(CMO) Về Thanh Tùng thăm vùng đồng bào Khmer lớn nhất xứ Đầm vào những ngày cuối năm 2019, chúng tôi thật sự ấn tượng với lời chia sẻ của ông Thạch Chia, người có uy tín trong đồng bào dân tộc: “Cuộc sống người Khmer giờ đã phát triển hơn trước nhiều rồi, ước mong lớn nhất của đồng bào chính là không còn cái nghèo đeo bám nữa, phải vươn lên khá giàu để đóng góp cho quê hương”.
Từ những chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào Khmer Thanh Tùng đã có những thay đổi rõ rệt. Khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc đã tạo nên một điểm nhấn tươi sáng trong bức tranh phát triển của toàn huyện Đầm Dơi.
Vượt qua ám ảnh cái nghèo
Xã Thanh Tùng có 6 ấp thì 3 ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó 2 ấp Tân Điền A và Tân Điền B có tới hơn 300 hộ đồng bào Khmer. Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tùng Trần Mỹ Hạnh thông tin: “Đồng bào Khmer đã định cư ở địa phương từ lâu đời. Có thể nói, năm 2019 là năm đột phá về công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc”. Ở giai đoạn khó khăn nhất, 325 hộ người Khmer thì có tới 2/3 thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Để lý giải tình trạng này, ông Thạch Chia cho biết thêm: “Không phải người Khmer không có tài sản, mà do bà con còn nhiều hạn chế trong tính toán làm ăn. Từ đó dẫn đến tình trạng cầm cố, sang bán đất đai”. Nhiều hộ do sinh con đông, chia đất ra manh mún, sản xuất không hiệu quả rồi dần dà cuộc sống rơi vào tình cảnh khó khăn, thắt ngặt. Thêm nữa, một bộ phận đồng bào còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chưa thật sự tự lực vươn lên. Suy nghĩ “mần ngày nào ăn ngày ấy”, từng là rào cản quá lớn để đồng bào vượt qua ám ảnh của cái nghèo.
Đứng trước thách thức ấy, Thanh Tùng đã nỗ lực vào một nhiệm vụ cốt yếu: Thay đổi nhận thức trong đồng bào dân tộc. Phải suy nghĩ đúng thì hành động mới đúng. Quan trọng hơn, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước muốn thực sự hiệu quả thì cần phải có sự đồng thuận, quyết tâm của chính người Khmer. Vậy là cán bộ xã, ấp, người có uy tín trong cộng đồng thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với bà con. Người Khmer được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, vốn, quan trọng nhất là được cầm tay chỉ việc để thực hiện các mô hình kinh tế. Những con số biết nói đã khẳng định kết quả của nỗ lực ấy. Năm 2017, Thanh Tùng còn 139 hộ nghèo người Khmer, năm 2018 giảm còn 109 và hết năm 2019 chỉ còn 90 hộ.
Với 200 con vịt xiêm Pháp, chị Thạch Thị Tha mong muốn tiếp tục gầy đàn để thoát nghèo. |
Niềm tin và hy vọng của người Khmer vào một tương lai mới ngày thêm vững chắc. Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Trần Anh Chót khẳng định: “Người Khmer có nội lực rất lớn, đặc biệt là có kỹ năng trong lao động sản xuất. Chỉ cần hỗ trợ hợp lý, giúp họ có động lực, có niềm tin và có định hướng phát triển thì việc thoát nghèo trong tầm tay. Thậm chí có những hộ Khmer đã vươn lên khá giàu và có sự hỗ trợ tích cực cho đồng bào lân cận”. Thanh Tùng là điểm sáng trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc của toàn huyện Đầm Dơi. Điều quan trọng nhất không phải là những hộ thoát nghèo đều có cuộc sống ổn định, mà chính là suy nghĩ của bà con đã thay đổi tích cực.
Thay vì cuộc sống tạm bợ, quẩn quanh trước đây, đồng bào Khmer của Thanh Tùng nói riêng, của Đầm Dơi nói chung đã biết tính toán cho những mục tiêu phấn đấu dài hơi. Nói như ông Thạch Chia thì “bà con Khmer ở huyện khác có xóm triệu phú, làng đại học, tại sao ở Thanh Tùng mình không làm được?”. Những lúc tâm tình với bà con, ông Thạch Chia trải lòng: “Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, nếu bà con còn nghèo hoài thì xấu hổ lắm. Phải nỗ lực thoát nghèo, nỗ lực vươn lên, chăm lo cho thế hệ tương lai để người Khmer vùng mình đi tới đâu thì tiếng lành, tiếng thơm vang tới đó”.
Rộn ràng sắc xuân
Ấp Tân Điền B, nơi có 222 hộ người Khmer sinh sống ở Thanh Tùng đang rộn rã vào xuân. Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Dũng bộc bạch: “Mới mấy năm trước thôi, các đoàn công tác về đây đều thật sự lo lắng cho tình hình đời sống đồng bào Khmer. Nhưng bây giờ khác lắm đó!”. Cùng anh Dũng ghé thăm bà con ở xóm Khmer nơi đây, mới thấy biết bao nhiêu điều ấm áp. Chị Trần Mỹ Hạnh khoe: “Đồng bào đang triển khai 2 mô hình nuôi vịt xiêm Pháp và trồng hoa màu. Đến thời điểm này, các mô hình đều cho kết quả khá lắm”.
