ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 2-4-25 02:55:30
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Báo Cà Mau Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Khi kể về ông ngoại mình, là cụ Lê Khắc Xương, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), Kiến trúc sư Mai Lê Minh có nhắc đến tên “chùa Cộng sản” nghe là lạ, khiến tôi tò mò.

Nhưng ông Minh phân trần, chỉ nghe mẹ ông và mấy người lớn tuổi trong dòng họ bảo, đó là nơi ông ngoại mình từng tổ chức họp hội bí mật, còn chi tiết thế nào ông không rõ. Những người lớn tuổi biết chuyện giờ hầu hết đã về với tổ tiên...

“Ngôi chùa” không tiếng mõ...

May mắn thay, tại đám giỗ một người trong dòng họ, ông Minh giới thiệu chúng tôi gặp Nhạc sĩ Lê Lương (người gọi cụ Lê Khắc Xương bằng ông chú ruột), là người ít nhiều biết được thông tin về những hoạt động của cụ gắn với “ngôi chùa” này.

Nhạc sĩ Lê Lương tuổi đã gần 90, nhưng còn rất minh mẫn. Theo lời kể của ông, “chùa Cộng sản” thực chất là ngôi thờ tự mà cụ Lê Văn Hiền (thân phụ của Lê Khắc Xương) dựng nên để tu tại gia vào những năm cuối đời, toạ lạc bên bờ kênh Rạch Rập, cạnh con rạch Nàng Âm (thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước ngày nay).

Cụ Hiền là người có ý chí, cần mẫn khai phá đất đai, tạo lập được cuộc sống khá giả, nuôi dạy 8 người con. Cụ sống giản dị, chân tình, luôn quan tâm, sẻ chia cùng bà con, làng xóm. Nhưng cụ cũng là người khá bảo thủ, từng cấm các con học chữ quốc ngữ vì sợ làm tay sai cho Tây, đồng thời cũng nghiêm cấm con cái làm “quốc sự”.

Cụ Lê Văn Hiền, thân sinh cụ Lê Khắc Xương, người lập “chùa Cộng sản”. (Ảnh gia đình cung cấp)

Cụ Lê Văn Hiền, thân sinh cụ Lê Khắc Xương, người lập “chùa Cộng sản”. (Ảnh gia đình cung cấp)

Thế nhưng, con út cụ là Lê Khắc Xương (sinh năm 1904) lại là một người có ý chí mạnh mẽ. Từ nhỏ, Lê Khắc Xương đã bộc lộ khí chất quyết liệt, vượt khỏi khuôn phép gia đình, sau này thì dấn thân vào con đường cách mạng.

Thuở thiếu thời, vốn không thích học chữ nho nhưng thông minh nên Lê Khắc Xương lĩnh hội rất nhanh những điều thầy dạy. Cậu bé phải kiên trì nài xin hơn một năm mới được cha cho vào học trường làng. Nhưng không may, đến giữa năm lớp 2, cụ Hiền phát hiện thầy giáo có dạy chữ “Tây” cho con mình, thế là Lê Khắc Xương bị bắt về tập làm những công việc của nhà nông, không được bén mảng đến trường thêm ngày nào nữa.

Năm 18 tuổi, vì không muốn kết hôn với người xa lạ do cha mẹ sắp đặt, Lê Khắc Xương đã rời quê nhà lên Cần Thơ và làm thuê cho một cơ sở tranh sơn mài. Thời gian này, ông tranh thủ tự học thêm chữ quốc ngữ, dành nhiều thời gian đọc sách báo, giao du với những người có học thức, quan sát thời cuộc và bắt đầu con đường hoạt động cách mạng.

Chân dung cụ Lê Khắc Xương. (Ảnh gia đình cung cấp)

Chân dung cụ Lê Khắc Xương. (Ảnh gia đình cung cấp)

Ðến năm 1930, ông trở về làng Thạnh Phú, tích cực truyền bá tư tưởng độc lập, vạch rõ con đường giải phóng dân tộc, đấu tranh chống áp bức, bất công... đồng thời giới thiệu những tấm gương yêu nước tiêu biểu đến người thân, bạn bè và đặc biệt là thế hệ con cháu trong dòng tộc.

Bấy giờ ông đã lập gia đình với người mình chọn. Vì vi phạm vào điều cấm kỵ của cha, Lê Khắc Xương bị truất quyền thừa tự nên cuộc sống khá vất vả. Dẫu vậy, ông vẫn kiên định với lý tưởng đã theo đuổi và luôn nhận được sự đồng hành, sẻ chia từ người vợ.

Năm 1935, cụ Lê Văn Hiền mất, cụ bà Nguyễn Thị Biên lập vi bằng giao quyền thừa tự lại cho Lê Khắc Xương. Bấy giờ, ông đã dùng chính ngôi nhà từ đường của gia đình tại rạch Bà Ðiều, xã Thạnh Phú (nay thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) làm địa điểm tổ chức hội họp và liên lạc với các nơi. Giữa năm 1936, để đảm bảo bí mật, ông đã sử dụng ngôi thờ tự của cụ Hiền làm nơi hội họp và che mắt địch bằng cách bố trí các đám giỗ của những người trong họ tộc.

Nơi này, từng đón tiếp các đồng chí: Nhật Quang (cán bộ Xứ uỷ), Tào Văn Tỵ, Nguyễn Văn Tạo, Phan Ngọc Hiển, Văn Trung Thành, Bùi Thị Trường... những cán bộ tiền khởi nghĩa, từng làm nên một thời cách mạng sục sôi ở vùng đất Nam Bộ - Cà Mau.

Người dân trong vùng lúc đầu không biết, ban đêm đi ngang nơi này thấy có ánh đèn lập loè, có tiếng thì thào... họ đồn đại ở đó có ma, là "binh” của ông cụ. Về sau, khi biết đây là nơi tụ họp của những người cách mạng, họ gọi ngôi thờ tự này là “chùa Cộng sản”.

Bà Nguyễn Thị Cẩn, vợ cụ Xương, cũng đóng vai trò hậu cần, lo liệu cho chồng và các đồng chí ông. Theo chỉ đạo của tổ chức, Lê Khắc Xương và vợ còn thành lập một cơ sở sản xuất gây quỹ tự túc cho tổ chức và đoàn thể hoạt động.

Ðến năm 1939, khi Lê Khắc Xương và nhiều đồng chí ông bị bắt, bị lưu đày ở Bạc Liêu, Sài Gòn, Côn Ðảo, Bà Rá... thì “chùa Cộng sản” cũng không còn hoạt động.

Tự hào truyền thống gia tộc

Giữa đầu năm 1945, hay tin Nhật đảo chính Pháp, Lê Khắc Xương vượt ngục trở về tiếp tục khôi phục cơ sở cách mạng. Tháng 7/1945, Tỉnh uỷ lâm thời khu vực Bạc Liêu thành lập, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ nhiều chức vụ: Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (chính thức), Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu, Phó giám đốc Sở Ngân khố Nam Bộ...

Năm 1954, khi diễn ra sự kiện tập kết, ông làm Trưởng ban Tập kết của tỉnh, sau đó xuống tàu đi tập kết theo sự sắp xếp của cấp trên. Ngày thống nhất đất nước, tuổi cao, ông nghỉ hưu và về quê sống thanh đạm cho đến khi mất, năm 1978. Theo nguyện vọng, ông được an táng tại khu mộ gia tộc, bên cạnh song thân ở quê nhà (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước).

Kiến trúc sư Mai Lê Minh chia sẻ, suốt cuộc đời, ông ngoại mình luôn sống giản dị, hy sinh cả lợi ích cá nhân cho lý tưởng cách mạng. Dù có giai đoạn bị hàm oan, bị quên lãng, nhưng cuối cùng, thời gian và lịch sử đã trả lại cho ông sự trong sạch và niềm tự hào.

Nhạc sĩ Lê Lương xúc động kể, cụ Lê Khắc Xương là người đầu đàn trong dòng họ đi theo cách mạng, truyền cảm hứng cho biết bao con cháu tiếp bước. Từ đó, dòng họ Lê có nhiều người hoạt động cách mạng, không ít người đã hy sinh. Sau này, rất nhiều con cháu học hành thành đạt và có những đóng góp nhất định cho đất nước. Có một số giữ chức vụ cao về mặt chính quyền, quân đội... Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau hiện nay, ông Lê Văn Sử, cũng là con cháu trong dòng họ.

Nhạc sĩ Lê Lương (người thứ tư từ trái sang) cùng con cháu trong họ tộc trong một lần họp mặt.

Nhạc sĩ Lê Lương (người thứ tư từ trái sang) cùng con cháu trong họ tộc trong một lần họp mặt.

Cũng theo Nhạc sĩ Lê Lương, sau năm 1945, khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Khắc Xương đã chủ trương thành lập Trại Nhi đồng - Trường Thiếu nhi, Thiếu sinh quân Huỳnh Phan Hộ (tại ấp Tân Hoà, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi ngày nay) để tập hợp con cháu của liệt sĩ, cán bộ đào tạo nguồn cho tương lai. Về sau trường dời sang bên kia sông Bảy Háp phát triển thành Trường Trần Quốc Toản của Nam Bộ. Ngôi trường này đào tạo rất nhiều con em cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam. Năm 1954, nhiều học sinh của trường được đưa ra Bắc học tập, rất nhiều người thành đạt ở tất cả các lĩnh vực. Phó giáo sư, Nhạc sĩ Ca Lê Thuần và hai người em Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Ca Lê Hồng thuở nhỏ cũng học ở trường này. Ông Lê Lương cũng là học sinh của trường và được thầy dạy nhạc là Huỳnh Tử Cao (Nhạc sĩ Thanh Trần, đã hy sinh) dạy nhạc. Ðó cũng là nền tảng để sau này ông theo con đường âm nhạc và có nhiều sáng tác phục vụ kháng chiến.

Thêm một điều khiến dòng họ này rất tự hào, họ chính là hậu duệ của Tả quân Lê Văn Duyệt - một danh tướng triều Nguyễn và cụ Lê Khắc Xương chính là cháu đời thứ 5. Truyền thống ấy, như một dòng chảy thiêng liêng, khiến mỗi người con trong họ tộc phải nhắc mình sống cho xứng đáng.

Một ngày đến thăm nơi “chùa” xưa, lặng nhìn những tảng đá rêu phong còn sót lại, chợt nghe như trong gió tiếng thì thầm của một thế hệ đã qua. Và tôi chợt ước mong, câu chuyện này một ngày nào đó sẽ được nhắc lại bằng bia đá, để đời sau không quên rằng: Nơi đây từng hiện diện “ngôi chùa”, có một thời không tiếng gõ mõ, tụng kinh, mà chỉ vang lên lời thề vì đất nước./.

 

Trang Thăm

 

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.

Tri ân người mở cõi

Ðầu xuân năm nay tôi được dự lễ khánh thành khu mộ thân tộc ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu, tại ấp Bàu Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Chung quanh khu nghĩa mộ có mấy công trình phụ nhưng ý nghĩa đáng để mọi người suy ngẫm. Ðó là hồ sen, tuy diện tích không lớn nhưng ông Liêm giải thích sen là “Quốc hoa” của dân tộc Việt Nam, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phía tay phải là một hồ khác để nuôi cá các loại, chim le le và vịt trời. Phía sau công trình là một bờ cây đước xanh rờn, cao lớn.

Thêm hiện vật quý thời chống Pháp

Vừa qua, trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Cà Mau vinh dự được tiếp nhận một số hiện vật vô cùng quý giá, gồm 47 hình ảnh và 11 hiện vật liên quan đến 2 nhân vật lịch sử nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, là Trần Văn Đại (Bí thư Tỉnh uỷ 1939-1940) và Trần Văn Thời (Bí thư Tỉnh uỷ 1940-1941). Toàn bộ số hiện vật này được ông Trần Hoà Bình, con trai của ông Trần Văn Đại (Tám Đại) hiến tặng.

Ba ông già tuổi tỵ

Ðó là ba ông già cùng làm ở Xưởng Quân giới (XQG) Cà Mau thời kháng chiến chống Mỹ. Nói về XQG này thì những người cùng thời, tham gia kháng chiến ở Cà Mau, hầu như ai cũng biết. Họ hay gọi là xưởng ông Ba Thợ Rèn (thường gọi là Ba Lò Rèn), vì ông Ba Thợ Rèn (Nguyễn Trung Thành) là người chịu trách nhiệm lập xưởng (đầu năm 1960) và rất nổi tiếng với việc sản xuất đạn pháo lăn-xà-bom, được tuyên dương anh hùng ngay đợt đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ (năm 1965); xưởng cũng hai lần được tuyên dương anh hùng.

Đi B

Nhà Bác sĩ Nguyễn Văn Thể nằm trên đường Hoàng Diệu, Phường 2, TP Cà Mau. Gian trước dành một khoảng khiêm tốn làm phòng mạch, thỉnh thoảng có vài bệnh nhân quen tới khám. Kế trong là bàn tiếp khách. Khắp phòng treo khá nhiều tranh ảnh nghệ thuật. Một cây đàn trên giá. Khi không có bệnh nhân thì ông thường ôm đàn, phong cách rất nghệ sĩ, và ông cũng thích giao du với giới văn nghệ sĩ Cà Mau.