Bắc ở bến Sông Ðốc, cùng học chung cấp 1 và 2 tại các trường học sinh miền Nam) rằng, cha mẹ ông đều đi kháng chiến. Cha nói tiếng Bắc, mẹ nói tiếng không biết vùng nào, còn anh chị em ông thì nói tiếng Nam. Không biết gốc tích, nên với ông, sinh ra ở đâu, gia đình ở đâu thì coi nơi đó là quê hương (và ông đã khai trong lý lịch nhập học là quê xã Hưng Mỹ, huyện Trần Văn Thời).

Duyên sâu nặng với Cà Mau

Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B), sinh ngày 9/5/1943, tại xã Hưng Mỹ, huyện Trần Văn Thời (nay Hưng Mỹ thuộc huyện Cái Nước - PV). Cuối năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1965, khi học xong năm nhất tại Khoa Cơ khí khai thác thuỷ sản, Trường Ðại học Nông nghiệp Hà Nội, thì có giấy gọi nhập ngũ và được tuyển chọn đi Liên Xô học lái máy bay. Ðến tháng 3/1968, học xong, ông trở về Việt Nam huấn luyện bay và được biên chế vào Ðại đội 4, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Không quân. Cấp bậc thiếu uý. Vào Ðảng tháng 11/1966.

Cha là Nguyễn Sưởng, tham gia cách mạng năm 1927. Chức vụ cao nhất: Trưởng ban Ấn loát Phòng Chính trị Phân Liên khu Tây Nam Bộ. Hy sinh trong trận đánh quân Pháp nhảy dù ở Rạch Ráng (Cà Mau) năm 1952.

Mẹ là Nguyễn Thị Lư, tham gia cách mạng năm 1940; phụ trách quân trang của Phòng Hậu cần Phân Liên khu Tây Nam Bộ. Tập kết ra Bắc năm 1954. Ðược Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) thời niên thiếu (đứng bìa trái) chụp ảnh cùng gia đình. (Ảnh gia đình cung cấp)

Sau khi cung cấp vắn tắt lý lịch của em mình, ông Nguyễn Anh Sơn, cho biết, cha ông gốc Hà Nội, từng tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (tiền thân Ðảng Cộng sản Việt Nam). Bị giặc Pháp lùng bắt, năm 1936, cụ bí mật đưa vợ con vào Sài Gòn hoạt động. Năm 1938, lại bí mật xuống Cà Mau. Cụ rất giỏi kỹ thuật, tiếng Pháp và chữ Nho, được tổ chức đưa vào làm việc tại nhà máy đèn của chính quyền Pháp ở Cà Mau.

Năm 1940, bị mật thám ráo riết truy bắt, cụ đưa vợ con tản cư về vùng sâu (thuộc huyện Cái Nước ngày nay), còn cụ trở ra Cà Mau tiếp tục hoạt động bí mật. Sau đó đưa gia đình trở lại Cà Mau. Khoảng cuối năm 1946, thì đưa gia đình xuống vùng căn cứ rừng đước Năm Căn.

Hồi hoạt động ở Sài Gòn, cụ Nguyễn Sưởng làm việc trong nhà in của ông Tú tài Liêu (chợ Tân Ðịnh). Năm 1946, khi vào vùng căn cứ, cụ đã móc nối và được ông Tú tài Liêu hiến 1 nhà in cho Ban Ấn loát Phân Liên khu Tây Nam Bộ.

“Chuyện gốc tích gia đình, mãi sau này, khi làm gia phả, đi tầm mới tận tường. Chứ lúc đó vì điều kiện kháng chiến, các con 6-7 tuổi là cha mẹ gửi vô Trại Thiếu nhi thuộc Sở Thương binh Nam Bộ để được nuôi dạy và học hành; lớn hơn chút thì được bố trí đi làm những công việc phù hợp, chúng tôi ít gần cha mẹ nên cũng không biết được”, ông Sơn phân trần.

Vì cha mẹ công tác một nơi, anh em ông Sơn mỗi người một nơi nên lúc đi tập kết, mẹ ông đưa 2 con nhỏ cùng đi, 4 anh chị em ông cũng đi, nhưng không ai gặp ai, cũng không có tin tức gì. Mãi năm 1964, khi người anh thứ Năm (là ông Nguyễn Năm) đi học ở Liên Xô về, lên Ban Thống nhất Trung ương lục tìm từng danh sách, gia đình ông mới gặp lại nhau. Do bấy giờ mỗi người học một chỗ, về sau lại do điều kiện công tác, nên anh chị em ông chỉ gặp mặt được vài lần.

