(CMO) Xuân này là mùa xuân thứ 40 kể từ lúc huyện U Minh thành lập. Nhìn lại chặng đường đã qua và những gì đạt được trong 40 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ, quân, dân U Minh rất đỗi tự hào.
Ông Lê Tấn Tải, nguyên Phó bí thư Huyện uỷ U Minh, cho biết: “U Minh là huyện sinh sau đẻ muộn của tỉnh, điều kiện ban đầu rất khó khăn. Thế nhưng, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và sự chung sức của Nhân dân, sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, huyện từng bước phấn đấu vươn lên”.
Là những người lạc quan nhất, ít ai dám nghĩ rằng U Minh bây giờ phát triển nhiều đến vậy. Trước đây, muốn đến Cà Mau phải di chuyển bằng tàu đò mất cả ngày, thì nay, hệ thống giao thông được thông suốt. Lộ giao thông từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã được nối dài. 100% lộ ô tô về đến trung tâm các xã. Những chuyến xe buýt liên huyện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mỗi ngày. Lộ giao thông đến đâu, đời sống người dân phát triển theo đến đó vì thuận tiện trong đi lại, giao thương hàng hoá.
Bà Nguyễn Thị Thu Tư, Ấp 4, xã Khánh Lâm, phấn khởi: “Tôi không ngờ huyện U Minh phát triển nhanh chóng như bây giờ. Lúc trước muốn đi Cà Mau 5 giờ sáng phải thức, đi 3 tiếng mới tới Cà Mau. Về chờ đò 3 giờ chiều mới có, tới nhà là chạng vạng. Bây giờ có lộ xe mở ra, đi Cà Mau chỉ mất 1 tiếng đồng hồ, thuận lợi rất nhiều mặt”.
Ông Nguyễn Minh Văn, Ấp 3, xã Khánh Lâm, phấn khởi: “Bây giờ làm lúa khoẻ lắm, khâu nào cũng có máy móc hết. Từ cày ải, gieo hạt đến gặt đập liên hợp. Nông dân bây giờ không phải động tay động chân nhiều. Đến khâu xịt thuốc trừ sâu cũng có bình điện tử nên rất khoẻ”.
Kinh tế thuỷ sản đóng góp không nhỏ vào cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện U Minh có ngư trường rộng lớn với đội tàu hàng trăm chiếc. Người dân U Minh ngày đêm bám ngư trường, vừa mang về thu nhập cho gia đình, vừa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Con tôm sú bám đất U Minh và đóng góp không nhỏ vào thu nhập của người dân. Toàn huyện có trên 20 ngàn héc-ta đất nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến.
Kinh tế rừng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của huyện. |
Vài năm gần đây, rừng kinh tế giúp nông dân trên lâm phần thực sự đổi đời. Doanh thu từ rừng liên tục tăng kéo theo đời sống dân xứ rừng ngày càng được cải thiện. Những tỷ phú, triệu phú giữa đất rừng không còn là chuyện hiếm. Ngoài cây tràm cừ bản địa, cây keo lai, tràm Úc mang đến triển vọng mới, giúp nâng cao hơn nữa thu nhập từ rừng kinh tế. Gần đây, mô hình keo lai gỗ lớn được đưa vào thực hiện mang đến nhiều hy vọng trong tương lai.
Ông Phạm Văn Kiệm, ở Ấp 13, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Bây giờ tràm tôi trồng chuẩn bị khai thác, cỡ 100 triệu đồng/ha. Đời sống gia đình tôi cũng như dân ở đây rất tốt, thoải mái. Nhà nước đầu tư điện, đường đầy đủ hết. Sống trong lâm phần bây giờ cũng đầy đủ cả, xe chạy dập dìu đến tận nhà bán mọi thứ”.
Lưới điện quốc gia phát triển nhanh chóng cùng với quá trình phát triển của huyện, len lỏi đến vùng quê hẻo lánh nhất. Toàn huyện có hơn 1.200 km đường dây trung thế và hạ thế. Số hộ dân sử dụng điện quốc gia chiếm trên 9,8%. Điện về không chỉ làm bừng sáng vùng quê nghèo khó mà còn tạo động lực để người dân phát triển kinh tế.
Từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, quê hương U Minh đang thay đổi từng ngày. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, người dân cũng chỉnh trang, xây cất nhà cửa, tạo bức tranh tươi sáng cho vùng quê. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM là Khánh Hoà, Khánh An và Khánh Tiến. Các xã còn lại bình quân đạt 15/19 tiêu chí. Từng được biết đến là huyện nghèo nhất của tỉnh, nếu như thời điểm năm 2015 hộ nghèo chiếm gần 22% theo chuẩn đa chiều, nay huyện U Minh còn 995 hộ nghèo, chiếm 3,84%; Cận nghèo 595 hộ, chiếm 2,3%.
40 năm, một hành trình đủ dài để huyện U Minh vươn mình mạnh mẽ, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Đảng bộ, quân và dân huyện U Minh chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa huyện ngày càng phát triển. Hiện nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chức trách của cán bộ, công chức phục vụ Nhân dân. Tiếp tục định hướng, sắp xếp các ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang hình thành. Huyện đang đầu tư, tập trung phát triển du lịch. Đây là một trong những giải pháp để đưa U Minh phát triển xa hơn nữa”.
Bao năm qua đi, rừng U Minh, dòng sông Cái Tàu vẫn còn đó, vẫn giữ nét đặc trưng riêng của quê hương U Minh. Riêng có một điều thay đổi, đó chính là sự đi lên về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Để rồi khi nhắc đến U Minh, người ta không chỉ biết đến một địa danh lịch sử, mà ở đó còn có sự năng động và phát triển của một vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ./.
Trần Chương