Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, khai thác thuỷ sản (KTTS) và dịch vụ hậu cần nghề cá được xác định là một trong những thế mạnh. Theo đó, để có sự phát triển toàn diện, đồng bộ, tương xứng với tiềm năng, nhất thiết phải đi đôi với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, làm nền tảng cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhất là về vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng biển các nước Ðông Nam Á; ngư trường rộng (khoảng 71.000 km2), trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại; có đội tàu khai thác hải sản khá mạnh về cả số lượng và công suất. Ngoài ra, tỉnh còn có đường bờ biển dài với hơn 254 km, dọc theo đó là hàng loạt cửa sông thông ra biển, trong đó có 10 cửa biển lớn, có thể kể đến như: Gành Hào, Hố Gùi, Bồ Ðề, Rạch Gốc, Rạch Tàu, Cái Ðôi Vàm, Ông Ðốc, Ông Trang, Bảy Háp, Khánh Hội...
Còn thiếu đồng bộ
Từ đó, vùng biển của tỉnh được đánh giá là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu, trú bão, phát triển kinh tế biển, giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thuỷ sản như: nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn... có giá trị kinh tế cao. Nước mặn cũng đã được xác định là nguồn tài nguyên lớn của tỉnh trong phục vụ nuôi trồng thuỷ sản tạo ra giá trị cao, đóng góp khối lượng ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế thời gian qua.
Sản lượng thuỷ hải sản cung cấp cho thị trường trung bình trên 220 ngàn tấn/năm, nghề khai thác biển đã chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chia sẻ, chỉ tính riêng thị trường Châu Âu, mỗi năm nghề KTTS mang về cho tỉnh hơn 100 triệu USD. Không chỉ vậy, với đội tàu hơn 5 ngàn chiếc lớn nhỏ đã tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 20 ngàn lao động và hàng chục ngàn lao động từ các nghề dịch vụ hậu cần nghề cá.
Không chỉ mang về sản lượng hơn 220 ngàn tấn thuỷ hải sản, nghề khai thác còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề khai thác đang đối diện với không ít khó khăn, nhất là kể từ khi Uỷ ban Châu Âu (EC) rút thẻ vàng cảnh báo đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam thì 100% các lô hàng xuất khẩu qua thị trường này bị kiểm soát, phải mất thêm rất nhiều thời gian, có khi phải vài tháng và phát sinh thêm chi phí. Từ đó, giá sản phẩm của ngư dân bị giảm sút, khiến một số ngư dân gặp khó khăn.
Bên cạnh khó khăn phát sinh do thẻ vàng, thì cơ sở hạ tầng nghề cá như: hệ thống cảng cá; khu neo đậu tránh trú bão; luồng lạch; các cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá; cơ sở thu mua sản phẩm đầu ra, cung cấp đầu vào KTTS... chưa được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu thực tế, cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của kinh tế biển.
Với mục tiêu phát triển nghề KTTS bền vững, thời gian qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá, nhất là hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão. Hiện toàn tỉnh có 5 cảng cá đã công bố mở cảng và đưa vào hoạt động, gồm 3 cảng cá loại II (cảng Cà Mau, Rạch Gốc, Sông Ðốc) và 2 cảng cá loại III (cảng Hố Gùi, Cái Ðôi Vàm), trong đó có 2 cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác (Rạch Gốc và Sông Ðốc) và 1 cảng cá cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng (Cái Ðôi Vàm). Ngoài ra, hiện tỉnh có 4 khu neo đậu tránh trú bão đang hoạt động, gồm 2 khu cấp vùng (Ông Ðốc, Rạch Gốc), 2 khu cấp tỉnh (Khánh Hội, Cái Ðôi Vàm).
Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các biến động phức tạp của thiên nhiên, dẫn đến nhiều cửa biển trên địa bàn tỉnh cũng như luồng vào cảng và vùng nước trước các cảng cá đã và đang bị phù sa bồi lắng nhanh. Cửa biển Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân là một trong những nơi đang rơi vào trường hợp này.
Ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết, cửa biển đã bị bồi lắng nhiều năm qua nhưng chưa được nạo vét, dẫn đến gây cản trở tàu bè KTTS ra vào cửa, khó khăn để cập cảng bốc dỡ hàng hoá và neo đậu tránh trú khi có bão. Từ đó, hiệu quả khai thác giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Cửa biển Cái Ðôi Vàm đã được đầu tư cảng cá đạt loại III, đưa vào hoạt động năm 2017, đến ngày 23/11/2023, Bộ NN&PTNT có quyết định công bố Cảng cá Cái Ðôi Vàm cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng. Diện tích chung toàn cảng cá hơn 1.640 m2 và công suất thiết kế có thể bốc dỡ hàng khoảng 10 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Cảng cá Cái Ðôi Vàm mang lại hiệu quả thấp. Chẳng hạn như, năm 2023, sản lượng thuỷ sản qua cảng là 1.592 tấn, tức chỉ đạt 15,9% so với công suất thiết kế. Nguyên nhân chính được xác định là do cửa biển bị bồi lắng, rất cạn.
Là cảng cá loại II, được Bộ NN&PTNT chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác, thế nhưng Cảng cá Rạch Gốc, thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) cũng được đánh giá là hiệu quả hoạt động đạt thấp. Chỉ tính riêng năm 2023 vừa qua, lượng hàng hoá bốc dỡ qua cảng cũng chỉ khoảng 18,1% so với công suất thiết kế. Nguyên nhân do tuyến đường giao thông và cầu đấu nối từ cảng ra đường Hồ Chí Minh vừa nhỏ, vừa bị hạn chế tải trọng và đã xuống cấp, gây khó khăn, tăng chi phí cho việc vận chuyển hàng hoá.
Sông Đốc là nơi có lượng tàu lớn nhất tỉnh.
Ngược lại, tại Cảng cá Sông Ðốc (loại II), với quy mô diện tích toàn cảng hơn 30.498 m2 và công suất thiết kế bốc dỡ hàng là 45 ngàn tấn/năm, sau thời gian đưa vào hoạt động thì hiện trở nên quá tải. Trong năm 2023, sản lượng thuỷ sản qua cảng là 61.250 tấn, đạt 136,11% so với công suất thiết kế.
Riêng đối với những khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, sau thời gian đưa vào hoạt động đều có chung hiện trạng là các trụ neo bị hư hỏng (trừ Khánh Hội) cần được sửa chữa, nâng cấp, thậm chí có nơi đã bị người dân và các doanh nghiệp lấn chiếm đất khu trú bão (Sông Ðốc).
Cửa biển Sông Ðốc hiện có 34 cơ sở thu mua, chế biến thuỷ sản khai thác.
Cần hơn 5.239 tỷ đồng
Trước thực tế ấy, để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, góp phần hiện đại hoá ngành thuỷ sản; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân vùng ven biển; đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu, góp phần cho nghề KTTS phát triển mạnh và bền vững... UBND tỉnh vừa có Quyết định 1587/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đề án đặt ra là tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn thành 13 cảng cá, gồm 1 cảng cá loại I, 6 cảng cá loại II và 6 cảng cá loại III; nâng tổng sản lượng thuỷ sản qua cảng đạt từ 193 ngàn tấn/năm. Ðảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý nghề cá, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác, ngăn chặn các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn thành 13 khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo sức chứa lên đến 7.700 tàu cá vào neo đậu tránh trú bão an toàn. Tiến hành nạo vét, khơi thông luồng vào cảng và khu neo đậu, có biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự bồi lắng tự nhiên, đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào, cập cảng bốc dỡ hàng hoá và neo đậu tránh trú khi có dông, bão xảy ra.
Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá ở cửa Khánh Hội, huyện U Minh, đã được đầu tư kè bảo vệ dài 326 m bờ khu neo đậu, cùng 85 trụ neo, phục vụ tàu cá có công suất lên đến 150 CV.
Ðể thực hiện hoàn thành các mục tiêu trong đề án này, toàn tỉnh cần khoảng 5.239 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 1.541 tỷ đồng, ngân sách địa phương 657 tỷ đồng, còn lại 3.040 tỷ đồng là nguồn vốn huy động, vốn xã hội hoá, vốn hợp pháp khác.
Ngoài cảng cá và khu neo đậu, thời gian qua, các cơ sở hạ tầng nghề cá khác trên địa bàn đang từng bước phát triển, cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu hoạt động cho nghề KTTS. Cụ thể, có 5 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đã được công bố; 52 cửa hàng xăng dầu tại các cửa biển; 159 cơ sở sản xuất nước đá; 129 cơ sở thu mua, chế biến thuỷ sản tại các cửa biển... |
Nguyễn Phú