(CMO) Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trong chuyến khảo sát thực địa tại khu vực xây dựng công trình Nhà máy Điện gió Tân Thuận ở cửa biển Gành Hào, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi ngày 16/5.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Cà Mau thực hiện 2 chuyến khảo sát, làm rõ các kiến nghị về vị trí thi công các trụ tua bin của dự án Nhà máy Điện gió Tân Thuận ảnh hưởng đến luồng lạch của tàu thuyền ngư dân ra vào cửa biển. Tuy nhiên, nội dung khảo sát của các ngành chức năng chưa đầy đủ. Chuyến khảo sát lần này của Phó Chủ tịch UBND Lê Văn Sử nhằm giải quyết thấu đáo các vấn đề kiến nghị của ngư dân và chủ đầu tư.
Nhà máy Điện gió Tân Thuận có chủ đầu tư là công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau, công suất 75MW, tổng thầu là công ty Cổ phần xây dựng Điện 2, 18 trụ tua bin, khởi công vào cuối năm 2019. Theo thiết kế, mỗi trụ tua bin cách nhau 450 mét, hiện dự án đang thi công giai đoạn đầu với 6 trụ tua bin. Thông tin từ chủ đầu tư cho biết, tiến độ thi công đang được tập trung đẩy nhanh để có thể khai thác điện từ cuối năm 2021.
Dự án Điện gió Tân Thuận đang triển khai giai đoạn đầu với 6 trụ tua bin. Đây là dự án năng lượng được đặt nhiều kỳ vọng, tạo ra cú hích về kinh tế - xã hội cho cửa biển Gành Hào. |
Trước khi khảo sát thực địa, đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với ngư dân ở cửa biển Gành Hào (thuộc 2 huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau và huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu); đại diện các sở, ngành chức năng Cà Mau, Bạc Liêu và đại diện chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Tân Thuận. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, theo nắm bắt thông tin, ý kiến phản ánh trụ tua bin số 4 của công trình đã nằm vắt ngang luồng tuyến truyền thống tại cửa biển Gành Hào. Cũng có ý kiến đặt vấn đề, tại sao nằm vắt ngang cửa biển giáp ranh Bạc Liêu và Cà Mau. Về vấn đề này, theo văn bản thống nhất giữa 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu ngày 8/8/2009, thì điểm giáp ranh trên biển được thể hiện trên bản đồ đã có sự khác biệt lớn so với thời điểm hiện tại. Cụ thể, do quá trình xói lở, thay đổi luồng chảy, vị trí cửa biển Gành Hào hiện nay đã có sự dịch chuyển so với vị trí giáp ranh cũ về phía huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Chuyến khảo sát thực địa sẽ khảo sát và đo độ sâu ở các vị trí mặt cắt ngang cửa biển Gành Hào, đồng thời thực hiện đo độ sâu lòng lạch truyền thống theo ý kiến ngư dân. Các bên liên quan gồm ngư dân và đại diện của sở, ngành, UBND tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu sẽ trực tiếp tham gia khảo sát, có biên bản ghi nhận kết quả đo đạc để đảm bảo tính dân chủ, khách quan, trung thực, khoa học. Ý kiến của ngư dân Đặng Văn Hoà, ấp 1, thị trấn Gành Hào đặt vấn đề, do luồng lạch truyền thống thì đã có từ lâu, sau đó, phía công trình Nhà máy Điện gió Tân Thuận lại tiếp tục tạo thêm một luồng mới. Tuy nhiên, vị trí tua bin số 4 lại nằm giữa cửa biển, khoảng cách 450 m giữa các trụ tua bin trong điều kiện sóng gió phức tạp của cửa biển Gành Hào thì không đảm bảo an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tham khảo các bản đồ và thiết kế dự án trước khi khảo sát thực địa tại khu vực cửa biển Gành Hào, nơi triển khai dự án Điện gió Tân Thuận. |
Tiếp đó, đoàn tiến hành khảo sát thực địa, gồm đo đạc độ sâu luồng tuyến bằng các thiết bị hiện đại (gồm 2 hệ thống riêng biệt để có đối sánh khách quan) và đánh giá thực tế ảnh hưởng của dự án Điện gió Tân Thuận đến việc lưu thông tàu thuyền của ngư dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị: "Thực hiện khảo sát kỹ thuật một cách chính xác tại cửa biển Gành Hào một lần nữa. Sau đó đoàn công tác sẽ chuyển các số liệu thực địa để ngành chuyên môn xử lý, tính toán và sau đó kịp thời thông tin rộng rãi, có kết luận cụ thể đối với từng vấn đề kiến nghị của người dân và các bên liên quan". Sau khi có kết quả xử lý số liệu, đối chiếu lại với quy định của pháp luật, ý kiến phản ánh của người dân để có giải pháp xử lý triệt để, thấu đáo nhất. Nếu công trình vi phạm thì phải điều chỉnh, còn nếu đúng quy hoạch, quy định thì cần giải thích và căn cứ vào khoa học, pháp luật để tuyên truyền, vận động người dân hợp tác.
Điện gió Tân Thuận là một trong những dự án năng lượng tiên phong, được đặt nhiều kỳ vọng. Cần phải giải quyết thấu đáo các dư luận, kiến nghị, nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, đơn vị thi công đảm bảo tiến độ. Quan điểm nhất quán của UBND tỉnh là không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ quyền lợi của người dân. Trái lại, khi các công trình, dự án có quy mô, có hiệu ứng kinh tế - xã hội lớn hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ là cú hích để góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà. Vì vậy các bên liên quan cần nhìn vào lợi ích chung, lâu dài và có đánh giá khách quan, khoa học, đối với các vấn đề phát sinh từ dự án này. Kết luận của UBND tỉnh Cà Mau về nội dung này dự kiến sẽ tổ chức vào chiều ngày 20/5, báo Cà Mau online sẽ tiếp tục cập nhật.
Quốc Rin