ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-11-24 14:42:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người Khmer hướng về Sene Dolta

Báo Cà Mau (CMO) Mọi người trong nhà ông Danh Văn Út đang quây quần gói bánh tét trong tiếng cười rôm rả. Năm nay, gia đình ông gói 50 đòn bánh vừa để cúng ông bà, dâng sư sãi và chiêu đãi, làm quà biếu khách đến chơi nhà trong dịp lễ Sene Dolta. Với đồng bào Khmer, Sene Dolta hay còn gọi là lễ cúng ông bà, tổ tiên, là lễ thức không thể thiếu trong đời sống, vừa bày tỏ lòng biết ơn, vừa cầu phước cho linh hồn các bậc sinh thành, tổ tiên, người trong thân tộc đạt được những điều tốt lành, là phúc đức của người đang sống đối với người đã mất.

 

Đồng bào Khmer gói bánh tét cúng ông bà trong ngày Sene Dolta.

Trong ngày lễ Sene Dolta, mỗi gia đình người Khmer đều có gói bánh tét, số lượng nhiều ít tuỳ theo điều kiện kinh tế. Về ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình sinh sống gần 20 năm, ông Danh Văn Út phấn khởi khi kinh tế gia đình ngày một phát triển, qua đó việc chuẩn bị lễ vật cúng ông bà, dâng sư sãi ở chùa cũng tươm tất hơn.

“Từ khi chuyển dịch sang nuôi tôm, đời sống người dân ở đây ngày càng tốt hơn. Nhờ có 1 ha đất nuôi tôm mà tôi nuôi 3 con ăn học đàng hoàng. Đứa lớn học ngành Dược, nhưng khi tốt nghiệp xong về cưới vợ rồi làm vuông nuôi tôm vì kinh tế ổn định. Con gái học ngành Luật và làm cho một công ty luật tư nhân trên thành phố, con gái út mới tốt nghiệp lớp 12. Ở ấp Đường Đào này, lớp trẻ người Khmer đa phần đều được ăn học đàng hoàng, có việc làm ổn định, đứa không học nhiều cũng đi làm công nhân trong và ngoài tỉnh, tôi rất tự hào về đồng bào mình”.

Anh bạn đi cùng cũng là người Khmer giải thích thêm: “Người Khmer có nhiều lễ hội lớn, nhỏ trong năm, nhưng có 3 lễ hội lớn nhất: Tết Chôl Chnăm Thmây (tết năm mới), Sene Dolta (lễ hội cúng ông bà, tổ tiên) và lễ hội dâng y. Hầu như các lễ hội lớn, nhỏ trong năm đều được thực hiện tại chùa là chính. Không phải lễ hội nào cũng kéo dài, ngày nay tuỳ theo địa phương mà thời gian của các lễ cũng rút ngắn lại cho phù hợp với đời sống hiện đại và điều kiện kinh tế”.

Chùa chính là trung tâm sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của người Khmer, vì thế mỗi khi tổ chức lễ hội, bà con đều tụ hội về đây. Ngoài việc hành lễ, người dân còn tham gia các hoạt động vui chơi, múa hát, qua đó thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình làng xóm. Sene Dolta về cơ bản tương tự như lễ Vu lan. Ông Thạch Xà Rin, Trưởng ban Quản trị chùa Cao Dân, cho biết: “Sene Dolta còn được nhiều người gọi là lễ “xá tội vong nhân”. Lễ là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phúc cho những người đang sống".

Ngồi phụ gói bánh tét cùng mọi người trong gia đình, ông Danh Văn Út cho biết: “Lễ Sene Dolta diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất tổ chức tại nhà. Các gia đình dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Phật, chuẩn bị chăn, màn, chiếu, gối và bộ quần áo mới để rước ông bà về dự. Ngày thứ hai, các gia đình chuẩn bị lễ vật như: mía, bánh tét, khoai mì, khoai từ (còn sống)... mang lên chùa để cúng. Ngày cuối cùng là ngày cúng tiễn đưa vong linh ông bà”.

Với ý nghĩa nhân văn to lớn là thể hiện lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, ông bà tổ tiên, chính vì vậy, dù con cháu đi làm ăn xa xôi cũng tranh thủ sắp xếp công việc để về sum họp gia đình vào ngày cuối cùng của lễ. Ông Thạch Văn Việt, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Sene Dolta, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ phẩm như cơm vắt, bánh tét, bánh ít... để cúng ông bà, tổ tiên với tất cả tấm lòng thành kính. Con cháu về quy tụ thể hiện lòng thành kính, biết ơn người đã khuất, đồng thời là dịp  sum họp gia đình”.
Sene Dolta không phải là lễ chịu tuổi hay tết mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây nên không diễn ra náo nhiệt nhưng mang đậm nét văn hoá cộng đồng, tính nhân văn sâu sắc. Người Khmer tổ chức lễ hội này không chỉ để tưởng nhớ công ơn những người đã khuất, mà còn thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà còn sống. Đây là dịp để con cái bày tỏ lòng tôn kính, hiếu đạo của mình đối với đấng sinh thành, những thứ ngon vật lạ con cái làm cho cha mẹ dùng, cung phụng tiền bạc, sắm sửa quần áo mới cho cha mẹ. Lễ hội còn tổ chức vui chơi, múa hát những làn điệu truyền thống Khmer tại chùa cũng như tại các gia đình.

Người Khmer Cà Mau ngày càng chí thú làm ăn nên cuộc sống khấm khá hơn, chính vì thế  những lễ phẩm cúng trong Sene Dolta cũng tươm tất. Những nét đẹp văn hoá được họ giữ gìn và phát huy. Một số địa phương có đồng bào Khmer, lễ Sene Dolta được tổ chức ngắn và gọn hơn so với trước đây, nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ ý nghĩa./.

Đặng Duẩn

Tăng tốc hoàn thiện các công trình, phần việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc

Sáng nay (3/11), Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Nguyễn Minh Luân và Lê Văn Sử đồng chủ trì cuộc họp rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954-2024.

Chị Yến

Năm 1953, các trường trung học kháng chiến đưa học sinh đi tính thuế nông nghiệp. Chị Yến trong đoàn học sinh Bạc Liêu đến xã Tân Phú, huyện Hồng Dân làm nhiệm vụ. Thuế nông nghiệp tính theo 3 bậc: “lãnh canh”, “trực canh”, “phát canh”; ưu tiên cho nghèo làm đất mướn (lãnh canh) và có đất tự làm (trực canh) và tăng 25% đối với điền chủ cho mướn đất thu tô (phát canh). Do đó, phải có trình độ bút toán khá mới tính thuế nông nghiệp được.

Tăng cường “phủ xanh” thông tin tích cực, ngăn chặn thông tin xấu độc

Tăng cường "phủ xanh" thông tin tích cực, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, làm trong sạch không gian mạng là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của tất cả công dân Việt Nam yêu nước.

Nhớ những ân tình trên đất Bắc

Trong rất nhiều câu chuyện của các cô chú đi tập kết 1954, mỗi người một độ tuổi, một vị trí công tác và ở những địa phương khác nhau, nhưng hầu như câu chuyện nào cũng nhắc đến sự cưu mang, nhường cơm sẻ áo của đồng bào miền Bắc.

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.