Nhờ được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường quê ở Đầm Dơi ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Đầm Dơi đã chỉ đạo các xã tăng cường đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện để các xã từng bước hoàn thành các tiêu chí về NTM.
Đi đầu trong phong trào huy động nguồn vốn xây dựng NTM, xã Tân Dân đã biết phát huy mạnh mẽ nguồn vốn nội lực, kết hợp với các nguồn vốn khác để hoàn thành các tiêu chí. Qua 4 năm, tổng giá trị nguồn lực huy động xây dựng NTM ở Tân Dân hơn 733 tỷ đồng. Ðây là một trong những thế mạnh đưa Tân Dân cán đích xã NTM trước thời gian 1 năm và là đơn vị đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Nhờ được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường quê ở Đầm Dơi ngày càng khang trang, sạch đẹp. |
Nếu như khi xuất phát điểm toàn xã có 42 km lộ bê-tông, phần lớn lộ 1,5 m, chưa đạt chuẩn theo quy định, thì đến nay đã có 90 km lộ bê-tông rộng từ 2-3 m, 9 km lộ nhựa từ huyện về trung tâm hành chính xã. Toàn xã có 44 cây cầu nối liền các trục đường liên ấp, liên xã, xe ô-tô và mô-tô đi lại thông suốt trong 2 mùa mưa nắng. Vốn đầu tư trong 4 năm để xây dựng lộ nông thôn hơn 90 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhân dân đóng góp hơn 7 tỷ đồng (chưa kể vốn hiến đất, làm cống xuyên lộ), nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn Tân Dân đã thay đổi vượt bậc.
Ông Nguyễn Cảnh Tân, ấp Tân Phú, xã Tân Dân, phấn khởi chia sẻ: “Tân Phú bây giờ xe 4 bánh về tới tận nhà chứ không còn xe 2 bánh nữa. Ðời sống kinh tế nâng lên, nếu như trước khi thực hiện mục tiêu xây dựng xã NTM, thu nhập bình quân chỉ 13 triệu đồng/người/năm thì bây giờ là 33 triệu đồng. An ninh nông thôn luôn ổn định. Nước sạch, điện nhà nào cũng có, không còn cảnh chia hơi. Ðời sống Nhân dân không ngừng vươn lên. Tôi thấy xây dựng NTM đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Nhân dân. Vì thế, chúng tôi quyết tâm giữ vững chuẩn xã NTM”.
Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Dân Nguyễn Công Danh bày tỏ: “Trở thành xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, không được buông xuôi sau khi đã cán đích. Quan điểm của xã là vẫn tiếp tục hoàn thiện tốt hơn các tiêu chí đã đạt được.
Sau xã Tân Dân, xã Tạ An Khương Nam là đơn vị chỉ đạo điểm của huyện sẽ là xã NTM trong năm 2015. Dấu ấn NTM ở xã Tạ An Khương Nam thể hiện rõ qua 4 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau gần 210 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp 97 tỷ đồng. Ðến nay, xã đạt được 13/18 tiêu chí (tiêu chí chợ không thực hiện).
Qua 4 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Đầm Dơi đã thi công 105 công trình lộ giao thông, chiều dài 209,85 km, vốn đầu tư trên 85 tỷ đồng. Toàn huyện có tổng số 385,3 km đường trục xã, liên xã; 1.010 km đường trục ấp, liên ấp; 216 km đường xóm, nhánh. Trong đó, có 101 km đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, đã thi công hoàn thành được 289,5 km đường trục xã, liên xã; 311,4 km đường trục ấp, liên ấp và 24,7 km đường xóm, nhánh. |
Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam Trần Quang Trung cho biết: “Ðể hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, trong năm 2015, xã tổ chức khởi công xây dựng 15 công trình giao thông, chiều dài trên 16.500 m, nguồn vốn trên 9 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 2,8 tỷ đồng. Ðồng thời, huy động các nguồn vốn trong Nhân dân thực hiện các tiêu chí còn lại hoàn thành trong tháng 9 tới. Ðẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nhân rộng các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để Tạ An Khương Nam được công nhận xã NTM trong năm 2015”.
Thành quả mà Ðầm Dơi đạt được hôm nay, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng, ý Ðảng hợp lòng dân, nhất là khi người dân xác định rõ trách nhiệm của mình là chủ thể trong xây dựng NTM.
“Ðảng bộ huyện tập trung chỉ đạo các xã còn lại, nhất là các xã chỉ đạo điểm của huyện nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trong những năm sắp tới. Phấn đấu năm 2015, bình quân mỗi xã thực hiện đạt thêm từ 3 tiêu chí trở lên, riêng các xã điểm cơ bản hoàn thành các tiêu chí đã được quy định”, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Võ Thanh Tòng cho hay./.
Bài và ảnh: Gia Mẫn
Bên thềm đại hội Ông Huỳnh Công Hiệu, cán bộ hưu trí, khóm 4, thị trấn Đầm Dơi: Tôi rất phấn khởi, vui mừng, trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ, huyện đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, đưa kinh tế ngày một phát triển. Ðáng chú ý, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo và trẻ hoá đội ngũ cán bộ quản lý, điều động cán bộ hợp lý, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về tự phê bình, phê bình gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, Nhân dân tích cực học tập, công tác và thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, đưa đời sống Nhân dân ngày càng phát triển. Tôi tin tưởng đại hội lần này sẽ phát huy tinh thần dân chủ, đi đôi với nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Ðảng, bầu ra Ban Chấp hành mới đủ tài, có tình yêu thương, gắn bó với nhau để thực hiện đạt hiệu quả các nghị quyết đại hội. Ðặc biệt, làm sao để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa. Chị Trần Thuý Nga, đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự đại hội: Với tư cách là đại biểu đại hội, tôi sẽ xem xét, cân nhắc bầu chọn những đồng chí có đủ đức, đủ tài để bầu vào Ban Chấp hành khoá mới nhằm đảm bảo điều hành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội. Ðồng thời, tôi cũng mong muốn đại hội lần này đặc biệt chú trọng, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ để có thể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn sau đại hội, Ban Chấp hành khoá mới cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã Tân Thuận, phát triển nghề làm muối ở ấp Lưu Hoa Thanh và khai thác hiệu quả đánh bắt thuỷ sản xa bờ. Ông Thạch Risa Rây Sam Phol, ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng: Những năm qua, Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên và hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc; nhất là việc thực hiện Chương trình 135, Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ...; giúp nhiều đồng bào dân tộc có nơi ở ổn định, có đất sản xuất, được học nghề, xây dựng lộ nông thôn, nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng… Tôi mong rằng, thời gian tới, địa phương cần đẩy mạnh công tác dạy nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm, mở lớp tập huấn nuôi trồng thuỷ sản hay chăn nuôi gia súc, gia cầm để đồng bào dân tộc tiếp cận khoa học - kỹ thuật. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Hồ Quốc Hận, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Dơi: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã quan tâm tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, xoá nghèo bền vững và làm giàu chính đáng thông qua việc tạo vốn sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát động nhiều phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên, góp phần cải thiện đời sống của nông dân. Ðể phát huy vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ tới, tôi mong rằng Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện khoá mới hoạch định chiến lược phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, nhất là tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tăng cường kiểm tra chất lượng con giống, vật tư phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản; tổ chức thực hiện liên kết 4 nhà, cũng như có chính sách bình ổn giá cả thị trường, tránh trường hợp nông dân “trúng mùa rớt giá”. T.C thực hiện |