ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-6-25 10:14:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðam mê nghề báo như anh Út Nhỏ

Báo Cà Mau “Leo lên đây à, chuyện này làm được mà”, vừa dứt lời, đôi chân anh thoăn thoắt trèo lên trụ ăng-ten của Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi. Chưa đầy 3 phút sau, anh đã vắt vẻo trên độ cao gần 20 m.

“Leo lên đây à, chuyện này làm được mà”, vừa dứt lời, đôi chân anh thoăn thoắt trèo lên trụ ăng-ten của Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi. Chưa đầy 3 phút sau, anh đã vắt vẻo trên độ cao gần 20 m.

Cẩn thận thắt lại dây đeo an toàn như một kỹ thuật đường dây chuyên nghiệp, anh chọn vị trí đứng thuận lợi, chắc chắn và bắt đầu công việc tháo bỏ các loa truyền thanh cũ bị hư. Những con bu-lông khó khăn nhất đều bị khuất phục bởi đôi tay nhiều kinh nghiệm trong tháo đồ gỉ sét của anh.

Những chiếc loa vừa được tháo xong, được anh cột vào dây để chuyền xuống cho cán bộ kỹ thuật Ðài Truyền thanh đang đứng phía dưới. Anh lại kéo 2 chiếc loa mới lên để lắp vào vị trí các loa truyền thanh đó.

Anh Út Nhỏ đang điều chỉnh âm thanh cụm loa truyền thanh tại UBND xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi.     Ảnh: NGUYỄN TIẾN THỊNH

Chưa đầy 30 phút sau, âm thanh vang lên từ cặp loa mới lắp. Người dân quanh khu vực phấn khởi vì lại được tiếp thu các thông tin mới từ chương trình thời sự của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài PT-TH Cà Mau, Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi. 2 cán bộ kỹ thuật của Ðài Truyền thanh - những người vốn sợ độ cao - nở nụ cười rất tươi biết ơn anh vì đã giúp họ hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.

Một lần khác, trong cái nắng đổ lửa, nhiều người thấy anh vắt vẻo trên cột ăng-ten bưu điện ở trung tâm xã Tân Tiến để gắn loa truyền thanh. Khi có yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ, nếu thấy công việc đó làm được là anh nhận lời ngay, nhất là đối với những công việc liên quan đến hoạt động truyền thanh.

Anh không những là người có khả năng làm việc tốt ở trên cao, mà còn là người rất cẩn thận, rất tận tâm, tận lực với công việc. Ðối với anh, truyền thanh đã là niềm đam mê thấm sâu vào máu, vào tim.

Anh là Nguyễn Út Nhỏ, cán bộ Trạm Truyền thanh xã Tạ An Khương Ðông, huyện Ðầm Dơi. Năm nay anh đã bước sang tuổi 50. Anh đen, gầy, vóc dáng nhỏ như tên Út Nhỏ mà người ta hay đùa “ông này đã Út lại còn Nhỏ”. Tuy nhiên, chuyện mà người cán bộ trạm truyền thanh xã này làm được lại không hề nhỏ.

Sinh ra trong gia đình nghèo, con đường học hành của anh chỉ đến lớp 5 là dừng lại. Mặc dù vậy, niềm đam mê làm báo trong anh vẫn luôn cháy bỏng. Niềm đam mê ấy là động lực giúp anh tự học, tự mày mò để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người đưa thông tin về cơ sở thông qua hoạt động truyền thanh.

 Ðầu năm 2002, anh tận dụng 2 bộ loa, âm-ly và ra-đi-ô của gia đình đem ra lắp đặt 1 cụm loa truyền thanh đầu tiên ở xã Tạ An Khương Ðông. Sau đó, Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi và UBND xã Tạ An Khương Ðông đầu tư thêm các cụm loa, đến nay 9 ấp trong xã đã có 10 cụm loa truyền thanh, trong đó có 9 cụm loa không dây, 1 cụm loa có dây. Tuy địa bàn xã Tạ An Khương Ðông khá rộng, nhưng nhiều năm qua, các cụm loa truyền thanh nơi đây đều hoạt động tốt, ít bị gián đoạn.

Nếu như nhiều xã ở huyện Ðầm Dơi khi loa truyền thanh bị hư phải nhờ cán bộ kỹ thuật Ðài Truyền thanh huyện hỗ trợ, thì ở Tạ An Khương Ðông, hầu như mọi hư hỏng của hệ thống loa truyền thanh đều do anh Nguyễn Út Nhỏ khắc phục.

Anh tự bỏ tiền đầu tư “đồ nghề” kỹ thuật, rồi xin rất nhiều đồ điện tử cũ, loa cũ bị hư để tự tìm tòi, khám phá và thực hành việc sửa chữa. Anh còn tự bỏ tiền mua dây đai an toàn của công nhân đường dây và quyết tâm rèn luyện việc leo cột điện, leo ăng-ten để gắn cho được những chiếc loa ở vị trí có thể phát âm thanh xa hơn, khi hư hỏng cũng tự leo lên tháo xuống để thay thế, sửa chữa.

