Trong mùa khô hạn gay gắt như hiện nay, một số hộ tại xã An Xuyên vẫn duy trì canh tác rau màu nhằm cung ứng nông sản cho thị trường.
- Nuôi tôm thích ứng với hạn mặn
- “Thuận thiên” để sản xuất bền vững
- Xây dựng mô hình sản xuất - Chậm nhưng phải chắc
- Chìa khoá thúc đẩy phát triển nông thôn
Xã An Xuyên, TP Cà Mau có lợi thế gần trung tâm thành phố, lại có truyền thống canh tác nông sản lâu năm. Anh Nguyễn Văn Gol, phụ trách khuyến nông xã, cho biết: “Tổng diện tích trồng màu của xã 60-80 ha. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng, khô hạn như hiện nay, chỉ duy trì được trên 15 ha (tập trung tại Ấp 6, Ấp 8, Tân Thuộc, Tân Hiệp). Hiện tại, khó khăn chung của hầu hết hộ dân là thiếu nguồn nước tưới, do đó những loại rau màu được ưu tiên trồng là dưa leo, rau ăn lá, cà chua...”.
Ðược biết, hằng năm bước vào mùa hạn, để giúp người dân chủ động trong sản xuất, địa phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hướng dẫn bà con lựa chọn một số loại giống, cây trồng thích hợp, cũng như việc phòng trừ sâu, các loại bệnh gây hại thường phát sinh trong mùa nắng nóng, đảm bảo chất lượng và sản lượng vụ mùa.
Ông Ðoàn Văn Kha, Phó phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: “Tình hình hạn hán đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất như: thiếu nước tưới ngay từ đầu mùa khô; do nước bị sắc cạn nên chất lượng kém, không thể tưới được cho rau màu. Phần lớn các kênh mương nội đồng đang trong tình trạng khô cạn, không thể vận chuyển nông sản bằng xuồng, dẫn đến phát sinh thêm khoản phí vận chuyển bằng xe. Một số hộ chỉ duy trì trồng màu ở quy mô nhỏ, cầm cự (vườn rau gia đình, tưới bằng nước giếng khoan), không thể duy trì với quy mô lớn (sản xuất rau cung theo kiểu hàng hoá)”. Theo đó, hiện nay giá một số loại nông sản cũng tăng cao.
Nhận thấy nông sản mùa hạn tuy khó trồng nhưng lại có giá, hộ ông Phạm Ðức Bưởi, ngụ Ấp 8, có cách duy trì vụ rau mùa hạn tương đối thành công.
Tận dụng nguồn nước tưới tiêu từ việc nuôi cá, hộ ông Bưởi (trái ) trồng 1.500 gốc cà chua xung quanh các đầm cá, sản lượng 3,5 tấn/ vụ, không chỉ giảm tải được lượng chi phí tiêu tốn cho việc tiền điện bơm nước hàng tháng mà còn tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Gia đình ông Bưởi thực hiện việc nuôi cá tra, cá trê trên 10 năm nay, hiện tại ông Bưởi duy trì 4 đầm nuôi với diện tích 7.000 m2. Ông Bưởi cho biết: “Vào mùa hạn, tôi sử dụng nước giếng khoan để chủ động nguồn nước nuôi cá. Ðể tiết kiệm nước, trên bờ bao các đầm nuôi cá, tôi trồng 1.500 gốc cà chua. Nước đầm nuôi cá sau khi thay, sẽ được sử dụng để tưới cây. Hiện cà chua đang vào vụ thu hoạch cuối, sản lượng 3,5 tấn/vụ. Cách tận dụng này giúp gia đình có thêm khoản thu kha khá”.
Là nơi có diện tích trồng màu tương đối quy mô tại xã xã An Xuyên trong mùa hạn, Hợp tác xã (HTX) Thuận Ðiền, Ấp 8, hiện đang duy trì trồng hơn 1 ha dưa leo thay vì 7 ha như các vụ mùa khác. Tình hình thiếu nước tưới diễn ra từ tháng 1 kéo dài đến nay. Theo đó, để có lượng nông sản ổn định giao cho thương lái, HTX chủ động áp dụng nhiều biện pháp canh tác, sao cho vừa tiết kiệm nguồn nước tưới, lại phòng trừ được sâu bệnh gây hại.
Ðể cung ứng lượng nông sản cho thương lái tại chợ đầu mối, HTX Thuận Ðiền duy trì hơn 1 ha dưa leo trồng trong nhà màng.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc HTX, cho biết: “Ngay từ đầu tháng 3, HTX đầu tư dựng nhà màng để duy trì vụ trồng màu, cách làm này hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, nâng mức an toàn của nông sản so với trồng thông thường. Hiện tại, nguồn nước tưới chủ yếu vẫn là từ giếng khoan. Dưa leo là loại cây trồng chịu hạn, tuy nhiên để tiết kiệm nước, HTX áp dụng tưới nhỏ giọt và phun sương. Ngoài ra cũng sử dụng thêm rơm rạ để phủ nền đất, hạn chế thoát nước, giữ ấm cho rễ cây trồng. Sản lượng thu được từ 2,5-3 tấn/1.000 m2/vụ. Hiện tại, dưa đang hút hàng, giá cao, từ 12-14 ngàn đồng/kg, nhưng cung không đủ cầu”.
Bên cạnh việc duy trì canh tác cầm chừng trong mùa hạn, nhiều hộ đang chuẩn bị các điều kiện cho vụ mùa sản xuất sắp tới. Hiện tại, các phần việc như làm đất (cuốc, xới, phơi ải), chuẩn bị giống, nguyên vật liệu... đã và đang được bà con chủ động tiến hành./.
Ngô Nhi