(CMO) Phong trào thi đua yêu nước được các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai rộng khắp, đi vào chiều sâu với những hoạt động thiết thực. Tiêu biểu là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào này có sức lan toả sâu rộng, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Cùng với cả nước, nông dân Cà Mau ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, trở thành những tấm gương cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm khi quyết tâm bám đất, làm giàu. Chính những “nông dân mới” này đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Nổi bật với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Thị Quyết, ngoài vai trò chủ thể của hội, phong trào được cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Sức lan toả trên tất cả các lĩnh vực của phong trào nông dân SXKD giỏi, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7%/năm 2019; GDP bình quân đầu người 47 triệu đồng/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015.
Là 1 trong hơn 331.000 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi giai đoạn 2015-2020, bí quyết mà lão nông Huỳnh Hải Siếu (ấp Xóm Mới, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi) chia sẻ là nuôi đa con, trồng đa cây nhưng phải gắn chặt với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với diện tích 26.000 m2 nuôi tôm, cua; 5.000 m2 trồng cây ăn trái và rau màu, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 250 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Siếu còn tích cực tuyên truyền, cung cấp tài liệu và hướng dẫn tận tình cho người dân địa phương để cùng phát triển kinh tế gia đình.
Phó chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau tham quan góc trưng bày sản phẩm tại hội nghị điển hình tiên tiến của Hội Nông dân tỉnh. |
Trong vai trò “bà đỡ” giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân tỉnh đã và đang triển khai chương trình phối hợp với các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Đến nay dư nợ uỷ thác thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 742 tỷ đồng cho gần 35.000 hội viên nông dân vay. Song song đó, nguồn vốn trên 38 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân do hội quản lý đã hỗ trợ cho trên 4.000 hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng 219 dự án phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Bên cạnh đó, xác định nông dân là chủ thể trong xây dựng NTM, các cấp hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên cùng tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh. 5 năm qua, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cán bộ, hội viên nông dân đã góp trên 106 tỷ đồng; sửa chữa và nâng cấp gần 400 km lộ bê-tông; hiến gần 47 ha đất; tham gia xây dựng, sửa chữa 75 cây cầu nông thôn… Qua đó, góp phần cùng với địa phương xây dựng hoàn thành 34/82 xã đạt chuẩn NTM, 5/19 phường, thị trấn đạt chuẩn “văn minh đô thị”.
Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, các cấp hội nông dân vận động cán bộ, hội viên tương trợ nhau (về tiền, vật chất) quy ra tiền gần 17 tỷ đồng, tạo việc làm cho 195.000 lượt lao động, có 58.341 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài ra, vận động hỗ trợ hội viên nghèo bị ảnh hưởng hạn hán, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tổng số tiền 522 triệu đồng; phối hợp các ngành vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp quỹ vì người nghèo gần 9 tỷ đồng; tỉnh hội hỗ trợ 2 căn nhà cho 2 hội viên nông dân nghèo.
Vui mừng trước những kết quả đạt được của các cấp hội nông dân trong 5 năm qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng kỳ vọng cán bộ, hội viên nông dân phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong SXKD. Đồng thời, mỗi hộ SXKD giỏi nhận hỗ trợ, giúp đỡ từ 1-2 hộ nghèo để cùng với địa phương thực hiện tốt chủ trương xoá đói giảm nghèo./.
Thanh Phương