Năm 1972, khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) hy sinh, thì ông Sơn đã vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu, không hề hay biết. Vậy là, tuy anh em ruột nhưng không hiểu nhiều về nhau. Ðó là điều mà anh chị em trong gia đình thấy bùi ngùi, xót xa, tiếc nuối.

Cũng vì vậy mà ông Sơn và ông Nguyễn Năm cố gắng cất công tìm hiểu, thu thập thông tin về Nguyễn Văn Bảy (B), lưu lại trong quyển sổ trên, để phần nào khắc hoạ chân dung về người em thương quý, người anh hùng của đất nước, đứa con hãnh diện của gia đình, dòng tộc và coi quyển sổ như báu vật.

Ông Nguyễn Anh Sơn, là một trong những thành viên của gia đình tích cực đi tìm hiểu, thu thập thông tin, tài liệu về người em mình là Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B).

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Sơn về công tác, lập gia đình và sinh sống ở Cà Mau cho đến nay. Ông bảo: “Chúng tôi sinh ra ở Cà Mau, tuổi thơ cũng gắn bó với Cà Mau, nên trong tiềm thức, Cà Mau đã là quê hương của mình”.

Ông Nguyễn Năm công tác ngành dầu khí nên ở Sài Gòn và rước mẹ ông về chăm sóc. Tuy vậy, trước khi mất, mẹ ông, tức Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lư, trăng trối đưa bà về Cà Mau an táng. “Chúng tôi đã làm theo tâm nguyện mẹ, hoả thiêu và đưa tro cốt bà về an táng tại Cà Mau. Hiện mộ mẹ tôi ở Nghĩa trang Từ trần của tỉnh”, ông Sơn cho biết.

Cha ông, cụ Nguyễn Sưởng, về sau cũng được bốc hài cốt đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Ðối với mộ phần Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B), năm 1976, ông Nguyễn Năm có chuyến ra Hà Nội công tác, vào thăm mộ em thì mộ đã được cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Quảng Xương, Thanh Hoá.

Năm 2002, theo tâm nguyện của gia đình, với sự giúp đỡ của đồng đội và Quân chủng Phòng không - Không quân, hài cốt ông được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau, cạnh người cha thân yêu và cạnh Nghĩa trang Từ trần, nơi có mộ mẹ ông.

Vậy là, Cà Mau đã thật sự là quê hương, nơi Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) sinh ra, lớn lên và giờ đây được yên nghỉ bên cạnh những người thân yêu của mình.

Tôi tò mò hỏi về đời tư, ông Sơn bùi ngùi: “Nghe những người bạn nói, Bảy (B) chưa có người yêu. Nhưng năm 2017, có một người phụ nữ ngoài Bắc, qua các mối quan hệ, đã đến Cà Mau, ghé thăm gia đình và xin được viếng mộ Bảy (B). Sau khi thắp nhang mộ Bảy (B) cũng như mộ ông, bà cụ, cô xin phép được quay lại mộ Bảy (B). Cô chắp tay và nói gì đó, tôi đứng ngoài nghe không rõ. Chỉ nghe được loáng thoáng: “Những gì anh dặn, em đã làm tròn...”. Nước mắt chảy ràn rụa, cô cứ để mặc... Trước tình cảnh như thế, tôi cũng không tiện hỏi gì thêm”.

Ông Sơn cho biết thêm, bà có gia đình, có 2 con và chồng đã mất.

Quỹ khuyến học Nguyễn Văn Bảy, sự tiếp nối, tri ân...

Năm 1994, tin Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đã làm nức lòng tất cả các thành viên trong đại gia đình. Trong khoảnh khắc đầy ắp niềm tự hào và vinh dự ấy, gia đình đã bàn bạc, phải làm điều gì đó ý nghĩa từ số tiền thưởng này (3 triệu đồng). Cuối cùng gia đình thống nhất, sẽ vận động thêm từ gia tộc, bạn bè, đồng đội của ông để lập “Quỹ Khuyến học Nguyễn Văn Bảy (B)”, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học.

Quỹ Khuyến học Nguyễn Văn Bảy (B) hỗ trợ cho nhiều nơi, trong đó dành phần ưu ái cho Cà Mau, coi như sự tri ân với quê hương này.

Sau hơn 14 năm dành dụm, tích góp, “Quỹ Khuyến học Nguyễn Văn Bảy (B)” chính thức hoạt động từ năm học 2008-2009. Tại Cà Mau, đối tượng nhận học bổng được xét chọn chủ yếu là con cháu nữ pháo binh năm xưa, bởi xét thấy đây là đối tượng khá đông nhưng đa phần đời sống rất khó khăn.

“Quỹ khuyến học hoạt động đến năm 2021 thì tạm dừng. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp mà quỹ gửi tiền gặp khó khăn, làm ăn không sinh lợi. Chỉ là tạm dừng, khi nào mọi việc thuận lợi thì duy trì tiếp”, ông Sơn cho biết.