Bà Kim Thị Phượng vừa cho đàn vịt ăn, vừa tính: “Đợt này tôi được hỗ trợ 200 con, nuôi hao một mớ, nhưng còn hơn 100 con vịt chuẩn bị xuất bán dịp tết là mừng lắm rồi”. Một thân một mình nuôi 3 đứa con, không đất đai sản xuất, có lúc bà Phượng nghĩ cái nghèo sẽ đeo bám mình suốt đời, suốt kiếp. Nhìn những cán bộ xã, ấp đến nhà, bà xúc động: “Người Khmer ở đây ai cũng biết ơn cán bộ hết. Xã, ấp thì hàng ngày tới, còn huyện, tỉnh cũng có xuống thăm. Như vậy là bà con vững lòng lắm. Nói thiệt, một con vịt hao thôi, tôi cũng thấy có lỗi”.
Mô hình trồng dưa hấu cho thu nhập khá của gia đình ông Nguyễn Văn Hoá. |
Chị Thạch Thị Tha phấn khởi bởi đàn vịt phát triển tốt: “Nhà làm chỗ uống nước, chuồng che nắng cho vịt đàng hoàng. Loại vịt xiêm này lớn con lắm, con bự hết cỡ 7-8 kg đó”. Chị Tha cũng thuộc đối tượng hộ nghèo, nhận 200 con vịt hỗ trợ, khẳng định: “Hồi đó tới giờ, đây là tài sản lớn nhất mà tôi có được. Mình nuôi bán một mớ, rồi gầy đàn nuôi nữa chớ. Mai mốt cũng phải tính chuyện thoát nghèo với người ta”. Chị Tha cười tươi rói: “Mời mấy anh cán bộ tết về nhà tôi ăn vịt nha. Năm nay ăn tết lớn à”.
Đâu đâu ở Tân Điền B cũng rộn rã không khí lao động sản xuất. Chúng tôi về thăm rẫy dưa hấu của ông Thạch Văn Thiên và ông Nguyễn Văn Hoá mà không tin vào mắt mình. Đất Thanh Tùng phèn mặn nặng, lại thêm mấy đợt triều cường vừa rồi, hầu hết đất đai, thậm chí lộ bê tông cũng ngập lút. Vậy mà lứa dưa hấu đón tết lại căng mẩy, xanh tốt. Hỏi kỹ ra thì nghề trồng dưa xuất hiện trong đồng bào Khmer ở đây từ 5-7 năm trước. Có người không tin, thách đố ai trồng được dưa hấu trên đất này thì… mua hết. Rồi khi vụ dưa thu hoạch, bà con xúm lại trầm trồ với những trái dưa to, đỏ, ngọt không thua kém bất cứ nơi đâu.
Người Khmer rất chân tình, như câu nói của ông Nguyễn Văn Hoá: “Trồng dưa có gì khó đâu, chỉ cần chịu khó làm đất, tưới nước tối ngày, coi sóc hết vụ…”. Nói là nói vậy, theo người dân ở đây, đất trồng hàng rào cây xanh 3 năm còn còi cọc, mà thứ dâm bụt, mật gấu là loại cây tạp dễ trồng còn vậy, thì rau màu, dưa hấu khó đến mức nào. Ấy vậy mà người Khmer Tân Điền B vẫn làm được, mỗi vụ dưa hấu thu về tiền chục triệu, thật là cảm phục.
Còn một câu chuyện nữa ở Tân Điền B mà trong chuyến đi này chúng tôi càng suy ngẫm càng thấm. Ấy là khi về với bà con Khmer, thường phải “lai rai” chút đỉnh, nhưng ở Tân Điền B rất khác. Những hộ gia đình mà chúng tôi ghé thăm đều một câu hẹn là “tết về đây chơi”. Một anh cán bộ còn tiết lộ: “Người Khmer Tân Điền B giờ chỉ mời rượu khách vào dịp tết của đồng bào, Tết Nguyên đán, đám tiệc, đặc biệt là dịp… thoát nghèo”, nói xong anh này cười ý nhị.
Hẹn bà con vùng Khmer lớn nhất ở xứ Đầm, tết sẽ về chơi. Hẹn mỗi năm, dịp tổng kết công tác giảm nghèo của đồng bào sẽ có những con số mới tích cực hơn, mà chúng tôi nếu may mắn sẽ được cùng bà con chung vui. Hẹn những điều tốt đẹp nhất trong hành trình vươn lên của Thanh Tùng, trong gió xuân phơi phới./.
Đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện Đầm Dơi hiện có 1.767 hộ, chiếm 4,05% số hộ toàn huyện, có 8.122 khẩu, chiếm 4,13% số khẩu toàn huyện. Trong đó có 546 hộ nghèo, chiếm 31% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 18,7% hộ nghèo toàn huyện. Cận nghèo 79 hộ, chiếm 4,5% trong tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 7,2% hộ cận nghèo toàn huyện. |
Phạm Quốc Rin