Hơn 2 tháng qua, giá cua thương phẩm xuống còn gần một nửa so với vài tháng trước, nhưng thị trường cua Năm Căn lúc nào cũng sôi động. Toàn huyện có trên 70 cơ sở đăng ký giấy phép kinh doanh cua thương phẩm bán liên tỉnh và xuất khẩu; chưa kể đến hàng chục điểm thu mua nhỏ lẻ không đăng ký, thương lái thu gom tận nhà dân. Cua của huyện được thương lái quan tâm nhiều hơn khi huyện Năm Căn đã hoàn thiện các thủ tục chờ Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Công thương công nhận nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”.
Hơn 2 tháng qua, giá cua thương phẩm xuống còn gần một nửa so với vài tháng trước, nhưng thị trường cua Năm Căn lúc nào cũng sôi động. Toàn huyện có trên 70 cơ sở đăng ký giấy phép kinh doanh cua thương phẩm bán liên tỉnh và xuất khẩu; chưa kể đến hàng chục điểm thu mua nhỏ lẻ không đăng ký, thương lái thu gom tận nhà dân. Cua của huyện được thương lái quan tâm nhiều hơn khi huyện Năm Căn đã hoàn thiện các thủ tục chờ Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Công thương công nhận nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”.
Trong khi chờ đợi chứng nhận nhãn hiệu cua Năm Căn - Cà Mau, Hội Thuỷ sản Năm Căn đã hoàn thiện các kế hoạch thành lập Ban Quản lý theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Ban quản lý nhãn hiệu cua Năm Căn hoạt động với hình thức mua bán đảm bảo ổn định thị trường, mẫu mã đẹp mắt, đúng chất lượng, tránh tình trạng dây trói cua gần bằng trọng lượng cua, gây phản cảm cho người tiêu dùng, làm xấu hình ảnh đặc sản của quê hương.
Anh Nguyễn Kim Lĩnh soi gạch cua để phân loại đóng thùng xuất khẩu. |
Ông Huỳnh Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội Thuỷ sản Năm Căn, cho biết: “Bước đầu khi đăng ký tham gia nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau, nhiều cơ sở thu mua không mạnh dạn vì họ sợ mất đi thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, sau khi hiểu rõ nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau là nhãn hiệu chung về mặt hàng cua Năm Căn, còn cơ sở thu mua vẫn giữ riêng thương hiệu của mình, các cơ sở mua bán cua rất đồng tình và cho rằng đây sẽ là tín hiệu mới cho nghề mua bán cua, “đẳng cấp” cua Năm Căn sẽ được công nhận”.
Ban quản lý cua Năm Căn được thành lập gồm nhiều ngành, lĩnh vực, các xã, thị trấn, cùng một số cơ sở thu mua cua có kinh nghiệm nhiều năm qua. Ðây là lực lượng có nhiệm vụ kiểm soát tình hình mua bán cua Năm Căn, tránh để cua các vùng khác lẫn lộn làm giảm uy tín sản phẩm đặc sản của Năm Căn. Toàn huyện có 20/70 cơ sở mua bán cua đăng ký tham gia nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau, đây là những cơ sở thu mua với số lượng lớn và uy tín.
Tham gia giữ nhãn hiệu cua Năm Căn - Cà Mau, các cơ sở kinh doanh cua sẽ được ngành chức năng đảm bảo mặt hàng và được giới thiệu thị trường tiêu thụ. Hiện nay, hội phối hợp với các ngành liên quan quảng bá cua Năm Căn với một số doanh nghiệp Malaysia và sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng sang các nước khác khi nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau được công nhận.
Cua Năm Căn được biết đến như sản phẩm tiêu biểu trên thị trường hiện nay, thường cua Năm Căn có giá cao hơn các vùng khác từ 20.000-30.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Kim Lĩnh, vựa cua khóm 6, thị trấn Năm Căn, chia sẻ kinh nghiệm phân biệt cua Năm Căn và cua ở các vùng khác: “Trong nghề thì phân biệt bằng cách quan sát trực diện và qua sức sống của cua. Ví dụ cua Năm Căn trong quá trình giao thương sống được 10 ngày, thì cua các vùng khác sống được từ 6-7 ngày. Về màu sắc, cua Năm Căn có màu xanh hơn cua các vùng khác. Ngoài ra, còn phân biệt ở độ trơn hay nhám của cua. Nếu người tiêu dùng đã từng thưởng thức cua Năm Căn thì khi mua nhầm cua vùng khác, họ dễ dàng phân biệt bởi cua Năm Căn ngọt, thơm hơn hẳn”.
Bình quân mỗi ngày, trên địa bàn huyện Năm Căn có khoảng 4-5 tấn cua thương phẩm được vận chuyển mua bán liên tỉnh và xuất khẩu. Số lượng tăng nhiều hơn vào thời điểm đầu con nước (ngày 15 hoặc 30 âm lịch hằng tháng). Khoảng cuối tháng 8 âm lịch, giá cua sẽ tăng dần và giữ mức cao vào thời điểm cuối năm. Ðây cũng là thời điểm thị trường sôi động do nông dân tập trung thu hoạch vì được giá cao.
Giữ thương hiệu cua là giữ quyền lợi của nông dân, người mua bán và kinh doanh mặt hàng này. Anh Nguyễn Kim Lĩnh cho biết thêm: “Tôi tham gia giữ thương hiệu cua Năm Căn là mong muốn mở rộng thị trường làm ăn đàng hoàng, tránh sự lẫn lộn giữa cua Năm Căn với các vùng khác bởi việc “buôn gian bán lận” trên thị trường cua tồn tại suốt thời gian qua. Mà mua bán làm ăn với người nước ngoài phải giữ uy tín. Bản thân tôi cũng không dám mở rộng làm ăn do sợ gian lận, nếu không may sẽ mất trắng”.
Cua Năm Căn - Cà Mau được người tiêu dùng biết đến về chất lượng từ trong tỉnh đến cả nước và sang thị trường nước ngoài. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ giúp nông dân, doanh nghiệp bảo vệ được sản phẩm đặc trưng của địa phương, mà còn mở ra cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác như Malaysia và tìm kiếm thị trường châu Âu. Ðây sẽ là hướng mở đầy triển vọng cho nông dân, doanh nghiệp Năm Căn, đưa đặc sản quê hương ngày càng vươn xa./.
Bài và ảnh: Thiên Kim