Khi thấy một số cụm loa truyền thanh không dây thu sóng bị yếu, anh tự mày mò, hàn thêm một đoạn dây ở bộ phận ăng-ten, góp phần cải thiện chất lượng âm thanh phục vụ người dân. Nhiều bà con quanh khu vực các cụm loa truyền thanh của xã còn được anh cung cấp số điện thoại để thông báo khi loa bị hư hỏng, nhờ vậy việc khắc phục rất kịp thời.

Hệ thống loa truyền thanh ở xã Tạ An Khương Ðông dù không phải được đầu tư với số tiền lớn nhất ở huyện Ðầm Dơi, nhưng lại được coi là hệ thống loa hoạt động hiệu quả nhất, bởi ở địa phương này có 1 cán bộ trạm truyền thanh tích cực như anh Út Nhỏ.

Ðều đặn mỗi ngày 3 buổi, tiếng loa truyền thanh vang lên, người dân vùng nông thôn xã Tạ An Khương Ðông nắm bắt được rất nhiều thông tin bổ ích từ chương trình thời sự của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài PT-TH Cà Mau và Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi. Tiếng loa truyền thanh như món ăn tinh thần. Ngày nào không có âm thanh vang ra từ những loa, ngày đó người dân quanh khu vực cảm thấy buồn, bản thân anh cũng thấy bứt rứt, không vui.

Chuyện của anh Nguyễn Út Nhỏ với sự nghiệp truyền thanh còn phải kể đến con đường tập tành làm báo khá vất vả. Quá trình gắn bó với hoạt động truyền thanh ở xã, anh chiêm nghiệm ra một điều: nếu chỉ đưa thông tin về cơ sở thôi là chưa đủ, cần phải phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng, những búc xúc và những thông tin thời sự mới diễn ra ở địa phương. Vì vậy, quyết tâm của anh là phải viết được tin, bài để cộng tác với Ðài Truyền thanh huyện.

Với lưng vốn về học vấn chỉ lớp 5, không được đào tạo bài bản về viết tin, viết bài, anh luôn biết mình có quá nhiều khó khăn khi theo đuổi công việc này. Tuy vậy, cũng chính từ lòng đam mê, anh đã có một cách học làm báo khá lạ. Hằng ngày, ngoài chăm chỉ nghe các tin, bài qua loa truyền thanh, anh còn dùng máy cát-sét thu âm lại những tin, bài hay, sau đó chép chúng ra từng câu từng chữ trên giấy để nghiền ngẫm, học hỏi về cách hành văn, bố cục, cách đưa tin của các tác giả có tác phẩm phát sóng trên đài.

Anh dành nhiều thời gian đọc báo, nhất là Báo Cà Mau để học hỏi cách viết tin. Ban đầu, không có giấy trắng A4, anh viết tin trên giấy ô ly của học sinh. Khi viết xong, anh thuê xe ôm gửi ra Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi. Có một thời, nhuận bút 1 tin nếu được phát trên đài huyện chỉ 3.000 đồng, vậy mà anh Út Nhỏ dám bỏ ra 5.000 đồng để chuyển tin từ xã Tạ An Khương Ðông ra huyện cộng tác.

Lúc đầu, anh gửi rất đều, nhưng các tin viết không đạt lại nhiều. Khi thấy cách viết chưa đạt, nhưng đề tài hay, cán bộ Ðài Truyền thanh liên hệ nắm thêm thông tin và chỉnh sửa lại giùm anh. Bản tin được lên sóng, anh phấn khởi vô cùng. Cảm giác lâng lâng cả ngày, gặp người thân anh khoe: “Tin của tôi đó!”. Rồi anh lại thu âm, chép tin ra giấy để tiện học hỏi.

Anh em phóng viên báo, đài tỉnh và đài huyện khi đi tác nghiệp ở xã Tạ An Khương Ðông thường được anh tiếp cận để học hỏi cách viết tin, bài. Khi Ðài Truyền thanh huyện kết hợp với Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau mở lớp tập huấn báo chí là anh tham gia liền.

Nhọc nhằn rèn giũa từng tý một, cứ thế, mỗi ngày tiến bộ một chút, anh trở thành người cán bộ trạm truyền thanh xã đầu tiên trong huyện Ðầm Dơi viết được tin và có khá nhiều tin phát sóng trên Ðài Truyền thanh huyện.

