Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vùng cực Nam Tổ quốc, mà còn được biết đến với thế mạnh nghề nuôi nghêu - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Không còn người khai thác nghêu giống khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau
- Nỗ lực ngăn chặn khai thác nghêu giống trái phép
- Ðặc sản khô nghêu
“Vùng đất vàng” của nghề nuôi nghêu
Nằm trong vùng rừng ngập mặn xã Ðất Mũi, bãi Khai Long trở thành “thủ phủ” của nghề nuôi nghêu nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.
Bãi Khai Long sở hữu điều kiện tự nhiên hiếm có: bãi triều rộng lớn với độ dốc nhẹ, nền đáy cát pha bùn, độ mặn ổn định từ 15-30‰, độ pH dao động từ 7,5-8,5, cùng nguồn thức ăn phong phú từ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khu vực này chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều bán nhật triều không đều, tạo môi trường lý tưởng cho nghêu sinh trưởng. Ðiểm nổi bật khác, đây là bãi nuôi ít chịu tác động từ ô nhiễm công nghiệp hay nước thải sinh hoạt, đảm bảo chất lượng nghêu sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Bãi Khai Long được mệnh danh là “vùng đất vàng” của nghề nuôi nghêu.
Nghề nuôi nghêu tại Ðất Mũi chủ yếu được tổ chức theo mô hình hợp tác xã, giúp người dân quản lý hiệu quả từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khai thác. Quy trình kỹ thuật được áp dụng bài bản và tuân thủ nghiêm ngặt, vừa tối ưu hoá năng suất, vừa bảo vệ môi trường, tạo nên “nhãn hiệu” đặc trưng cho nghêu Ðất Mũi.
Quy trình kỹ thuật - Chìa khoá của chất lượng
Ðể đạt được danh tiếng như hiện nay, nghề nuôi nghêu tại xã Ðất Mũi dựa trên quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu chuẩn bị bãi nuôi đến thu hoạch và bảo quản. Ðầu tiên, việc chọn vùng nuôi đòi hỏi bãi triều phải có độ trong từ 25-40 cm, dòng chảy nhẹ để cung cấp ô xy và thức ăn tự nhiên cho nghêu. Bãi nuôi được dọn dẹp kỹ lưỡng, loại bỏ rác thải, sinh vật gây hại, đồng thời cải tạo nền đáy để đảm bảo độ dày cát từ 10-15 cm, giúp nghêu dễ dàng vùi mình và phát triển.
Nghêu giống phải đạt kích cỡ đồng đều (2-3 ngàn con/kg), vỏ sáng bóng, không dị tật, được chọn từ các cơ sở uy tín mới mang lại hiệu quả cao cho nghề nuôi.
Kỹ sư Tiêu Minh Pho, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, cho biết: "Khâu thả giống cũng được thực hiện cẩn thận. Nghêu giống phải đạt kích cỡ đồng đều (2-3 ngàn con/kg), vỏ sáng bóng, không dị tật, được chọn từ các cơ sở uy tín hoặc khai thác tự nhiên tại những vùng nổi tiếng như: Bến Tre, Tiền Giang, Cần Giờ. Thời điểm thả giống thường vào đầu mùa khô (tháng 2-4) hoặc cuối mùa mưa (tháng 8-10), với mật độ 300-500 con/m², tuỳ thuộc vào điều kiện bãi nuôi. Sau khi thả, người dân theo dõi sát sao trong 48 giờ đầu để đảm bảo nghêu thích nghi tốt với môi trường".
Quá trình chăm sóc, việc kiểm tra định kỳ 1 lần/tuần là không thể thiếu. Người nuôi quan sát tốc độ sinh trưởng, loại bỏ nghêu chết, vệ sinh bãi nuôi và kiểm soát sinh vật gây hại bằng phương pháp thủ công hoặc sinh học. Các yếu tố môi trường như: độ mặn, pH, nhiệt độ nước cũng được đo thường xuyên để kịp thời điều chỉnh. Ðặc biệt, trong mùa mưa bão, công tác quản lý được tăng cường để bảo vệ bãi nuôi khỏi tác động bất lợi.
Hướng tới phát triển bền vững
Nghêu tại Ðất Mũi thường được thu hoạch sau 10-12 tháng nuôi, khi đạt kích cỡ thương phẩm (40-50 con/kg). Việc khai thác diễn ra khi triều rút, sử dụng cào tay hoặc dụng cụ chuyên dụng để tránh làm tổn thương nghêu và bãi triều.
Sau thu hoạch, nghêu được rửa sạch bằng nước biển, phân loại theo kích cỡ và bảo quản trong điều kiện thoáng mát, giữ ẩm bằng túi lưới hoặc bao tải chuyên dụng. Nếu vận chuyển xa, nhiệt độ được duy trì từ 5-10°C để đảm bảo nghêu tươi sống khi đến tay người tiêu dùng.
Khô nghêu được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.
“Nghề nuôi nghêu tại xã Ðất Mũi không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng mà còn là minh chứng cho sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc tránh sử dụng hoá chất, hạn chế tác động mạnh lên bãi triều và phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ hệ sinh thái, giúp duy trì nguồn thức ăn tự nhiên cho nghêu, đồng thời giữ gìn chất lượng sản phẩm. Ðây là yếu tố then chốt tạo nên “nhãn hiệu chứng nhận” cho nghêu Ðất Mũi, thương hiệu không chỉ nổi tiếng trong nước mà trong tương lai sẽ còn vươn xa ra thị trường quốc tế”, Kỹ sư Pho khẳng định.
Với những nỗ lực của ngành chức năng và người dân, nghề nuôi và khai thác nghêu tại xã Ðất Mũi ngày càng khẳng định vị thế, trở thành niềm tự hào của người dân Cà Mau và là hình mẫu cho sự phát triển bền vững trong ngành thuỷ sản Việt Nam./.
Hoàng Pho - Kim Cương