Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) không chỉ hướng đến lợi ích thuần tuý kinh tế mà còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội của vùng nông thôn. Tuy nhiên, để một sản phẩm từ làng, xã vươn tầm, đủ sức để tham gia, cạnh tranh sòng phẳng, khẳng định vị trí vững chắc ở sân chơi lớn, thị trường chung thì không phải là điều đơn giản.
- Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức
- OCOP góp phần giải quyết việc làm
- Họp hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024
Đến cuối năm 2024, tỉnh Cà Mau có 166 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 29 sản phẩm 4 sao, còn lại đạt 3 sao và chưa có sản phẩm đạt 5 sao. Cũng cần phải nói thêm, việc gắn sao cho các sản phẩm cũng là để nhận diện giới hạn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm OCOP khi tham gia thị trường lớn. Có thể nói nôm na, 3 sao là sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở cấp tỉnh, thành; 4 sao là thị trường cả nước và 5 sao là để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Cùng với các cấp độ là những tiêu chí, quy định cụ thể mà sản phẩm phải đáp ứng được.
Dễ thấy, phần lớn sản phẩm OCOP của Cà Mau gắn với các mô hình khởi nghiệp, kinh tế tập thể và các nghề truyền thống của địa phương. Bước đầu, sản phẩm OCOP đã hoàn thành mục tiêu khai thác những tiềm năng về tài nguyên sản vật, giá trị truyền thống, tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn. Sản phẩm OCOP của địa phương đã gia tăng tích cực về số lượng nhưng khả năng cạnh tranh và vươn tầm đứng trước nhiều thách thức lớn với rào cản, sức ì từ tư duy, thói quen, cung cách sản xuất cũ, những hạn chế về nguồn lực đầu tư.
Một thực tế khác, đó là việc các sản phẩm OCOP tại Cà Mau tương tự, na ná nhau và chưa có những sản phẩm thật sự bứt phá về tính đặc sắc, độc đáo và chất lượng cao để trội lên và khẳng định vị trí một cách thuyết phục. Câu chuyện ở đây có thể hình dung là, trong nhiều sản phẩm của một chủ thể, cần chọn ra một hoặc một số sản phẩm tiêu biểu nhất để nâng cấp, đầu tư trọng tâm; tương tự, ở mỗi xã, mỗi huyện, rồi đến cấp độ tỉnh, thành và cả nước, cần phải có những sản phẩm nổi trội, đủ sức đại diện, tham gia và khẳng định vị thế trong thị trường chung.
Ðể đáp ứng được những yêu cầu rất cao, rất khắt khe của thị trường chung, các sản phẩm OCOP Cà Mau không chỉ dừng ở mức cung cấp "cái mình có", mà phải hướng tới "cái thị trường cần" và đảm bảo các điều kiện, quy định, luật lệ của một cuộc chơi lớn, sân chơi chung. Chưa bàn ở cấp độ 5 sao, với những sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở cấp độ thị trường trong nước, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, quy định.
Theo anh Nguyễn Minh Thái, người sáng lập Hợp tác xã Mắm cá mào gà xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, thì câu chuyện của các sản phẩm OCOP gắn với các nghề truyền thống, thủ công chỉ có thể hướng đến mức độ cao nhất là thị trường trong nước. “Việc đáp ứng được đòi hỏi rất cao về các tiêu chuẩn của quốc tế là bất khả thi với hầu hết các sản phẩm OCOP sản xuất theo lối thủ công truyền thống. Do đó, khi xây dựng sản phẩm OCOP, cần phải có tầm nhìn, dự báo và đánh giá được ngưỡng tối đa mà sản phẩm có thể vươn tới để tính toán phù hợp”, anh Thái chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Thái sử dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cá khô truyền thống.
Cà Mau đang cho thấy hướng đi đúng với việc xây dựng Chương trình OCOP theo chiều rộng để gia tăng số lượng sản phẩm, đồng thời tính toán và hoạch định chiến lược về chiều sâu cho những sản phẩm trọng điểm. Việc chọn đúng sản phẩm, đúng chủ thể để tập trung phát triển là vấn đề quan trọng để Cà Mau có được những sản phẩm OCOP chủ lực cho những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Dù sản phẩm OCOP của tỉnh đã có những tín hiệu tích cực khi có 56 sản phẩm của 22 chủ thể được đưa vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, nhưng đó cũng chỉ là những bước đi đầu tiên.
Một gợi ý khác, như tâm huyết “nghĩ lớn, làm lớn” của anh Lâm Quốc Nhựt với sản phẩm chủ lực là nước sơ ri đóng chai gắn với thương hiệu Halofai. Ðầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại hướng đến đáp ứng các tiêu chí quốc tế, sản phẩm của Halofai tập trung cho mục tiêu cao nhất là đủ sức cạnh tranh, khẳng định vị thế ở cả thị trường trong và ngoài nước. “Ðể sản phẩm vừa đặc sắc, vừa đạt chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đáp ứng hàng loạt quy định khác của Chương trình OCOP, cần phải có cơ chế phù hợp, quyết tâm lớn, nguồn lực lớn, tư duy lớn và cách làm lớn. Sản phẩm OCOP muốn nâng tầm thì không cách gì khác là phải tận dụng khoa học công nghệ để hướng đến chế biến sâu, chuẩn hoá chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế”, anh Nhựt quả quyết.
Anh Lâm Quốc Nhựt vận hành thử dây chuyền hiện đại sản xuất nước sơ ri đóng chai.
Chế biến sâu, gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị gia tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn chung của thị trường đang là yêu cầu cấp thiết đối với các sản phẩm OCOP của Cà Mau. Với những ngành hàng chủ lực đã được khẳng định, các ngành nghề truyền thống phong phú, độc đáo, Cà Mau có nền tảng tốt để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP về cả số lượng lẫn chất lượng. Ðó cũng là cơ sở để địa phương dần định hình những sản phẩm chủ lực chiến lược để tập trung phát triển thực sự trở thành những sản phẩm OCOP, mang lại sự giàu đẹp và lan toả niềm tự hào của quê hương./.
Phạm Hải Nguyên