Không bằng lòng với kết quả đạt được, anh nỗ lực tập viết gương, viết bài, vốn là những thể tài báo chí khó hơn viết tin rất nhiều. Vẫn là cách học chịu khó nghe đài, chịu khó thu âm, chịu khó chép ra; chịu khó đọc báo, anh lại làm những người làm nghề chuyên nghiệp phải ngạc nhiên khi viết khá đạt yêu cầu một vài bài báo và gương người tốt - việc tốt.

Những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển, tại UBND xã Tạ An Khương Ðông đã có máy tính để bàn và có mạng internet. Anh lại bỏ ra rất nhiều thời gian để học hỏi cách sử dụng máy tính và internet. 

Ðôi bàn tay chai sần quen với việc cầm kìm, cầm vít, phải mất một thời gian khá dài để quen với việc gõ từng ký tự trên bàn phím máy tính. Ban đầu là đánh máy một tay theo kiểu “cò mổ’, rồi hai tay cùng “mổ’, và bây giờ anh có thể đánh chữ với tốc độ khá nhanh, việc vào mạng internet cũng thuần thục.

Nhưng máy tính của xã không nhiều, thường xuyên bận, việc đánh tin, bài cộng tác thường phải tranh thủ lúc anh em rỗi việc mới thực hiện được. Có khi bản tin được đánh máy xong, tính thời sự không còn.

Dù điều kiện kinh tế gia đình khá chật vật, đồng lương làm cán bộ trạm truyền thanh mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, vợ anh lại bị bệnh, nhưng vì đam mê nghiệp truyền thanh, đam mê nghề báo, sau nhiều đêm trằn trọc đắn đo, cuối cùng anh Nguyễn Út Nhỏ cũng đã quyết định mua lại 1 máy tính cũ, loại để bàn của 1 người quen trong xóm với giá 3 triệu đồng.

Ngày đầu tiên mua được máy, anh chở nguyên CPU ra tận Ðài Truyền thanh huyện nhờ cán bộ kỹ thuật của đài cài đặt phần mềm xử lý âm thanh và nhờ hướng dẫn cách sử dụng.

Về nhà, anh chủ động được việc đánh máy tin bài, xử lý âm thanh trên phần mềm chuyên dụng mới cài đặt. Tuy nhiên, một khó khăn khác là gửi tin, bài, âm thanh bằng cách nào đây? Anh lại đắn đo và quyết định chi ra số tiền mỗi tháng hơn 150.000 đồng để gắn và sử dụng internet tại nhà.

UBND xã Tạ An Khương Ðông cũng đã đầu tư cho anh một máy ghi âm bằng băng cát-sét. Khi trong tay đã có các trang thiết bị khá ổn, anh tự làm tin, đọc nội dung tin đó thu vào máy rồi gửi qua email cộng tác với Ðài Truyền thanh huyện.

Có một dạo, trong các chương trình thời sự của Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi, lời xướng “Cộng tác viên Út Nhỏ từ xã Tạ An Khương Ðông đưa tin” thường xuyên xuất hiện. Giọng đọc của anh không hay, nhưng rất ấm, rất thật. Ðiều mà người nghe thấy thích là tin tức được anh cập nhật kịp thời. Chính cái chất giọng rất ấm, rất thật này của anh đã góp phần làm đổi mới cách đưa tin và cập nhật thông tin trong chương trình thời sự của Ðài Truyền thanh huyện.

Dù tiền nhuận bút từ viết báo của anh không nhiều, hằng tháng chỉ đủ trang trải khoản chi phí mạng internet. Tiền mua máy tính đã hơn 1 năm rồi hiện nay vẫn chưa trả được, tiền thuốc của vợ hằ̀ng tháng, tiền cơm áo hằng ngày khó khăn, nhưng có sao đâu, anh vẫn cháy hết mình với nghề báo.

Ðối với anh, ngày nào không viết được tin là ngày đó trong lòng rất buồn. Anh bảo: “Bữa nào có tin được phát trên đài, hay có tin được đăng báo mình vui còn hơn cả Tết. Bữa nào có tin gửi đi nhưng không được phát, tâm trạng chờ đợi, hy vọng, rồi thất vọng, buồn khi biết tin không được sử dụng”.

Ðến nay, anh đã có rất nhiều tin, bài được đăng và phát sóng Ðài PT-TH Cà Mau, Báo Cà Mau. Ngoài ra, anh còn viết bình quân mỗi năm khoảng 300 tin cộng tác với Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi.

Ông Lữ Hoàng Triệu, Trưởng Ðài Truyền thanh huyện Ðầm Dơi, tấm tắc: “Cán bộ trạm truyền thanh xã ở trong tỉnh chắc khó có ai có thể làm được như anh Út Nhỏ”.

Ðưa tay chỉ lên vách căn nhà bằng đước đã bị mối mọt xuống cấp, trên đó có treo hàng chục bằng khen, giấy khen, anh nói với giọng đầy tự hào: “Trạm Truyền thanh Tạ An Khương Ðông đã 2 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi nghen. Còn mình cũng đã có 10 lần đạt danh hiệu tiên tiến, được UBND huyện Ðầm Dơi, Ðài PT-TH Cà Mau khen thưởng”.

Hôm nay, những người làm báo tỉnh nhà lại nô nức mừng kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Mặc dù anh Út Nhỏ chưa phải là hội viên Hội Nhà báo, cũng chẳng có thẻ nhà báo, nhưng sự miệt mài, chịu khó trong làm báo của anh là tấm gương cho nhiều người học tập. Trong sâu thẳm suy nghĩ của tôi, anh đã là một nhà báo thực thụ.

Và mấy ai làm được như anh Út Nhỏ?!./.

Bút ký của Nguyễn Tiến Thịnh

Phát thanh viên - Nghề của chúng tôi

Chỉ 5 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Ðộc lập tại Vườn hoa Ba Ðình Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Ðài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bản tin đầu tiên vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, khẳng định nền độc lập tự do của một dân tộc, một đất nước đã có chủ quyền, có tên trên bản đồ thế giới. Cũng thời điểm ấy đã khai sinh một nghề mới, đó là nghề “nói trên sóng”, mà chuyên môn gọi là xướng ngôn viên (ngày nay thống nhất gọi phát thanh viên).

CTV - Dấu ấn riêng

Ngày 18/8/2007, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau (CTV) tổ chức họp mặt Kỷ niệm 30 năm phát sóng phát thanh (19/8/1977-19/8/2007) và 20 năm phát sóng truyền hình (19/8/1987-19/8/2007). Trong chương trình văn nghệ chào mừng, thí sinh Quan Thanh Thuỷ, giải Nhất tiếng hát Phát thanh - Truyền hình Cà Mau lần thứ 7-2007 hát bài “Về Ðất Mũi” (Nhạc sĩ Hoàng Hợp - thơ Lê Chí). Lời thơ đó của Lê Chí tới bây giờ vẫn còn nhắc nhở chúng ta: “Ơi! Ðất Mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến. Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng. Ðều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân, nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng. Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn...”.

Làm báo Tết ngày ấy

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường Tuyên huấn Trung ương III phụ trách công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tuyên huấn - báo chí - tuyên truyền từ Ðà Nẵng trở vào phía Nam. Năm 1978-1979, trường này mở lớp báo chí trung hạn. Tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) có số học viên đông nhất, hơn 20 người. Cuối năm 1979, lớp bế giảng, chúng tôi về bổ sung cho Báo và Ðài Phát thanh Minh Hải (hồi đó tỉnh chưa có truyền hình).

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài cuối: Báo chí thời công nghệ số

Trong dòng chảy sôi động của Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí Cà Mau đã và đang khẳng định vai trò là tiếng nói tin cậy của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Nếu như báo chí cách mạng trong những giai đoạn lịch sử trước đây là “chiến”, thì thời đại ngày nay, sức mạnh thông tin của báo chí là tri thức. Nghĩa là báo chí phải chuyển sang cung cấp tri thức.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài 2: Những nhà báo trung dũng

Báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu ghi nhận sự dũng cảm, mưu trí, kiên gan, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bao thế hệ nhà báo trong mưa bom bão đạn để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của “người lính đi đầu” trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, cả trong thời chiến và thời bình. Nhiều người trong số họ đã anh dũng ngã xuống, hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo chí Cách mạng Cà Mau và Bạc Liêu không thể tách rời với lịch sử Ðảng bộ tỉnh của 2 địa phương - đó là khẳng định của Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Nhìn về quá khứ, “cây đại thụ” của làng báo Cà Mau - Bạc Liêu, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng, trên vùng đất ở thời kỳ làng nước còn hoang sơ, con người thưa thớt, song công việc làm báo nơi địa đầu phương Nam cũng đã được nhen nhóm, từng bước hình thành hoạt động báo chí chống kẻ thù cướp nước và bán nước.“Từ buổi bình minh cách mạng và trải qua các chặng đường đấu tranh, Báo chí Cách mạng Cà Mau - Bạc Liêu luôn hiện diện, sát cánh cùng Ðảng bộ và Nhân dân, trở thành lực lượng xung kích chiến đấu quên mình, vì mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, của cách mạng”, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri khẳng định.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài cuối: Nhìn về tương lai đầy triển vọng

Những giải pháp và phương hướng từ ngành nông nghiệp liên tục được đề xuất, triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài 2: Bài toán cân não

Câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp Cà Mau không chỉ là hành trình số hoá những ao tôm, thửa ruộng, mà là quá trình “số hoá tư duy”, điều này không dễ dàng, khi thói quen canh tác thủ công, truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của người nông dân bao đời.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững

Theo “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tích cực phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế trong số hoá nông nghiệp và môi trường. Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.