Như vậy, qua 13 năm hoạt động, quỹ đã hỗ trợ được cho 240 lượt học sinh nghèo hiếu học, với tổng số tiền trên 617 triệu đồng. Việc hỗ trợ được thực hiện từ học sinh tiểu học tới học xong đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh hỗ trợ học bổng, quỹ còn hỗ trợ tiền tàu xe, chi phí cho các cháu đi lại ôn và thi đại học, cao đẳng, xin việc làm; hỗ trợ các phương tiện đi lại như xe đạp; hỗ trợ tập, sách, dụng cụ học tập...; thưởng tiền khi các em được giấy khen; hỗ trợ học nghề...

Qua 13 năm, có trên 10 em được hỗ trợ đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng, học nghề. Trong đó, một số em học nghề ngắn hạn, được hỗ trợ chi phí học hành, ăn ở và học phí trên 10 triệu đồng/em.

“Nhiều học sinh nhờ nguồn quỹ hỗ trợ mà đã học hành đến nơi đến chốn, có việc làm, sống có ích cho gia đình và xã hội”, là thành viên đồng sáng lập quỹ và đảm nhận xét chọn, cấp phát quỹ tại Cà Mau, ông Sơn vui mừng bày tỏ./.

 

Trang Thăm

 

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.

Thông tư 20 - Từ quy định đến thực tiễn - Bài cuối: Loay hoay tìm giải pháp

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình) mở ra nhiều cơ hội mới, nâng cao chất lượng dạy và học, kéo gần khoảng cách giáo dục nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, khi áp dụng Chương trình và thực hiện Thông tư số 20/2023/TT-BGDÐT (Thông tư 20) của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), nhiều trường vẫn còn loay hoay tìm giải pháp thực hiện.

Thông tư 20 - Từ quy định đến thực tiễn

Thông tư 20/2023/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) có hiệu lực thi hành vào ngày 16/12/2023. Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, nhằm chuẩn hoá các điều kiện từ cơ sở vật chất, số lượng giáo viên, nhân viên cho công cuộc đổi mới toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.

Nan giải bài toán “ngọt hoá” - Bài cuối: Cấp thiết nhu cầu quy hoạch

"Chúng ta đang đối mặt những thách thức khách quan lẫn chủ quan. Ðây là vùng đất sản xuất phụ thuộc nước trời; trong 10 năm trở lại đây, có sự biến động bất thường của thời tiết, 3 lần hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến nhiều hệ luỵ sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng nhiều công trình, sản xuất, đi lại trong vùng ngọt hoá. Mặc dù hệ thống thuỷ lợi với đê bao khép kín nhưng đã được đầu tư cách đây hơn 20 năm, nên việc điều tiết nước trước biến đổi khí hậu đã thay đổi. Do đó, chúng ta cần phải có tính toán, rà soát lại quy hoạch, khắc phục những tồn tại cũng như đáp ứng những nhu cầu cấp thiết mới, để đảm bảo sản xuất vùng ngọt hoá", đó là nhận định, đề xuất của PGS.TS Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, đối với vùng ngọt hoá tỉnh Cà Mau.

Nan giải bài toán “ngọt hoá”

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất có ba mặt giáp biển và cũng là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông. Năm 2002, UBND tỉnh Cà Mau quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Cà Mau là vùng ngọt hoá. Vùng này được chia làm 5 tiểu vùng, trong đó, Tiểu vùng III (thuộc huyện Trần Văn Thời) và phần lớn của Tiểu vùng II (huyện U Minh) hiện còn giữ được ngọt hoá.

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào? - Bài cuối: Tìm lời giải tối ưu

Chăm lo toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là công việc quan trọng xuyên suốt được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; thể chế hoá bằng chủ trương, chính sách, pháp luật. Bằng quyết tâm chính trị cao độ và sức mạnh đồng thuận của cả cộng đồng, tỉnh Cà Mau đã cụ thể hoá các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động DTTS bằng sự linh hoạt, phù hợp với nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào? - Bài 2: Góc nhìn thực tiễn

Ðồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Cà Mau sống tập trung nhiều tại khu vực nông thôn, với hơn 9 ngàn hộ, chiếm trên 76% tổng số hộ DTTS của tỉnh. Phần lớn địa bàn mà đồng bào DTTS sinh sống thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động đồng bào DTTS tại địa phương trong thực tế vẫn còn là bài toán với nhiều biến số.

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào?

Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) để thoát nghèo, cải thiện toàn diện cuộc sống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là chủ trương, chính sách ưu việt, nhân văn của Ðảng, Nhà nước, được triển khai thực hiện bằng nhiều nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ.