ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 4-5-25 10:34:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bến đậu của tình mẫu tử

Báo Cà Mau Tiếng gió lùa qua tai nó lạnh đến rùng rợn, nó biết giờ cơm chiều đã đến từ lâu. Nó vẫn lì lợm mà ngồi trơ tấm lưng đang oằn xuống vì kiểu ngồi bó gối trông đến khổ sở ấy. Chân nó lâu lâu cứ giẫm vô tội vạ đám cỏ nước mặn ủ ê trước mặt. Mắt nó đỏ hoe. Miệng nó cứ méo xệch. Cổ họng cứ rưng rức, uất nghẹn lắm. Nó đã ngồi như thế lâu rồi. Nó trốn vào tận mấy đám đước mọc san sát mé sông. Nó hay tin cha nó sẽ đưa mẹ kế về.

Tiếng gió lùa qua tai nó lạnh đến rùng rợn, nó biết giờ cơm chiều đã đến từ lâu. Nó vẫn lì lợm mà ngồi trơ tấm lưng đang oằn xuống vì kiểu ngồi bó gối trông đến khổ sở ấy. Chân nó lâu lâu cứ giẫm vô tội vạ đám cỏ nước mặn ủ ê trước mặt. Mắt nó đỏ hoe. Miệng nó cứ méo xệch. Cổ họng cứ rưng rức, uất nghẹn lắm. Nó đã ngồi như thế lâu rồi. Nó trốn vào tận mấy đám đước mọc san sát mé sông. Nó hay tin cha nó sẽ đưa mẹ kế về.

Nó tên Tâm. Cái tên mang hơi thở của giáo lý nhà Phật. Vốn dĩ bà nội nó thường ngày vẫn viếng chùa, vẫn giữ thói quen là hễ đến ngày rằm, bận cỡ nào bà nó cũng vào chùa lạy Phật, cầu gia đạo bình an, có khi làm công quả nhiều hơn ở nhà.

Tâm nay được 12 tuổi. Cái tuổi chuyển giao cấp học, chuyển giao nhận thức trong tư tưởng, đời sống. Nó lên lớp 6 rồi. Người dân trong xóm bảo:

- Thế mà mau quá mấy bà nhỉ. Lụi hụi con nhỏ đó lớn trông thấy.

Hay bà Tám Heo lại cười át tiếng bà Ba Bánh Ú:

- Trời, còn tui, thấy nó cao giò và xinh gái y như mẹ nó khi còn sống. Mà đời thiệt, hồng nhan bạc mệnh, thôi xấu xấu như tui, sống dai, mấy bà à (!).

Tức thời bà Ba tán đéc vào vai bà Tám một cái đau điếng:

- Ô hay, thế nói như bà, thẩm mỹ viện trên thành phố nó ế nhăn răng ra à. Vẽ chuyện.

Minh hoạ: Minh Tấn

Rồi xóm bà Tám lại bàn. Ðừng thấy miệng mấy bà ấy nói châm chọc mà nghĩ họ làm đau lòng người ta, nét dân dã trong vùng quê, hễ đụng chuyện là họ lại bàn, không bàn không được, nhưng bàn số đề thì không bao giờ. Họ là nông dân chân chất. Bà Tám nuôi heo có tay nhất nhì xóm, còn bà Ba bán bánh ú lâu nhất vùng. Việc nhà ai họ rõ mồn một, rồi biết để bàn và tìm cách khuyên can, giúp đỡ.

Bà Ba ngồi mom mem tí trầu. Bà có thói quen ấy từ thời con gái. Nay bà cũng không bỏ được, dù tuổi mới hơn năm mươi. Bà chỉ lắng nghe là nhiều, còn bà Tám thì hay kiếm việc nói cho bà Ba nghe. Người ta nhìn vào, lại tưởng hai chị em ruột. Nhưng thật ra, hai bà là hai gia đình khác nhau. Bà Tám nhỏ hơn bà Ba vài tuổi, nhưng họ rất thân nhau bởi đồng cảnh ngộ. Họ đều là người xứ xa đến đây lập nghiệp. Họ đến xứ này khi các ông chồng chạy theo tiếng gọi ái tình mới. Ðời người như buổi chợ. Sớm thì đông, trưa thì vãng, đến chiều vắng tanh. Người đàn ông của bà Tám bỏ vợ và đứa con thơ, bán hết nhà cửa, đất đai, ôm mớ bạc nâng gót hồng cho người phụ nữ khác. Cái cảnh tan cửa nát nhà do ngoại tình, bà thấy nhiều, nhưng không ngờ… bà cũng chung số phận.

Hai bà ngồi tỉ tê với nhau rồi đăm ra kết nghĩa chị em lúc nào không hay. Ðến nay, khi cuộc sống ổn định, họ có thời giờ rảnh rỗi ngồi bàn chuyện đời, thấy chuyện gì giúp được là giúp, chẳng nề hà công sức. Bà Tám miệng mồm mau mắn, hay kể chuyện tiếu lâm. Ðám tiệc mà vắng bà là mất hết sinh khí vui nhộn. Thành thử bà cứ thích "nổ":

- Tám nói cho Ba biết nghen, chồng Tám đẹp trai hết sẩy luôn đó chứ, tại duyên nợ hết thôi.

- Trời, lại nhớ chồng nữa rồi! Hổng biết người xưa có nhớ bà không, nhắc chi cho buồn.

Bà Tám đưa vạt áo lên chùi mắt. Bà trông bề ngoài xởi lởi nhưng  sống rất nội tâm. Cứ mỗi lần nhắc đến người xưa là bà lại xúc động mạnh. Một dĩ vãng xa xôi đôi lúc bà muốn quên, nhưng rồi cũng có lúc nó ùa về, gieo vào lòng bà bao đau đớn. Bà nhớ như in, ngày hay tin ông mon men với ả kia, bà cũng lồng lộn lên. Bà cũng giọt ngắn giọt dài, bà rủa, bà đau cùng cực.

Mặc cho bà Tám miên man nghĩ ngợi. Bà Ba đưa mắt tìm cặp kính, nheo nheo con mắt, cứ giữ thói quen, lấy kính là dùng khăn lau sạch bóng rồi mới đeo. Bà kỹ lưỡng lắm. Mà không kỹ sao được, cặp kính ấy là kỷ niệm của bà. Ngày trước, đương lúc gia đình đề huề, bà cũng được chồng cưng lắm, yêu lắm. Biết bà yếu về mắt, ông mua tặng cặp kính, ai dè, đó là món quà cuối cùng của ông mà bà nhận được.

Bà bị bệnh vô sinh. Sự hiếm muộn luôn làm bà đau khổ khôn nguôi. Ông là con trai độc nhất của gia đình. Nói ông bỏ vợ thì không đúng, vì cha mẹ già cần có cháu nối dõi tông đường, mẹ chồng bà không chờ đợi vì đã hàng chục năm chờ mụn cháu. Vấn đề cưới vợ nhỏ cho chồng được đưa ra. Bà Ba khổ cùng cực. Nước mắt bà chảy từng đêm. Bà không có tội. Bà cũng muốn được làm mẹ như bao người, bà thiết tha và mong mỏi điều ấy đến bao nhiêu. Ai chỉ gì, uống gì, ăn gì, kể cả thầy nào, ở đâu bà cũng tìm đến. Vất vả là thế, nhưng bà không có phúc làm mẹ.

Bà biết ông khó xử, nên bà đã lẳng lặng ra đi. Bà không cha mẹ, vốn là cô bé mồ côi, sau khi được trại trẻ nuôi dưỡng thì học hành, may vá thêu thùa, rồi gặp ông, mặn nồng hơn chục năm. Thời gian ấy, bà tươi như hoa, đẹp như thơ. Mà sự chạy trốn của bà chỉ làm ông quẫn bách, nhưng việc ấy đã có mẹ ông sắp đặt.

Rồi bà đi. Cứ đi. Nghe nói miệt biển có lắm việc làm, bà lặn lội tìm vùng đất mới cho mình. Nơi đây, bà có nhiều đứa con, có tình mẫu tử. Bà làm mẹ đỡ đầu cho những đứa mồ côi ở nhà thờ. Hằng tuần, bà vẫn sang thăm chúng, dạy chúng, nhất là mấy cô con gái, bà dạy may, dạy thêu thùa. Mấy cậu con trai bà luôn trìu mến, bù đắp tình thương của mẹ, kể cho chúng nghe những câu chuyện đời, vẽ ra những tương lai đẹp với chúng. Bà được chúng ví như bà tiên xanh, người xếp những giấc mơ hồng để cho bao cảnh đời đáng thương chắp thêm đôi cánh mạnh mẽ hơn trong cuộc đời.

Cứ thế, chuyện xóm, chuyện làng luôn được hai bà quan tâm gấp bội. Nhưng không ai bảo họ không công rỗi việc. Ðiều đáng nói, trong 15 năm qua, hai bà đã giúp đỡ nhiều trẻ em mồ côi vươn lên, ăn học đến nơi đến chốn và lập nghiệp. Có đứa có chồng, có vợ, vẫn về thăm hai bà, vẫn cất tiếng gọi thân thương từ xa mỗi khi chúng về: "Má Ba, má Tám ơi, tụi con về nè!".

Nghe mà rơm rớm nước mắt. Con ai, cháu ai mà mình nhận về làm con! Âu cũng chữ duyên, chữ phận. Nhờ vậy hai bà cũng được an ủi lắm.

***

Bé Tâm vẫn khóc rưng rức, mặc cho mặt trời đã nhuộm úa bầu trời chiều. Nó nhớ về người mẹ quá cố của nó.

Mẹ nó đẹp. Làn tóc đen tự nhiên. Bí quyết để có mái tóc bóng mượt của mẹ nó chính là nhờ dầu dừa được thắng từ trái dừa ở quê. Mỗi khi mẹ thắng dầu, nó tha hồ trộn xác dừa vàng ươm vào cơm rồi ăn lấy ăn để. Với tính bướng bỉnh, nó luôn được mẹ chiều chuộng. Từ ngày mẹ nó lâm bệnh rồi mất, nó ở với cha, nhưng cha nó cũng phải làm ăn xứ xa, lâu lâu mới về, đời nó cơ cực từ đó.

Mồ côi cha ăn cơm với cá

Mồ côi mẹ lót lá mà nằm

Nó nghe câu ca dao ấy từ lâu lắm, nay mới nhận ra, đời nó như đứa trẻ kia. Nghĩ vậy, nó càng khóc to hơn bao giờ hết. Ðã bao ngày  qua nó sống nhờ người quen, họ hàng nó xem chừng tứ tán. Ông bà ngoại, nội thì xa xôi, cô dì, chú bác đều con kẻ khó, ngày ngày vẫn kiếm miếng cơm nuôi cả nhà. Muốn gõ cửa nhà ai cũng cả vấn đề. Bờ mi nó vẫn nặng trĩu giọt nước mắt. Nó biết cha nó vì công việc mưu sinh nên xa nhà mải miết. Nó càng biết, cha nó sợ rằng đứa con duy nhất của mình thiếu thốn tình mẫu tử, nên cha nó đã nghĩ đến việc đưa một người phụ nữ khác về làm mẹ cho con mình.

Từ khi nó biết nó sẽ có thêm người mẹ kế, lòng nó ngổn ngang như tơ rối. Bởi, mấy bà dì hàng xóm cứ nói truyền tai nhau: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng! Hay không cần nghe họ nói đâu, đôi khi nó xem phim, thấy cảnh dì ghẻ ăn hiếp con chồng, nó ghét cay ghét đắng bà mẹ kế đó, ghét luôn diễn viên đóng vai bà mẹ ác độc. Nó vẫn là đứa trẻ. Nó thương cha nó lắm. Thương. Ờ, mà thương nhưng sao nó không chấp nhận khi cha nó san sẻ niềm thương duy nhất cho người khác, lại nghe đâu dì đó có con riêng. Bao nhiêu suy nghĩ cứ miên man trong đầu, kể cả khi ngủ, nó vẫn nằm mơ, thấy một tương lai bị hành hạ, bị ghẻ lạnh...

Mặc mưa gió ban chiều kéo về hù hù xóm đước ven kênh, nó vẫn lặng lẽ, vẫn run run bờ vai bé con. Rồi tiếng nói chuyện của bà Tám với bà Ba, làm nó xao động. Nó nghĩ về hai người phụ nữ, vốn dĩ đến đây trước khi nó chào đời, nó vẫn nghe người trong xóm khen hai bà, song có người vẫn chê trách. Mà đời, người thương kẻ ghét biết đâu mà lần, cha nó hay nói vậy.

Hồi lâu, xem chừng muỗi vo ve, nó chuẩn bị về. Vài bước chân bé bé đã chạm ngõ nhà hai bà. Và tất nhiên, hai bà đang cố tình đợi cô bé này đi về.

Có vội gì đâu, bà Ba thấy dáng con bé đi ngang, cứ sụt sùi, bà bảo vào đây, lấy khăn mà lau, ai đâu vừa đi vừa khóc, không nên.

Nó được hai bà cho ngồi gần cánh cửa, nơi gió sông thổi mát mẻ nhất. Bà Tám rời chiếc võng để đến gần chỗ nó ngồi, bà Ba đi bật điện lên cho sáng nhà sáng cửa. Với nó, hình ảnh hai bà quá quen thuộc, vì từ nhỏ, khi nó biết nhận thức thì nó đã nhận được sự yêu thương của hai bà rồi.

- Bé Tâm của bà, sao lại khóc?

 Bà Tám đưa tay choàng lấy bờ vai bé bé con con của nó. Nó rúc mạnh vào mình bà. Càng khóc dữ hơn. Nó vừa khóc vừa kể về việc cha nó sắp đưa thêm người phụ nữ khác về nhà…

Bà Ba nghe rồi, bà Tám nghe rồi. Hiểu cả. Lại cảnh người đàn bà đi, người khác vào. Quá khứ ngủ lâu rồi, hai người đàn bà luống tuổi đang nhìn hiện tại, cố gắng vun đắp cho tâm hồn cô bé đáng thương, có ai đó đi sông thì sợ luỵ thuyền, luỵ đò, còn tuổi thơ, luỵ nhất là bị ám ảnh và tiêm nhiễm tư tưởng xấu.

- Cháu à, người kia không vào để phá đám hay chia sẻ tình thương của cha con dành cho con đâu. Cô ấy cũng khổ như cha con, cũng có con, rồi chồng chết, cha con thì vợ chẳng may lìa đời, bỏ con lại, những ngày đi làm xa nhà, lo con đủ điều, nên mong có ai đó lo cho con, để cha con an tâm đi làm.

- Không đâu bà ơi! Cô ấy sẽ không thương con. Sẽ bỏ đói, sẽ đánh con.

Nó ngước đầu, mắt mũi lấm lem những giọt nước mắt rơi vội vàng trên đôi gò má bụ bẫm. Nó đâu có sai, nó đâu có tội, chẳng qua trong bộ nhớ của mấy bộ phim nó xem, nó thấy nhiều cảnh buồn của cảnh con chồng, con vợ. Chứ vẫn có gia đình người ta chắp vá như cha và người mẹ kế của nó vẫn sống hạnh phúc. Ðời, đừng gán ghép điều xấu hay tốt mà đem ra so sánh, chẳng qua do cách đối xử giữa người với người mà thôi.

Bà Ba diễn giải cho bé Tâm nghe. Nó nín thinh.

- Cháu à, cháu thấy hai bà thương mấy trẻ mồ côi không thua con ruột mình, có khi hơn nữa. Khi yêu thương cho đi không toan tính và sống để hiểu nhau, để biết tại sao người ta cần mình, người ta khổ, người ta sẽ yêu thương mình, điều đó mới quan trọng. Cha cháu rất thương cháu, đúng không? Thế thì cha cháu sẽ chọn cho cháu một người mẹ kế tuyệt vời. Ðừng nghĩ mẹ kế người nào cũng xấu. Cô ấy đang làm mẹ, cô ấy cũng hiểu tâm lý của cháu.

Nó đưa tay gạt nước mắt. Xem chừng đã bớt não nề hơn. Hai bà còn bảo với nó:

- Cháu xem, cha cháu nào giờ vẫn ân cần, vẫn hiền và vẫn rất thương cháu, nên cháu đừng quá lo. Còn làng xóm, còn hai bà đây mà… phải không?

Nó cười gượng, lộ cái răng cửa to đùng, cái răng duyên nhất của nó đấy. Cơ hồ lấy lại được bình tâm, hai bà đãi nó một bát bánh canh mặn từ thịt tôm. Nó ăn thấy mà ngon. Vị béo ngậy của tôm, của nước cốt dừa làm dạ nó ấm hơn.

Hai bà khép cửa, đưa nó về nhà, cha nó cũng tất tả chạy tìm nó từ rất lâu. Thấy cha, nó chạy nhanh thoát ra cái nắm tay của bà Tám, sà ngay vào lòng cha nó, cha nó biết điều gì đã diễn ra. Ánh mắt biết ơn thầm lặng của cha nó hướng về hai người phụ nữ nhân hậu, cha nó cũng ngân ngấn nước mắt.

Hai cha con đưa nhau về căn nhà của họ. Hai bóng nhỏ, nhưng chiếc đầu con bé đã ngoẻo sang vai cha mình, nó vẫn thích mỗi khi được cha cõng trên vai như thế, nó luôn muốn như thế. Nó đã có niềm tin hơn. Nó tin cha nó vẫn thương nó. Vẫn tin có hai bà tiên xanh đang bên nó - như mấy đứa trẻ trong xóm hay bảo. Và tin vào câu nói của hai bà: Cho yêu thương sẽ nhận lại thương yêu./.

Truyện ngắn của Xuân Dị

Bản hùng ca thống nhất

Hoà chung không khí cả nước mừng dấu mốc lịch sử trọng đại: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá tỉnh phối hợp Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin các huyện, TP Cà Mau và xã, thị trấn tổ chức biểu diễn Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca thống nhất”.

Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca thống nhất"

Với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca thống nhất”, tối 25/4, tại Khu dân cư Minh Thắng (Phường 9, TP Cà Mau), tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khởi sắc vùng căn cứ

Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể (ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) là niềm tự hào của Nhân dân 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu. Với sự quan tâm đầu tư của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực vươn lên kiến thiết quê hương của người dân, vùng quê cách mạng đã và đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ.

Giao thoa văn hoá 3 dân tộc

Trong quá trình gần 300 năm, đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng nhau cộng cư trên mảnh đất Cà Mau với tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau phát triển. Mặc dù mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, nhưng trải qua cuộc sống xen cư với nhau từ bao đời nay đã tạo nên sự giao thoa, gắn kết hài hoà, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, đa sắc của xứ sở Cà Mau.

Trao kỷ niệm đẹp cho ngày trọng đại

Bỏ công sức để làm những chiếc cổng cưới lá dừa truyền thống thay lời chúc phúc, Xã đoàn Khánh Hải và Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời đã góp sức tạo nên một đám cưới đáng nhớ cho các đoàn viên, thanh niên (ÐVTN).

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên năm 2025: Huyện Trần Văn Thời đoạt giải Nhất toàn đoàn

Trong 2 ngày (19 và 20/4/2024), Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên với chủ đề “Bài ca thống nhất” năm 2025.

Khám phá bản thân cùng nhảy múa

Ngày nay, bên cạnh các môn thể thao, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm kỹ năng nhảy múa. Ðặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp nhảy múa như cách rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm căng thẳng.

“Những người bạn” hội ngộ

Những chàng sinh viên trường Mỹ thuật năm nào nay tìm về bên nhau trong cuộc hội ngộ nghệ thuật mang tên “Art friends”. Các tác phẩm được dệt nên từ những kỷ niệm đẹp mà họ cùng trải qua trong suốt những năm lao động nghệ thuật.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.