(CMO) Mấy ngày nay ấp Kinh Hãng C cứ râm ran đồn đoán có người phụ nữ đem 2,5 chỉ vàng lên xã ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Câu chuyện trên không có gì bàn cãi hay nói tới nếu như "nhân vật chính", chị Đỗ Kim Phượng, ấp Kinh Hãng C, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời chỉ thuộc diện đủ ăn đủ mặc.
2,5 chỉ vàng đó chị dành dụm để sửa lại nhà. Mùa mưa sắp tới, nỗi lo "ở ngoài mưa lớn, bên trong mưa nhỏ" không bằng cái lo nơm nớp dịch bệnh trước mắt. Biết sao giờ, dịch đến thì lo trước, nhà cửa lo sau, trời còn nắng thì... thủng thẳng tính.
Mỗi người góp một ít cũng nên chuyện lớn
Duy trì sản xuất trong thời điểm dịch cũng là cách để chị Huyền giúp người lao động khó khăn không mất đi khoản thu nhập chính. |
Nhà có 5 khẩu, thêm đang nuôi mẹ già bệnh tai biến hơn 1 năm nay nhưng đại gia đình chị Kim Phượng hết sức lạc quan. Chuyện nước cũng là chuyện trong nhà, nghĩ thế chị bàn với chồng đem số vàng chắt mót ủng hộ chống dịch. Chồng chị gật đầu cái rụp, thế là 2,5 chỉ vàng đến xã Khánh Hưng trong thời gian nhấp nháy.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Hãng C Nguyễn Hồng Phượng chia sẻ: “Ngày chị Phượng đem vàng lên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, mấy anh ở xã nhận mà tay run run. Gì chớ ở đây ai mà không rành gia cảnh chị, quý lắm, không phải ai cũng suy nghĩ được vậy. Mà có khi suy nghĩ thôi cũng chưa chắc làm à”.
Chưa dừng lại ở đó, nghe chị vận động, tuyên truyền, ba chồng chị, rồi đứa con gái cũng lên xã góp thêm 400.000 đồng. Số tiền không phải nhiều gì cho cam nhưng với lao động lớn tuổi ở nông thôn, đây là khoản thu nhập lớn.
Chị Kim Phượng bộc bạch: “Tôi theo dõi hổm nay, thấy mấy chú bộ đội cực khổ quá, nhường chỗ cho người dân ra rừng cắm lều ăn ngủ, tôi thấy xót quá. Thôi kệ, bà con khoẻ thì gia đình khoẻ, của ít lòng nhiều”.
Số vàng chị Kim Phượng ủng hộ chống dịch được chị tích góp từ 3 năm nay để sửa lại một phần nhà trước. Gia đình vỏn vẹn có 5 công đất vườn, chị Phượng là Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hãng, chồng chị phải làm thuê bên ngoài trong khi nhà đã xuống cấp, những chỗ rách, dột được chắp vá, che chắn bằng vải, bạt cao su để tạm bợ qua ngày. Không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ, chị Phượng còn sốt sắng tuyên truyền người dân trong xóm nhắn tin ủng hộ, quyên góp phòng, chống dịch Covid-19. Đó là "việc ở xa", còn chuyện trong xóm, ấp thì chị góp tiền mua vải để may khẩu trang phát cho mọi người.
Vẫn tâm thế phòng dịch từ xa, chị Phượng tâm niệm, có bao nhiêu góp bấy nhiêu, có của góp của, không của thì góp sức, góp công, không sợ nhọc lòng. Cứ thế, mỗi người góp một ít cũng nên chuyện lớn.
Đâu phải đợi dư dả mới sẻ chia...
Dịch Covid-19 kéo dài, xuất khẩu hàng khó khăn, mấy tháng nay Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Huyền Yumi (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) rơi vào tình trạng trì trệ, hoạt động cầm chừng. Dù vậy, chị Trần Thị Huyền, Giám đốc công ty, vẫn hoạt động từ thiện hết công suất, điểm đến là những vùng khó khăn, hộ nghèo bị ảnh hưởng của dịch.
Không thể nhớ hết các khoản ủng hộ từ đầu năm đến nay, chị Huyền "nhắm chừng" đã ủng hộ khoảng 60 triệu đồng, trong đó chủ yếu để mua khẩu trang, gạo, nhu yếu phẩm phát cho bà con nghèo và tại bệnh viện.
Chị Huyền bộc bạch: “Từ đầu năm đến giờ mình cũng khó khăn, nhưng thấy người nghèo còn khó khăn hơn nên mình giúp, xuất phát từ tâm nên mình không nghĩ gì hết. Có bao nhiêu giúp bấy nhiêu, chớ đợi giàu có hay khá giả, hoặc khi có dư mới chia sẻ, lúc đó chắc người ta không cần mình giúp nữa”.
Cũng như em gái, chị Trần Mỹ Hạnh, chị của chị Huyền, thường xuyên theo dõi báo đài và sẵn sàng giúp đỡ hoàn cảnh cơ nhỡ dù ở cách xa hàng trăm, hàng ngàn cây số.
“Lần đó tôi đọc được một bài trên báo Tuổi trẻ đăng tải thông tin em bé nhỏ tuổi phải vất vả mưu sinh, thấy có số tài khoản giúp đỡ kèm theo bài, tôi liền kêu con chuyển khoản”, chị Hạnh chia sẻ.
Dù chuyện xảy ra đã lâu, nhưng đến nay chị Hạnh vẫn không thôi trăn trở: “Số tiền mình cho lúc đó không nhiều, chi tiêu thời gian là hết, sau đó vẫn tiếp tục khó khăn. Lẽ ra cần tìm cách nào để bé có thể vượt qua khó khăn, đến nay tôi vẫn còn day dứt mãi”.
Trong cuộc sống hàng ngày, thông qua việc nhờ con chuyển khoản giúp đỡ hoàn cảnh nào đó, cũng chính là cách chị Hạnh truyền cảm hứng biết yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn cho con mình.
Chị Huyền, chị Hạnh bộc bạch, tuy các chị vẫn còn khó khăn nhất định, nhưng bằng tất cả những gì có được, các chị sẽ thực hiện các hoạt động thiện nguyện trong khả năng của mình. Những ai còn khó khăn về việc làm, cần hỗ trợ, chị sẵn sàng nhận vào hoặc giới thiệu những công việc phù hợp, của cho không bằng cách cho.../.
Yến Nhi